Nổi lên từ những năm 2010 trở lại đây, Mạng xã hội (Social Media) đã trở thành một loại hình truyền thông mới, chi phối mọi mặt đời sống con người, và đánh dấu sự bùng nổ thông tin cực kì lớn mạnh trong thời đại mới nơi người ta có thể đưa cuộc sống của mình lên thế giới ảo – nơi mọi sự kiện được cập nhật một cách chóng vánh, nơi con người ta vừa thể hiện bản thân mình thông qua việc Quản trị Hình ảnh (Impression Management) bản thân nhưng cũng khôn khéo dấu đi những khoảng tối trong cuộc sống hiện thực của họ để có thể “bán” bản thân một cách dễ hơn.
Bắt đầu từ giữa những năm 80 của thế kỉ trước, với hai đại diện tiêu biểu khi ấy là Ronald Reagan – Đồ tể của công nhân kiểm soát không lưu Mỹ, kẻ xúi giục các ông chủ kền kền tư bản tham gia vào một cuộc đồ sát quy mô lớn nhằm vào những cuộc đình công của công nhân thời đó và Margaret Thatcher – “Bà đầm thép” nặng nề đè bẹp dí công nhân thợ mỏ và công nhân đường sắt Anh. Tuy vậy, hai con người này được biết tới rộng rãi hơn cả trong vai trò là cha thần mẹ thánh đánh dấu sự khai sinh của Chủ nghĩa Tư bảnTân tự do (Neoliberalism). Với ý tưởng trung tâm là phá bỏ vai trò kiềm tỏa của nhà nước, thay vào đó đưa cơ chế thị trường nắm giữ và điều phối tất thảy. dưới sự trợ lực lớn lao của Toàn cầu hóa, Chủ nghĩa Tân tự do, một mặt, đã cung cấp ống thở oxi cho đám chủ tư bản tiếp tục được gần ba thập kỉ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sống một cách đầy bất ổn cho tới ngày nay, mặt khác, đã tạo nên một sự xáo trộn và đổ vỡ trên mọi khía cạnh cuộc sống loài người. Mọi điều trong xã hội tân tự do, bất kể là tự do, đạo đức hay sự nhân văn đều bị nghiền nát dưới guồng quay vô độ và vô nhân tính hệ thống tư bản, nơi không một ai – kể cả chính nhà tư bản có cơ may đào thoát.
Là bóng ma ám ảnh thế kỉ XX, chủ nghĩa dân tộc – dân túy và đứa con ghẻ của nó là Chủ nghĩa toàn trị (Authoritarianism) – thứ đã từng ném hàng chục triệu người trên thế giới vào cỗ máy xay thịt tàn bạo và khủng khiếp bậc nhất mang tên CHIẾN TRANH, giờ đây, sau những sự đứt gãy trong sự vận hành của hệ thống tư bản cùng những cuộc khủng hoảng của nó đã tạo những điều kiện thuận lợi để Chủ nghĩa toàn trị quay trở lại. Đó là sự trỗi dậy của các phái dân túy châu Âu, sự kiện Brexit, Donald Trump thắng cử và gần đây nhất là chiến thắng của đảng cực hữu tại Ý, kèm theo sự nổi lên của hàng loạt lãnh đạo kiệt xuất với tài năng hút máu nhân dân như Narendra Modi, Viktor Órban, Jair Bolsonaro, etc
Mạng xã hội – Chủ nghĩa Tân tự do – Chủ nghĩa dân túy. Ba yếu tố tưởng chừng chẳng can hệ gì tới nhau này hóa ra lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết. Mối quan hệ này đã được khai mở bởi hai nhà nghiên cứu – Tiến sĩ Xã hội học Jeremiah Morelock và Tiến sĩ Felipe Ziotti Narita trong cuốn tác phẩm của họ “The Society of The Selfie – Social Media and The Crisis of Liberal Democracy”.
Thông qua phương pháp biện chứng (Dialectic) được kế thừa từ Hegel, cùng với khái niệm Xã hội diễn cảnh (The Society of Spectacle) của nhà triết gia Marxist nổi tiếng Guy Debord, kết hợp với các lập luận dưới các góc nhìn xã hội học, tâm lý học, chính trị học, kinh tế học,… Các tác giả đưa ra lời giải thích cặn kẽ cho mối liên hệ giữa ba khái niệm trên, trước hết là Chủ nghĩa tân tự do tới Mạng xã hội. Dưới tác động từ những ảo ảnh được tạo ra từ thế giới Tân tự do, Mạng xã hội trở thành một sàn diễn cực lớn và tất cả mọi người trong đó đều là những diễn viên bị chi phối bởi hệ giá trị và thế giới quan tư bản đặt ra. Tiếp đó, với những cơ chế sẵn có trong nó (xin độc giả đọc tác phẩm hoặc ít nhất đọc qua phần mục lục để nắm thêm), Mạng xã hội lại trở thành một nền tảng cho sự phân cực, gián tiếp thúc đẩy mâu thuẫn xã hội và đặc biệt trở thành một cánh đồng màu mỡ cho sự nảy mầm và lan truyền của những luồng tư tưởng độc hại. Chúng đẩy con người tới một tình trạng chia rẽ và mâu thuẫn một cách cực đoan. Trong tình cảnh xã hội như vậy, các tác giả trích dẫn lý thuyết “Sadomachism” (Khổ dâm) được nhà Tâm lý học Erich From đề xuất. Sự Khổ dâm là xu hướng khi người ta trở nên vô cùng yếu ớt và hoang mang tới mức buộc phải trở thành kẻ thống trị, khao khát sự thống trị (như H.i.t.l.e.r) – họ phải dựa vào một đám đông, phải được tung hô để cảm thấy mình có giá trị. Hoặc, trở thành kẻ bị trị – phải phụ thuộc, đói khát sự bị trị, sự phủ phục trước một lãnh tụ, một cộng đồng để cảm thấy mình được tồn tại và thuộc về. Xu hướng Khổ dâm này biến con người trở thành một loài động vật vô tri, dễ bị chi phối và điều khiển. Từ đó, thúc đẩy quá trình hữu hóa tại các quốc gia trên thế giới, tạo tiền đề cho sự trỗi dậy của các nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu và xa hơn là chủ nghĩa Toàn trị – xu hướng đã được chứng minh ở một số quốc gia trên thế giới hiện nay như Ấn Độ, Hungary, Trung Quốc, etc…
Đây là một cuốn sách PHẢI ĐỌC với những ai muốn hiểu được nhiều phần trong sự vận hành của thế giới ngày nay, đặc biệt là cách mạng xã hội chi phối thế giới. Dù có những phân tích không mấy tươi sáng, song, các tác giả cũng thể hiện sự tích cực và niềm hi vọng của mình với Mạng xã hội. Thông qua các dẫn chứng về các phong trào xã hội xuất phát từ chính quần chúng và được thúc đẩy bởi mạng xã hội như
#MeToo,
#BlackLiveMatter, Phong trào Chiếm phố Wall, etc cùng với những cơ chế có thể tận dụng của mạng xã hội, tác giả bày tỏ niềm hi vọng về cơ hội cho một nền tảng xã hội dân sự mang tầm vóc toàn cầu tới từ mạng xã hội phục vụ cho một cuộc c.á.c.h m.ạ.n.g toàn cầu về sau này.