Chiến tranh Gaza và chủ nghĩa phát xít của Israel

Chiến tranh Gaza và chủ nghĩa phát xít của Israel

Alberto Toscano

Những người chỉ trích các chính sách phân biệt chủng tộc và chính phủ cực hữu của Israel thường xuyên bị cáo buộc là bài Do Thái, nhưng những người Israel cánh tả và phe cánh tả nói chung đã chỉ trích việc đất nước này rơi vào chủ nghĩa phát xít trong nhiều năm nay. Trong bài viết này, Alberto Toscano lập luận rằng chủ nghĩa phát xít đã gắn liền với dự án thuộc địa của Israel.

What Makes Israel's Far Right Different – Foreign Policy

Được các chính phủ phương Tây bật đèn xanh và được mô tả bởi vô số các chuyên gia nhân quyền [1] là hành vi thể hiện “ý định diệt chủng”[2], sự trả đũa của Nhà nước Israel đối với cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 cũng đã làm dấy lên cuộc bàn tán về chủ nghĩa phát xít ở nhà nước này. Trong một tuyên bố tập thể, Liên minh Giáo sư và Nhân viên Đại học Birzeit đã nói về ‘chủ nghĩa phát xít thuộc địa‘[3] và về ‘lời kêu gọi giết người Ả Rập mang tính khiêu dâm của các chính trị gia theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái xuyên đảng phái chính trị’; trong tuyên bố riêng của Đảng Cộng sản Israel (Maki) và liên minh cánh tả Hadash, họ cho rằng ‘toàn bộ trách nhiệm của ngày 7 tháng 10 thuộc về chính phủ cánh hữu phát xít đã khiến tình hình trở nên gay gắt và nguy hiểm hơn‘ [4]; trong khi đó, tổng thống Colombia Gustavo Petro mô tả cuộc tấn công dữ dội vào Gaza là ‘cuộc thí nghiệm coi tất cả chúng ta là thứ có thể bỏ đi’, trong một ‘năm 1933 toàn cầu‘ được đánh dấu bởi thảm họa khí hậu và sự cố thủ của chủ nghĩa tư bản. Việc trích dẫn những dòng này có thể được liệt vào [5] định nghĩa về chủ nghĩa bài Do Thái của tổ chức IHRA (International Holocaust Remembrance Alliance – Liên minh tưởng nhớ sự kiện Holocaust quốc tế), vốn đóng vai trò là một công cụ quan trọng trong nỗ lực ngăn chặn hoạt động đoàn kết quốc tế hòa bình chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Israel, đặc biệt là dưới  Phong trào Tẩy chay, Thoái vốn và Trừng phạt (Boycott, Divestment and Sanctions – hay còn gọi tắt là BDS).

Tuy nhiên, việc thừa nhận rằng một chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành trong chính phủ Netanyahu mới nhất và thậm chí cả xã hội Israel nói chung dường như đã trở nên nổi bật trong các cuộc thảo luận công khai ở ngay chính Israel, nhất là sau các cuộc biểu tình phản đối những cải cách tư pháp gần đây nhằm mục đích loại bỏ sự tự trị được công chúng ca ngợi của Tòa án tối cao Israel. Bốn ngày trước cuộc tấn công của Hamas, tờ báo Ha’aretz đã xuất bản một bài xã luận với tiêu đề ‘Chủ nghĩa phát xít mới của Israel đe dọa cả người Israel và người Palestine‘ [6]. Một tháng trước đó, 200 học sinh trung học Israel đã tuyên bố từ chối nhập ngũ bằng những lời như sau: ‘Chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi không thể phục vụ một nhóm người định cư theo chủ nghĩa phát xít hiện đang nắm quyền kiểm soát chính phủ.‘ [7] Vào tháng 5, một bài viết do ban biên tập của tờ Ha’aretz đã bày tỏ ý kiến [8] rằng thành viên của chính phủ Netanyahu thứ sáu đang thi nhau để xem ai phát xít hơn. Hầu như không có động thái nào liên quan đến chủ nghĩa toàn trị mà không được một trong những thành viên cực đoan của nó đề xuất và được những người bất tài còn lại thi hành. Bài báo cũng miêu tả một cuộc ‘cách mạng phát xít Israel‘ [9], thứ đạt đủ mọi tiêu chí của chủ nghĩa phát xít, từ phân biệt chủng tộc thâm độc đến coi thường sự yếu kém, từ ham muốn bạo lực đến quan điểm chống chủ nghĩa trí thức.

Những cuộc bút chiến và tiên lượng gần đây đã được dự đoán trước bởi các trí thức lỗi lạc như nhà sử học nghiên cứu về phe cực hữu nổi tiếng Ze’ev Sternhell, người đã viết về ‘chủ nghĩa phát xít ngày càng phát triển và sự phân biệt chủng tộc giống như chủ nghĩa Quốc xã thời kỳ đầu‘ [10] ở Israel đương đại, hay nhà báo và nhà hoạt động vì hòa bình Uri Avnery, người đã trốn thoát khỏi Đức Quốc xã lúc 10 tuổi, và không lâu trước khi qua đời vào năm 2018, khai báo [11] rằng:

sự phân biệt đối xử đối với người Palestine trong mọi lĩnh vực của cuộc sống có thể được so sánh với cách Đức Quốc xã đối xử với người Do Thái trong giai đoạn đầu của chính quyền phát xít. (Thực chất thì sự áp bức người Palestine tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng giống với cách Đức Quốc xã đối xử với người Séc trong “vùng bảo hộ” sau vụ phản bội Munich.) Cơn mưa các dự luật phân biệt chủng tộc tại quốc hội Israel, những dự luật đã được thông qua và đang được biên soạn, rất giống với những đạo luật được Reichstag thông qua trong những ngày đầu của chế độ Đức Quốc xã. Một số giáo sĩ Do Thái kêu gọi tẩy chay các cửa hàng Ả Rập. Giống như thời đó. Lời kêu gọi ‘Cái chết cho người Ả Rập’ (giống ‘Judah verrecke’ – “chết đi bọn Do thái”) thường xuyên được nghe thấy trong các trận đấu bóng đá.

Tất nhiên, sự so sánh này không có gì mới. Những người như Hannah Arendt và Albert Einstein đã ký một lá thư gửi Thời báo New York sau vụ thảm sát Deir Yassin năm 1948 chỉ trích Herut (tiền thân của đảng Likud bảo thủ cầm quyền của thủ tướng Netanyahu) là ‘giống với các đảng Quốc xã và Phát xít về mặt tổ chức, phương pháp, triết lý chính trị và sự hấp dẫn về mặt xã hội ‘ [12].

Avnery cũng chỉ ra Bộ trưởng Bộ Tài chính hiện tại, Bezalel Smotrich, là ‘tên phát xít Do Thái chính gốc‘ [13]. Smotrich, người đã vui vẻ tự gọi mình là ‘người phát xít chống đồng tính” [14] đã bày ý định diệt chủng của chính mình nhằm ‘hủy bỏ’ mọi hy vọng của người Palestine về quốc gia và lặp lại Nakba (sự kiện 700,000 người Palestine bị trục xuất khỏi quê hương). Trong một cuộc phỏng vấn, ông tuyên bố:

Khi Joshua ben Nun [nhà tiên tri trong Kinh thánh] vào vùng đất này, ông đã gửi ba thông điệp tới cư dân của nó: những ai muốn chấp nhận [sự cai trị của chúng tôi] thì sẽ chấp nhận; ai muốn ra đi sẽ rời đi; những ai muốn chiến đấu thì sẽ chiến đấu. Cơ sở chiến lược của ông là: Chúng tôi ở đây rồi, chúng ta đã đến rồi, đây là của chúng tôi. Ba cánh cửa sẽ mở ra, và sẽ không có cánh cửa thứ tư. Những người muốn nào ra đi – và sẽ có những người muốn ra đi – thì tôi sẽ giúp họ. Khi họ không còn hy vọng và không có tầm nhìn, họ sẽ ra đi. Như họ đã đi vào năm 1948. […] Những người không đi sẽ chấp nhận sự cai trị của nhà nước Do Thái, trong trường hợp đó họ có thể ở lại, còn những người không đi, chúng tôi sẽ chiến đấu và đánh bại họ. […] Hoặc tôi sẽ bắn anh ta hoặc tôi sẽ bỏ tù anh ta hoặc tôi sẽ trục xuất anh ta.

Việc đề cập đến Sách Giô-suê là đáng chú ý vì nó cũng đóng vai trò như một tài liệu tham khảo về mặt tư tưởng cho David Ben-Gurion [15] (người thiết lập nhà nước Israel) trong những năm đầu của Nhà nước Israel. Lời ca ngợi sự hủy diệt của Cựu Ước vang vọng một cách đáng lo ngại ngày nay: “Giô-suê đánh toàn xứ, nào miền núi, nào miền nam, nào đồng bằng, nào những gò nổng, và các vua mấy miền đó. Người không để thoát khỏi một ai hết; phàm vật có hơi thở thì người diệt hết đi, y như Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền dặn. Ấy vậy, Giô-suê đánh các vua đó từ Ca-đe-Ba-nê-a cho đến Ga-xa, và toàn xứ Gô-sen cho đến Ga-ba-ôn.” (Giô-suê 10:40-41).

Nhưng chủ nghĩa phát xít được đỡ đầu bởi Netanyahu [16] không thể chỉ quy gọn vào những người định cư bất hợp pháp và các mưu kế tước đoạt quyền đất của người Palestine của họ (bao gồm cả việc xâm nhập sâu vào tổ chức phi chính phủ của người định cư Smotrich, Regavim, và việc nó dùng luật pháp để chống lại quyền sở hữu và đất đai của người Palestine); nó cũng bám chặt vào lợi ích kinh doanh và hoạt động lập pháp của các tỷ phú, những người dù ở Israel cũng như ở Ấn Độ hay Mỹ thì cũng luôn vui vẻ kết hợp các cuộc vận động mang tính bảo thủ chống lại ‘tinh hoa’ đô thị suy đồi với việc bảo vệ lợi nhuận và đặc quyền một cách tàn nhẫn. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà sử học về nạn diệt chủng Holocaust người Israel Daniel Blatman đã quan sát rằng [17]:

Bạn có biết mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại liên tục của Nhà nước Israel là gì không? Đó không phải là Likud. Thậm chí không phải những tên côn đồ chạy lung tung trong các vùng lãnh thổ. Đó là Diễn đàn chính sách Kohelet [ám chỉ một tổ chức tư vấn cánh hữu, bảo thủ được các nhà tài trợ giàu có của Hoa Kỳ chống lưng]. […] Họ đang tạo ra một bản tuyên ngôn chính trị và xã hội rộng rãi, và nếu được Israel thông qua thì sẽ biến nước này thành một quốc gia hoàn toàn khác. Khi nói “chủ nghĩa phát xít” thì bạn hình dung ra những người lính đang tuần tra trên đường phố. Không. Nó sẽ không giống như vậy. Chủ nghĩa tư bản vẫn sẽ tồn tại. Mọi người vẫn có thể ra nước ngoài – đấy là nếu họ được phép vào các quốc gia khác. Sẽ có những nhà hàng ngon. Nhưng việc một người cảm thấy rằng có điều gì đó đang bảo vệ họ ngoài thiện chí của chế độ – bởi vì nó sẽ hoặc không bảo vệ anh ta một cách tuỳ ý – sẽ không còn nữa. Xã hội Israel đã đủ chín muồi để tiếp nhận chính phủ hiện nay. Không phải vì chiến thắng của Likud, mà vì cánh cực đoan nhất đã kéo mọi người theo sau. Những gì từng là cực hữu ngày nay đã là trung lập. Những ý tưởng từng nằm ngoài lề nay đã trở thành hợp pháp. Là một nhà sử học làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu nạn diệt chủng Holocaust và Chủ nghĩa Quốc xã, điều này rất khó để tôi nói, nhưng trong chính phủ ngày nay có những bộ trưởng theo chủ nghĩa tân Quốc xã. Bạn không thấy điều này ở bất cứ nơi nào khác – không phải ở Hungary, không phải ở Ba Lan – các bộ trưởng, về mặt ý thức hệ, là những người phân biệt chủng tộc thuần túy.

Bất chấp những hiểu biết sâu sắc của nó, đoạn văn này cũng chứng minh một cách đau đớn những gì đã bị bỏ qua trong các cuộc bút chiến của phe cấp tiến Israel chống lại sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít. Điều được bỏ qua này là người Palestine. Lính tráng thực chất đang đi điều tra trên đường phố ở Israel và Palestine bị chiếm đóng. Hàng triệu người bị Israel cai trị không thể đi nước ngoài. Hoặc trở về nhà. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ‘thuần túy’ được những người như Smotrich và Bộ trưởng Bộ An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir ủng hộ mà không hề hối hận là sản phẩm của thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã làm nền tảng và tái tạo sự thống trị của thực dân. Điều này đúng đối với cả những người đội lốt tự do cũng như đối với những kẻ phát xít không ngại ngùng.

Truyền thống lâu đời về chủ nghĩa chống phát xít của người da đen và người dân Thế giới thứ ba, cũng như cuộc kháng chiến của người bản địa, đã dạy chúng ta điều đó, như Bill Mullen và Christopher Vials quan sát [18]: ‘Đối với những người bị gạt sang ngoài lề hệ thống quyền pháp của nền dân chủ tự do, từ “chủ nghĩa phát xít” không phải lúc nào cũng gợi lên một trật tự xã hội xa lạ.’ Trong các chế độ phát xít thuộc địa định cư – chẳng hạn như Nam Phi, nơi mà George Padmore vào những năm 1930 coi là ‘Nhà nước phát xít cổ điển‘ [19] – chúng ta bắt gặp một phiên bản của ‘trạng thái kép’ mà luật sư người Đức gốc Do Thái Ernst Fraenkel đã phân tích: một ‘trạng thái chuẩn mực’ dành cho dân số bị thống trị và ‘trạng thái đặc quyền’ dành cho tầng lớp thống trị, giúp thực hiện ‘bạo lực tuỳ tiện và không giới hạn, không bị kiểm soát bởi bất kỳ quy chế pháp lý nào’ [20]. Như Angela Y. Davis đã phân tích [21] tình trạng khủng bố chủng tộc của nhà nước Hoa Kỳ vào đầu những năm 1970, ranh giới giữa nhà nước quy chuẩn và nhà nước đặc quyền không hề kín kẽ chút nào.

Điều này được thể hiện rõ ràng ở Israel ngày nay. Các bộ trưởng đã sử dụng lý do chiến tranh để ‘thi hành các quy định cho phép [họ] chỉ đạo cảnh sát bắt giữ thường dân, đưa họ ra khỏi nhà hoặc tịch thu tài sản của họ nếu [họ] tin rằng họ đã truyền bá thông tin có thể gây tổn hại đến tinh thần quốc gia hoặc làm căn cứ tuyên truyền của địch” [22]. Như nhà Marxist người Do Thái ở Ma-rốc Abraham Serfaty đã phân tích cách đây nhiều thập kỷ trong các bài ông viết trong tù về vấn đề giải phóng người Palestine [23], ở trung tâm của dự án thuộc địa-định cư của người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái thì có một ‘logic phát xít’ . Mặc dù những người theo chủ nghĩa tự do có thể không chấp nhận nó, nhưng trừ khi các cơ chế cốt lõi của nó bị phá bỏ vĩnh viễn, nó sẽ luôn tái xuất hiện một cách độc hại ở mọi cuộc khủng hoảng. Như đã được chứng minh trong những bài báo chống lại đạo đức giả [24] của những người tuyên bố rằng họ muốn một giải pháp hai nhà nước trong khi không bao giờ có ý định thực hiện nó, phe cực hữu cầm quyền của Israel đang nói những ý ẩn dụ một cách rất rõ ràng. Vào thời điểm mà sự chiếm đóng và sự tàn bạo của nó đối với người Palestine đã được bình thường hóa [25] và gần như kéo dài vô tận, người định cư theo chủ nghĩa phát xít đã khẳng định [26] và tôn vinh cơ cấu bạo lực và phi nhân tính hóa, đánh dấu Israel là một dự án thuộc địa-định cư – một dự án mà những người theo chủ nghĩa tự do đã nghĩ đến việc giảm nhẹ hoặc giảm thiểu, nhưng chưa bao giờ thực sự thách thức. Ở Israel, cũng như trong rất nhiều bối cảnh khác ngày nay, sự trỗi dậy của chủ nghĩa phát xít ban đầu có vẻ như là một ngoại lệ, nhưng nó đã bám rễ sâu và được ủng hộ bởi một chủ nghĩa tự do mang tính thuộc địa – một chủ nghĩa tự do không bao giờ mang lại sự giải phóng thực sự.

 

Nguồn: https://www.versobooks.com/en-gb/blogs/news/the-war-on-gaza-and-israel-s-fascism-debate

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận