Nền kinh tế chia sẻ, những công việc tương lai và chủ nghĩa hậu tư bản – Phần 3

Con đường nào phía trước: hậu tư bản chủ nghĩa hay chủ nghĩa xã hội?

Đối với những người theo chủ nghĩa Marx, giải pháp cho mâu thuẫn này rất rõ ràng: chúng ta cần một cuộc cách mạng trong cách thức sản xuất được sở hữu, kiểm soát và tổ chức; một cuộc cách mạng trong cách xã hội được vận hành. Chúng ta cần bãi bỏ các quy luật và logic của hệ thống tư bản và thay thế chúng bằng một quy luật kinh tế mới: những quy luật dựa trên sở hữu chung, một kế hoạch sản xuất hợp lý, và sự kiểm soát và quản lý dân chủ. Nói cách khác, hoặc chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa man rợ.

Tuy nhiên, đối với Mason, quan điểm và giải pháp không quá rõ ràng. Mason đồng ý – viện dẫn viễn cảnh “trì trệ triền miên” và thảm họa khí hậu sắp xảy ra – rằng nếu không có sự thay đổi căn bản trong xã hội, nhân loại chắc chắn phải đối mặt với một tương lai man rợ. Nhưng sự thay thế như Mason khẳng định, không phải là chủ nghĩa xã hội mà là “chủ nghĩa hậu tư bản”.

Tuy nhiên, mô tả của Mason từ giả định của ông về chủ nghĩa hậu tư bản có vẻ giống với chủ nghĩa xã hội: kiểm soát dân chủ và công khai đối với các ngân hàng và các tư bản độc quyền lớn; đầu tư vào công nghệ và tự động hóa để giảm giá trị hàng hóa và số giờ làm việc trong tuần xuống mức tối thiểu (và cuối cùng là bằng không); cung cấp một thu nhập cơ bản phổ quát, với nhu cầu về tiền lương và tiền dần dần trở nên héo mòn vì ngày càng nhiều nền kinh tế đi theo một kế hoạch sản xuất dân chủ, xã hội hóa và phổ biến.

Vậy tại sao không gọi nó bằng chính cái tên của nó? Tại sao cần phải có thuật ngữ “Hậu tư bản”? Một phần của câu hỏi ngữ nghĩa này bắt nguồn từ cái nhìn của chính Mason về chủ nghĩa xã hội, thứ liên tục bị đánh đồng xuyên suốt cuốn sách của ông với chế độ kiểm soát quan liêu từ trên xuống Stalinist trong thế kỷ 20. Trong thực tế, những xã hội như vậy không phải là chủ nghĩa xã hội, mà là những biếm họa biến dạng khủng khiếp của chủ nghĩa xã hội; và công kích chủ nghĩa xã hội trên cơ sở những ví dụ này là một cuộc tấn công vào hình nộm.

Hơn nữa, có một sự khác biệt chính giữa Mason và Marx, mà chính tác giả của PostCapitalism thừa nhận, sự khác biệt này nằm ở việc xác định tác nhân làm nên sự biến chuyển triệt để lịch sử và xã hội này.

Đối với Marx, Engels, Lenin cũng như Trotsky, tác nhân cách mạng của sự thay đổi là giai cấp công nhân có tổ chức và có ý thức – những “người đào mồ” mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra. Ngược lại, đối với Mason, có “một chủ thể lịch sử mới”, đó là: “một mạng lưới những cá nhân” – nói cách khác là quần chúng có học thức, sử dụng điện thoại thông minh, kết nối với nhau trên phương tiện truyền thông xã hội. Thực tế thất bại của phong trào lao động những thập niên 80 trong việc chống lại các cuộc tấn công từ tầng lớp thống trị, và thực tế nữa là các phong trào quần chúng xuống đường gần đây trên khắp thế giới mang một tính tự phát và không có tổ chức, được Mason coi như bằng chứng về sự cần thiết phải hướng tới “mạng lưới” thay vì tầng lớp lao động có tổ chức để làm nên một sự thay đổi mang tính cách mạng, đó là điều cần thiết trong ngày nay.

Nhưng – và đây là những hạn chế chính của cuốn sách xuất sắc của Mason – có hai lỗ hổng chính trong kết luận được rút ra bởi Mason. Thứ nhất, trong khi sự thật là có sự thiếu vắng các tổ chức của giai cấp công nhân trong vài thập kỷ gần đây, người ta không nên coi các “phong trào tự phát” là con đường phía trước.

Đầu tiên, đó không phải là lỗi của giai cấp công nhân mà là các tổ chức của họ – hay chính xác hơn là các nhà lãnh đạo của họ – đã làm họ thất bại ở những thời điểm quan trọng trong cuộc đấu tranh giai cấp. Các công nhân đã làm mọi thứ mà chúng ta có thể đòi hỏi từ họ: từ Venezuela đến Hy Lạp, các công nhân đã biểu tình, đình công và bầu những nhà lãnh đạo cánh tả cực đoan, những người hứa sẽ thay đổi thế giới; vấn đề là những nhà lãnh đạo như vậy đã không sống theo lời hứa của họ. Xu hướng đối với các phong trào tự phát – từ Mùa xuân Ả Rập tới Indignados ở Tây Ban Nha – phản ánh sự phá sản của những người được gọi là lãnh đạo của giai cấp công nhân, không có một lãnh đạo cách mạng.

Thực tế là những phong trào quần chúng tự phát này đã lôi kéo một tầng dân số rộng lớn hơn – 99% phần trăm – điều đó không làm nổi bật nên sự hủy diệt hay cái chết cho giai cấp công nhân mà hoàn toàn ngược lại: nó cho thấy sự “vô sản hóa” diễn ra trong xã hội, với các tầng lớp trước đây trung lưu này đã bị bần cùng hóa và bị đẩy xuống hàng ngũ của giai cấp công nhân bởi chủ nghĩa tư bản – do đó, thực tế là các công chức, giảng viên đại học, và thậm chí cả luật sư hiện đang hợp nhất và hành động đình công trong những ngày này, đó là nước Anh thế kỷ XXI.

Ngoài ra, cần lưu ý là những chuyển động tự phát này cuối cùng không đạt được mục đích của họ. Ở một số khía cạnh, Mason đã chính xác: những gì còn lại của phong trào Chiếm đóng, phong trào Indignados là “các mạng lưới”; nhưng đây không chỉ đơn giản là những thí nghiệm không tưởng hoặc trại công cộng trong một quảng trường thành phố, mà là các tổ chức, những mạng lưới và phong trào chính trị được tổ chức xung quanh các nhân vật cấp tiến như Bernie Sanders ở Hoa Kỳ hay Pablo Iglesias của Podemos. Điều tương tự cũng có thể nói về sự trỗi dậy của SNP ở Scotland, cuộc trưng cầu dân ý OXI ở Hy Lạp hay phong trào quần chúng đằng sau Jeremy Corbyn ở Anh. Nói cách khác, các phong trào tự phát của “những cá nhân được kết nối” đã được chuyển đổi thành các tổ chức và phong trào chính trị với một chương trình chống lại chính sách thắt lưng buộc bụng và thay đổi xã hội.

Thứ hai, trong khi Mason nhấn mạnh vai trò của mạng lưới, một phần lớn trong chương cuối của ông nhằm mô tả quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa Hậu Tư bản nhấn mạnh sự cần thiết của nhà nước để “sử dụng quyền lực của chính phủ theo cách triệt để và đột phá” để mang tới “chủ nghĩa cải cách cách mạng”. Nói cách khác, đối với tất cả các cuộc thảo luận về mâu thuẫn then chốt của chủ nghĩa tư bản và tiềm năng cách mạng của “mạng lưới”, thì viễn cảnh của Mason là sự thay đổi dần dần, do nhà nước lãnh đạo, cải cách hướng tới cái cuối cùng chỉ là một phiên bản khác – nhưng triệt để hơn một chút – của “chủ nghĩa tư bản có trách nhiệm” như lời kêu gọi của nhiều nhà cải cách cánh tả khác.

Câu hỏi về vai trò của nhà nước là then chốt trong tất cả những cuộc thảo luận này. Ví dụ, Mason nói với chúng ta rằng, “trong thời kỳ hậu Tư bản, nhà nước… nuôi dưỡng các hình thức kinh tế mới đến mức chúng cất cánh và vận hành hữu cơ” ( Tr273). Sau đó, trong một cuộc thảo luận về những thay đổi cần thiết ở nơi làm việc, Mason nhận xét: “Những gì có thể khiến các tập đoàn thực hiện bất kỳ điều nào trong số đó? Trả lời: luật pháp và quy định.” ( Tr277)

Ở chỗ khác, chúng ta được biết rằng: “dưới một chính phủ đi theo chủ nghĩa Hậu tư bản, nhà nước, khu vực doanh nghiệp và các đoàn thể đại chúng có thể tiến hành theo đuổi những mục đích hoàn toàn khác nhau với những chi phí chuyển đổi tương đối thấp, được củng cố bởi một chương trình triệt để nhằm thu hẹp nợ” ( Tr278); và rằng, liên quan đến ngân hàng và tài chính, “mục định không phải là giảm sự phức tạp…mà là để thúc đẩy hình thức tài chính tư bản phức tạp nhất tương thích với việc thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tự động hóa cao, cường độ làm việc thấp, hàng hóa và dịch vụ giá rẻ hoặc miễn phí.” ( Tr283)

Nhưng trong suốt phần mô tả về chủ nghĩa Hậu tư bản và quá trình chuyển đổi sang nó, chúng ta không được cho biết là loại nhà nước nào đang thực hiện quá trình chuyển đổi này, và giai cấp nào đang kiểm soát quá trình này? Cũng giống như việc phân tích đường lối cải cách nhà nước và việc chuyển đổi sang chủ nghĩa xã hội được đưa ra bởi các nhà dân chủ xã hội vào đầu trong thế kỷ XX, thứ mà Lenin đã tranh luận chống lại vào năm 1917 qua kiệt tác của ông Nhà nước và cách mạng, đó là một sự mập mờ và tối nghĩa trong mô tả của Mason về nhà nước hậu tư bản.

Nếu nhà nước Hậu tư bản này không chỉ là một phiên bản tốt lành của nhà nước tư sản, thì người ta chỉ có thể giả định rằng đó là một nhà nước mới, khác biệt về chất, được xây dựng bởi những “mạng lưới” quần chúng để chiếm lấy các đòn bẩy chính của nền kinh tế, để điều hành và kiểm soát một cách dân chủ nền kinh tế và xã hội. Nhưng một lần nữa, nếu là ý sau, thì thực sự chúng ta đang mô tả một nhà nước xã hội chủ nghĩa – tức là một nhà nước công nhân lành mạnh, trái ngược với các nhà nước công nhân bị thoái hóa hoặc biến dạng dưới chế độ quan liêu Stalinist.

Tuy nhiên, với lời kêu gọi “cải cách cách mạng” của mình, dường như Mason thực sự đang đề cập đến cái trước – kêu gọi nhà nước tư bản bằng cách nào đó hành động chống lại lợi ích của giai cấp thống trị, tước quyền lực khỏi các tư bản độc quyền lớn hiện đang kiểm soát xã hội, và thực hiện sự chuyển đổi sang một hình thái xã hội mới sẽ hoạt động vì lợi ích cho quần chúng bị bóc lột mà hiện đang bị nhà nước tư bản đàn áp. Tại sao, người ta phải hỏi, liệu một nhà nước tư bản sẽ hành động theo cách như vậy để làm suy yếu chính sự tồn tại của chủ nghĩa tư bản?

Thật vậy, như ví dụ mới gần đây về sự đầu hàng của Tsipras ở Hy Lạp đã chứng minh, không có thứ cải cách nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng tư bản; và bất kỳ nỗ lực nào để làm như vậy, đó sẽ là sự kháng cự đối với những nhu cầu tư bản và thay vì được dung dưỡng bởi giai cấp tư sản và nhà nước tư bản, nó sẽ được chứng kiến việc sử dụng toàn bộ lực lượng của giai cấp thống trị, giới truyền thông và nhà nước tư sản để đè bẹp nó.

Bài thuyết trình của Mason về các ý tưởng của Marx, phân tích về sự bế tắc hiện tại của chủ nghĩa tư bản và tầm nhìn về một tương lai tiềm năng dựa trên công nghệ và tự động hóa là sâu sắc và truyền cảm hứng. Tuy nhiên, cuối cùng, kết luận của ông đã bị hẫng hụt vì những gì dường như là sự bi quan về khả năng thay đổi thực sự, chân thực, cách mạng và sự thiếu niềm tin vào khả năng của giai cấp công nhân có tổ chức để mang lại sự thay đổi như vậy cho xã hội.

Tuy nhiên, mặc dù có những hạn chế, PostCapitalism là một cuốn sách cực kỳ hữu ích cho bất kỳ ai muốn có cái nhìn thấu đáo và sự khám phá những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản và cách chúng được bộc lộ ngày nay, thời đại của thông tin và internet này. [“Hậu tư bản: Hướng dẫn cho tương lai của chúng ta” của Paul Mason hiện có sẵn để mua từ nhà xuất bản của Allen Lane.]

Giải pháp: tẩy chay; luật pháp; hay tổ chức?

Quay trở lại thế giới của nền kinh tế “chia sẻ” và theo yêu cầu, một số “giải pháp” đã được đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy khía cạnh tiến bộ của các mô hình mới đang trên đà phát triển này, đồng thời xóa bỏ những dư thừa nghiêm trọng và các triệu chứng xấu xí nhất của chúng.

Giải pháp đơn giản nhất được đề xuất là khách hàng và người dùng tẩy chay các công ty trục lợi nằm ở trung tâm của nền kinh tế “chia sẻ” / theo yêu cầu. Nhưng những hành động cá nhân như vậy, dù đầy ý tốt và rất đạo đức, làm được rất ít để giải quyết những mâu thuẫn chính ở trung tâm của những mô hình và nền tảng đang lên này. Thật vậy, bằng cách tẩy chay, mặt tiến bộ của các phương pháp và công nghệ chứa tiềm năng cách mạng này sẽ hoàn toàn bị mất – như đứa trẻ bị hất ra ngoài cùng với nước tắm rồi vậy.

Vâng, hiện có một khả năng có tính giả thuyết là tạo ra những phiên bản mới, ít đạo đức hơn – một số dịch vụ theo yêu cầu nhất định và sự khôi phục lại nguyên tắc ban đầu của sự trao đổi lòng tốt trong nền kinh tế chia sẻ. Nhưng, giống như tất cả các thí nghiệm không tưởng ở quy mô nhỏ, những nỗ lực như vậy sẽ vẫn là những hòn đảo xã hội chủ nghĩa trong một biển lớn chủ nghĩa tư bản, không thể cạnh tranh với các công ty vì lợi nhuận lớn trong lĩnh vực “chia sẻ” / theo yêu cầu với khả năng tiếp cận tư bản, tiền lương thấp hơn và quy mô của nền kinh tế.

Điều quan trọng, một nỗ lực tẩy chay những quả táo xấu và thúc đẩy những ví dụ tốt nhất cuối cùng cũng không làm gì để giải quyết câu hỏi chính: đó là quyền sở hữu tư nhân và tình trạng hỗn loạn của thị trường. Chính những điều này, chứ không phải là đạo đức của nhà tư bản này hay kia, là động lực đằng sau những nỗ lực vắt kiệt công nhân trong nền kinh tế theo yêu cầu. Và không phải là hành động cá nhân, mà là hành động tập thể mới cho phép người lao động chống trả lại. Như Marx đã nhận xét, chỉ có giai cấp công nhân mới giải phóng được chính mình.

Thật vậy, để chống lại cuộc đua xuống đáy mà nền kinh tế theo yêu cầu đã tăng tốc, phải nói tới việc cố gắng hợp nhất và tổ chức những người hiện đang làm việc – bị nguyên tử hóa – bên trong khu vực. Đã có những câu chuyện về các tài xế Uber ở một số thành phố thành lập công đoàn. Ở những nơi khác, một liên minh “người lao động tự do” đã được thành lập để cố gắng bảo vệ những người trong nền kinh tế theo yêu cầu khỏi sự khai thác ở mức độ cực đoan nhất.

Hiện tại, những người lao động tự do cung cấp dịch vụ của họ thông qua các ứng dụng như vậy đang cạnh tranh về giá cả và chất lượng, với sự xếp hạng cho các “tasker”, v.v. bởi khách hàng đồng nghĩa một cách rõ ràng với sự cạnh tranh gay gắt giữa các công nhân. Quy định và / hoặc liên minh đã được đề xuất để chống lại điều này, với các khả năng bao gồm việc đưa ra mức lương tối thiểu cho tất cả những người làm việc trong nền kinh tế theo yêu cầu. Dù bạn nhìn theo cách nào, lớp lớp những quy tắc của trò chơi một cách chắc chắn phục vụ lợi ích cho các nhà tư bản.

Như Dean Baker, một chuyên gia cố vấn kinh tế ở Washington, đã bình luận trên tờ Thời báo New York: “Bạn đang khiến mọi người tự khai thác theo những cách mà chúng ta có quy định để ngăn chặn.” Arnold Stanley Aronowitz, một nhà nghiên cứu tại Đại học Thành phố của New York, cũng trong bài báo trên đã nói rằng, “điều này cũng có thể được gọi là nô lệ tiền lương trong đó tất cả các lá bài được giữ, qua trung gian bởi công nghệ, bởi chủ nhân, cho dù đó là công ty trung gian hay khách hàng.”

Những gợi ý tương tự đã được đưa ra liên quan đến nền kinh tế “chia sẻ”. Hiện tại, các công ty lớn trong nền kinh tế “chia sẻ” không cung cấp sự bảo vệ cho các nhà cung cấp hoặc khách hàng của họ. Ví dụ: chủ nhà hoặc khách của AirBnB phải tự gánh thiệt hại, trong khi ở một doanh nghiệp khách sạn bình thường họ sẽ được khách sạn hoặc nhà nghỉ bảo hiểm. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trong nền kinh tế theo yêu cầu, với các tài xế Uber chịu mọi trách nhiệm đối với việc bảo trì và bảo hiểm phương tiện của họ. Một lần nữa, chính là các công nhân được tạo ra để trả tất cả các chi phí trong khi các ông chủ gặt hái lợi nhuận. Và một lần nữa, giải pháp được đề xuất bởi một số, như Juliet Schor của học viện có trụ sở tại Boston, The Great Transition, là tổ chức và quy định:

“Một sự thay thế…là mỗi một thực thể chia sẻ trở thành một phần của phong trào rộng lớn hơn nhằm tìm cách phân phối lại của cải và thúc đẩy sự tham gia, bảo vệ sinh thái và kết nối xã hội. Điều này sẽ chỉ xảy ra thông qua tổ chức, thậm chí liên minh, của người dùng. Thật vậy, câu hỏi của các nhà cung cấp lúc này là có nên đặt vấn đề tổ chức lên bàn nghị sự ngay giờ, mặc dù còn quá sớm để biết mọi thứ sẽ phát triển như thế nào.”

“Tập đoàn Airbnb đã bắt đầu khuyến khích người dùng của mình tổ chức …Công ty muốn các nhóm này thúc đẩy sự nới lỏng quy định. Nhưng họ có thể tự phát triển các chương trình nghị sự, bao gồm yêu cầu tới chính công ty, chẳng hạn như đặt giá sàn cho các nhà cung cấp, đẩy rủi ro trở lại nền tảng hoặc giảm lợi nhuận quá mức cho các nhà thầu và nhà đầu tư mạo hiểm. Trên các sàn giao dịch lao động, nơi nhu cầu tổ chức có lẽ là gay gắt nhất, các nhà cung cấp có thể thúc đẩy mức lương tối thiểu.”

Toàn bộ chủ nghĩa tư bản là cùng một câu chuyện lịch sử, ở một mặt, là các ông chủ làm mọi thứ trong khả năng của mình để nguyên tử hóa và khai thác công nhân; và ở mặt kia, các công nhân vốn chưa được tổ chức đến với nhau, thực hiện hành động tập thể và chống trả.

Ví dụ, trước đó trong thế kỷ 20,công nhân tại các bến tàu được đặc trưng bởi tính chất công việc vô cùng bấp bênh của mình, với người lao động buộc phải tranh giành với nhau ngày qua ngày với hy vọng được người ta chọn để làm việc. Tuy nhiên đến thập niên 1970, các công nhân bến cảng đã được tổ chức chặt chẽ – một trong những bộ phận chiến binh nhất của giai cấp công nhân. Còn ngày nay, chúng ta được chứng kiến các cuộc đình công của công nhân Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp thức ăn nhanh, trước đây nổi tiếng là một trong những ngành khó nhất để tổ chức.

Trong tất cả các trường hợp như vậy, chính nhờ đấu tranh mà tổ chức đã ra đời. Bị dồn vào góc tường bởi sự tham lam vô độ đối với lợi nhuận của các nhà tư bản, những người lao động không được tổ chức trong nền kinh tế theo yêu cầu ngày hôm nay có thể sẽ là một thành phần mạnh mẽ của phong trào lao động vào ngày mai.

Thời điểm này có rất nhiều thảo luận về việc sử dụng các phương pháp pháp lý để cải thiện điều kiện của những người trong khu vực theo yêu cầu. Đặc biệt, có rất nhiều trường hợp được đưa ra để giải quyết tình trạng pháp lý của người lao động trong nền kinh tế theo yêu cầu – ví dụ, Über đang bị đưa ra tòa vì không phân loại tài xế của họ là nhân viên, mà là “nhà thầu độc lập”. Sự khác biệt này không phải là nhỏ, bởi thân phận nhân viên đi kèm với một số đảm bảo, những điều khoản nhất định và chuyển các khoản nợ cho công ty.

Tuy nhiên, điều quan trọng là phải giữ một ý thức về tỷ lệ. Trong khi các trường hợp pháp lý riêng biệt có thể đi theo hướng có lợi cho những người lao động tham gia vào các công ty theo yêu cầu này hay kia, thì những chiến thắng đó phần lớn sẽ phải trả giá đắt, diễn ra khi họ đang ở trong một cuộc tấn công toàn diện trên toàn cầu, cuộc tấn công dữ dội vào công nhân và tiền lương, công việc và quyền công đoàn của họ. Như Juliet Schor lưu ý trong bài viết của mình cho The Great Transition :

“Một phần khó khăn trong việc đánh giá tác động của những cơ hội kiếm tiền mới này là chúng được giới thiệu trong thời kỳ thất nghiệp cao và tái cấu trúc thị trường lao động nhanh chóng. Điều kiện làm việc và sự bảo vệ đã bị xói mòn, tiền lương thực tế đang giảm và tỷ lệ thu nhập bình quân của người lao động ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp trong lịch sử. Nếu thị trường lao động tiếp tục xấu đi cho người lao động, địa vị của họ sẽ tiếp tục bị xói mòn, và đó sẽ không phải là bởi cơ hội bị chia sẻ. Khả năng khác, nếu thị trường lao động cải thiện, những người chia sẻ có thể yêu cầu nhiều điều cơ bản hơn vì họ có những lựa chọn thay thế tốt hơn.”

Cho tới cùng, trong khi một số nhóm nhất định có thể cải thiện các điều khoản và điều kiện của họ thông qua các tòa án, Luật pháp vẫn là một phần của nhà nước tư bản, được thiết lập để bảo vệ quyền sở hữu tư nhân và lợi nhuận của người giàu.

Do đó để đối mặt với cuộc tấn công chung của giai cấp thống trị nhằm chống lại giai cấp công nhân, cần phải có một cuộc kháng chiến và phản công chung của các công nhân, nhằm không đơn thuần chỉ là để thắng một vụ kiện này hay kia hoặc một cải cách cụ thể này hay kia; mà còn một phong trào chính trị quần chúng nhằm xóa bỏ nhà nước tư bản quan hệ sở hữu tư sản, và thay thế bằng kế hoạch sản xuất xã hội chủ nghĩa với sở hữu chung và sự kiểm soát dân chủ của công nhân.

Bước đầu tiên, đòi hỏi phải quốc hữu hóa các công ty siêu lợi nhuận lớn của nền kinh tế “chia sẻ” / theo yêu cầu và chuyển đổi thành các dịch vụ công cộng. Nếu Uber là một phần của mạng lưới giao thông công cộng được quốc hữu hóa, kiểm soát dân chủ (bao gồm cả xe lửa, xe buýt và xe đạp cho thuê), thì giao thông công cộng có thể được lên kế hoạch với mức độ hiệu quả phi thường trong khi chi phí thấp. Các lái xe có thể được đảm bảo điều kiện tốt và một mức lương đủ sống mà không cần phải cạnh tranh với nhau. Cuối cùng, với tự động hóa và xe không người lái, các lái xe có thể được thay thế hoàn toàn và được cung cấp đào tạo và giáo dục để chuyển sang các công việc khác.

Trong khi đó, một AirBnB được điều hành bởi công cộng, cùng với việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp khách sạn hàng đầu và một chương trình phổ biến nhà ở hội đồng, có thể được sử dụng để cung cấp nhà cho mọi người và chỗ trú giá rẻ cho khách du lịch. Kết hợp với chương trình quốc hữu hóa các ngân hàng và hãng tài chính, đầu tư có thể được đổ vào giao thông công cộng, nhà ở và nhiều lĩnh vực khác. Sự khan hiếm của nhu cầu xã hội và tai họa của việc làm bấp bênh có thể được loại bỏ trong chớp mắt.

Chủ nghĩa tư bản và nhu cầu cách mạng

Cùng với đó, các câu hỏi pháp lý liên quan đến nền kinh tế “chia sẻ” đang làm nổi bật mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản; đặc biệt, Khi sự ràng buộc về quyền sở hữu tư nhân đã trở nên chặt chẽ hơn. Một mặt, với sự phát triển của nền kinh tế “chia sẻ”, có một tiềm năng rõ ràng để tổ chức và phân phối các nguồn lực của xã hội một cách hợp lý, công bằng và hiệu quả. Mặt khác, dưới chủ nghĩa tư bản, các công ty như AirBnB có xu hướng thúc đẩy hàng loạt các vụ kiện pháp lý với những người thuê nhà bị chủ nhà kiện vì cho thuê lại phòng của họ. Nhu cầu phân phối hiệu quả – ví dụ – chỗ ở, do đó, đang mâu thuẫn với những luật pháp được thiết kế để bảo vệ quyền sở hữu (tư nhân) của chủ nhà và thu nhập của anh ta / cô ta từ tiền thuê nhà.

Những trường hợp pháp lý như vậy chỉ chứng minh cho quan điểm chung của Marx, được nêu ra trong Đề tựa cho cuốn “một đóng góp cho phê bình kinh tế – chính trị”, rằng:

“Ở một giai đoạn phát triển nhất định, lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với các quan hệ sản xuất hiện có hay – điều này đơn thuần thể hiện điều tương tự về mặt pháp lý – với các quan hệ tài sản trong khuôn khổ mà chúng đã vận hành cho đến nay. Từ chỗ phát triển các lực lượng sản xuất, các mối quan hệ này lại biến thành thứ ràng buộc với chúng.” (nhấn mạnh của chúng tôi)

Nói cách khác, các quan hệ pháp lý – nghĩa là các quan hệ tài sản – mà chúng ta có trong xã hội tư bản không tương thích với tiềm năng công nghệ và khoa học mà chủ nghĩa tư bản đã tạo ra. Và sự hiện diện của những mâu thuẫn nổi bật như vậy, như Marx lưu ý, là buổi bình minh của “một kỷ nguyên cách mạng xã hội”.

Như Juliet Schor giải thích trong bài viết của mình có tựa đề “Tranh luận về nền kinh tế chia sẻ”:

“Phần nhiều những công nghệ mới của nền kinh tế ngang hàng này là những công cụ mạnh mẽ để xây dựng lên một phong trào xã hội tập trung vào các hoạt động chia sẻ và hợp tác thực sự trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa cũng như dịch vụ. Nhưng để đạt được tiềm năng đó sẽ đòi hỏi dân chủ hóa quyền sở hữu và quản lý các nền tảng.”

“Nền kinh tế chia sẻ đã được thúc đẩy bởi những công nghệ mới đầy lý thú. Sự dễ dàng mà các cá nhân, bất chấp không thân quen nhau, giờ đây có thể kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin và hợp tác với nhau là một sự đổi thay thực sự. Đó là sự hứa hẹn của các nền tảng chia sẻ mà hầu như mọi người đều đồng ý. Nhưng công nghệ chỉ tốt khi chính trị và bối cảnh xã hội mà chúng vận hành trên là tốt. Phần mềm, cộng đồng cung ứng (Crowdsourcing) và thông tin cộng đồng cung cấp cho chúng ta các công cụ mạnh mẽ để xây dựng sự đoàn kết xã hội, dân chủ và bền vững. Nhiệm vụ giờ đây của chúng ta là xây dựng một phong trào để khai thác sức mạnh đó.”

Giáo sư Schor cung cấp một quan điểm duy vật sâu sắc về câu hỏi cho các mô hình và công nghệ mới đang nổi lên. Như chúng ta đã thảo luận trước đó, và như Schor nhấn mạnh ở đây, dưới chủ nghĩa tư bản, tiềm năng cho các công nghệ như vậy sẽ vẫn chỉ là: một tiềm năng.

“Không bao giờ có sự phá hủy trật tự xã hội trước khi mà tất cả các lực lượng sản xuất đã được phát triển đầy đủ, và các mối quan hệ vượt trội mới của sản xuất không bao giờ thay thế những cái cũ hơn trước khi điều kiện vật chất cho sự tồn tại của chúng đã trưởng thành trong khuôn khổ của xã hội cũ.

“Do đó, Nhân loại chắc chắn chỉ tự đặt ra những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết, bởi khi xét tới cùng sẽ luôn thấy rằng vấn đề chỉ nổi lên một khi các điều kiện vật chất cho giải pháp của nó đã có hoặc ít nhất là trong quá trình hình thành.” (Karl Marx, Đề tựa cho một đóng góp cho phê bình kinh tế chính trị)

Những lời này của Marx làm nổi bật tình hình ngày nay. Tiềm năng là rất lớn, như Mason và những người khác đã chỉ ra: khả năng phân bổ nguồn lực hiệu quả và đồng đều; sự dân chủ trong điều hành sản xuất và xã hội một cách hợp lý; đảm bảo gia tăng đáng kể mức sống trong khi đồng thời cũng giảm giờ làm việc trong ngày. Câu châm ngôn của Marx “làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu” là có thể dễ dàng đạt được.

Nhưng chứng nào chúng ta còn bị mắc kẹt trong chủ nghĩa tư bản, tiềm năng này sẽ bị lãng phí. Chừng nào các hãng độc quyền khổng lồ – của thế giới công nghệ thông tin, lĩnh vực tài chính hay trong các lĩnh vực khác – vẫn nằm trong tay tư nhân, tình trạng hỗn loạn của thị trường sẽ tiếp tục ngự trị.

Tất cả các nỗ lực để “dân chủ hóa” và “xã hội hóa” các nền tảng và công nghệ mới này sẽ mâu thuẫn với các mối quan hệ pháp lý, sự tư hữu và xã hội hiện tồn – được thiết kế để bảo vệ tài sản tư nhân và lợi nhuận cho 1%. Và do đó một nhu cầu cách mạng để phá vỡ chủ nghĩa tư bản sẽ được đặt ra, và vị trí của bạn là gì? Câu trả lời nằm trong tay chính các bạn!

Adam Booth, IMT, ngày 2 tháng 10 năm 2015

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận