Lenin và ngày 1 tháng 5
Đây là tờ rơi được viết bởi Lenin và phát hành bởi Đảng Dân chủ xã hội Nga nhân kỷ niệm ngày mùng một tháng 5 năm 1904. Nó như một dự báo mạnh mẽ cho cuộc cách mạng diễn ra chỉ 1 năm sau đó, cách mạng Nga 1905. Ngày hôm nay, như một phần trong hoạt động kỷ niệm ngày quốc tế lao động mùng một tháng Năm, chúng tôi xin giới thiệu nó tới các bạn.
—————————————————————————————————————————————————————————————-
MAY DAY
Hỡi các đồng chí công nhân! Ngày mồng một tháng năm đang đến, ngày mà những công nhân trên khắp các vùng đất kỷ niệm sự thức tỉnh của họ về số phận của một giai cấp có ý thức, sự đoàn kết của họ trong cuộc đấu tranh chống lại mọi áp bức và bóc lột người với người, cuộc đấu tranh để giải phóng hàng triệu những người cần lao khỏi đói, nghèo và sự sỉ nhục. Có hai thế giới đứng đối diện nhau trong cuộc đấu tranh vĩ đại này: Thế giới của tư bản và thế giới của lao động, thế giới của bóc lột và nô lệ và thế giới của tình huynh đệ và sự tự do.
Đứng một bên là một nhúm những kẻ hút máu. Bọn họ chiếm giữ các nhà máy và nhà xưởng, công cụ và máy móc, biến hàng triệu mẫu đất và hàng núi tiền bạc thành của riêng chúng. Chúng đã làm cho chính phủ và quân đội trở thành bọn kẻ hầu cho chúng, lũ chó canh trung thành cho sự giàu có mà bọn chúng đã tích lũy được.
Đứng bên kia là hàng triệu những kẻ bị tước đoạt. Họ buộc phải van nài những kẻ có tiền để chúng cho phép mình được làm việc. Bằng sức lao động của mình, họ đã tạo ra tất cả sự giàu có; vậy mà, cả đời mình họ đã phải vật lộn để giành lấy chỉ vài mẩu bánh mì, cầu xin được làm việc như thể đó là sự ban ơn, bào mòn thể trạng và sức khỏe của mình bằng cách làm việc tới kiệt sức, và đói khát trong những túp lều chốn thôn quê hay dưới hầm tối và những căn gác xép nơi phố lớn.
Nhưng giờ những người lao động bị tước quyền này đã tuyên chiến với lũ có tiền và những kẻ khai thác. Công nhân khắp mọi nơi đang đấu tranh để giải phóng lao động khỏi cảnh nô lệ về tiền lương, khỏi nghèo đói và túng thiếu. Họ đang đấu tranh cho một hệ thống xã hội nơi mà sự giàu có được tạo ra bởi lao động chung sẽ mang lại lợi ích, không phải cho một số ít kẻ giàu có, mà cho tất cả những người lao động. Họ muốn biến đất đai và các nhà máy, cối xay và máy móc thành tài sản chung của tất cả những người lao động. Họ muốn đẩy lùi sự phân chia giàu nghèo, muốn thành quả lao động đến với người lao động, và mọi thành tựu trí tuệ của con người, mọi cải tiến trong cách làm việc, để cải thiện nhiều hơn nữa cho người lao động, thay vì được dùng như một phương tiện để áp bức mình.
Cuộc đấu tranh vĩ đại của người lao động chống lại tư bản đã khiến công nhân ở tất cả các nước phải chịu nhiều hy sinh mất mát. Máu đã đổ cho quyền có một cuộc sống tốt hơn và sự tự do thực sự. Ai mà dám đấu tranh cho lợi quyền của công nhân thì kẻ đó phải chịu vô vàn bức hại từ chính quyền. Nhưng bất chấp mọi sự đàn áp tình đoàn kết giữa các công nhân trên thế giới ngày một lớn hơn và sức mạnh ngày một gia tăng. Các công nhân đang đoàn kết ngày một chặt chẽ hơn trong các đảng xã hội chủ nghĩa, những người ủng hộ các đảng đó đã tăng lên tới hàng triệu và đang tiến lên một cách vững vàng, từng bước từng bước một, hướng tới chiến thắng toàn diện trước giai cấp của những kẻ tư bản bóc lột.
Giai cấp vô sản Nga cũng vậy, đã thức tỉnh về một cuộc sống mới và cũng đã tham gia vào cuộc đấu tranh vĩ đại này. Đã qua rồi cái thời người công nhân của chúng ta chịu ngoan ngoãn mà làm nô dịch, chẳng thấy đâu đường thoát khỏi kiếp nô lệ, chẳng thấy đâu ánh sáng le lói giữa đời cay đắng. Chủ nghĩa xã hội đã cho anh thấy lối thoát, và hàng ngàn hàng vạn chiến binh đã giương cao ngọn cờ đỏ như một ngôi sao dẫn đường. Những cuộc đình công đã cho các công nhân thấy sức mạnh của sự đoàn kết, đã dạy cho họ chiến đấu trở lại, đã cho thấy mức độ ghê gớm mà lao động được tổ chức chặt chẽ có thể làm. Các công nhân đã thấy được rằng chính nhờ lao động của họ mà các nhà tư bản và chính phủ sống được và béo tốt. Các công nhân cháy bỏng với tinh thần đoàn kết đấu tranh, với khát vọng về tự do và chủ nghĩa xã hội. Các công nhân đã nhận ra một sức mạnh đen tối và độc ác của chế độ chuyên chế Sa hoàng là như thế nào. Các công nhân cần sự tự do cho cuộc đấu tranh của họ, nhưng chính phủ Sa hoàng trói buộc tay chân họ. Các công nhân cần tự do hội họp, tự do tổ chức, tự do báo chí và sách vở, nhưng chính phủ Sa hoàng nghiền nát, bằng roi da, nhà tù và lưỡi lê, mọi nỗ lực cho tự do. Tiếng thét gào “Đả đảo chế độ chuyên chế!” đã quét qua suốt dọc ngang nước Nga, nó đã được nghe thấy ngày càng thường xuyên trên đường phố, tại các cuộc họp lớn của công nhân. Mùa hè năm ngoái, hàng chục ngàn công nhân trên khắp miền Nam nước Nga đã đứng lên đấu tranh cho một cuộc sống tốt hơn, vì sự tự do khỏi sự chuyên chế của cảnh sát. Giai cấp tư sản và chính phủ phải run rẩy khi chứng kiến đạo quân đáng gờm của công nhân, một cuộc đình công đã đủ làm bế tắc toàn bộ đời sống công nghiệp của các thành phố lớn. Nhiều trong số những người đấu tranh cho công nhân đã ngã xuống dưới làn đạn của quân đội do sa hoàng phái đến để dẹp yên những “kẻ thù nội bộ”.
Nhưng sẽ không có lực lượng nào có thể tiêu diệt kẻ thù nội bộ này, vì các giai cấp thống trị và chính phủ chỉ có thể sống nhờ lao động của nó. Không có lực lượng nào trên trái đất có thể phá vỡ hàng triệu công nhân, những người đang ngày càng trở nên có ý thức, ngày càng đoàn kết và có tổ chức. Mỗi thất bại mà các công nhân phải chịu đựng lại mang tới thêm những chiến sĩ mới vào hàng ngũ, nó đánh thức hơn nữa quảng đại quần chúng về một cuộc sống mới và khiến cho họ thêm chuẩn bị cho những cuộc đấu tranh mới.
Và những sự kiện mà nước Nga hiện đang trải qua xuyên suốt sự thức tỉnh của quần chúng công nhân chắc chắn sẽ ngày một thêm nhanh chóng và lan rộng hơn nữa, và chúng ta phải ráng sức để thống nhất hàng ngũ của giai cấp vô sản để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quyết liệt hơn nữa. Cuộc chiến đang làm cho ngay cả những bộ phận lạc hậu nhất của giai cấp vô sản cũng phải quan tâm đến các sự kiện và vấn đề chính trị. Cuộc chiến đang thể hiện rõ ràng và sinh động hơn bao giờ hết sự thối nát của trật tự chuyên chế, tội ác toàn diện của băng đảng cảnh sát và tòa án đang cai trị nước Nga. Nhân dân ta đang bức bối vì sự thiếu thốn và nạn đói trong nước vậy mà họ lại bị kéo vào một cuộc chiến tàn hại và vô nghĩa cho những vùng lãnh thổ xa xôi tới ngàn dặm và cư ngụ bởi những dân tộc xa lạ. Nhân dân ta bị nghiền nát dưới chế độ nô lệ về chính trị, nhưng họ lại bị kéo vào một cuộc chiến tranh giành nô lệ với các dân tộc khác. Người dân của chúng ta đòi hỏi thay đổi trật tự chính trị trong nước, nhưng người ta tìm cách chuyển hướng sự chú ý của họ bằng tiếng gầm thét của súng đạn ở đầu kia thế giới. Nhưng chính phủ Sa hoàng đã đi quá xa trong canh bạc của mình, đó là tội ác khi phung phí của cải của quốc gia và gửi những thanh niên trẻ tuổi, đến để chết trên vùng đất bên bờ Thái Bình Dương. Mọi cuộc chiến đều gây ra gánh nặng cho nhân dân, và cuộc chiến khó khăn nhằm chống lại văn hóa và tự do Nhật Bản là một gánh nặng đáng sợ đối với nước Nga. Và gánh nặng này đến vào thời điểm mà bộ máy chuyên chế cảnh sát bắt đầu lung lay dưới những cú đánh của giai cấp vô sản đã thức tỉnh. Cuộc chiến đang lột trần tất cả những yếu điểm của chính phủ, cuộc chiến đang xé tan mọi thứ vỏ bọc giả tạo, cuộc chiến đang tiết lộ tất cả sự mục nát bên trong; cuộc chiến đang làm cho sự lố bịch của chế độ chuyên chế Sa hoàng trở nên rõ ràng đối với tất cả và đang cho mọi người thấy được cơn hấp hối của nước Nga già cỗi, nước Nga nơi mà người dân bị tước quyền, thiếu hiểu biết và sợ hãi, nước Nga vẫn còn bị trói buộc nô dịch trước chính quyền cảnh sát.
Nước Nga già cỗi đang hấp hối. Một nước Nga tự do đang tới để thế chỗ. Các thế lực đen tối bảo vệ chế độ chuyên chế Sa hoàng đang chìm dần. Nhưng chỉ có giai cấp vô sản được giác ngộ và có tổ chức mới có thể giáng cho chúng đòn chí tử. Chỉ có giai cấp vô sản được giác ngộ và có tổ chức mới có thể giành được tự do thực sự, không giả bộ, tự do cho người dân. Chỉ có giai cấp vô sản được giác ngộ và có tổ chức mới có thể ngăn trở được mọi nỗ lực lừa dối nhân dân, hạn chế quyền của họ, biến họ thành một công cụ đơn thuần trong tay giai cấp tư sản.
Các đồng chí công nhân! Chúng ta hãy chuẩn bị với năng lượng gấp đôi cho trận chiến quyết định, thứ đã ở trong tầm tay! Hãy để hàng ngũ của những người vô sản Dân chủ – Xã hội thêm khăng khít chặt chẽ! Hãy để tiếng nói của họ lan xa hơn bao giờ hết! Hãy để chiến dịch cho nhu cầu của người lao động được thực hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết! Hãy để lễ kỷ niệm ngày mồng một tháng năm dành được hàng ngàn người chiến sĩ mới cho sự nghiệp của chúng ta và lực lượng của chúng ta trỗi dậy trong cuộc đấu tranh lớn vì tự do cho tất cả mọi người, để giải phóng tất cả những người phải khổ ải dưới ách của tư bản!
Sống mãi nền Dân chủ – xã hội cách mạng quốc tế!
Đả đảo Sa hoàng chuyên chế tội phạm và ăn cướp!