ABC về chủ nghĩa cộng sản (Chương XVI)

CHƯƠNG XVI

VẤN ĐỀ TÀI CHÍNH TRONG NHÀ NƯỚC VÔ SẢN

§ 122. Nhà nước như một bộ máy ký sinh

Trước đó chúng ta đã chỉ ra rằng Nhà nước là tổ chức cưỡng bách, nó là biểu hiện cho sự thống trị của một giai cấp này lên một hoặc một số giai cấp khác. Giai cấp tư sản, trong quá trình phát triển chủ nghĩa tư bản, ngày càng trở thành giai cấp ăn không ngồi rỗi, kẻ tiêu thụ hàng hoá trong khi không làm gì để giúp ích cho sản xuất. Vậy thì, chúng ta nên có quan điểm như nào đối với Nhà nước tư sản, thứ vốn chỉ phục vụ cho việc bảo vệ sự an toàn và của cải của những kẻ ăn không ngồi rỗi này khỏi quần chúng đang bị bóc lột và tràn đầy căm phẫn? Cảnh sát và hiến binh, quân đội thường trực cùng toàn thể cỗ máy tư pháp và chính quyền – một khối khổng lồ những cá nhân, những kẻ mà không một ai trong số họ đã từng sản xuất ra được một giạ lúa mì, một thước vải, hay thậm chí một cái kim, cọng chỉ. Toàn bộ tổ chức sống dựa trên Giá trị thặng dư do công nhân và nông dân sản xuất ra. Phần Giá trị thặng dư này được Nhà nước bòn rút dưới hình thức đánh thuế trực tiếp và gián tiếp. Chính phủ Sa hoàng là ví dụ khi nó đã bòn rút theo cách này từ công nhân và nông dân hơn ba tỷ rúp. (Quy đổi theo giá trị của đơn vị tiền giấy hiện tại của chúng ta, số tiền này tương đương với ba trăm tỷ, nhiều gấp ba lần so với tất cả số tiền lưu hành ở Nga.) Chỉ một phần nhỏ doanh thu của Nhà nước được dành cho sản xuất, cho những thứ như xây dựng đường bộ và đường sắt, cầu, tàu thủy, v.v…

Khi chuyển sang xem xét Nhà nước vô sản, chúng ta thấy rằng vấn đề cũng tương tự, chừng nào nội chiến vẫn tiếp diễn, chừng nào sự chống cự của giai cấp tư sản vẫn chưa bị đập tan, thì ở một mức độ nhất định nó vẫn phải là một cơ quan đứng trên sản xuất. Nhiều công cụ của Nhà nước vô sản làm việc không phải để tạo ra các giá trị mới. Thật vậy, nhiều công cụ của Nhà nước phải tiêu tốn hàng hóa do công nhân và nông dân sản xuất ra để duy trì. Trong đó phải kể đến bộ máy quân sự của chúng ta, Hồng quân và hệ thống quản lý, tất cả các phương tiện cần thiết cho cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, v.v… Nhưng những đặc điểm đó không phải là đặc trưng của Nhà nước vô sản; cả về những khía cạnh này, nó hoàn toàn khác với Nhà nước của những kẻ bóc lột. Đặc điểm cơ bản của Nhà nước vô sản là từng bước chuyển từ một tổ chức không sản xuất trở thành một tổ chức quản lý đời sống kinh tế.

§ 123. Nhà nước vô sản như một Bộ máy sản xuất

Rất lâu trước khi nội chiến kết thúc, Nhà nước vô sản đã chủ yếu lo sản xuất và phân phối hàng hóa. Chỉ cần liệt kê các ủy viên trung ương và địa phương là sẽ làm cho việc này trở nên hoàn toàn dễ hiểu. Cơ quan quan trọng nhất trong các tổ chức Xô Viết là Hội đồng Kinh tế Tối cao với những cơ quan khác nhau của nó. Cơ quan này nắm độc quyền sản xuất. Tương tự như vậy, các dân ủy nông nghiệp, thực phẩm, thông tin liên lạc và lao động, đều là các tổ chức sản xuất hoặc phân phối, hoặc là các tổ chức sử dụng sức lao động. Tương tự, Dân ủy về Phổ cập giáo dục, với chương trình thành lập một trường học lao động thống nhất mà họ thực hiện, trở thành tổ chức chuẩn bị lực lượng lao động có chuyên môn cao. Trong Nhà nước vô sản, Dân ủy Y tế công cộng là công cụ để bảo vệ sức khoẻ công nhân; Dân ủy Phúc lợi xã hội chủ yếu quan tâm đến phúc lợi của những người đã và sẽ là công nhân (nhà điều dưỡng, khu định cư, v.v…). Ngay cả Dân ủy Hành chính cũng thấy các hoạt động chính của mình dự phần vào việc hỗ trợ và lãnh đạo các cơ quan của đời sống kinh tế địa phương, đặc biệt là các thành phố trực thuộc trung ương. Xét tổng thể, Nhà nước vô sản được cơ cấu để trở thành một tổ chức khổng lồ quản lý đời sống kinh tế, để thúc đẩy tiến bộ trên mọi phương diện có thể. Một nghiên cứu về ngân sách của nước Cộng hòa Xô viết sẽ làm rõ điều này. Dưới đây là một số mục tiêu biểu của chi tiêu nhà nước.

Dưới đây là ước tính ngân sách được chi trong nửa năm từ tháng một tới tháng sáu năm 1919, theo đơn vị triệu rúp:

Hội đồng Kinh tế tối cao 10,976
Ủy ban Lương thực 8,153
– Giao thông vận tải 5,073
– Giáo dục 3,888
– Y tế 1,228
– Bảo hiểm xã hội 1,619
– Nông nghiệp 583
– Quân đội 12,150
– (Quân chủng) Hải quân 521
– Ngoại vụ 11
– Quốc vụ 17
– Tư pháp 250
– Nội vụ 857
Các ủy ban khác 348

Số liệu trên đây cho thấy rằng lĩnh vực bảo vệ chủ quyền nhà nước vẫn tiêu tốn rất nhiều ngân sách. Ngoại trừ khoản chi tiêu này ra thì có thể thấy (từ bảng) rằng những vấn đề nổi trội phát sinh từ hoàn cảnh đặc thù của chính quyền vô sản mới bao gồm sản xuất, điều hành (đất nước), bảo đảm phát triển nhân lực, duy trì năng suất lao động, v.v. Tất cả những chi phí trên hoàn toàn dành cho mục đích kinh tế.

Ngoài ra, vào các ngày Subbotnik [ND: Ngày lao động công ích trong tuần sau Cách mạng tháng Mười vào thứ bảy hàng tuần], công nhân tại các cơ quan xí nghiệp, lực lượng Hồng quân cũng như các chính ủy sẽ cùng nhau thực hiện bổn phận lao động sản xuất của mình (dù kết quả ban đầu còn khá mờ nhạt). Cho tới trước năm 1919, thì vẫn chưa có nhà nước nào trên thế giới cho công dân của mình tự nguyện tham gia làm những việc như sửa đầu máy xe lửa hay chở gỗ nhân danh Nhà nước cả.

§ 124. Ngân sách của chính quyền vô sản mới

Ta đã thấy được rằng chi ngân sách của chính quyền vô sản mới hầu hết được dành cho mục đích nâng cao sản xuất. Vậy câu hỏi ở đây là nguồn thu ngân sách của chính quyền sẽ là gì?

Thống kê tài chính của chính quyền Nga Xô-viết sẽ cho ta biết thêm thông tin về vấn đề này.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, chính quyền Xô-viết đã có cho mình một số nguồn thu ngân sách đặc biệt. Nó có nguồn tiền gửi ngân hàng được trưng thu lại từ giới tư sản; nó có cả nguồn tiền mặt còn lại từ chính quyền cũ, cũng như một số lượng lớn tiền được thu qua việc đánh thuế tư sản và từ việc bán lại hàng hóa trưng thu được của các nhà buôn và doanh nghiệp, v.v. Tất cả những nguồn thu trên đây thực ra vẫn còn rất ít so với khoản tiền cần chi ra. Đối với các đại biểu xô-viết tại địa phương, thì thuế thu được từ giới tư sản là nguồn thu hầu như là duy nhất của họ, nhưng đối với chính quyền thì nguồn thu này không đem lại trợ giúp đáng kể gì, chưa nói tới việc nguồn thu đó chỉ mang tính chất nhất thời. Giới tư sản vốn đã sớm bị lột sạch, hoặc thường thấy hơn, là tầng lớp tư sản sẽ (bỗng dưng) biến mất sau khi đem giấu hết tiền của mình đi. Thuế thu nhập theo bậc chưa được ban hành, mà cũng không đem lại kết quả nào thỏa mãn vấn đề. Còn nếu thuế được thu (chủ yếu từ) giới lao động, thì điều này sẽ khá kì cục khi chính quyền thực chất đang thu dưới dạng thuế số tiền mà chính mình đã chi ra dưới hình thức tiền lương hay tiền công. Nếu thuế được thu chủ yếu nhờ giới tư sản thành thị thì vấn đề là giới này đã chính thức không còn tồn tại nữa, vậy nên sẽ rất khó để thu thuế và thực tế đã cho thấy nguồn thu này không hề đáp ứng được chi tiêu. Đối với việc đánh thuế theo bậc có thể sẽ có lợi đối với việc thu từ nông dân giàu, nhưng để thu thuế thường xuyên hơn ta cần phải dựa vào cả cơ quan thuế của các địa phương mà nhất là từ các huyện nông thôn. Còn đối với tầng lớp nông dân có thu nhập trung bình, thì vì lí do chính trị, chính quyền không hề muốn thu khoản thuế nào từ họ chừng nào nội chiến còn tiếp diễn, bởi điều này sẽ (gián tiếp) đẩy ra khỏi tầng lớp vô sản. Nỗ lực thu được khoản thuế mười tỷ (rúp) dành cho hoạt động cách mạng đã bất thành khi mà chỉ có hơn hai tỷ rúp được thu. Nguồn thu chính của chính quyền vốn là qua việc phát hành tiền mặt, và chừng nào tiền mặt có thể mua được mọi hàng hóa thì đây cũng có thể coi là một hình thức thu thuế đặc biệt. Bởi vì việc phát hành tiền giấy làm giảm giá trị đồng tiền, nó có thể gián tiếp dẫn tới sự gián tiếp chiếm dụng tiền tư bản của giới tư sản, bởi nó làm giảm khả năng thanh toán của tiền tư bản tới mức thấp hơn mức nó có thể. Cũng có thể hiểu rằng việc phát hành tiền giấy sẽ không trở thành nguồn thu chính của chính quyền trong dài hạn bởi chúng ta nhắm tới việc xóa bỏ sự tồn tại của tiền tệ. Vậy ta có một câu hỏi là: Đâu sẽ là nguồn thu hiệu quả cho ngân sách của chính quyền vô sản mới?

Một cơ sở nguồn thu vững chắc như vậy phải do sản xuất mang lại. Nếu việc phát hành tiền giấy từ trước đến nay luôn chứng tỏ là một biện pháp thành công tạo nguồn thu cho Nhà nước, là bởi vì loại thuế kiểu như thế này làm cho người nộp thuế không biết được là mình đã bị đánh thuế như vậy. Một kiểu nguồn thu cũng không rõ ràng như vậy là khi chúng ta thu gián tiếp thông qua độc quyền Nhà nước. Khoản thu này của Nhà nước, trong thực tế, là hoàn toàn công bằng. Chi phí sản xuất của bất kỳ một sản phẩm do Nhà nước sản xuất ra phải bao gồm toàn bộ các khoản chi phí quản lý cần thiết trong một ngành sản xuất nhất định. Bộ máy nhà nước vô sản thực sự tiến hành hình thức quản lý sản xuất như vậy. Trong thực tiễn, điều này có nghĩa là nếu việc vận chuyển hành khách chi phí mất một tỷ Rúp một năm, thì Nhà nước có thể qui định giá vé ở một mức mà Nhà nước sẽ thu được từ nguồn thu này một số tiền tổng cộng là 1.200 triệu Rúp. Nếu như tổng chi phí để sản xuất toàn bộ các sản phẩm là năm tỷ, họ cần thu được doanh thu là sáu tỷ, và cứ tiếp tục như vậy. Phần chênh lệch được dùng để duy trì hoạt động của Nhà nước. Tất nhiên là các khoản thu từ độc quyền Nhà nước không hoàn toàn là các khoản thu bằng tiền, mà còn là những khoản thu trực tiếp dưới dạng số lượng sản phẩm xác định.

Nếu như Nhà nước vô sản sẽ chuyển đổi thành một cơ quan quản lý của hệ thống kinh tế xã hội chủ nghĩa một cách hoàn toàn, lúc đó câu hỏi về việc duy trì vận hành nó – chính là câu hỏi cũ của chúng ta về vấn đề ngân sách – sẽ trở nên rất đơn giản. Công việc bây giờ đơn thuần chỉ là phân bổ một tỉ lệ xác định số lượng sản phẩm cho một khoản mục xác định của chi tiêu kinh tế.

Trong khi câu hỏi về Ngân sách Nhà nước giờ đây đã trở nên rất đơn giản, thì vấn đề không đơn giản là làm thế nào để chúng ta xác định chính xác phần số lượng sản phẩm cần phải tiêu dùng, nói cách khác là những số lượng sản phẩm cần được chi tiêu trong toàn bộ hệ thống kinh tế. Cần phải tính toán với kế hoạch chính xác tuyệt đối tỉ lệ của mỗi loại sản phẩm trong tổng số sẽ được tiêu dùng, cũng như tính toán chính xác từng tỉ lệ sản phẩm sẽ được dự trữ cho việc mở rộng sản xuất, v.v..

Như vậy, chúng ta thấy rằng trong chừng mực mà Nhà nước – như là một bộ máy ăn bám – bị xóa bỏ, thì vấn đề Ngân sách Nhà nước đã nhập vào trong vấn đề chung của hệ thống phân phối toàn bộ sản phẩm của một xã hội xã hội chủ nghĩa.Ngân sách nhà nước sẽ trở thành một bộ phận nhỏ của ngân sách thống nhất chung của một cộng đồng hợp tác.

Tài liệu tham khảo: Không có nhiều tài liệu thực tiễn liên quan đến vấn đề này. Chúng ta có thể tham khảo POTYAEFF, Chính sách tài chính của Chính quyền Xô Viết.


Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận