204 năm ngày sinh nhật của Karl Marx
“Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới theo những cách khác nhau. Song điểm mấu chốt là phải thay đổi nó.”
– K. Marx, Luận cương về Feuerbach.
Hơn hai trăm năm trước, vào ngày 5 tháng 5 năm 1818, Karl Marx, một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại đã được sinh ra tại thành phố Trier của Đức. Và hai thế kỷ sau, bất chấp tất cả những cuộc tấn công đầy dữ dội, những xuyên tạc ác ý và nỗ lực cố chấp nhằm làm suy giảm hình ảnh của một con người, một nhà tư tưởng, Karl Marx đã và vẫn khẳng định được vị trí của mình trong lịch sử như một thiên tài xuất chúng trong lĩnh vực lý luận.
Cho dù bạn đồng ý hay không đồng ý với ông ấy, không có gì phải hoài nghi rằng Karl Marx đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại trong tư tưởng nhân loại và do đó đã thay đổi toàn bộ tiến trình lịch sử. Ông hoàn toàn xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của những nhà tư tưởng kiệt xuất của nhân loại. Tên tuổi của ông sánh vai với tất cả những anh hùng vĩ đại trong quá khứ: Heraclitus và Aristotle, Hegel và Charles Darwin.
Những khám phá của Marx trong lĩnh vực triết học, lịch sử và kinh tế chính trị có thể được coi là những tượng đài khổng lồ theo đúng nghĩa của chúng. Ngay cả khi tác phẩm để đời của ông bắt đầu và kết thúc với tập Tư bản đầu tiên, thì điều đó tự nó đã là một thành tựu lớn. Nhưng Marx không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một con người của hành động, một nhà cách mạng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh vì sự nghiệp của giai cấp công nhân và chủ nghĩa xã hội.
Đây là dịp tốt để chúng ta cùng ôn lại những năm tháng cuộc đời ông, mặc dù, một cuộc sống phong phú và đa dạng như vậy chắc chắn không thể được mô tả trọn vẹn chỉ trong một vài dòng.
Cuộc đời của Marx
Trier, nơi mà Marx sinh ra, cũng như toàn bộ tỉnh Hạ Rhine tuy thuộc Phổ nhưng ở nhiều khía cạnh có những sự khác biệt với các vùng đất lạc hậu, nửa phong kiến và phản động khác của Phổ ở xa hơn về phía đông.
Vùng đất bị sát nhập vào Pháp trong Chiến tranh Napoléon, cũng nhờ vậy mà cư dân nơi đây đã được tiếp xúc với những tư tưởng mới như tự do báo chí, tự do hiến pháp và sự khoan dung tôn giáo. Mặc dù Rhineland đã được Đại hội Vienna tái hợp vào nước Phổ ba năm trước khi Marx ra đời, quá khứ những năm trước đó vẫn lưu lại dấu ấn trong tư duy tiến bộ của những bộ phận khai sáng nhất trong xã hội.
Cậu bé Karl Heinrich là con thứ ba trong gia đình có chín người con của vợ chồng Heinrich và Henrietta Marx. Cha của ông là một luật sư có quan điểm tương đối tiến bộ, người đã đọc Kant và Voltaire, với chủ trương cải cách nhà nước Phổ. Gia đình họ tương đối khá giả, Marx chưa bao giờ phải trải qua cảnh nghèo đói hay thiếu thốn trong suốt thời thơ ấu và những năm đầu đời thanh niên của mình. Dù vậy ông đã phải chịu đựng những điều này rất nhiều trong cuộc đời sau này.
Cha mẹ ông đều là người Do Thái, nhưng vào năm 1816, cha của Karl đã cải sang đạo Cơ đốc. Điều này có lẽ là để đáp lại đạo luật năm 1815, cấm người Do Thái tham gia xã hội thượng lưu. Điều quan trọng là mặc dù hầu hết người dân ở Trier là Công giáo La Mã, nhưng cha ông đã chọn đức tin của Luther, bởi ông “đánh đồng đạo Tin lành với tự do trí tuệ”. Tuy nhiên, còn xa Heinrich Marx mới trở thành một nhà cách mạng và hẳn ông sẽ đáp lại bằng sự kinh hoàng nếu nhận thức được quỹ đạo tương lai của đứa con trai yêu quý của mình.
Sau khi rời ghế nhà trường, Marx tiếp tục học đại học luật, sau đó là lịch sử và triết học. Trong khi học ở Berlin, ông đã bị mê hoặc bởi nhà triết học vĩ đại Hegel. Ông thấy rằng, bên dưới lớp vỏ bề ngoài của chủ nghĩa duy tâm, phép biện chứng của Hegel có một ý nghĩa cách mạng sâu sắc nhất. Triết học biện chứng này là cơ sở cho mọi sự phát triển tư tưởng sau này của ông.
Marx đã tham gia vào khuynh hướng được gọi là ‘Những người Hegel tả khuynh’, những người đã rút ra những kết luận cấp tiến và vô thần từ triết học Hegel. Tuy nhiên, ông nhanh chóng trở nên bất bình với thói chém gió thường xuyên và sự tung hứng phép biện chứng của những nhà học thuật cấp tiến này, những người đã sớm biến chất thành những nhà xã hội chỉ đơn thuần tranh luận.
Marx rất ấn tượng trước những ý tưởng của Ludwig Feuerbach, người mà bắt đầu từ sự phê phán tôn giáo đã đi đến hướng duy vật. Nhưng ông chỉ trích Feuerbach vì đã bác bỏ triệt để phép biện chứng của Hegel. Marx đã thành công rực rỡ trong việc kết hợp chủ nghĩa duy vật với phép biện chứng để tạo ra một nền triết học hoàn toàn khác biệt và mang tính cách mạng.
Được trang bị những ý tưởng mang tính cách mạng này, chàng trai trẻ mang tên Marx đã cộng tác với một nhóm những người Hegel tả khuynh ở Rhineland, để thành lập và phát triển một tờ báo cấp tiến, tờ Rheinische Zeitung. Chính ở đây ông đã xuất bản một số bài báo mang tính cách mạng xuất sắc. Tờ báo đã thành công nhưng cũng nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhà chức trách Phổ, những người đã cố gắng nó một cách nghiêm ngặt. Dù Marx đã rất khôn khéo để né tránh sự kiểm duyệt này nhưng cuối cùng tờ báo vẫn bị đóng cửa.
Năm 1836, khi ngày càng dấn thân vào hoạt động chính trị, Marx đã bí mật đính hôn với Jenny von Westphalen, một phụ nữ trẻ đẹp xuất thân từ một gia đình quý tộc, người được mệnh danh là ‘cô gái đẹp nhất Trier’. Họ là bạn từ thuở thiếu thời và dù hơn anh bốn tuổi và thuộc một tầng lớp cao hơn hẳn, Jenny đã dành trọn tất cả tình yêu và cuộc đời cho Marx, và ông cũng vậy. Cuộc đời của họ là để dành cho nhau.
Cha của Jenny là Nam tước Ludwig von Westphalen, một người thuộc dòng dõi quý tộc đồng thời là quan chức cao cấp của Chính quyền Hoàng gia Phổ. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa Marx và Jenny đã được giữ trong bí mật suốt thời gian dài. Ba tháng sau khi đóng cửa Rheinische Zeitung, vào tháng 6 năm 1843, cuối cùng hai người cũng đi đến kết hôn, và vào tháng 10, họ chuyển đến Paris.
Jenny đã hy sinh rất nhiều để ủng hộ sự nghiệp cách mạng của chồng, nhưng tôi tin rằng bà vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Cô ấy chắc hẳn đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ, xa gia đình, cùng Marx đi từ nước này sang nước khác và sống trong những điều kiện vô cùng khó khăn khắc nghiệt. Chịu đựng những nỗi đau mất con vì nghèo khó và bệnh tật. Khi con trai bà Edgar qua đời ở London, hai vợ chồng thậm chí không có đủ tiền để mua một chiếc quan tài.
Ferdinand, anh trai của Jenny, sau này đã trở thành Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phổ từ năm 1850 đến năm 1858, thời kỳ cao trào của phản động ở châu Âu và đã rất nhiệt tình trong công cuộc đàn áp những người cách mạng. Có vẻ như một nghịch lý khi một người đàn ông tham gia hoạt động cách mạng để lật đổ nhà nước Phổ đến mức phải sống cuộc sống lưu vong ở London, trong khi anh rể anh ta ở Berlin chịu trách nhiệm cho việc đàn áp những người cách mạng cả trong và ngoài biên giới nước Phổ. Lịch sử có lẽ không biết đến tình huống trớ trêu nào hơn thế này!
Ở Paris
Mùa thu năm 1843, Marx chuyển đến Paris để cùng với Arnold Ruge xuất bản một tạp chí cấp tiến ở nước ngoài. Trong bầu không khí nóng bỏng của Paris lúc bấy giờ, Marx đã sớm tiếp xúc với các nhóm công nhân Đức có tổ chức và với các giáo phái khác nhau của chủ nghĩa xã hội Pháp. Thời điểm đó, làn gió cách mạng đang thổi mạnh khắp châu Âu, đặc biệt là ở Paris. Không phải lần đầu tiên cũng chẳng phải lần cuối mà Paris đã là trung tâm chính trị của châu Âu vào năm 1843.
Tuy nhiên, chỉ có một số của tạp chí này, Deutsch-Französische Jahrbücher, xuất hiện. Việc xuất bản đã bị ngừng chủ yếu do khó khăn trong việc bí mật phân phối nó ở Đức, và sự khác biệt về triết học giữa Marx và Ruge. Sau đó, Marx bắt đầu viết cho một tờ báo cấp tiến khác, Vorwärts, được liên kết với một tổ chức mà sau này trở thành Liên đoàn Cộng sản.
Khoảng thời gian này đã bắt đầu một trong những sự hợp tác phi thường nhất trong lịch sử. Vào tháng 9 năm 1844, một thanh niên tên Friedrich Engels đã đến Paris vài ngày để làm cộng tác viên cho tạp chí. Chính từ thời điểm này, ông đã trở thành người bạn và người cộng tác thân thiết nhất của Marx. Ngày nay, hai cái tên Marx và Engels đã hoàn toàn không thể tách rời và gần như được hợp nhất thành một.
Trong thời gian ở Paris, từ tháng 10 năm 1843 cho đến tháng 1 năm 1845, Marx đã sống tại 38 số Rue Vaneau. Tại đây, Marx tham gia vào một nghiên cứu chuyên sâu về kinh tế chính trị, ngấu nghiến các tác phẩm của Adam Smith, David Ricardo, James Stuart Mill, và cả những nhà xã hội học không tưởng người Pháp, Saint-Simon và Fourier. Những khám phá tương lai của ông trong lĩnh vực kinh tế đã được phôi thai chính ở đây và trong thời điểm này.
Bruxelles
Các hoạt động cách mạng của Marx đã sớm thu hút sự chú ý của các nhà chức trách ở Berlin. Chính phủ Phổ yêu cầu các nhà chức trách Pháp, những người cũng có mối quan ngại tương tự, phải hành động. Bị trục xuất khỏi Paris vào cuối năm 1844, Marx chuyển đến Brussels, nơi mà ông tham gia vào một hội tuyên truyền bí mật, Liên đoàn Cộng sản. Bất chấp động thái này, Marx vẫn phải chịu những hạn chế nghiêm trọng trong hoạt động của mình. Ông đã cam kết không xuất bản bất cứ điều gì về chủ đề chính trị đương đại.
Từ thời điểm này, Marx và Engels đã ngay lập tức hình thành một mối quan hệ chặt chẽ, trong đó hai người đàn ông mang những kinh nghiệm và tính khí khác nhau để cùng nhau tìm ra một bộ ý tưởng hoàn toàn mới và nguyên bản. Là con trai của một chủ hãng dệt giàu có ở Đức, Engels đã có thể kết hợp những kinh nghiệm cụ thể của mình về nền sản xuất tư bản chủ nghĩa với công trình đột phá của Marx trong lĩnh vực triết học. Engels đã cho Marx xem cuốn sách mới được xuất bản của ông, Tình cảnh giai cấp công nhân Anh. Trong đó, Engels đã đi đến kết luận rằng giai cấp công nhân sẽ là tác nhân quan trọng nhất của sự thay đổi xã hội.
Cũng chính Ph.Ăngghen là người đầu tiên bắt đầu vạch ra những nguyên tắc cơ bản mà sau này sẽ được thực hiện trong ba tập Tư bản của Marx. Nhưng với tính cách khiêm tốn đặc trưng, ông luôn chấp nhận vị trí cao nhất trong lĩnh vực tư tưởng thuộc về Marx và giữ cho mình vai trò như một môn đệ khiêm tốn và trung thành, mặc dù trên thực tế, sự đóng góp của ông cho lý thuyết Marxist phải được sánh ngang với chính Marx.
Tháng 4 năm 1845, Ph.Ăngghen chuyển từ Đức đến Bruxelles để tham gia cùng Marx. Cùng nhau, cả hai bắt đầu viết một bài phê bình triết học đối với Bruno Bauer, một người theo trường phái Hegel trẻ mà Marx đã từng thân thiết trước đây. Kết quả của sự hợp tác đầu tiên của Marx và Engels là Gia đình Thần thánh, được xuất bản vào năm 1845. Nó đánh dấu sự khởi đầu cho sự đoạn tuyệt với khuynh hướng Hegel cánh tả và là điểm khởi đầu cho điều hoàn toàn mới.
Năm 1846, Marx và Engels viết cuốn Hệ tư tưởng Đức, nơi lần đầu tiên họ phát triển lý thuyết về chủ nghĩa duy vật lịch sử. Điều này đã đánh dấu sự tan vỡ cuối cùng và không thể cứu vãn với những người Hegel trẻ. Cuối cùng, Marx đã chấp nhận ý tưởng về chủ nghĩa xã hội như là giải pháp duy nhất cho các vấn đề của loài người. Thật không may, không có nhà xuất bản nào sẵn sàng mạo hiểm để xuất bản cuốn Hệ tư tưởng Đức cũng như Luận cương về Feuerbach, chúng đã không được nhìn thấy ánh sáng cho đến sau khi Marx qua đời.
Marx và Engels đã cùng nhau tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng chống lại những tư tưởng tiểu tư sản còn hoang mang về chủ nghĩa xã hội, phấn đấu đưa những tư tưởng về chủ nghĩa xã hội vươn lên trên cơ sở khoa học. Ở Paris vào thời điểm đó, những ý tưởng bán vô chính phủ của Proudhon đang thịnh hành trong một số nhóm cách mạng. Năm 1847, Marx đã khiến họ phải hứng chịu một lời chỉ trích khốc liệt trong cuốn sách Sự khốn cùng của triết học, được hỗ trợ bởi những dữ kiện và những trích dẫn đáng kể từ các tác phẩm của chính Proudhon.
Vào đầu năm 1846, Marx đã cố gắng liên kết những người xã hội chủ nghĩa từ khắp châu Âu thông qua một Ủy ban Thư tín Cộng sản. Anh ta đã từng tiếp xúc với một tổ chức bí mật của các nghệ nhân ở Paris và Frankfurt gọi là Liên đoàn Công chính. Đó là một nhóm nhỏ (khoảng một trăm ở Paris và tám mươi ở Frankfurt) với những ý tưởng rất bối rối. Marx đã thuyết phục họ từ bỏ các phương pháp hoạt động ngầm và hoạt động công khai với tư cách là một đảng chính trị của công nhân. Nó đã hợp nhất với những người khác để thành lập Liên đoàn Cộng sản.
Tại Đại hội lần thứ hai của Liên đoàn Cộng sản, được tổ chức ở Luân Đôn vào tháng 11 năm 1847, Marx và Engels được giao trách nhiệm soạn thảo một tài liệu được gọi là Tuyên ngôn Cộng sản. Tài liệu mang tầm thế kỷ này được xuất bản vào năm 1848.
Tuyên ngôn Cộng sản và Neue Rheinische Zeitung
Ngày nay, có vẻ như đáng ngạc nhiên là Tuyên ngôn Cộng sản được viết khi Marx và Engels vẫn còn là những chàng trai trẻ; Marx chưa được 30 tuổi còn Engels trẻ hơn ông ba tuổi. Tuy nhiên, tài liệu đáng chú ý này thể hiện một bước ngoặt trong lịch sử. Ngay cả giờ đây nó cũng vẫn mới mẻ và phù hợp như khi nó lần đầu tiên nó bước ra ngoài ánh sáng. Thật vậy, sự liên quan của nó tới ngày nay thậm chí còn lớn hơn.
Thời gian xuất bản tài liệu này khó có thể tốt hơn. Mực trên những trang viết còn gần như chưa kịp khô khi một làn sóng cách mạng mạnh mẽ nổ ra khắp Châu Âu. Cách mạng tháng Hai ở Pháp đã lật đổ chế độ quân chủ của Orleans và dẫn đến việc thành lập nền Cộng hòa thứ hai.
Có một giai thoại rằng, ngay gần dịp đó Marx đã nhận được một phần thừa kế đáng kể từ cha mình (do chú của mình để lại), và đã sử dụng một phần lớn trong số đó để mua vũ khí cho những người lao động Bỉ để họ hoạt động cách mạng. Câu chuyện đúng hay sai chúng ta không biết, nhưng Bộ Tư pháp Bỉ chắc chắn đã tin vào điều đó. Họ sử dụng nó như một cái cớ để bắt anh ta.
Vì vậy, Marx buộc phải trốn trở lại Pháp, nơi ông tin rằng mình sẽ được an toàn dưới chính thể cộng hòa mới. Nhưng đó là một hy vọng viển vông. Những người Cộng hòa tư sản Pháp khiếp sợ những người lao động, những người bắt đầu tiến hành các đòi hỏi giai cấp độc lập đe dọa đến quyền tư hữu. Trong hoàn cảnh đó, điều cuối cùng họ cần là sự hiện diện của một người như Marx ở Paris.
Marx tin chắc rằng, sau Pháp, Đức đang ở trước một cuộc cách mạng. Ông chuyển đến Cologne, nơi ông thành lập một tờ báo mới – Neue Rheinische Zeitung – bắt đầu xuất bản vào ngày 1 tháng 6 năm 1848. Bài báo đưa ra một đường lối dân chủ cực kỳ cấp tiến chống lại chế độ chuyên chế của Phổ và Marx dành toàn bộ sức lực chính của mình cho việc biên tập nó (Cộng sản Liên đoàn hầu như đã bị giải tán). Ông tiếp tục ở vị trí này từ tháng 6 năm 1848 đến ngày 19 tháng 5 năm 1849, khi tờ báo bị đàn áp.
Neue Rheinische Zeitung là một hình mẫu của báo chí cách mạng và đóng một vai trò tích cực trong các sự kiện cách mạng 1848-49. Nhưng thắng lợi của cuộc phản cách mạng đã đặt dấu chấm hết cho hoạt động này. Marx đã bị đưa ra xét xử vì hoạt động cách mạng của mình. Ông được tuyên trắng án vào ngày 9 tháng 2 năm 1849, nhưng sau đó bị trục xuất khỏi Đức vào ngày 16 tháng 5 năm 1849.
Marx một lần nữa trở lại Paris. Tuy nhiên, sau đó ông bị trục xuất khỏi Pháp sau cuộc biểu tình ngày 13 tháng 6 năm 1849. Vì Phổ từ chối cấp hộ chiếu cho ông, Marx lúc này là một kẻ lưu vong không quốc tịch và không một xu dính túi. Ông chuyển đến London, nơi mà thời đó người ta còn khoan dung và chào đón những người lưu vong chính trị hơn là ngày nay. Mặc dù nước Anh cũng từ chối quyền công dân của ông, ông vẫn ở London cho đến khi qua đời. Vào tháng 5 năm 1849, ông bắt đầu “đêm trường không ngủ của cuộc sống lưu đày” kéo dài đến tận cuối đời.
London
Đến Luân Đôn, Marx vẫn lạc quan về khả năng bùng nổ một cuộc cách mạng mới ở châu Âu. Ông đã viết hai tập sách nhỏ dài về cuộc cách mạng năm 1848 ở Pháp và hậu quả của nó: Cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp và ngày 18 tháng sương mù của Louis Bonaparte. Ông kết luận rằng, “một cuộc cách mạng mới chỉ có thể xảy ra khi có một cuộc khủng hoảng mới” và sau đó dành hết tâm trí vào việc nghiên cứu kinh tế chính trị để xác định nguyên nhân và bản chất của cuộc khủng hoảng tư bản chủ nghĩa.
Trong phần lớn thời gian ở Luân Đôn, Marx và gia đình sống trong điều kiện nghèo khó cùng cực. Ông tìm việc làm phóng viên cho tờ New York Daily Tribune, một sự hợp tác kéo dài trong mười năm từ 1852 đến 1862. Tuy nhiên, Marx không bao giờ có thể kiếm đủ tiền lương từ nghề báo của mình. Trong nửa đầu những năm 1850, gia đình Marx sống trong điều kiện tồi tàn trong một căn hộ ba phòng ở khu Soho của London. Marx và Jenny đã có bốn người con và hai người nữa sẽ theo sau. Trong số này, chỉ có ba người sống sót.
“Phúc cho ai không có gia đình,” Karl Marx mệt mỏi viết trong một bức thư gửi Friedrich Engels vào tháng 6 năm 1854. Khi đó ông ba mươi sáu tuổi và đã mất hoàn toàn liên lạc với người thân từ lâu. Cha anh đã chết và quan hệ với mẹ anh rất tệ. Chỉ nhờ sự hào phóng vị tha của người bạn Friedrich Engels, Marx và gia đình ông mới có thể sống sót.
Gia đình Marx có bảy người con, bốn trong số đó đã chết khi còn nhỏ hoặc khi sinh nở. Bất chấp mọi khó khăn, họ vẫn là một gia đình hạnh phúc. Marx vô cùng yêu thương các cô con gái của mình, đến lượt họ, họ cũng ngưỡng mộ ông. Vào những lúc rảnh rỗi buổi tối, anh ấy sẽ chơi với họ và đọc các tác phẩm kinh điển. Don Quixote là một người đặc biệt được yêu thích, nhưng họ cũng biểu diễn các vở kịch của Shakespeare, trong đó Marx và các con của ông đang đọc các phần khác nhau. “Ông ấy là một người kể chuyện độc nhất vô nhị,” con gái ông, Eleanor nhớ lại.
Trong số ba cô con gái còn sống – Jenny, Laura và Eleanor – hai người đã kết hôn với các nhà cách mạng Pháp. Một trong những người này, Paul Lafargue, đã đóng một vai trò tích cực trong phong trào Mácxít và giúp thành lập đảng xã hội chủ nghĩa ở Tây Ban Nha. Eleanor Marx đã hoạt động tích cực trong phong trào công nhân Anh với tư cách là một nhà tổ chức dân quân lao động.
Công việc của Marx không chỉ giới hạn trong lý thuyết đơn thuần. Trong suốt thời gian ở Luân Đôn, ông đã đóng vai trò tích cực nhất trong việc thúc đẩy và phát triển phong trào lao động quốc tế. Marx đã giúp thành lập Hiệp hội Giáo dục Công nhân Đức, cũng như một trụ sở mới của Liên đoàn Cộng sản. Nhưng ông ngày càng thất vọng và xa lánh họ bởi những cuộc tranh giành bè phái không dứt của các giáo phái và cuối cùng cắt đứt mọi quan hệ với họ, trong khi luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với các thành viên tích cực của phong trào công nhân Anh.
Một bước ngoặt quyết định đã xảy ra vào năm 1864. Vào ngày 28 tháng 9, Hiệp hội những người lao động quốc tế – được chúng ta gọi là Quốc tế thứ nhất – đã được thành lập. Ngay từ đầu Marx đã là trái tim và linh hồn của tổ chức này, là tác giả của bài diễn văn đầu tiên và một loạt các nghị quyết và tuyên ngôn. Trong vài năm sau đó, phần lớn thời gian của ông được dành để duy trì công việc của Quốc tế. Cùng với Engels, ông đã có nhiều thư từ trao đổi với những người lao động tiên tiến và các nhà đồng tư tưởng ở nhiều nước, bao gồm cả Nga.
Marx có nghĩa vụ phải tiến hành một cuộc đấu tranh không ngừng chống lại tất cả các loại lệch lạc tiểu tư sản trong hàng ngũ quốc tế: chủ nghĩa xã hội không tưởng của Proudhon, chủ nghĩa dân tộc tư sản của Mazzini Ý, chủ nghĩa cơ hội của các nhà lãnh đạo công đoàn cải cách Anh, và trên hết là những âm mưu của Bakunin theo chủ nghĩa vô trị.
Cuối cùng, Marx đã thành công trong việc giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh tư tưởng, nhưng điều kiện hình thành các lực lượng non trẻ của quốc tế lại chuyển sang một hướng bất lợi. Thất bại của Công xã Pa-ri là đòn chí tử cuối cùng.
Trước tình hình bất lợi ở châu Âu, Marx đề xuất việc chuyển Đại hội từ Luân Đôn đến New York vào năm 1872 với hy vọng rằng cuộc đấu tranh giai cấp đang phát triển ở Tân thế giới sẽ mang lại cho Quốc tế những cơ hội mới. Nhưng không gì có thể ngăn cản sự suy giảm của nó. Thành tựu quan trọng nhất của Quốc tế thứ nhất là nó đã cung cấp một cơ sở tư tưởng vững chắc cho những bước phát triển trong tương lai. Nhưng với tư cách là một tổ chức, nó hầu như không còn tồn tại.
Sức khỏe của Marx đã bị suy giảm bởi công việc mệt mỏi ở Quốc tế và những nghiên cứu và viết lý thuyết thậm chí còn mệt nhọc hơn. Ông tiếp tục làm việc không mệt mỏi về vấn đề kinh tế chính trị và cho việc hoàn thành cuốn Tư bản, trong đó ông đã thu thập một lượng lớn tài liệu mới và nghiên cứu một số ngôn ngữ trong đó có tiếng Nga.
Cái chết
Marx không bao giờ lo toan cho sức khỏe của chính mình. Tình yêu của ông đối với các loại thực phẩm có nhiều gia vị và rượu, cùng với việc hút xì gà quá độ có thể đã góp phần khiến sức khỏe của ông ngày càng suy giảm, vốn bị tàn phá nặng nề bởi nhiều năm nghèo đói. Trong mười mấy năm cuối đời, bệnh tật tái phát không cho phép ông làm bất cứ công việc trí óc liên tục nào.
Mặc dù tuổi ngày một cao, Marx vẫn lao vào một cuộc nghiên cứu đồ sộ về các quy luật và lịch sử của chủ nghĩa tư bản, phát triển một lý thuyết kinh tế hoàn toàn mới. Để chuẩn bị cho việc viết Tư bản, ông đã đọc mọi tác phẩm có sẵn về lý thuyết và thực hành kinh tế – tài chính. Chỉ cần đọc phần chú thích sâu rộng của cuốn sách tuyệt vời này là đủ để nhận ra số lượng đáng kinh ngạc của quá trình nghiên cứu miệt mài công phu đó.
Năm 1867, ông xuất bản tập Tư bản đầu tiên. Ông đã dành phần còn lại của cuộc đời mình để viết và sửa lại bản thảo cho các tập còn lại, vẫn chưa hoàn thành vào thời điểm ông qua đời. Hai tập còn lại được Engels chăm chút tập hợp, biên tập và xuất bản từ các di cảo của Marx.
Cú đánh cuối cùng vào sức khỏe của Marx là cái chết của Jenny von Westphalen, người đã qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 2 tháng 12 năm 1881, ở tuổi 67. Cùng với cái chết của con gái lớn, đây là một bi kịch cá nhân tàn khốc mà Marx không bao giờ hồi phục được kể từ đó. Nó đã phủ bóng đen lên những năm tháng cuối đời ông.
Karl Marx qua đời vì bệnh viêm màng phổi ở Luân Đôn vào ngày 14 tháng 3 năm 1883, ông ra đi thanh thản trên chiếc ghế bành. Ông được chôn cất bên cạnh vợ tại Nghĩa trang Highgate ở London. Khi ông qua đời, một bức ảnh chân dung của cha ông được tìm thấy trong túi áo ngực của ông. Nó được đặt trong quan tài của ông và an táng tại nghĩa trang Highgate. Ngôi mộ ban đầu của ông chỉ có một phiến đá khiêm tốn, giờ đây đã bị phá hoại một cách đáng buồn và phần lớn bị bỏ qua bởi những du khách đổ xô đến đài tưởng niệm khổng lồ được dựng vào tháng 11 năm 1954 khi Marx và gia đình được cải táng trên một địa điểm mới không xa nơi cũ.
Ngôi mộ mới, được khánh thành vào ngày 14 tháng 3 năm 1956, mang dòng chữ: “Công nhân của tất cả các vùng đất đoàn kết lại!” và những lời được ca tụng không kém trong Luận cương về Feuerbach : “Các nhà triết học chỉ giải thích thế giới theo nhiều cách khác nhau – tuy nhiên, điểm mấu chốt là phải thay đổi nó.”
Nhưng tượng đài thực sự cho Marx không nằm trong nghĩa trang Highgate. Nó không được làm bằng đá hay đồng, mà bằng chất liệu bền và chắc hơn rất nhiều: những ý tưởng bất hủ có trong hơn năm mươi tập Tác phẩm được sưu tầm của ông. Đó là tượng đài duy nhất mà Marx từng mong muốn. Nó là viên đá nền tảng của phong trào giai cấp công nhân thế giới và là bảo đảm cho thắng lợi của nó trong tương lai.
– Alan Woods, Phần giới thiệu cho cuốn Những ý tưởng của Karl Marx.
Một số đoạn dịch xem lại:
Ideas of Marx: những tư tưởng của Max
1. towering genius:
Ngất ngưởng: thô
towering: xuất chúng, vĩ đại
xem nghĩa số 2: https://www.dictionary.com/browse/towering
2. Dành chọn:
Sai chính tả: dành trọn
3. monumental study = nghiên cứu hoành tráng
“hoành tráng”: thô
nghiên cứu đồ sộ
4. Nó làm vẩn đục những năm cuối đời ông.
Nó gây phiền muộn cho những năm cuối của cuộc đời ông.
Nó phủ bóng đen lên những năm cuối của cuộc đời ông.
Cảm ơn bạn Tuong Vy vì những ý kiến đóng góp chúng mình đã chỉnh sửa lại giúp bản dịch hoàn thiện hơn.