Cộng sản là tự do

Cộng Sản là Tự Do

Soren Mau

Những ý tưởng về một xã hội tốt đẹp không bao giờ có thể tự nó thay đổi lịch sử, nhưng điều này không ngăn cản chúng trở thành một phần của quá trình này. Trong những hoàn cảnh lịch sử và chính trị phù hợp, các ý tưởng có chức năng định hướng, giúp chúng ta đưa ra quyết định về cách thức hành động. Đó là lý do tại sao ta nên thảo luận về hình thái tương lai của một xã hội tự do. Và đó là điều mà những người chống chủ nghĩa tư bản đã bỏ quên quá lâu.

Communism is Freedom

——————–

Rất ít người vẫn đang bảo vệ chủ nghĩa tư bản. Hầu hết đã nhận ra sự vô lý của nó, và những lời chỉ trích về hệ thống hiện tại thường là nước đổ đầu vịt, bởi vì xung đột ý thức hệ không còn giữa những người bảo vệ chủ nghĩa tư bản và những người từ chối nó nữa, mà là giữa hy vọng và cam chịu. Với tư cách là những người chống chủ nghĩa tư bản, nhiệm vụ của chúng ta ngày nay có lẽ không phải là thuyết phục người khác rằng chủ nghĩa tư bản có bản chất huỷ diệt, mà là củng cố niềm tin vào khả năng tổ chức cuộc sống chung của chúng ta theo một cách khác và tốt hơn.

Trái ngược với niềm tin kiêu ngạo của nhiều trí thức, ta không thể củng cố niềm tin như vậy bằng cách đưa ra những ý tưởng, lập luận và phân tích đúng đắn. Đúng hơn, việc có được niềm tin đó là kết quả của trải nghiệm cụ thể về khả năng hành động và tạo ra thay đổi cùng với những người khác. Nếu hàng triệu người trong những thập kỷ đầu của thế kỷ 20 coi chủ nghĩa xã hội là điều có thể đạt được, thì đó xảy ra không phải là vì các trí thức xã hội chủ nghĩa cuối cùng đã tìm cách mài giũa lý lẽ của họ một cách sắc bén, mà bởi vì phong trào công nhân trong thời kỳ hoàng kim của nó đã tạo ra các tổ chức chính trị có khả năng cho mọi người thấy được rằng những cải thiện cụ thể về chất lượng cuộc sống hoàn toàn có thể đạt được thông qua hành động tập thể. Địa đàng là thứ vô dụng nếu chúng không đi kèm với niềm tin rằng việc cùng nhau hành động có thể thay đổi tiến trình lịch sử, và niềm tin như vậy không thể được gợi lên bằng những lập luận xác đáng: cộng đồng chính trị là cơ sở tất yếu cho các ý tưởng về một xã hội khác tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ý tưởng không quan trọng. Những ý tưởng về một xã hội tốt đẹp không bao giờ có thể tự nó thay đổi lịch sử, nhưng điều này không ngăn cản chúng trở thành một phần của quá trình này. Trong những hoàn cảnh lịch sử và chính trị phù hợp, các ý tưởng có chức năng định hướng, giúp chúng ta đưa ra quyết định về cách thức hành động. Đó là lý do tại sao ta nên thảo luận về hình thái tương lai của một xã hội tự do. Và đó là điều mà những người chống chủ nghĩa tư bản đã bỏ quên quá lâu.

May mắn thay, có dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang thay đổi. Ngày càng có nhiều người suy nghĩ về một xã hội hậu tư bản chủ nghĩa sẽ như thế nào và thảo luận về ‘chủ nghĩa cộng sản giảm phát‘, ‘chủ nghĩa xã hội nửa trái đất‘, ‘chủ nghĩa cộng sản sang trọng hoàn toàn tự động‘, ‘hậu khan hiếm‘, ‘cộng sản cứu cánh‘ và ‘công xã thế giới‘ đang sinh sôi nảy nở. Năm ngoái, M.E. O’Brien và Eman Abdelhadi đã công bố tầm nhìn của họ về một thành phố New York cộng sản trong cuốn Mọi thứ cho mọi người: Lịch sử truyền miệng của Công xã New York, 2052-2072 và các tác giả như Aaron Benanav, Jasper BernesCordelia Belton đều đang viết sách về chủ nghĩa cộng sản, hy vọng sẽ sớm được xuất bản và chắc chắn sẽ là những đóng góp quan trọng cho các cuộc thảo luận đương đại về cấu trúc kinh tế và chính trị của tương lai cộng sản của chúng ta.

Cộng Sản là Dân Chủ

Dưới chủ nghĩa tư bản, các hoạt động kinh tế của một xã hội được tổ chức theo một nguyên tắc duy nhất: lợi nhuận. Hầu hết các quyết định về sản xuất cái gì, sản lượng bao nhiêu, ai sản xuất, sản xuất ở đâu và như thế nào, và ai sẽ nhận được thành quả sản xuất đều được giao cho các chủ thể tư nhân muốn kiếm thêm lợi nhuận. Chủ nghĩa cộng sản không bao gồm việc thay thế nguyên tắc này bằng một nguyên tắc kinh tế khác, mà nó tạo điều kiện cho việc ra quyết định một cách dân chủ về cách tổ chức các hoạt động và nguồn lực chung của chúng ta.

Con người có bản chất xã hội – chúng ta sống theo nhóm và phụ thuộc vào nhau để sinh tồn, và chúng ta là các sinh vật tự nhiên  – tức là những sinh vật phụ thuộc vào một hệ sinh thái không thuộc riêng về ai cả, mà là tài sản chung của tất cả mọi người. Quyền tiếp cận của một cá nhân với các điều kiện tồn tại của chính họ luôn phải đi qua trung gian dưới dạng các mối quan hệ xã hội. Đây là một cách khác để nói rằng việc tiếp cận với điều kiện tồn tại luôn luôn là một quyết định chính trị. Vì lý do này, tự do không bao giờ chỉ gồm sự thiếu vắng của thứ quyền lực mà cộng đồng áp đặt lên các cá nhân, mà còn phải bao gồm khả năng mà các cá nhân có thể tham gia vào các quá trình chính trị định hình mối quan hệ của họ với các điều kiện tồn tại của mình. Nói cách khác, con người về bản chất là động vật chính trị, quyền tự do của họ chỉ có thể được thực hiện và duy trì thông qua quyền tự quyết tập thể—hay cái mà chúng ta gọi là nền dân chủ. Chủ nghĩa cộng sản là khát vọng thực hiện lý tưởng dân chủ này một cách nghiêm túc nhất có thể. Do đó, cộng sản là một tầm nhìn về tự do. Dân chủ, như Ellen Meiksins Wood đã nói, “không chỉ đơn giản là một phạm trù chính trị, mà còn là một phạm trù kinh tế, vận hành với tư cách là một cơ quan điều tiết kinh tế, là vô lăng của nền kinh tế”.

Không phải là một lối sống

Chủ nghĩa cộng sản không ám chỉ một ý tưởng cụ thể nào về cuộc sống tốt đẹp. Chủ nghĩa cộng sản không phải là một lối sống, hay một ảo tưởng về việc biến mọi khía cạnh trong cuộc sống thành đối tượng của việc đưa ra quyết định chính trị; nó không phải là một sự sùng bái cộng đồng lãng mạn hay một giấc mơ về các công xã và những người ăn vặt và văn hóa tự chế. Chủ nghĩa cộng sản là nỗ lực thiết lập các thể chế có thể đảm bảo mức độ tự do cá nhân và kiểm soát dân chủ cao nhất có thể đối với các khía cạnh của đời sống con người mà các thành viên của xã hội bắt buộc phải chia sẻ. Chủ nghĩa cộng sản vừa dành cho những người hướng nội và ẩn dật, và lại vừa dành cho những người theo chủ nghĩa tập thể.

Chủ nghĩa cộng sản dựa trên sự thừa nhận rằng có những khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta có bản chất tập thể, và do đó không thể để lại cho các cá nhân quản lý. Ví dụ điển hình nhất là đất đai: ban đầu nó không thuộc về bất cứ ai cả, và do nó thuộc về tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao các quyết định về việc phải làm gì với nó phải là những quyết định dân chủ. Việc cộng đồng hóa các điều kiện tồn tại của chúng ta không dựa trên tuyên bố rằng cái chung hay cái tập thể là tốt hơn về mặt đạo đức, hay là nó quan trọng hơn cá nhân, mà dựa trên nhận thức đơn giản rằng sự tái sản xuất của loài người vốn có tính xã hội, và rằng việc dân chủ hóa hoàn toàn các khía cạnh chung của quá trình tái sản xuất này là kết quả hợp lý duy nhất của thực tế đó. Tuy nhiên, tất cả các khía cạnh của cuộc sống có thể được giải quyết riêng lẻ sẽ vẫn là các vấn đề cá nhân.

Điều kiện cơ bản của chủ nghĩa cộng sản là các điều kiện cơ bản của đời sống xã hội phải được đặt dưới sự kiểm soát dân chủ. Nhà nước sẽ bị bãi bỏ, tất cả các công ty tư nhân sẽ bị giải thể, và tất cả các phương tiện sản xuất thuộc sở hữu tư nhân—đất đai, nhà xưởng, máy móc, v.v.—cũng như của cải của tầng lớp thượng lưu sẽ bị sung công. Đồng thời, cần phải xây dựng các thể chế mới. Các thể chế này không chỉ đảm nhận nhiều chức năng mà chúng ta thường gắn với nhà nước ngày nay, mà còn đóng vai trò quản lý và giám sát nền kinh tế.

Do đó, điều ta thực chất đang muốn đấu tranh giành được ở đây là sự mở rộng dân chủ một cách toàn diện. Thay vì để các lực lượng thị trường đưa ra các quyết định kinh tế, chúng ta sẽ là những người quyết định thứ gì chính chúng ta muốn.

Công xã

Hãy gọi đơn vị cơ bản của cấu trúc thể chế của chủ nghĩa cộng sản là công xã. Mọi người sẽ phải chọn một công xã quê hương, nhưng mọi người sẽ có thể sống ở bất kỳ xã nào mình muốn. Các xã sẽ có quy mô khác nhau, tùy thuộc vào lịch sử tiền cách mạng cũng như bối cảnh địa lý, văn hóa và lịch sử cụ thể của chúng. Một số xã sẽ được đô thị hóa mạnh mẽ và có số dân —hãy họ là xã viên—lên tới hàng triệu người, trong khi các xã ở những khu vực dân cư thưa thớt hoặc những hòn đảo hoang vắng có thể có rất ít cư dân, ít nhất là ở giai đoạn đầu. Chủ nghĩa cộng sản sẽ dần dần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, nhưng để bắt đầu, cần phải xây dựng chủ nghĩa cộng sản trong một thế giới được định hình bởi quá trình đô thị hóa tư bản chủ nghĩa mạnh mẽ kéo dài hàng thế kỷ, nghĩa là các khu vực đô thị hóa nặng nề như Tokyo hay Thượng Hải sẽ phải được chuyển đổi thành một số xã đô thị lớn.

Lý tưởng nhất là mỗi xã sẽ kiểm soát mọi thứ cần thiết để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng, từ đất đai, nước, năng lượng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác đến sức lao động, công nghệ, nghiên cứu và giáo dục. Các quyết định, về mặt bằng chung, nên được đưa ra bởi những người phải chịu ảnh hưởng từ những quyết định đó (hoặc gần với những người đó nhất có thể) để đảm bảo mức độ tự chủ cao và giảm thiểu rủi ro sự tập trung quyền lực phi dân chủ.

Trên thực tế, đây là một lý tưởng không thể thực hiện được, một phần vì một trong những điều kiện cơ bản của tất cả các xã là một sinh quyển ổn định, và điều đó chỉ có thể được đảm bảo thông qua một số loại quy định toàn cầu về việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên chung của chúng ta. Hơn nữa, việc các xã hợp tác với nhau sẽ có những lợi thế rõ ràng. Ví dụ, hai xã lân cận có thể quyết định tập hợp các nguồn lực của họ để đóng góp cho cơ sở hạ tầng hoặc giáo dục. Những thỏa thuận như vậy giữa các xã có thể sẽ dẫn đến một dạng cấu trúc kim tự tháp, bao gồm các thể chế chính trị có quyền ra quyết định cũng như các diễn đàn để phối hợp, chia sẻ kiến thức và hỗ trợ qua lại.

Dưới chế độ cộng sản, các cuộc trưng cầu dân ý sẽ phổ biến hơn, nhưng không phải tất cả các quyết định đều có thể được đưa ra theo cách này. Do vậy, cũng cần phải có các hội đồng đại diện, cấu thành bởi các thành viên được chọn thông qua sự kết hợp giữa bầu cử và chọn lọc ngẫu nhiên. Điều này sẽ chống lại sự hình thành của giới tinh hoa chính trị và sự chuyên nghiệp hóa chính trị theo mô hình thị trường.

Có lẽ nhiệm vụ quan trọng nhất của công xã là việc thông qua và thực hiện các kế hoạch kinh tế thay thế cơ chế thị trường. Nó có thể trông giống như thế này: tất cả các xã viên và cơ sở sản xuất sẽ thường xuyên báo cáo nhu cầu và mong muốn của họ, và dựa trên dữ liệu công khai về những nhu cầu và mong muốn này, cũng như các nguồn lực và năng lực sản xuất sẵn có, các tổ chức chính trị khác nhau sẽ đề xuất dự thảo kế hoạch kinh tế, trong đó gồm các mục tiêu sản xuất trong thời gian hai năm. Quá trình này sẽ được lặp đi lặp lại nhiều lần cùng với các cuộc họp và điều trần công khai và các hình thức tranh luận công khai khác nhau để đảm bảo mức độ tham gia dân chủ tối đa. Sau đó, một kế hoạch cuối cùng sẽ được thông qua nhờ trưng cầu dân ý. Các quyết định liên quan đến các chi tiết chính xác của việc triển khai sẽ được đưa ra bởi các hội đồng đại diện phối hợp với các đơn vị sản xuất.

Khu vực công

Dưới chủ nghĩa cộng sản, nền kinh tế sẽ được chia thành hai khu vực. Aaron Benanav vay mượn từ Marx và gọi chúng là lĩnh vực cần thiếtlĩnh vực tự do. Chúng ta cũng có thể gọi chúng là khu vực công và khu vực tư nhân. Trong khu vực công—hay lĩnh vực cần thiết—“chúng ta sẽ chia sẻ”, như Benanav nói, “lao động cần thiết cho quá trình tái sản xuất tập thể của chúng ta, và phân chia trách nhiệm sau khi đã tính đến khả năng và khuynh hướng của từng cá nhân.” Điều này sẽ bao gồm nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, giáo dục, nghiên cứu, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người già, giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng, phương tiện truyền thông, hàng tiêu dùng và những gì ngày nay chúng ta gọi là tư liệu sản xuất.

Các kế hoạch hai năm được mô tả ở trên có thể được coi là một danh sách tất cả những thứ sẽ được sản xuất bởi khu vực công. Khi có được danh sách, chúng có thể được chuyển đổi thành một lượng giờ lao động nhất định cần thiết để đạt được các mục tiêu này. Lý tưởng nhất, là số giờ này sẽ được phân bổ đồng đều cho tất cả những người trưởng thành trong cộng đồng, và các nhiệm vụ cụ thể sẽ được phân bổ theo khả năng và nhu cầu của mỗi cá nhân. Vì vậy, mọi người có thể, ví dụ, được yêu cầu làm việc hai mươi giờ một tuần.

Dưới chủ nghĩa tư bản, một phần đáng kể lao động cần thiết nhất để duy trì cuộc sống bị vô hình hóa hoặc tư nhân hóa dưới dạng lao động không được trả công. Sự tách biệt giữa lao động được trả công và không được trả công, giữa sản xuất và tái sản xuất, vốn là nguồn gốc quan trọng của áp bức giới, sẽ biến mất dưới chế độ cộng sản, nơi mà lao động tái sản xuất sẽ được coi là một phần khối lượng công việc chung của công xã.

Để đảm bảo nhu cầu của xã phù hợp với nhu cầu và khả năng của cộng đồng, nhiều biện pháp khuyến khích khác nhau có thể được sử dụng—ví dụ, một công việc đặc biệt khó chịu thì có thể được giảm gấp đôi số giờ hoặc đi kèm với các đặc quyền, chẳng hạn như tiếp cận nhà ở hấp dẫn hơn hoặc điều kiện làm việc hấp dẫn hơn. Các công việc phổ biến hơn có thể được giao bằng xổ số hoặc gộp chung với những công việc không phổ biến. Một chiến lược tương tự có thể được sử dụng để đảm bảo rằng hệ thống giáo dục của xã được thiết lập để đáp ứng nhu cầu dự kiến của xã, nhằm tránh tình trạng thiếu lao động chuyên môn. Theo cách đó, có thể tạo ra sự phân công lao động trong đó hầu hết các công việc đều hấp dẫn như nhau và trong đó một số nhóm người nhất định sẽ không bị buộc phải đảm nhận những công việc tồi tệ nhất—khác với hiện thực dưới chế độ tư bản chủ nghĩa.

Mọi thứ được sản xuất trong khu vực công sẽ được phân phối mà không cần sử dụng tiền. Nhà ở, chăm sóc sức khỏe, thuốc men, giáo dục, chăm sóc trẻ em, phương tiện giao thông công cộng và các bữa ăn trong nhà ăn công cộng sẽ miễn phí và dành cho tất cả mọi người mà không cần kiểm soát. Nhà ở sẽ được chỉ định thông qua xổ số và danh sách chờ. Khái niệm thư viện công cộng có thể được mở rộng cho những thứ như công cụ, xe đạp, nhạc cụ, nghệ thuật và quần áo, như chính trị gia người Đan Mạch Pelle Dragsted đã đề xuất gần đây.

Hàng tiêu dùng liên quan đến các sở thích cá nhân khác nhau (tôi thích uống rượu vermouth, bạn có thể thích rượu sherry hơn) có thể được ‘mua’ bằng phiếu giảm giá kỹ thuật số. Tất cả các xã sẽ nhận được phiếu giảm giá mỗi tuần để sử dụng cho các dịch vụ và sản phẩm có sẵn từ kho công cộng. Đây sẽ không phải là tiền, vì các phiếu giảm giá sẽ thuộc về cá nhân và hết hạn sau một khoảng thời gian nhất định (ví dụ: ba tháng), điều đó có nghĩa là chúng không thể được chuyển nhượng và tích lũy.

Lĩnh vực tư nhân

Công xã sẽ sản xuất và phân phối mọi thứ cần thiết để mọi người trong xã có một cuộc sống tốt đẹp, lâu dài, khỏe mạnh và ổn định. Nó sẽ chịu trách nhiệm xây dựng và bảo trì nhà ở, điện, đường xá, vệ sinh, đường sắt, internet; nó sẽ sản xuất thức ăn, thuốc men, quần áo, điện thoại, đồ đạc, ti vi và sách của bạn; nó sẽ chăm sóc bạn, con cái bạn, người già và người bệnh.

Nhưng xã sẽ không thể đáp ứng tất cả nhu cầu của cộng đồng. Dưới chủ nghĩa tư bản, chính nhu cầu thực tế của các cá nhân quyết định những gì được sản xuất: ‘Quyền lực xã hội trở thành quyền lực tư nhân của các cá nhân’, như Marx đã viết trong Tư bản luận. Dưới chế độ cộng sản, các quyết định về sản xuất cái gì thay vào đó sẽ được thực hiện một cách dân chủ, có nghĩa là công xã có thể quyết định không sản xuất một số sản phẩm mặc dù một số xã viên muốn. Trong những trường hợp như vậy, theo quy định, các xã viên sẽ được tự do sản xuất những thứ này trong thời gian rảnh rỗi của họ.

Các sản phẩm mà xã đã chọn không đưa vào kế hoạch kinh tế của mình có thể được sản xuất bởi khu vực tư nhân, hoặc lĩnh vực tự do—tức là một phần của nền kinh tế xã hội mà các xã viên sẽ quản lý trong thời gian rảnh rỗi của họ. Ở đây, mọi người sẽ sản xuất và buôn bán theo ý muốn của họ, tuân theo những giới hạn nhất định được xác định một cách dân chủ (chẳng hạn như không sản xuất hoặc trao đổi con người, vũ khí hoặc ma túy). Các xã viên cũng sẽ có thể tạo ra các thể chế và công nghệ giúp tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi, cũng như là để điều phối nó – ví dụ, tạo ra một số loại tiền.

Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng chúng ta đã quyết định một cách dân chủ rằng để giảm thời gian làm việc cho mọi người, xã sẽ chỉ sản xuất xe đạp một màu. Nếu một xã viên rất muốn có một chiếc xe đạp màu đỏ, họ sẽ có thể lấy một chiếc xe đạp chưa sơn từ một nhà kho công cộng (tất nhiên là miễn phí, giống như mọi thứ khác) và tự sơn nó. Hoặc có thể họ sẽ mang nó đến một xưởng xe đạp mà một nhóm cộng đồng đã thành lập trong thời gian rảnh rỗi, và nhờ họ sơn nó để đổi lấy thứ khác. Như ví dụ này hy vọng đã làm sáng tỏ, ‘khu vực tư nhân’ về cơ bản chỉ là tên gọi của những hoạt động sản xuất mà người dân tham gia vào thời gian rảnh rỗi của họ.

Ranh giới giữa hai lĩnh vực sẽ được xã vạch ra một cách dân chủ. Mỗi lần quyết định, câu hỏi sau sẽ được hỏi: Đây là nhu cầu mà chúng ta đồng ý chịu trách nhiệm như một tập thể, hay đây là điều chúng ta để cho các xã viên tự lo liệu? Năng lượng, nhà cửa và nguyên liệu thô cần thiết cho sản xuất ngoài khu vực công sẽ được công xã cấp miễn phí hoặc để đổi lấy sản phẩm hoặc dịch vụ.

Nhưng chẳng phải khu vực tư nhân này chỉ đơn thuần là một hình thức khác của chủ nghĩa tư bản hay sao? Câu trả lời là không, bởi vì công xã sẽ luôn đảm bảo cho tất cả các xã quyền được tiếp cận vô điều kiện với các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, điều đó có nghĩa là họ luôn có thể rút hoàn toàn khỏi khu vực tư nhân. Đất đai, nhà ở và sức lao động sẽ không bao giờ trở thành hàng hóa. Tiền sẽ tồn tại hoàn toàn như một phương tiện trao đổi và sẽ không cho phép một số người có nhiều quyền lực hơn người khác.

Cuộc sống dưới chế độ cộng sản

Trong nhiều thế kỷ, chủ nghĩa tư bản đã đặt lợi nhuận lên trên thiên nhiên, và kết quả là giờ đây chúng ta chỉ còn lại những gì tác giả cộng sản Eskil Halberg đã gọi là “một hành tinh xập xệ”. Chúng ta cần những gì mà The Salvage Collective, trong bản tuyên ngôn năm 2021 của họ, Bi kịch của người lao động, gọi là chủ nghĩa cộng sản cứu cánh, có nghĩa là một phần đáng kể nguồn lực của xã sẽ cần được dành cho việc phục hồi sinh thái. Việc dân chủ hóa các nguồn tài nguyên chung của chúng ta sẽ giúp điều chỉnh việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, và do đó đảm bảo các điều kiện tồn tại cho các thế hệ tương lai của con người và các sinh vật khác tồn tại cùng chúng ta trên trái đất này.

Ý tưởng về chủ nghĩa cộng sản mà tôi đã mô tả ở đây khác với chủ nghĩa xã hội nhà nước độc tài của thế kỷ 20 cũng như với chủ nghĩa tư bản. Vậy tại sao cứ khăng khăng gọi nó là “chủ nghĩa cộng sản”, một từ gắn liền với chế độ độc tài của chủ nghĩa Stalin? Cũng vì lý do đó mà chúng ta không nên từ bỏ khái niệm “dân chủ” vì Cộng hòa Dân chủ Đức hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Bắc Triều Tiên. Một số từ xứng đáng để ta đấu tranh, và thay vì để mặc khái niệm cộng sản bị làm sai lệch bởi giai cấp tư sản, chúng ta nên kiên quyết tiếp tục truyền thống lâu đời, liên tục – truyền thống chống lại chủ nghĩa xã hội nhà nước độc tài – đã đấu tranh cho một xã hội tự do hơn dưới ngọn cờ chủ nghĩa cộng sản trong hơn 150 năm qua.

Vậy, cuộc sống dưới chế độ cộng sản sẽ như thế nào? Hơn cả, một xã hội cộng sản sẽ tự do, không có giai cấp và đa dạng. Chủ nghĩa cộng sản sẽ trao cho mọi người quyền tự do định hình cuộc sống của họ theo ý muốn. Chủ nghĩa cộng sản sẽ đồng nghĩa với việc ra quyết định dân chủ hơn, ít giờ làm việc hơn, nhà ở tốt hơn, thức ăn ngon hơn và sinh quyển ổn định, cũng như với thứ mà chủ nghĩa tư bản không bao giờ có thể mang lại—an ninh kinh tế. Dưới chủ nghĩa tư bản, bạn không bao giờ biết khi nào tình trạng sa thải, lạm phát hoặc khủng hoảng kinh tế sẽ xé toạc tấm thảm dưới chân bạn; dưới chủ nghĩa cộng sản, không ai phải lo sợ bị cắt đứt khả năng tiếp cận các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Nói cách khác, một cuộc sống cộng sản sẽ tự do, an toàn và tốt đẹp – cho tất cả mọi người.

 

18 tháng bảy 2023, Verso Books

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận