Chủ nghĩa Marx và Darwin

 

(Lời người dịch: Đây là một chương trong Lý trí trong sự nổi loạn: Triết học Marx và khoa học hiện đại, một công trình nghiên cứu đồ sộ của Alan Woods và Ted Grant, biên tập viên của Bảo vệ Chủ nghĩa Marx. Bởi mức độ kiến thức chuyên sâu của nó người dịch không thể mang đến ngay lập tức cho độc giả cả cuốn sách mà chỉ có thể từng chương một, rất mong mọi người có thể thông cảm.

 

Trong chương này tác giả đem lại một phân tích sâu sắc thuyết tiến hóa của Darwin trên quan điểm Marxist, tính tiến bộ cũng như những hạn chế của nó,)

 

Charles Darwin (1809 – 1882), cha đẻ của học thuyết tiến hóa.

 

Tiệm tiến luận (gradualism) của Darwin

 

 

“Đôi lúc người ta nói rằng quan điểm của phép biện chứng là đồng nhất với thuyết tiến hóa. Không cần phải nghi ngờ rằng chúng có những điểm gần gũi. Tuy vậy, giữa chúng vẫn có một sự khác biệt sâu sắc và quan trọng, nó phải được xác định, không giống như việc ủng hộ giảng dạy thuyết tiến hóa. Các nhà tiến hóa hiện đại giới thiệu một sự pha trộn đáng kể của chủ nghĩa bảo thủ vào trong giảng dạy của họ. Họ muốn chứng minh rằng không có bước nhảy nào trong tự nhiên hay trong lịch sử. Mặt khác, phép biện chứng biết rất rõ rằng trong tự nhiên cũng như trong tư tưởng con người và lịch sử thì những bước nhảy vọt là không thể tránh khỏi. Nhưng nó không bỏ qua thực tế không thể phủ nhận rằng đồng thời một quá trình liên tục đang được tiến hành trong tất cả các giai đoạn của sự thay đổi. Nó chỉ nỗ lực để làm rõ cho chính nó một loạt các điều kiện theo đó thay đổi dần dần nhất thiết phải dẫn đến một bước nhảy vọt.” (Plekhanov, Tuyển tập các tác phẩm triết học, Tập. 1, Tr. 480)

 

 

Darwin xem nhịp độ tiến hóa như một quá trình dần dần của những bước có trật tự. Nó được tiến hành với tốc độ không đổi. Ông tuân thủ phương châm của Linnaeus: “Thiên nhiên không tạo ra bước nhảy vọt.” Quan niệm này đã được phản ánh ở những nơi khác trong thế giới khoa học, đáng chú ý nhất là với môn đệ của Darwin, Charles Lyell, tông đồ của tiệm tiến luận trong lĩnh vực địa chất. Darwin đã rất tận tâm với tiệm tiến luận, đến nỗi ông đã xây dựng toàn bộ lý thuyết của mình trên nó. “Hồ sơ địa chất là vô cùng không hoàn hảo”, theo tuyên bố của Darwin, “và thực tế này sẽ giải thích phần lớn lý do tại sao chúng ta không tìm thấy muôn vàn trạng thái khác nhau, kết nối tất cả các dạng sống đã tuyệt chủng và hiện hữu bằng các bước tiệm tiến tinh tế nhất. Người từ chối những quan điểm này về bản chất của hồ sơ địa chất sẽ thực sự bác bỏ lý thuyết của tôi. Tiệm tiến luận trong học thuyết của Darwin bắt nguồn từ quan điểm triết học thời Victoria. Từ “sự tiến hóa” này, mọi bước nhảy vọt, thay đổi đột ngột hay những biến đổi mang tính cách mạng đều bị khước từ. Quan điểm chống biện chứng này đã gây ảnh hưởng đến các ngành khoa học cho tới tận ngày nay. “Một khuynh hướng đã bén rễ sâu sắc trong tư tưởng phương Tây khiến cho chúng ta xem thay đổi là liên tục và dần dần”, lời của Gould.

 

Tuy nhiên, những quan điểm này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt. Hồ sơ hóa thạch hiện tại đầy những khoảng trống. Nó tiết lộ xu hướng dài hạn, nhưng chúng cũng rất trục trặc. Darwin tin rằng những trục trặc này là do những lỗ hổng trong hồ sơ. Một khi các mảnh còn thiếu được phát hiện, nó sẽ tiết lộ một sự tiến hóa trơn tru dần dần của giới tự nhiên. Hay nó vẫn là thế chăng? Chống lại cách tiếp cận tiệm tiến, các nhà nghiên cứu cổ sinh học Niles Eldredge và Stephen Jay Gould đã đưa ra một lý thuyết về sự tiến hóa được gọi là cân bằng ngắt quãng, đưa ra giả định rằng hồ sơ hóa thạch vốn không đầy đủ như đã nghĩ. Các khoảng trống có thể phản ánh những gì thực sự xảy ra. Gould lập luận rằng sự tiến hóa diễn tiến với những bước nhảy vọt, ngắt quãng qua thời gian dài phát triển ổn định, tiệm tiến.

 

“Lịch sử của sự sống không phải là một sự phát triển liên tục, mà là một hồ sơ bị ngắt quãng bởi sự ngắn gọn, đôi khi về mặt địa chất, những giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt và sự đa dạng hóa tiếp theo, thay vì một sự chuyển đổi tiệm tiến, một số động vật đa bào hiện đại xuất hiện lần đầu tiên trong hồ sơ hóa thạch Cách đây 570 triệu năm – và với một sự thình lình, không phải là một đỉnh cao kéo dài. “Sự bùng nổ ở kỷ Cambri” này đánh dấu sự xuất hiện (ít nhất là qua bằng chứng trực tiếp) của hầu như tất cả các nhóm lớn của động vật hiện đại và tất cả ở trong một khoảng thời gian rất nhỏ, trên quan điểm địa chất, trong một vài triệu năm.” (Gould, Sự sống phi thường, Tr. 54 và 24)

 

 

Gould cũng chỉ ra nét đặc biệt là ranh giới của thời gian địa chất trùng khớp với những bước ngoặt trong quá trình tiến hóa của sự sống. Quan niệm về sự tiến hóa này rất gần với quan điểm của chủ nghĩa Marx. Sự tiến hóa không phải là một số chuyển động trơn tru, dần dần từ thấp đến cao. Sự tiến hóa diễn ra thông qua sự tích lũy những thay đổi thứ bùng nổ trong một sự thay đổi về chất, thông qua các cuộc cách mạng và biến đổi. Vào cuối thế kỷ 19, nhà Marxist George Plekhanov đã bút chiến chống lại quan niệm tiệm tiến về tiến hóa:

 

 

“Triết học duy tâm Đức, đã nổi dậy một cách dứt khoát chống lại một quan niệm sai lầm như vậy về sự tiến hóa. Hegel đã chế giễu một cách chua cay nó, và chứng minh một cách không thể chối cãi rằng cả trong tự nhiên và trong xã hội loài người những bước nhảy cũng tạo thành một giai đoạn tiến hóa thiết yếu như sự biến đổi dần dần về lượng. ‘Những thay đổi trong sinh vật’, ông nói, ‘không chỉ bao gồm trong thực tế là một lượng này chuyển sang lượng khác, mà cả chất cũng chuyển thành lượng và ngược lại. Mỗi lần chuyển đổi của loại sau biểu thị sự gián đoạn trong tiệm tiến và mang lại cho hiện tượng một khía cạnh mới, khác biệt về mặt chất so với trước đó '.”(Plekhanov, Sự phát triển của nhất nguyên luận về lịch sử, Tr96-7)

 

 

“Tiến hóa”“cách mạng” là hai mặt của cùng một quá trình. Khi bác bỏ tiệm tiến luận, Gould và Eldredge đã tìm kiếm một lời giải thích khác về sự tiến hóa, và đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa duy vật biện chứng. Bài viết của Gould về “cân bằng ngắt quãng” đã vạch ra sự tương đồng với quan niệm duy vật về lịch sử. Học thuyết chọn lọc tự nhiên là một lời giải thích tốt về cách mà các loài trở nên tốt hơn những gì chúng là, nhưng cung cấp một lời giải thích không thỏa đáng cho sự hình thành của các loài mới. Hồ sơ hóa thạch cho thấy sáu vụ tuyệt chủng hàng loạt lớn diễn ra vào đầu và cuối kỷ Cambri (lần lượt là 600 triệu và 500 triệu năm trước), và sự kết thúc của Devonia (345 triệu năm trước), Permi (225 triệu), Triassic (180 triệu) và Creta (63 triệu). Một cách tiếp cận mới về chất là cần thiết để giải thích hiện tượng này.

 

Sự tiến hóa của một loài mới được đánh dấu bằng sự tiến hóa của cấu trúc di truyền cho phép các thành viên của loài mới gây giống với nhau, nhưng không phải với các thành viên của những loài khác. Các loài mới phát sinh từ một sự rẽ nhánh từ gốc tổ tiên. Đó là, như Darwin giải thích, một loài có nguồn gốc từ một loài khác. Cây sự sống cho thấy rằng nhiều hơn một loài có thể được truy trở lại một nguồn gốc tổ tiên. Con người và tinh tinh là những loài khác nhau, nhưng có một tổ tiên chung đã tuyệt chủng. Sự chuyển đổi từ một loài này sang loài khác diễn ra nhanh chóng giữa hai loài ổn định. Sự chuyển đổi này không diễn ra trong một hoặc hai thế hệ, mà có thể tới hàng trăm ngàn năm. Như Gould bình luận:

 

 

”Điều này có vẻ như là một thời gian khá dài trong khuôn khổ cuộc sống của chúng ta, nhưng đó chỉ là một khoảng địa chất tức thời. Nếu các loài phát sinh trong hàng trăm hoặc hàng ngàn năm và sau đó tồn tại, hầu như không thay đổi, trong vài triệu năm, thời kỳ cội nguồn của chúng là một phần rất nhỏ của một phần trăm của tổng thời gian của chúng.”

 

 

Chìa khóa cho sự thay đổi này nằm ở sự tách biệt về địa lý, nơi một dân số nhỏ đã trở nên tách biệt với dân số chính ở ngoại vi của nó. Hình thức này của sự hình thành loài, được gọi là allopatric, cho phép một sự tiến hóa nhanh chóng diễn ra. Ngay khi một loài tổ tiên bị biệt lập, sự giao phối chéo dừng lại. Bất kỳ thay đổi di truyền nào cũng được xây dựng tách biệt. Hơn nữa, trong quần thể nhỏ hơn, các biến thể di truyền có thể lây lan rất nhanh so với nhóm tổ tiên. Điều này có thể được mang tới bởi chọn lọc tự nhiên nhằm đáp lại những thay đổi của yếu tố khí hậu và địa lý. Khi hai quần thể phân rẽ, cuối cùng đạt tới điểm nơi mà hai loài được hình thành. Những thay đổi về lượng đã dẫn đến một sự chuyển đổi về chất. Nếu chúng gặp lại nhau trong tương lai thì chúng rất khác biệt về mặt di truyền, và chúng không thể giao phối thành công; con cái của họ sẽ bị bệnh hoặc đơn giản không thể sinh sản. Cuối cùng, các loài tương tự có cùng lối sống sẽ có xu hướng cạnh tranh, dẫn đến sự tuyệt chủng của những kẻ ít thành công nhất.

 

Như Engels nhận xét:

 

 

Quá trình phát triển hữu cơ, cả cá nhân và loài, bằng cách phân liệt hóa, là thử nghiệm nổi bật nhất cho lý lẽ của phép biện chứng.”(Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, trang 154, phiên bản 1946)

 

 

Và một lần nữa:

 

 

“Sự phát triển hơn nữa của sinh lý học, điều quan trọng hơn với nó là trở nên thay đổi không ngừng, dẫu vô cùng nhỏ, và do đó, điều quan trọng hơn đối với nó cũng là sự xem xét điều khác biệt trong đặc tính và quan điểm trừu tượng cũ về đặc tính chính thức, rằng một sinh vật hữu cơ bị đối xử như một thứ gì đó đồng nhất một cách đơn giản với chính nó, như một thứ gì đó không đổi, đã trở nên lỗi thời.”(Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, trang 162, phiên bản 1946)

 

 

Engels sau đó kết luận:

 

 

“nếu có các cá thể trở nên thích nghi để sống sót và phát triển thành một loài mới bằng cách ngày càng không ngừng thích nghi, trong khi các cá thể khác không thay đổi thì chết dần và cuối cùng bị loại bỏ, và cùng với chúng là những giai đoạn trung gian không hoàn hảo, thì điều này có thể và tiến hành mà không có bất kỳ chủ nghĩa Malthus nào, và nếu cái sau nên xảy ra ở tất cả, nó không làm thay đổi quá trình, nhiều nhất là nó có thể tăng tốc nó.” (Engels, Phép biện chứng của tự nhiên , trang 235, phiên bản 1946)

 

 

Gould đã đúng khi nói rằng lý thuyết về cân bằng ngắt quãng không mâu thuẫn với nguyên lý chính của học thuyết của Darwin, chọn lọc tự nhiên, mà ngược lại, làm phong phú và củng cố thêm nó. Richard Dawkins trong cuốn sách của ông, Người thợ làm đồng hồ mù lòa, đã cố gắng hạ thấp sự công nhận của Gould và Eldredge về sự thay đổi mang tính biện chứng trong tự nhiên. Ông ấy cho rằng có rất ít sự khác biệt giữa tiệm tiến luận thực sự của Darwin và “cân bằng ngắt quãng”. Ông tuyên bố: “Lý thuyết về cân bằng ngắt quãng là một lý thuyết tiệm tiến, mặc dù nó nhấn mạnh vào thời gian dài của sự ngưng trệ bị ngắt quãng bởi các đợt phát triển dần dần tương đối ngắn. Gould đã tự lừa dối bản thân bằng sự nhấn mạnh quá cường điệu của chính mình…” Dawkins đã đi tới kết luận, “trong thực tế, tất cả đều là 'những người theo tiệm tiến luận.’”

 

Dawkins chỉ trích những người ủng hộ thuyết ngắt quãng vì đã công kích và xuyên tạc Darwin. Ông nói rằng chúng ta cần phải xem tiệm tiến luận của Darwin trong bối cảnh của nó như là một cuộc tấn công vào sáng tạo luận. Rằng “Những người theo thuyết ngắt quãng, cuối cùng thực sự cũng là người theo tiệm tiến luận như Darwin hay bất kỳ người theo Darwin nào khác; họ chỉ cần chèn những khoảng thời gian dài giữa các giai đoạn tiến hóa dần dần.” Nhưng đây không phải là một sự khác biệt thứ yếu, nó là bản chất của vấn đề. Chỉ trích điểm yếu của thuyết Darwin không phải là làm suy yếu sự đóng góp độc đáo của nó, mà là tổng hợp nó với hiểu biết thực sự về sự thay đổi. Chỉ sau đó, đóng góp lịch sử của Darwin mới có thể trọn vẹn hoàn toàn như một lời giải thích về sự tiến hóa tự nhiên. Như Gould đã nói một cách chính xác, “học thuyết tiến hóa tân thời không đòi hỏi phải thay đổi dần dần. Trên thực tế, sự vận động của các quá trình trong thuyết tiến hóa sẽ mang tới cho chúng ta hiểu biết về hồ sơ hóa thạch. Tiệm tiến luận là cái chúng ta phủ định, không phải là học thuyết tiến hóa”(Gould, S. Thumb's Panda , Tr. 151)

 

Không có sự tiến bộ?

 

Động lực cơ bản cho lập luận của Gould chắc chắn là chính xác. Còn một vấn đề cần phải xem xét hơn nữa trong quan niệm của ông đó là sự tiến hóa không đi theo một lối mòn của sự tiến bộ:

 

 

“Sự đa dạng và những chuyển tiếp phức tạp ngày cảng tăng dường như phản ánh một sự dứt khoát và không thể lay chuyển được của tiến bộ theo hướng ngày càng cao hơn. Nhưng hồ sơ cổ sinh vật học không hỗ trợ sự giải thích như vậy. Không có tiến bộ chắc chắn trong sự phát triển cao hơn của thiết kế hữu cơ. Trong hai phần ba đến năm phần sáu đầu tiên của lịch sử sự sống, giới khởi sinh (monera) một mình cư ngụ trên trái đất và chúng tôi phát hiện ra rằng không có tiến triển ổn định từ sinh vật chưa có nhân điển hình (prokaryote) 'thấp' đến 'cao hơn'. Tương tự như vậy, không có sự bổ sung nào cho các thiết kế cơ bản kể từ khi vụ nổ Cambrian tràn ngập sinh quyển của chúng ta (mặc dù chúng ta còn phải bàn cãi về sự cải thiện hạn chế trong một vài thiết kế động vật có xương sống và thực vật có mạch chẳng hạn).” (Gould, Kể từ Darwin, Tr. 118)

71

 

 

Gould lập luận, đặc biệt trong cuốn sách Sự sống tuyệt vời của ông, rằng số lượng của ngành động vật (Sơ đồ cơ thể cơ bản) đã lớn hơn ngay sau “vụ nổ Cambrian” so với ngày nay. Ông tuyên bố rằng sự đa dạng đã không tăng lên và không có xu hướng dài hạn trong quá trình tiến hóa, và sự tiến hóa của dạng sống có ý thức chỉ là tình cờ.

 

Ở đây, dường như chúng ta thấy những lời chỉ trích của Eric Lerner về Gould là chính xác:

 

 

“Không chỉ có một sự khác biệt rất lớn giữa những ngẫu nhiên dẫn đến sự tiến hóa của một loài cụ thể và xu hướng dài hạn trong quá trình tiến hóa, như là hướng tới khả năng thích nghi hoặc trí thông minh cao hơn, nhưng Gould lại đặt trường hợp của anh ấy vào những sự thật thứ chỉ là một ví dụ cho xu hướng như vậy!”

 

 

Lerner tuyên bố:

 

 

“Theo thời gian, sự tiến hóa đã có xu hướng tập trung ngày càng nhiều vào các phương thức phát triển cụ thể. Hầu hết tất cả các nguyên tố hóa học đã tồn tại từ mười tỷ năm trước trở lên. Các loại hợp chất quan trọng đối với sự sống – DNA, RNA, protein v.v…- tất cả đều đã có mặt trên trái đất khoảng bốn tỷ năm trước. Các giới chính của sự sống – Động vật, thực vật, nấm và vi khuẩn – đã tồn tại được hai tỷ năm; không có cái nào mới trong thời gian đó. Như Gould chỉ ra, những ngành chính đã tồn tại sáu trăm triệu năm, và các bộ lớn (một nhóm thấp hơn) trong khoảng bốn trăm triệu năm.”

 

 

“Khi sự tiến hóa tăng tốc, nó  trở nên ngày một biệt hóa, và qua sự tiến hóa xã hội của một loài duy nhất, chính loài chúng ta, trái đất đã biến đổi. Đây chính xác là loại xu hướng dài hạn mà Gould, mặc dù có đóng góp lớn cho thuyết tiến hóa, ý thức hệ đã quyết không chấp nhận. Dẫu vậy nó có tồn tại, cũng như xu hướng về trí thông minh.” (Lerner, E. op. cit., Tr. 402)

 

 

(Lời người dịch: Nhắc lại một chút về kiến thức sinh vật học, để phân loại sinh vật phổ biến có 7 bậc chính theo thứ tự: Giới (kingdom), ngành (phylum), lớp (class), bộ (order), họ (family), chi (genus) và loài (species); ngoài ra còn có Vực hay liên giới (domain) và một loạt các bậc phân loại phụ hay các kiểu phân loại khác mà các bạn có thể tự tìm hiểu.)

 

Thực tế là sự tiến hóa đã dẫn đến sự phức tạp lớn hơn, từ sinh vật thấp đến sinh vật cao hơn, dẫn tới con người có bộ não lớn với khả năng thực hiện các chức năng phức tạp nhất, là bằng chứng cho tính tiến bộ của nó. Điều đó không có nghĩa là sự tiến hóa diễn ra theo một đường thẳng tăng dần, như Gould đã lập luận một cách chính xác; có những sự gián đoạn, thụt lùi và tạm dừng trong tiến trình tiến hóa nói chung. Mặc dù chọn lọc tự nhiên diễn ra để đáp ứng với những thay đổi môi trường (thậm chí là của một đặc thù địa phương), tuy nhiên nó đã dẫn đến sự phức tạp hơn lên của các dạng sống. Một số loài đã thích nghi với môi trường của chúng và đã tồn tại ở dạng đó trong hàng triệu năm. Các loài khác đã bị tuyệt chủng khi thua cuộc trong cuộc cạnh tranh với các dạng tiên tiến hơn. Đó là bằng chứng cho sự tiến hóa của sự sống trong 3,5 tỷ năm qua.

 

Lý do cho sự từ chối quyết liệt của Gould với khái niệm tiến bộ trong tiến hóa có liên quan nhiều đến các lý do chính trị và xã hội hơn là những đòi hỏi nghiêm ngặt của khoa học. Ông ấy nhận ra rằng ý tưởng về sự tiến bộ trong tiến hóa và “những loài cao cấp hơn” đã bị lạm dụng một cách có hệ thống trong quá khứ để biện minh cho phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc – Vin vào sự thượng đẳng của người da trắng mà các quốc gia châu Âu đã tự cho mình cái quyền chiếm lấy đất đai và sự giàu có từ “các giống người kém cỏi hơn ngoài vòng luật pháp” ở Châu Phi và Châu Á. Cho tới cuối những năm 1940, những khoa học gia đáng kính vẫn đang công bố “những cây tiến hóa” cho thấy người da trắng ở trên đỉnh, trong khi các giống người da đen cũng như các giống khác ở trên các nhánh riêng biệt và thấp hơn, chỉ cao hơn một chút so với khỉ đột và tinh tinh.

 

 

Khi được hỏi về việc sao ông từ chối khái niệm tiến bộ trong quá trình tiến hóa như thể đó là “một thứ độc hại”, Gould đã biện hộ cho bản thân như sau:

 

 

“Tiến bộ không độc hại về mặt bản chất hay logic’ anh ấy đáp: ‘Nó độc hại trong bối cảnh của truyền thống văn hóa phương Tây.' Với gốc rễ bắt nguồn từ thế kỷ thứ XVII, tiến bộ như một đạo lý trung tâm của xã hội đã đạt tới đỉnh cao vào thế kỷ XIX, với cuộc cách mạng công nghiệp và chủ nghĩa bành trướng thời Victoria, Steve giải thích. Những nỗi sợ về sự tự suy tàn trong những thập kỷ gần đây, hoặc bởi thất bại quân sự hoặc thông qua sự ô nhiễm, đã làm phai mờ sự lạc quan vĩnh cửu của thời đại Victoria và Edwardian. Tuy vậy, sự tiến triển dường như không thể lay chuyển được của khám phá khoa học và tăng trưởng kinh tế lại tiếp tục thúc đẩy ý tưởng rằng tiến bộ là một phần tốt và tự nhiên của lịch sử. 'Tiến bộ là một học thuyết thịnh hành trong việc giải thích trình tự lịch sử,' Steve tiếp tục, 'và vì sự tiến hóa là lịch sử vĩ đại nhất trong tất cả, khái niệm tiến bộ ngay lập tức bị lạm dụng. Bạn nhận thức được một số hậu quả của việc đó chứ'.” (Lewin, R. op. cit., Tr. 140)

 

 

Hẳn có thể thông cảm với phản ứng của Gould trước những thứ rác rưởi và phản động như vậy. Đúng là các thuật ngữ như “tiến bộ” có thể không quá lý tưởng theo quan điểm khoa học nghiêm ngặt khi áp dụng vào tiến hóa. Luôn có một nguy cơ rằng nó có thể ẩn chứa trong nó một sự xích lại gần mục đích luận (teleological), tức là, quan niệm về tự nhiên dường như hoạt động theo một kế hoạch đã được thiết lập sẵn, được tạo ra bởi một Đấng Tạo Hóa. Tuy nhiên, như thường lệ, phản ứng này đã đi quá xa với mục đích ban đầu. Nếu thế giới vận động không hoàn mỹ, nó có thể được thay thế bằng, một từ, sự phức tạp. Liệu có thể phủ nhận rằng đã thực sự không có sự phát triển trong các sinh vật sống kể từ những động vật đơn bào đầu tiên cho tới bây giờ?

 

Bỏ qua quan điểm phiến diện về Con người, đỉnh cao của tiến hóa, phải thừa nhận rằng 3,5 tỷ năm của sự tiến hóa không chỉ là sự thay đổi bình thường, mà là sự phát triển trên thực tế, chuyển từ những hình thức đơn giản sang nhiều dạng phức tạp hơn của sự sống. Hồ sơ hóa thạch chứng nhận cho điều này. Ví dụ, sự gia tăng đáng kể về kích thước trung bình của não với sự tiến hóa của động vật có vú từ các loài bò sát, khoảng 230 triệu năm trước. Tương tự, có một bước nhảy vọt về kích thước não với sự xuất hiện của con người, và điều này, tới lượt nó, đã không diễn ra theo một quá trình định lượng trơn tru, mà là một loạt những bước nhảy vọt, với Homo habilis, Homo erectus, Homo neanderthalis, và cuối cùng là Homo sapiens, thứ đại diện cho những bước ngoặt quyết định.

 

Chẳng có cớ gì để cho rằng sự tiến hóa đã đạt đến giới hạn của nó, hoặc con người sẽ không còn phát triển nữa. Quá trình tiến hóa sẽ tiếp tục, mặc dù nó sẽ không nhất thiết phải theo hình thức như trong quá khứ. Những thay đổi sâu sắc trong môi trường xã hội, bao gồm cả kỹ thuật di truyền, có thể sửa đổi quá trình chọn lọc tự nhiên, lần đầu tiên mang tới cho con người khả năng xác định sự tiến hóa của chính mình, ít nhất là trong một chừng mực nhất định. Điều này sẽ mở ra một chương hoàn toàn mới trong sự phát triển của con người, đặc biệt là trong một xã hội được dẫn dắt bởi những quyết định tự do và có ý thức của đàn ông cũng như phụ nữ, chứ không phải là trò chơi mù quáng của các lực lượng thị trường hay đấu tranh sinh tồn như thú vật.

 

Chủ nghĩa Marx và Darwin

 

 

“Những kiểu giá trị được đề cao trong học thuyết Marxist gần như đối lập với những giá trị xuất phát từ cách tiếp cận khoa học đối với các thuật ngữ hiện tại của chúng tôi. (Roger Sperry, người giành giải thưởng Nobel về y học năm 1981.)

 

 

Nhà thờ bắt cô ấy đối diện với sự xâm chiếm của hỗn loạn, các vị thần Tiến bộ của thế kỷ XX và một thế giới quan duy vật… Nhưng Sáng thế ký vẫn cứ thế ngân lên, cho dù người ta có theo đuổi một sự lưu tâm tới thuyết tiến hóa về nguồn gốc sinh học hay không. (Blackmore và Trang, Evolution: Cuộc tranh luận lớn )

 

 

Sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, Marx và Engels đã có thể khám phá ra những quy luật chi phối lịch sử và sự phát triển của xã hội nói chung. Vô tình sử dụng một phương pháp tương tự, Charles Darwin đã có thể khám phá ra quy luật tiến hóa của thực vật và động vật. Như Gould đã mô tả về nó:

 

 

“Giáo sư Darwin đã áp dụng một triết lý nhất quán của chủ nghĩa duy vật vào sự lý giải tự nhiên. Vật chất là nền tảng của mọi sự tồn tại; tâm trí, tinh thần hay cả Chúa trời cũng chỉ là những từ biểu lộ cho kết quả tuyệt vời của hoạt động phức tạp của nơron thần kinh.”

 

 

Thuyết tiến hóa của Charles Darwin đã cách mạng hóa quan điểm của chúng ta về thế giới tự nhiên. Trước ông, quan điểm phổ biến trong các nhà khoa học là các loài là bất biến, được tạo ra bởi Thiên Chúa cho những chức năng cụ thể trong tự nhiên. Một số chấp nhận ý tưởng về sự tiến hóa, nhưng trong một hình thức thần bí, được dẫn dắt bởi những lực lượng sống đã chừa chỗ cho sự can thiệp quyết định của Đấng tối cao. Darwin đại diện cho một sự phá vỡ quyết định với quan điểm duy tâm này. Lần đầu tiên, mặc dù không chỉ thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, quá trình tiến hóa đã cung cấp một lời giải thích làm thế nào mà các loài đã biến đổi trong hàng tỷ năm, từ những dạng sinh vật đơn bào đơn giản nhất đến những dạng động vật phức tạp nhất, bao gồm cả chính chúng ta. Đóng góp mang tính cách mạng của Darwin là khám phá ra cơ chế mang tới sự thay đổi, từ đó đặt sự tiến hóa trên một nền tảng khoa học vững chắc.

 

Có một sự tương đồng tương đối ở đây với vai trò của Marx và Engels trong lĩnh vực khoa học xã hội. Rất lâu trước họ, những người khác đã nhận ra sự tồn tại của cuộc đấu tranh giai cấp. Nhưng cho đến khi Marx phân tích về Lý thuyết giá trị lao động và sự phát triển của chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì mới có thể mang tới cho hiện tượng này với một lời giải thích khoa học. Marx và Engels đã hỗ trợ nhiệt tình cho lý thuyết của Darwin, nơi cung cấp sự xác nhận cho các ý tưởng của họ, với sự áp dụng vào tự nhiên. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1861, Marx đã viết cho Lassalle: “cuốn sách của Darwin rất quan trọng và phục vụ cho tôi như một cơ sở khoa học tự nhiên cho cuộc đấu tranh giai cấp trong lịch sử. Dĩ nhiên, nó đã phải chịu đựng lối diễn đạt thô thiển của người Anh về sự phát triển. Nhưng bất chấp mọi thiếu sót, không chỉ là đòn chí mạng đầu tiên giáng vào 'mục đích luận' trong khoa học tự nhiên mà ý nghĩa đúng đắn của nó là sự lý giải từ kinh nghiệm.”

 

Nguồn gốc các loài của Darwin được xuất bản năm 1859, cùng năm mà Marx xuất bản Đề tựa cho bài Phê bình khoa kinh tế chính trị, thứ đã phát triển một cách trọn vẹn quan niệm duy vật về lịch sử. Darwin đã đề cập tới lý thuyết về chọn lọc tự nhiên hơn hai mươi năm trước đó, nhưng không chịu xuất bản vì e ngại sự phản đối với quan điểm duy vật của mình. Thậm chí sau đó, ông ấy chỉ nói đến nguồn gốc của con người với cụm từ “Ánh sáng sẽ được chiếu rọi vào nguồn gốc của con người và lịch sử của anh ta.” Chỉ đến khi ông không còn có thể che giấu chúng lâu hơn được nữa khi Hậu duệ của con người được xuất bản vào năm 1871. Đó là những ý tưởng gây đáng lo ngại của nó đã khiến Darwin bị khiển trách khi xuất bản đúng vào “thời điểm mà bầu trời của Paris rực lên ngọn lửa của Công xã.” Ông cố ý né tránh vấn đề về tôn giáo, mặc dù rõ ràng ông đã khước từ Sáng tạo luận. Vào năm 1880, ông đã viết:

 

 

”Có vẻ như tôi (dù đúng hay sai) những lập luận trực tiếp chống lại Kitô giáo và Thuyết hữu thần khó mà có tác động gì đối với công chúng; và sự tự do về tư tưởng đó sẽ được thúc đẩy một cách tốt nhất bằng cách khai sáng dần dần sự hiểu biết của con người theo tiến bộ của khoa học. Do đó, tôi luôn tránh viết về tôn giáo và tự giới hạn mình trong khoa học.”

 

 

Quan niệm duy vật của Darwin về tự nhiên là một bước đột phá mang tính cách mạng trong việc cung cấp một quan niệm khoa học về tiến hóa. Tuy nhiên, nó không có nghĩa là Marx không phê phán Darwin. Cụ thể, ông đã chỉ trích “lối diễn đạt thô thiển kiểu Anh” của ông ấy và cho thấy sự thiếu sót của Darwin do những ảnh hưởng từ Adam Smith và Malthus. Thiếu một quan điểm triết học xác đáng, Darwin chắc chắn chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng thịnh hành trong thời đại của ông. Tầng lớp trung lưu người Anh thời Victoria tự hào là những người đàn ông và phụ nữ thực dụng, với tiền bạc kiếm được và “sự thành đạt trong cuộc sống”. “Kẻ mạnh nhất thì sống sót”, giống như là một mô tả về chọn lọc tự nhiên, lần đầu được sử dụng không phải bởi Darwin, mà bởi Herbert Spencer vào năm 1864. Darwin không có liên quan gì tới sự tiến bộ theo cách hiểu của Spencer – Nền tảng cho sự tiến bộ của con người là loại bỏ cái “vô dụng” – và thật khờ dại khi áp dụng cụm từ của anh ấy. Giống như vậy, cụm từ “Cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn”, đã được Darwin sử dụng như một phép ẩn dụ, nhưng đã bị bóp méo bởi những người bảo thủ, những người đã sử dụng lý thuyết của Darwin cho mục đích riêng của họ. Đối với những người theo Xã hội tiến hóa luận, những từ khóa phổ biến nhất của những người theo học thuyết Darwin là “kẻ mạnh nhất sống sót”“đấu tranh cho sự tồn tại”, khi áp dụng vào xã hội nó gợi ý rằng tự nhiên sẽ đảm bảo cho những kẻ cạnh tranh tốt nhất trong tình huống cạnh tranh chiến thắng và quá trình này sẽ dẫn tới sự cải thiện được duy trì. Từ đó, mọi nỗ lực để cải tạo những quy trình xã hội là những nỗ lực để sửa chữa thứ không sửa được, và rằng, khi chúng can thiệp vào sự thông thái của tự nhiên, chúng chỉ có thể dẫn đến sự thoái hóa. Như nhà di truyền học người Ukraine nổi tiếng Theodosius Dobzhansky đã nói:

 

 

“Bởi Tự nhiên là "màu đỏ của răng và móng vuốt", sẽ là một sai lầm lớn khi để tình cảm của chúng ta can thiệp vào ý định của Tự nhiên bằng sự giúp đỡ người nghèo, người yếu và nói chung là kẻ không xứng đáng tới mức mà họ sẽ thấy thoải mái như người giàu, kẻ mạnh mẽ, và người xứng đáng. Về lâu dài, hãy để Tự nhiên trị vì thì sẽ mang lại những ích lợi lớn nhất. 'Tràn ngập khắp thiên nhiên mà chúng ta có thể thấy trong công việc là một kỷ luật nghiêm khắc thứ trông có chút tàn nhẫn mà lại có thể là rất tử tế', Herbert Spencer viết.”( T.Dobzhansky, Tiến hóa nhân loại, Tr. 139-40)

 

 

Darwin và Malthus

 

 

 

Dân số, khi không được kiểm soát, tăng theo tỷ lệ hình học. Sinh hoạt phí thì chỉ tăng theo tỷ lệ số học. (Thomas Robert Malthus, Nguyên tắc dân số)

 

 

Kinh tế học tự do phóng nhiệm của Adam Smith có thể trao Darwin một cái nhìn sâu sắc về chọn lọc tự nhiên, nhưng như Engels nhận xét:

 

 

“Darwin đã không biết rằng những gì mà ông đã viết cho nhân loại là một châm biếm cay đắng, đặc biệt là cho những người đồng hương của ông, khi ông đã cho thấy rằng cạnh tranh tự do, đấu tranh sinh tồn, thứ mà các nhà kinh tế học tôn vinh như là thành tựu lịch sử cao nhất, là trạng thái bình thường của Giới Động vật.” (F. Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, Tr. 19, bản in năm 1946)

 

 

Darwin đã được truyền cảm hứng từ Tiểu luận về Dân số của Malthus viết vào năm 1798. Lý thuyết này cho rằng dân số tăng trưởng về mặt hình học và thực phẩm chỉ cung cấp được một cách hợp lý một khi được coi sóc bởi nạn đói, chiến tranh, bệnh tật hoặc sự hạn chế. Nó là sự hiển thị sai lầm.

 

Không giống như Spencer, Darwin hiểu “sự phù hợp” chỉ liên quan tới một môi trường nhất định, chứ không phải ở một mức độ hoàn toàn tuyệt đối. Trên thực tế, cả hai thuật ngữ, “sự tiến hóa”“sự sống sót của người mạnh nhất”, không được gắn trước nhất với tên tuổi của Darwin dù xuất hiện ngay trong các phiên bản đầu tiên của Nguồn gốc các loài, nơi các ý tưởng then chốt của ông được thể hiện qua các từ “sự biến đổi”“chọn lọc tự nhiên”. Ngày 18 tháng 6 năm 1862, Marx đã viết thư cho Engels: “Darwin, người mà tôi đã phải tham khảo lại một lần nữa, làm tôi phấn khích khi ông nói mình đang áp dụng học thuyết của Malthus cho cả thực vật và động vật, như thể với ngài Malthus toàn bộ vấn đề không phải là ông ấy đã không áp dụng lý thuyết cho thực vật và động vật mà chỉ áp dụng cho loài người – và với sự tiến bộ hình học – như thể trái ngược với thực vật và động vật.” Engels cũng từ chối cách mô tả thô thiển hay lối biệt ngữ của Darwin và nói: “Sai lầm của Darwin nằm chính xác trong việc kết hợp với nhau 'chọn lọc tự nhiên' và 'sự sống sót của kẻ mạnh nhất', mặc dù hai điều này hoàn toàn riêng biệt:

 

 

“1. Sự chọn lọc bởi áp lực của dân số quá mức, nơi có lẽ sức sinh tồn mạnh nhất nơi kẻ mạnh nhất, nhưng nơi kẻ yếu nhất trong nhiều khía cạnh cũng có thể làm như thế.

 

“2. Sự chọn lọc theo khả năng thích nghi lớn hơn với hoàn cảnh thay đổi, trong đó những kẻ sống sót thích ứng tốt nhất với những hoàn cảnh này, nhưng sự thích nghi này nói chúng có thể mang ý nghĩa thụt lùi thay vì tiến bộ (sự thích nghi với cuộc sống ký sinh luôn luôn là thụt lùi).

 

“Phần chủ yếu: rằng mỗi tiến bộ trong tiến hóa hữu cơ đồng thời là một sự thụt lùi, sửa chữa sự tiến hóa một chiều và loại trừ tiến hóa theo nhiều hướng khác. Điều này, tuy nhiên, (là) một quy luật cơ bản.” (F. Engels, Phép biện chứng của tự nhiên, Tr. 236, bản in năm 1946)

 

 

Rõ ràng, có tồn tại một cuộc đấu tranh sinh tồn, mặc dù không phải theo cách hiểu của học thuyết Spencer – trong tự nhiên, nơi sự khan hiếm tồn tại, hoặc sự nguy hiểm đối với các thành viên của một loài do động vật ăn thịt.

 

 

“Tuy nhiên, sai lầm lớn nhất của Darwin là trong việc chấp nhận học thuyết của Malthus một cách ngây thơ và thiếu sự phê bình”, Engels nói, “Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy ngay từ cái nhìn đầu tiên rằng không người theo thuyết Malthus nào kỳ quặc đến độ đòi hỏi sự nhận thức về cuộc đấu tranh sinh tồn trong tự nhiên – Sự mâu thuẫn giữa vô số mầm bệnh mà thiên nhiên tạo ra rất nhiều trong thực tế và số lượng nhỏ những thứ đã đạt đến độ chín, một mâu thuẫn mà phần lớn tìm thấy giải pháp của nó trong cuộc đấu tranh vì sự tồn tại – thường là rất tàn khốc.” (F.Engels, Chống Dühring, Tr86)

 

 

Nhiều loài tạo ra số lượng lớn hạt hoặc trứng để tối đa hóa tỷ lệ sống sót của chúng, đặc biệt là trong những năm đầu đời. Mặt khác, loài người đã sống sót theo những cách khác, vì sự phát triển của nó rất chậm, và ở đó rất nhiều năng lượng và nỗ lực đã được đầu tư để nuôi rất ít con, sự trưởng thành đã đến muộn. Lợi thế của chúng ta nằm ở trong bộ não, khả năng học hỏi và khái quát hóa. Sự gia tăng dân số của chúng ta không được kiểm soát bởi cái chết của số lượng lớn con cái của chúng ta, và do đó không thể so sánh một cách thô thiển với các loài khác.

 

Lịch sử tự cung cấp câu trả lời cuối cùng cho Malthus. A.N. Whitehead đã chỉ ra rằng từ thế kỷ thứ mười đến thế kỷ 20, dân số liên tục tăng ở châuÂu đi đi kèm với mức sống nói chung ngày càng tăng. Điều này không thể phù hợp với lý thuyết của Malthus, ngay cả khi vấn đề về “sự kiểm soát” được đưa ra, một cách thức của “sự trì hoãn kết quả không thể tránh khỏi.” Một ngàn năm nên là đủ để chứng minh tính đúng đắn hoặc ngược lại của bất kỳ lý thuyết nào. “Sự thật đơn giản”[i], theo như Whitehead nói, [i]“đó là trong thời kỳ này và trên khu vực đó (tức là châu Âu), cái gọi là sự kiểm soát sao cho quy luật của Malthus thể hiện một khả năng, chưa được thực hiện và thiếu quan trọng.” (A.Whitehead, Sự phiêu lưu của những ý tưởng, Tr. 77)

 

Whitehead chỉ ra rằng những thứ được cho là “sự kiểm soát” thậm chí không tương xứng với mật độ dân số. Ví dụ, bệnh dịch chủ yếu là kết quả, không phải do quy mô dân số, mà là do vệ sinh kém. Không phải sự ngừa thai, mà xà phòng, nước và những ống dẫn nước thải thích hợp sẽ là phương thuốc. Chiến tranh ba mươi năm đã cắt giảm dân số của Đức xuống một nửa – đúng là một “sự kiểm soát” quyết liệt về tăng trưởng dân số. Nhưng trong khi chiến tranh có một số nguyên nhân, dân số quá mức chưa bao giờ được đề cập là một nguyên nhân trong số đó. Theo sự hiểu biết tốt nhất của chúng tôi, nó cũng đóng một vai trò đáng chú ý như vậy trong bất kỳ cuộc chiến nào khác trong đó lịch sử châu Âu thứ rất là phong phú. Ví dụ, các cuộc nổi dậy của nông dân vào cuối thời Trung cổ ở Pháp, Đức và Anh không phải do dư thừa dân số. Như một vấn đề thực tế, chúng xảy ra chính xác vào thời điểm mà dân số bị tàn sát bởi Cái chết đen. Vào đầu thế kỷ 16, Flanders có mật độ dân số cao, nhưng được hưởng mức sống cao hơn nhiều so với Đức, nơi mà sự nghèo đói của nông dân góp phần cho cuộc chiến tranh nông dân.

 

Lý thuyết của Malthus là vô giá trị từ quan điểm khoa học nhưng luôn luôn đóng vai trò là cái cớ cho việc áp dụng một cách vô nhân đạo nhất cho cái gọi là chính sách thị trường. Trong nạn đói khoai tây ở Ailen những năm 1840, đã làm dân số Ireland suy giảm từ hơn 8 triệu xuống còn 4,5 triệu, địa chủ người Anh ở Ireland vẫn tiếp tục xuất khẩu lúa mì. Theo nguyên tắc thị trường tự do lành mạnh, chính phủ “Tự do” ở London từ chối đưa ra bất kỳ biện pháp nào có thể để can thiệp vào thương mại tự do hoặc giá cả, và hủy bỏ việc cung cấp ngô giá rẻ cho người Ireland, do đó đã buộc hàng triệu người chết vì đói. Các nguyên tắc Malthus mà chính phủ Anh áp dụng được bảo vệ bởi Charles Grenville, thư ký của Hội đồng Cơ mật, theo đó:

 

 

“…Nhà nước Ireland ở mức độ cuối cùng của sự đáng trách, và đủ để gây ra sự thất vọng: nhìn chung là vô tổ chức và mất tinh thần, một người với ngoại lệ hiếm hoi bị bao vây bởi sự cố chấp và xấc xược, liều lĩnh và man rợ – Tất cả từ trên xuống dưới làm thì ít mà đòi nhận càng nhiều càng tốt, tự họ chẳng chịu thức tỉnh và nỗ lực, tìm đến đất nước này để cầu cứu giúp và gầm gừ vì sự giúp đỡ mà họ nhận được; người dân thì tàn bạo, dối trá và ăn không ngồi rồi, toàn bộ hiện trạng là những điều mâu thuẫn và nghịch lý. Trong khi bị đe dọa bởi nạn đói kéo dài tới năm sau, họ sẽ không canh tác đất, để mặc nó không được gieo hạt và trồng trọt. Khỏi phải hoài nghi, người dân chưa bao giờ khá giả hơn như họ đã trải qua trong năm đói kém này. Chẳng ai nộp tô, và các ngân hàng tiết kiệm đang chan chứa. Với số tiền họ nhận được từ các quỹ cứu trợ của chúng ta, họ mua vũ khí thay vì thực phẩm, và sau đó bắn vào các sĩ quan được phái đến để điều chỉnh việc phân phối cứu trợ. Trong khi họ cản trở những người giám sát với đòi hỏi về việc làm, các địa chủ không thể ra tay, và lũ ăn xin cường tráng tự xưng là nghèo khổ bị bắt giữ với số tiền lớn trong túi của chúng.”

 

Ngày 28 tháng 11 năm 1846.

 

 

Tình trạng thực sự được mô tả bởi Bác sĩ Burritt, người đã rất kinh hoàng khi thấy những người đàn ông làm việc trên đường với tứ chi bị sưng lên gần gấp đôi kích thước bình thường của họ. Cơ thể của một cậu bé mười hai tuổi như sau:

 

 

“Sưng to gần gấp ba lần kích thước thông thường của nó và đã làm nổ tung bộ quần áo rách rưới che kín người cậu bé. … Gần một nơi tên là Skull, chúng tôi đi qua một đám đông gồm 500 người, phân nửa trần truồng và đói khát. Họ đang chờ đợi súp được phân phối giữa họ. Chỗ họ cách biệt với chúng tôi, và khi tôi đứng nhìn với sự thương hại và tự vấn về một cảnh tượng khốn khổ như vậy, người dẫn đường của tôi, một người đàn ông cư trú tại East Skull và cũng là một nhân viên y tế, nói với tôi: 'Không ai trong những người bạn thấy lúc này sẽ còn sống sót sau ba tuần nữa: điều đó là không thể.' Những cái chết ở đây trung bình là 40 đến 50 mỗi ngày. Hai mươi thi thể đã may mắn được chôn cất. Người dân tự dựng lên túp lều cho họ, để họ có thể chết cùng với con cái và không bị người qua đường ngó nghiêng.” (P.Johnson, Ireland, một lược sử, Tr. 102 và 103)

 

 

Chẳng có gì để biện minh cho sự chết đói của những người này cũng như hàng triệu người chết đói ngày hôm nay, trong khi nông dân được trả tiền để không trồng lương thực ở Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ. Họ không phải là nạn nhân của quy luật tự nhiên, mà là quy luật của thị trường.

 

Ngay từ đầu, Marx và Engels đã tố cáo những sai lầm trong học thuyết của Malthus. Đáp lại lý lẽ của “thầy tu Malthus”, trong một lá thư gửi cho Lange ngày 29 tháng 3 năm 1865 Engels đã viết: “Áp lực cho dân số không phải do phương tiện sinh hoạt mà là phương tiện của việc làm; nhân loại có thể nhân lên nhanh chóng hơn xã hội tư sản hiện đại có thể đòi hỏi. Đối với chúng lại ta thêm một lý do nữa để tuyên bố xã hội tư sản này là một rào cản cho sự phát triển và do vậy nó phải sụp đổ.”

 

Sự ra đời của máy móc, kỹ thuật khoa học và phân bón mới có nghĩa là sản xuất lương thực trên thế giới có thể dễ dàng theo kịp sự tăng trưởng dân số. Sự tăng trưởng ngoạn mục trong năng suất của nông nghiệp đang diễn ra trong khi tỷ lệ dân số tham gia vào nó tiếp tục giảm. Việc mở rộng hiệu quả nông nghiệp điều đã đạt được ở các nước tiên tiến một khi áp dụng cho toàn bộ thế giới nông nghiệp sẽ mang lại sự gia tăng lớn trong sản xuất. Hiện tại chỉ có một phần rất nhỏ trong năng suất sinh học rộng lớn của đại dương được sử dụng. Tình trạng thiếu ăn và chết đói tồn tại chủ yếu là do sự phá hủy thặng dư lương thực để theo kịp giá lương thực và nhu cầu duy trì mức lợi nhuận của các nhà độc quyền nông nghiệp.

 

Nạn đói lan rộng trong cái gọi là Thế giới thứ ba không phải là sản phẩm của “sự chọn lọc tự nhiên”, mà chắc chắn là vấn đề nhân tạo. Không phải là “sự sống sót của kẻ mạnh nhất”, mà chính bởi lòng tham theo đuổi lợi nhuận của một số ngân hàng lớn và độc quyền mới là điều khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh nghèo túng và đói khát thực sự. Chỉ để trả lãi cho các khoản nợ tích lũy của họ, các nước nghèo nhất buộc phải trồng hoa màu để xuất khẩu, bao gồm gạo, cacao và thực phẩm khác, thứ có thể được sử dụng để nuôi sống chính người dân của họ. Năm 1989, Sudan vẫn đang xuất khẩu lương thực trong khi người dân chết đói. Ở Brazil, ước tính có khoảng 400.000 trẻ em chết vì đói mỗi năm. Mặc cho Brazil là một trong những nhà xuất khẩu thực phẩm lớn nhất. Thỉnh thoảng, những ý tưởng đã mất uy tín vẫn tiếp tục xuất hiện trở lại, vì một nỗ lực được thực hiện để đổ lỗi cho những điều kiện ác mộng trên thực tế của Thế giới thứ ba cho việc có quá nhiều người (nghĩa là người da đen, da vàng và da nâu). Thực tế mà người ta thuận tiện bỏ qua là, người nông dân nghèo không có lương hưu cần phải có càng nhiều con càng tốt (đặc biệt là con trai) để phụng dưỡng họ lúc về già.. Nghèo đói và thiếu hiểu biết gây ra cái gọi là vấn đề dân số. Khi mức sống và giáo dục tăng lên, sự tăng trưởng dân số có xu hướng giảm tự động. Trong khi đó, tiềm năng để tăng sản lượng lương thực là vô cùng lớn, và đang bị kìm hãm một cách giả tạo nhằm tăng lợi nhuận của một số nông dân giàu có ở Châu u, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Vụ bê bối chết đói hàng loạt vào cuối thế kỷ 20 thậm chí còn đáng trách hơn bời vì nó là không nhất thiết.

 

Học thuyết Darwin về xã hội (hay Xã hội tiến hóa luận)

 

Mặc dù Marx và Engels vô cùng ngưỡng mộ Darwin nhưng điều đó không có nghĩa họ không phê phán các lý thuyết của ông. Engels hiểu rằng những ý tưởng của Darwin sau này sẽ được cải thiện và phát triển – một sự thật đã được xác nhận bởi sự phát triển của di truyền học. Ông viết cho Lavrov vào tháng 11 năm 1875: “Từ học thuyết của Darwin Tôi chấp nhận thuyết tiến hóa , nhưng phương pháp chứng minh của Darwin (đấu tranh sinh tồn, chọn lọc tự nhiên) Tôi chỉ xem xét như một biểu hiện ban đầu, không hoàn hảo của một thực tế mới được phát hiện.” Và một lần nữa trong cuốn Chống Dühring :

 

 

“Tuy nhiên, lý thuyết về sự tiến hóa vẫn còn ở giai đoạn rất sớm, và do đó không thể nghi ngờ rằng nghiên cứu sâu hơn sẽ sửa đổi rất nhiều quan niệm hiện tại của chúng ta, bao gồm cả những người theo Darwin, về quá trình tiến hóa của loài.”

 

 

Engels chỉ trích mạnh mẽ tính phiến diện của Darwin cũng như Học thuyết Darwin về xã hội theo đuổi. “Thật khó để công nhân Darwin”, Engels tuyên bố, “trước đây những người này không thấy gì ngoài đấu tranh. Cả hai quan điểm đều được chứng thực trong giới hạn hẹp, không những vậy cả hai quan điểm đều phiến diện và định kiến ​​như nhau. Do đó, ngay cả đối với tự nhiên, không thể chấp nhận chỉ một bên ghi 'đấu tranh' trên các biểu ngữ của một người. Chỉ là trẻ con khi mong muốn tổng hợp toàn bộ sự phong phú và phức tạp của lịch sử tiến trong cụm từ ít ỏi và phiến diện: 'đấu tranh cho sự sống'. Điều đó còn nói lên ít hơn là không nói gì.” Sau đó, ông tiếp tục giải thích nguồn gốc của sai lầm này:

 

 

Toàn bộ lý thuyết của Darwin về cuộc đấu tranh vì sự sống chỉ đơn giản là sự chuyển đổi từ xã hội sang hệ thống tự nhiên của Bellum Omnium Contra Omnes (cuộc chiến của mỗi người để chống lại tất cả) trong lý thuyết của Hobbes, và lý thuyết kinh tế tư sản về cạnh tranh, cũng như lý thuyết về dân số của Malthus. Một khi kỳ tích này được thực hiện (sự biện minh vô điều kiện, đặc biệt là liên quan đến lý thuyết của Malthus, vẫn còn rất đáng nghi ngờ), rất dễ dàng để chuyển những lý thuyết này trở lại từ lịch sử tự nhiên sang lịch sử xã hội, và hoàn toàn quá ngây thơ để duy trì điều đó mà qua đó những khẳng định này đã được chứng minh là quy luật tự nhiên vĩnh cửu của xã hội. (Engels, Chống Dühring , trang 92 và 208-9.)

 

 

Có sự tương đồng của Học thuyết Darwin về xã hội về thế giới động vật với các lập luận phân biệt chủng tộc phổ biến rằng nhân cách con người dựa trên số đo sọ người. Đối với Daniel G. Brinton, nhà ngôn ngữ học và nhân chủng học người Mỹ, “Sắc dân u hay người da trắng đứng đầu danh sách, người châu Phi hay người da đen ở dưới chân nó” (1890). Cesare Lombroso, một bác sĩ người Ý, vào năm 1876, đã lập luận rằng những tội phạm bẩm sinh thực chất là từ loài vượn, một sự trở lại trong quá trình tiến hóa. Đó là một phần của mong muốn giải thích hành vi của con người về mặt sinh học bẩm sinh, một xu hướng vẫn có thể được thấy cho tới tận ngày nay. "Cuộc đấu tranh sinh tồn" được coi là bẩm sinh ở tất cả các loài động vật bao gồm cả con người, và phục vụ để biện minh cho chiến tranh, sự chinh phục, trục lợi, chủ nghĩa đế quốc và phân biệt chủng tộc, cũng như cấu trúc giai cấp của chủ nghĩa tư bản. Nó là tiền thân của những bất đồng thô thiển trong môn sinh học xã hội và các lý thuyết về Vượn người trần trụi. Rốt cuộc, không khỏi bị WS Gilbert châm biếm như sau:

 

 

Người theo thuyết Darwin, mặc dù cư xử tốt,

 

tốt nhất cũng chỉ là một con khỉ bị cạo râu!

 

 

Darwin nhấn mạnh rằng “Chọn lọc tự nhiên là tốt nhất, nhưng không phải là sự sửa đổi độc tôn, quyết định.” Ông giải thích rằng những thay đổi thích nghi trong một phần có thể dẫn đến sự sửa đổi các tính năng khác không liên quan đến sự sống còn. Tuy nhiên, trái ngược với quan niệm duy tâm về sự sống, được minh chứng bởi những người Sáng tạo luận, những người theo Darwin đã giải thích một cách khoa học về sự sống phát triển trên hành tinh. Đó là một quá trình tự nhiên có thể được giải thích bằng các quy luật sinh học và sự tương tác của các sinh vật với môi trường của chúng. Độc lập với Darwin, một nhà tự nhiên học khác, Alfred Russel Wallace, cũng đã xây dựng lý thuyết về chọn lọc tự nhiên. Chính điều này đã thúc đẩy Darwin đi vào in ấn sau hơn hai mươi năm trì hoãn. Tuy nhiên, có một sự khác biệt chủ yếu giữa Darwin và Wallace là ở chỗ Wallace tin rằng tất cả sự thay đổi hoặc sửa đổi tiến hóa chỉ được xác định bằng chọn lọc tự nhiên. Dù vậy siêu chọn lọc cứng nhắc của Wallace tới cùng lại từ chối chọn lọc tự nhiên khi nó liên quan đến não bộ và trí tuệ, kết luận rằng Thiên Chúa đã can thiệp để xây dựng nên sáng tạo độc đáo này!

 

Darwin giải thích rằng sự tiến hóa của sự sống, với các hình thức phong phú và đa dạng của nó, là hệ quả tất yếu từ sự sản sinh của chính sự sống. Thứ nhất, giống như việc gây giống, với các biến thể nhỏ. Nhưng thứ hai, tất cả các sinh vật có xu hướng sinh ra nhiều con hơn để sống sót và sinh sản. Những con non có cơ hội sống sót cao nhất là những con được trang bị nhiều hơn để thích nghi với môi trường xung quanh, và đến lượt chúng, con cái của chúng sẽ có xu hướng giống chúng hơn. Các đặc điểm của các quần thể này, theo thời gian, sẽ ngày càng thích nghi với môi trường của chúng. Nói cách khác, kẻ “mạnh mẽ nhất” sống sót và lan truyền những đặc điểm ưu việt của chúng thông qua quần thể. Trong tự nhiên, tiến hóa Darwin là một phản ứng với môi trường thay đổi. Tự nhiên “chọn lọc” các sinh vật sống với các đặc điểm có khả năng thích nghi tốt nhất với môi trường xung quanh. “Tiến hóa bằng chọn lọc tự nhiên”, theo Gould, “Không gì khác hơn là sự chạy đua với thay đổi môi trường bằng cách bảo tồn các sinh vật được thiết kế tốt hơn để sống trong đó.” Do đó, chọn lọc tự nhiên chỉ đạo quá trình thay đổi tiến hóa. Phát hiện này của Darwin được Leon Trotsky mô tả như là “một chiến thắng cao nhất của phép biện chứng trong toàn bộ lĩnh vực của vật chất hữu cơ.”

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận