Thuyết Sinh thái học của Marx: Chủ nghĩa Duy vật và Tự nhiên

Thuyết Sinh thái học của Marx: Chủ nghĩa Duy vật và Tự nhiên.


Nhiều nhà hoạt động môi trường bỏ ngơ những ý tưởng của Karl Marx. Một số đề cao những phẩm chất tinh thần của “lý tưởng” môi trường. Một số tranh luận về các giải pháp riêng lẻ như tái chế, giảm tiêu thụ và “trở về với đất ruộng”. Những người chống cộng cho rằng tội ác sinh thái của Liên Xô thời Stalin bắt nguồn từ chính chủ nghĩa Marx.

 

Trong quyển Thuyết Sinh thái của Marx: Chủ nghĩa Duy vật và Tự nhiên của mình, giáo sư xã hội học John Bellamy Foster phản biện lại những quan điểm này. Tác phẩm này là một bản phân tích vô cùng chi tiết và kỳ khôi về lý thuyết Marxist cùng những nền tảng khoa học và lịch sử của nó, và hơn hết là mối liên hệ vô cùng khăng khít của học thuyết này đối với những mối bận tâm về sinh thái và môi trường. Foster cho biết rằng mục đích của ông là “vượt qua tính chất duy tâm, tâm linh rời rạc của nhiều dòng tư tưởng Xanh hiện giờ qua việc khôi phục lại bản án phê phán sâu sắc sự tha hóa của con người khỏi tự nhiên của Marx và khai triển trong bối cảnh hiện đại.”

 

Foster đề cập trong phần lời tựa rằng bản thân ông phải vượt qua những định kiến của riêng mình trước khi có thể nắm được tính trọng tâm của những mối bận tâm về sinh thái đối với Marx, đặc biệt là sau khi được gợi ý tham khảo sâu hơn những ghi chép của Marx và Engels về sự xói mòn đất trong chế độ nông nghiệp tư bản, những hậu quả khủng khiếp của việc phá rừng, và cùng với đó là tác phẩm mang gây tiếng vang của Engels Biện chứng của Tự nhiên.

 

Foster tập trung vào cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa duy vật và duy tâm. Chủ nghĩa duy vật là trường phái tư tưởng quan niệm rằng tất cả mọi thứ tồn tại (kể cả ý niệm và tư tưởng) đều thuộc về vật chất. Đây là tư tưởng mà mọi ngành khoa học đều dựa trên. Tư tưởng trái ngược là chủ nghĩa duy tâm quan niệm rằng yếu tố cơ bản của hiện thực không phải vật chất, mà là tâm trí hay tinh thần. Dĩ nhiên, đây là cơ sở của tôn giáo và thần bí giáo nói chung.

 

Tác giả tìm về cội nguồn của quan niệm duy vật của Marx theo phong cách của một tiểu thuyết trinh thám, khám phá lịch sử của các nhà tư tưởng duy vật từ những bậc hiền triết cổ đại như Epicurus ở Hy Lạp đến thời đại của các cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 và 18, đối chiếu họ với nhau cũng như với các dòng tư tưởng duy tâm khác nhau, và cuối cùng dẫn ta đến với nguồn gốc của phong trào môi trường hiện đại sau một hành trình khá thử thách.

 

Sự ra đời của Khoa học Môi trường. Marx vô cùng khâm phục, tuy không phải là không có những phê phán, đối với nhà tự nhiên học người Anh Charles Darwin. Theo Foster, học thuyết đột phá của Darwin giải thích nguồn gốc của các loài qua chọn lọc tự nhiên có mục đích chính là giải trình “sự thích nghi (cũng như sự đồng thích nghi) có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi trong tự nhiên.” Ảnh hưởng của nó “liên quan cốt lõi nhất đến quan niệm về sự tiến hóa của con người, …dẫn đến Marx hình thành một giả thuyết xác định về mối quan hệ giữa lao động nhân loại và tiến hóa nhân loại.”

 

Marx cùng đồng nghiệp của ông, Friedrich Engels, nằm trong số những người đầu tiên viết về sự tàn phá đất đai của chế độ nông nghiệp tư bản. Họ nói về “sự bền vững” và “cân bằng sinh thái”, không phải như thứ gì đó trừu tượng, lý tưởng, mà chính bởi vì những thứ này đều vô cùng mật thiết đối với tồn vong của nhân loại.

 

Foster trích từ Engels rằng “chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta … là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với giới tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh vật khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác.“ Một lời tuyên bố mạnh mẽ về tầm quan trọng của chủ nghĩa sinh thái đối với học thuyết Marx!

 

Ngoài ra, Foster cũng đề cập đến tư tưởng sinh thái của nhiều nhà Marxist lớn khác như August Bebel, Rosa Luxemburg hay Nikolai Bukharin. Ông nói về cách những tiến bộ sớm nhất và lớn nhất trong tư tưởng sinh thái bắt nguồn từ Liên Xô, kể từ cách mạng tháng Mười năm 1917 và thậm chí kéo dài vào thời Stalin. Chính những nhà khoa học Xô Viết từ những năm 1950 đã bước đầu khám phá ra những dấu hiệu của quá trình biến đổi khí hậu ngày càng mãnh liệt. 

 

Quan trọng hơn cả, tác giả phủ nhận tầm ảnh hưởng của bất kỳ hành động cá nhân riêng rẽ nào như giải pháp cho cuộc khủng hoảng sinh thái và thay vào đó, ông đề xuất tầm quan trọng của quy hoạch xã hội trong việc tạo ra những thay đổi lớn lao cần thiết. Đáng ra tác giả đã có thể nhấn mạnh điểm này hơn nữa!

 

Giờ thì sao đây? Thông điệp của tác phẩm này vô cùng thiết yếu, tuy nhiên không phải là không có điểm yếu của nó. Chỉ trích lớn nhất của tôi đưa ra đó là Foster tự giới hạn tầm với của thông điệp này, bởi lẽ ngôn ngữ Marxist hàn lâm mà ông quen dùng đặt ra quá nhiều thử thách không đáng có đối với đa số người đọc quan tâm sâu sắc đến những vấn đề này.

 

Dĩ nhiên, rất nhiều những vấn đề môi trường mới đã xuất hiện kể từ thời của Marx. Nhiệm vụ cấp bách của những nhà cách mạng hiện nay là phải đương đầu với bất bình đẳng, nạn phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa đế quốc trong bối cảnh khủng hoảng môi trường, phải tìm ra cách phối hợp đấu tranh giai cấp nói chung cùng với phong trào môi trường, và phổ biến nhu cầu lật đổ chủ nghĩa tư bản nhằm giải quyết những vấn đề sinh thái cấp bách của chúng ta hiện nay.


Dennis Sanders, Freedom Socialist Party, 2/2016

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận