Coronavirus ở Venezuela: thêm một đòn vào lưng của tầng lớp lao động

Ernesto Juarena L, luchadeclases, ngày 31 tháng 3 năm 2020


Venezuela đã bước sang tuần thứ hai dưới sự cách ly xã hội phòng ngừa, sau khi chính phủ ra thông báo chính thức về ca nhiễm đầu tiên vào thứ Sáu, ngày 13 tháng 3. Một gánh nặng khủng khiếp đang được đặt lên vai giai cấp công nhân và người nghèo, những người đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng trước cả khi hệ thống y tế bị bóp nghẹt phải đối mặt với viễn cảnh đại dịch COVID-19.

Trong thông báo chính thức người ta đã giải thích rằng các ca nhiễm là những người đã nhập cảnh vào đất nước trên các chuyến bay của hãng hàng không Iberian vào ngày 5 và 8 tháng 3 từ Tây Ban Nha, Ý và Hoa Kỳ.

Vào ngày 17 tháng 3, để đối phó với sự lây lan của virus, Tổng thống Maduro đã ra lệnh cách ly xã hội, lần đầu tiên ở năm bang của đất nước, bao gồm Edo, Miranda và Dto, khu vực Thủ đô, nhưng sau đó là trên toàn quốc. Điều này tương tự như các biện pháp đã được thực hiện ở các quốc gia khác như một biện pháp trọng tâm để cắt chuỗi lây nhiễm, tránh càng nhiều càng tốt sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm. Cho đến hôm đó, số ca dương tính ở Venezuela là 33.

Nhưng tính đến ngày 23 tháng 3 đã có 77 trường hợp được xác nhận.

Đại dịch coronavirus và mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản ngày nay

Trên khắp thế giới, đại dịch coronavirus là một yếu tố tình cờ đang thúc đẩy cuộc khủng hoảng tư bản điều đã được dự đoán từ nhiều tháng trước bởi các nhà kinh tế tư sản đồng thời, nó đang làm sáng tỏ những mâu thuẫn đau đớn của hệ thống thối nát này, lợi nhuận của các nhà tư bản đang được đặt lên trên sinh mệnh của hàng triệu đàn ông cũng như phụ nữ trên toàn thế giới.

Ví dụ, ở Ý, sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống y tế không chỉ là hậu quả trực tiếp của đại dịch mà còn là hệ quả của những gì đã xảy ra trong hơn một thập kỷ, với những cắt giảm ngân quỹ từ nhà nước đối với hệ thống y tế, vì thâm hụt ngân sách phải giảm để lợi nhuận tư bản có thể nguyên vẹn. Chắc chắn, điều này có nghĩa là công nhân và người nghèo là kẻ phải trả hóa đơn.

Kể từ năm 2009, gần 46.000 việc làm trong ngành y tế công cộng đã bị loại bỏ do các chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Từ 10,6 giường / 1.000 dân vào năm 1975, hiện tại Ý đã giảm xuống chỉ còn 2,6 giường / 1.000 dân. Với việc cắt giảm ngân sách y tế nghiêm trọng này, làm thế nào mà hệ thống lại có thể không sụp đổ khi phải đối mặt với đại dịch?

Giờ đây, trước sự bất lực của hệ thống y tế công cộng đối với số lượng bệnh nhân khổng lồ phải nhập viện trong vài tuần qua, các bác sĩ ở Ý ngày càng phải từ bỏ người già để cứu những bệnh nhân trẻ tuổi hơn, những người “có cơ hội sống sót cao hơn”.

Ở Iran, những người đàn ông và phụ nữ lao động đã chết vì bị nhiễm bệnh tại nơi làm việc. Những bệnh nhân này nên ở trong nhà của họ để bảo vệ cuộc sống của mình, nhưng cũng giống như nhiều công nhân khác, họ buộc phải ra ngoài làm việc để duy trì nguồn thu nhập của họ.

Ở Tây Ban Nha đã có những cuộc biểu tình đáng kể của các công nhân yêu cầu cho những biện pháp an toàn đầy đủ, bởi vì họ bị buộc phải làm việc trong điều kiện không an toàn, như trường hợp của Mercedes Vitoria, IVECO Valladolid, Balay, Avernova và các công ty khác, một hiện tượng cũng đang xảy ra ở các nước khác.

Ở Venezuela, bất chấp sự tuyên truyền của chính phủ, hiện tượng coronavirus không tách rời khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế đã gây ra thảm họa cho đất nước trong những năm gần đây. Một mặt đó là biểu hiện của cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, biểu hiện ở sự sụt giảm giá nguyên liệu, trong thập kỷ qua, và mặt khác, đó là một phần của cuộc khủng hoảng lịch sử của chủ nghĩa tư bản Venezuela lạc hậu, và của chủ nghĩa cải cách đã bất lực để thực hiện một chính sách chống tư bản chân chính mà theo đó là tước đoạt tư bản và lên kế hoạch một cách dân chủ nền kinh tế, một thực tế đã được thể hiện trong các chính sách thắt lưng buộc bụng mà chính phủ đã áp dụng trong năm rưỡi vừa qua để chống lại công nhân, bằng cách này, nó hy vọng sẽ kìm hãm cuộc khủng hoảng và đồng thời giữ cho mình vẫn nắm quyền.

Do đó, nếu chúng ta phân tích theo quan điểm của chủ nghĩa Marx về tình hình của hệ thống y tế ở Ý, Tây Ban Nha hay Hoa Kỳ trong bối cảnh đại dịch hiện nay, và đưa ra lời chỉ trích từ quan điểm và sự quan tâm của người lao động và bị áp bức, về cách các nhà nước và chính phủ và theo sau đó là các nhà dân chủ tư sản hay xã hội, đã ưu tiên lợi nhuận và lợi ích của các nhà tư bản lên trước sinh mệnh của người dân, chúng ta không thể không cố gắng liếc qua sự sụp đổ của hệ thống y tế ở Venezuela, điều đã xảy ra trong những năm gần đây, và sự lây lan của coronavirus ở Venezuela sẽ có tác động như thế nào đến những gì còn sót lại của hệ thống y tế công cộng. Hãy cùng xem nào.

Những thành tích phi thường của Chávez trong chăm sóc sức khỏe và sự giới hạn của cải cách

Trong nhiệm kỳ của tổng thống Chavez, một nguồn lực đáng kể đã được đầu tư vào việc cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng, vốn ở trong tình trạng suy sụp thực sự vào những năm 1990. Chính sách được biết đến là Barrio Adentro (Trong tình láng giềng), thông qua các chuyên gia có kinh nghiệm và kỹ năng của nước Cuba cách mạng, đã cho phép chúng ta đạt được những mức độ chăm sóc sức khỏe cơ bản và thứ cấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lần đầu tiên, công nhân được tiếp cận miễn phí với dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng mà trong đó cuộc sống và chất lượng sống của bệnh nhân thực sự là ưu tiên hàng đầu.

Chỉ cần đề cập đến một vài con số, Misión Milagro (Nhiệm vụ kỳ diệu) đã loại bỏ đục thủy tinh thể trên khắp đất nước và giúp đỡ các công nhân trên lục địa mà không cần tới sự báo đáp. Hơn ba triệu người Venezuela, cùng một triệu rưỡi người Mỹ Latinh bên ngoài Venezuela đã được phẫu thuật đục thủy tinh thể và điều này là miễn phí.

Ngoài ra, vào năm 2012, hơn 500 trung tâm chăm sóc sức khỏe cơ bản (CDI) và 500 trung tâm phục hồi chức năng đã được xây dựng trên cả nước. Và trong khi chỉ có 1.444 trung tâm nha khoa được xây dựng trong bốn thập kỷ của cái gọi là nền Cộng hòa thứ tư – thứ rõ ràng là điều mà đất nước đang quay trở lại ngày nay – trong khi có gần 5.000 đã được xây dựng chỉ từ năm 1998 đến 2011.

Tương tự, năm 2010, chính phủ đã cung cấp miễn phí 9.000 niềng răng và răng giả cho bệnh nhân. Đến năm 2011, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm xuống còn khoảng 15 trẻ / 1.000 trẻ được sinh ra. Nhìn chung, Venezuela đã chứng kiến ​​những thành công về chăm sóc sức khỏe vượt trội hơn nhiều so với phần lớn những nước hậu thuộc địa, đặc biệt là ở Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, cuộc chinh phục xã hội quan trọng này đã bị đóng khung trong giới hạn áp đặt bởi sở hữu tư nhân tư bản và nhà nước tư sản, và được duy trì chủ yếu bởi thu nhập có được từ xuất khẩu dầu mỏ.

Mặc cho thành tựu xã hội to lớn của Barrio Adentro, nó vẫn là một phần của tập hợp các chính sách cải cách tiến bộ, nhưng không phải là một chính sách xã hội chủ nghĩa thực sự, bởi vì khuôn khổ kinh tế tư sản vẫn còn nguyên vẹn.

Trên thực tế, các công ty bảo hiểm và y tế tư nhân không bao giờ bị quốc hữu hóa, và trong giai đoạn từ 2004 đến 2014, hàng tỷ đô la đã được đổ từ các kho bạc công cộng vào túi của các chủ sở hữu của các công ty bảo hiểm và phòng khám tư nhân của đất nước, có liên kết với tư bản tài chính quốc gia và xuyên quốc gia.

Sự sụp đổ của y tế ở Venezuela: chiến tranh kinh tế, chính sách cải cách, siêu lạm phát và thắt lưng buộc bụng

Do đó, khi đầu năm 2013, các nhà tư bản tăng cường chính sách phá hoại sản xuất, tạo ra sự thiếu hụt kinh niên các nhu yếu phẩm cơ bản và đẩy cả giá cả và lạm phát nói chung tăng cao, hệ thống Y tế bắt đầu chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Sau đó, thu nhập từ dầu mỏ giảm và sự phục hồi chậm chạp của nó, giữa năm 2014 và 2017 – đạt tối thiểu 26,5 đô la trong năm 2016 – đồng nghĩa với ngân sách nhà nước giảm mạnh, và do đó cả ngân sách cho hệ thống y tế. Thêm nữa là vai trò tai hại của tham nhũng: sự chuyển hướng ngoại tệ của các doanh nghiệp tư nhân với nguồn cung cấp y tế cho nhà nước và các chiến thuật tương tự khác (hoàn toàn hợp pháp trong khuôn khổ tư bản), cũng như tham nhũng được luật pháp bình thường hóa. Điều này có nghĩa là sự rút cạn lượng tài nguyên lớn từ ngân sách nhà nước dành cho y tế.

Khi lạm phát trở thành siêu lạm phát vào năm 2018, do hậu quả của sự phản ứng rụt rè và lúng túng của chính phủ đối với sự phá hoại kinh tế – cụ thể là sự gia tăng không kiểm soát được về thanh khoản – thực tế điều này có nghĩa là sự phá vỡ hệ thống y tế.

Hiện tại, việc thiếu nguồn cung trong các phòng điều hành và ICU đã trở thành một cơn ác mộng kinh niên, lởn vởn quanh con số ước tính từ 35% đến 50%, mặc dù vì những lý do rõ ràng, chính phủ không đưa ra số liệu chính thức cho tới này.

Số tử vong ở trẻ sơ sinh đã tăng trở lại và các bệnh đã được kiểm soát trong thế kỷ 20, như sốt xuất huyết hoặc sốt rét, đã xuất hiện trở lại một cách đáng báo động, nhưng cũng không có số liệu chính thức đáng tin cậy trong những trường hợp này.

Một hệ thống y tế phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ có rất ít cho việc mua vật tư, vật liệu phẫu thuật, thanh toán tiền lương, thuốc men và các loại khác. Trong khi nguồn cung được mua từ các nhà cung cấp tư bản với giá siêu lạm phát, thì các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế khác được trả bằng đồng bolivar mất giá (tiền tệ của Venezuela). Hệ thống chỉ có thể sụp đổ một cách bi thảm, giống như một lâu đài cát bị sóng vỗ mạnh vào vậy.

Tất cả điều này một lần nữa, là hậu quả từ giới hạn của chủ nghĩa cải cách, nghĩa là không quốc hữu hóa các đòn bẩy kinh tế của đất nước, để sau đó lên kế hoạch cho nền kinh tế dưới sự kiểm soát dân chủ của công nhân, mà không phải là hậu quả của chủ nghĩa xã hội, như phe cánh hữu và chủ nghĩa đế quốc vẫn lặp đi lặp lại mỗi ngày.

Các biện pháp trừng phạt của Trump, hay đòn kết liễu với hệ thống y tế công cộng

Các lệnh trừng phạt năm 2017 của chính quyền Trump đã tạo nên cao trào cho chuỗi sự kiện này, điều gần như phá hủy hoàn toàn hệ thống y tế công cộng của chúng ta và và tất cả những thành tựu xã hội đã đạt được về sức khỏe trong thời kỳ Chávez. Các biện pháp trừng phạt này đã ngăn nước ta mua thuốc và vật tư y tế từ nước ngoài, giáng một đòn chí tử vào các bệnh viện và trung tâm chăm sóc sức khỏe vốn đã căng thẳng của chúng ta.

Ví dụ, vào tháng 9 năm 2017, chính phủ đã công bố trường hợp vận chuyển 300.000 liều insulin sẽ đến nước ta, nhưng đang bị giữ tại một cảng quốc tế. Vào tháng 11 cùng năm, theo mệnh lệnh của chính phủ Colombia BSN, tập đoàn y tế xuyên quốc gia, đã chặn một lô hàng Primaquina nhập cho Venezuela, một loại thuốc dùng để điều trị sốt rét hoặc sốt vàng da.

Tương tự như vậy, năm 2018, các tổ chức tài chính quốc tế đã lấy 39 triệu USD ra khỏi đất nước. Tồi tệ hơn nữa là trường hợp khoảng 1.7 triệu € tiền nhà nước bị giữ lại bởi tổ chức tài chính Bồ Đào Nha Novo Banco. Tất cả số tiền này có thể đã được sử dụng để mua thuốc, vật tư bệnh viện và thực phẩm.

Cuối cùng, theo các nguồn tin của chính phủ, hậu quả của những hành động này đã được chuyển thành các con số như 80.000 bệnh nhân HIV không được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút năm 2017, 16.000 người đang chờ lọc máu và 16.000 bệnh nhân ung thư mà không có thuốc điều trị. Điều này mà chưa kể đến những người đã chết bởi chính sách tàn ác này của chủ nghĩa đế quốc.

Chúng ta có thể thấy rằng các lệnh trừng phạt đã bóp nghẹt năng lực thiếu thốn của hệ thống y tế đối với các vấn đề chăm sóc sức khỏe hàng ngày, đồng thời cũng đẩy nhanh sự sụp đổ của nó.

Phản ứng của chính phủ trước sự xuất hiện của coronavirus ở Venezuela: Cuộc khủng hoảng này sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến ai? Người giàu hay người lao động?

Mặc dù về nguyên tắc các biện pháp cách ly xã hội được chính phủ thực hiện cách đây hơn một tuần không cần phải thảo luận, bởi vì chúng thực sự cần thiết để làm chậm tốc độ lây lan của virus trong lãnh thổ quốc gia, nhưng có một thực tế không thể bỏ qua là trên các cơ sở của chủ nghĩa tư bản, hay trên cơ sở của các biện pháp tư sản, chẳng hạn như các biện pháp mà chính phủ hiện đang thực hiện, việc cách ly xã hội sẽ có nghĩa là gia tăng nghiêm trọng sự khó khăn và khốn khổ cho quần chúng lao động của đất nước, những người đã phải gánh chịu khủng hoảng suốt năm năm qua.

Trên thực tế cho đến nay, nền kinh tế Venezuela đã bị co rút còn bằng 60% kể từ năm 2013, điều này chắc chắn chuyển thành thất nghiệp, khan hiếm vật chất và sự khốn khổ cho hàng triệu đàn ông và phụ nữ lao động trên cả nước, cũng như sự lan ra nhanh chóng của đói nghèo, ăn xin, tội phạm và mại dâm, đặc biệt là lao động trẻ em.

Trừ khi các biện pháp xã hội chủ nghĩa được thực hiện – điều mà chính phủ này sẽ không bao giờ thực hiện – chẳng hạn như quốc hữu hóa y tế tư nhân, các công ty bảo hiểm giá trị hàng triệu đô la, hoặc ngoại thương, cách ly xã hội sẽ tác động mạnh mẽ đến các gia đình lao động. Trước khi có coronavirus, họ đã phải vật lộn hàng ngày để sống sót, ra ngoài đường để lấy nước cho sinh hoạt hoặc nấu ăn, xếp thành hàng dài để mua xăng hoặc nhiên liệu, nấu ăn bằng củi, đi từ nhà đến bệnh viện chỉ để chăm sóc người thân của họ, khẩu phần ăn nhẹ hoặc lục lọi hàng ngày để có thức ăn.

Chúng ta không sống ở Venezuela vào năm 2013, trong đó mức lương tối thiểu hơn 300 đô la mỗi tháng, đi kèm với các lợi ích về thực phẩm do Nhà nước cung cấp thông qua Mercal (một công ty nhà nước cung cấp thực phẩm được trợ cấp và hàng hóa cơ bản thông qua một chuỗi cửa hàng trên toàn quốc). Điều này không còn tồn tại, ngụ ý trong thực tế mức lương toàn diện cao hơn. Trong điều kiện như vậy, khi gần 60 phần trăm công việc là toàn thời gian, sẽ có một số lượng lớn các gia đình vượt qua được cú sốc kinh tế do việc cách ly 15, 21 hoặc tối đa 30 ngày một cách dễ dàng hơn nhiều. Điều này đặc biệt đúng đối với những người sống một mình hoặc những người trong khu vực phi chính thức.

Nhưng giờ đây, chúng ta đang sống ở một đất nước rất khác, nơi mà phần lớn những chinh phục xã hội của thời kỳ Chávez đã biến mất như là kết quả của cuộc tấn công đồng thời: một được kích động bởi giai cấp tư sản quốc gia ký sinh, hai là bởi sự phản bội của chủ nghĩa cải cách xã hội từ chính phủ. Nó thậm chí đã trở thành phản động, bằng chứng là yêu cầu gần đây về khoản vay từ IMF. Điều này sẽ không thể tưởng tượng được ngay cả đối với nền dân chủ xã hội suy đồi này cho đến vài tuần trước.

Mức lương tối thiểu phổ biến hiện nay là khoảng 4 dollar, thu nhập được "bổ sung” – đôi khi, và không phải cho tất cả các gia đình – với quỹ CLAP (ủy ban phân phối thực phẩm địa phương), vốn chỉ cho phép hàng triệu gia đình sống sót trong điều kiện khắc khổ, thiếu thốn và suy dinh dưỡng. Chính trong những điều kiện này, hàng triệu gia đình phải đối mặt với việc cách ly toàn xã hội một tuần trước.

Hơn nữa, lợi ích nói trên, thu nhập tối thiểu hợp pháp hiện tại, chỉ có được với những người lao động chính thức, nhưng, như chúng tôi đã chỉ ra, do sự phá hủy dần dần của bộ máy sản xuất quốc gia trong năm năm qua, ngày càng có hàng triệu người lao động, những người không thể di cư ra nước ngoài, đã bị chuyển sang khu vực kinh tế phi chính thức và phụ thuộc vào cuộc sống hàng ngày trên đường phố: thợ điện, thợ nề và thợ ống nước, người bán cà phê hoặc xì gà, lái xe taxi hoặc bán kẹo trong tàu điện ngầm Caracas, hoặc bất kỳ hoạt động thương mại cụ thể nào để tồn tại. Chính hàng triệu đàn ông và phụ nữ này và gia đình của họ nữa sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất từ sự cách ly. Nếu những công nhân này không ra ngoài làm việc mỗi ngày, họ sẽ mất thu nhập để duy trì cuộc sống.

Đúng là chính phủ đã quyết định thanh toán tiền thưởng hàng tháng cho người lao động phi chính thức và bán thời gian. Nhưng có bao nhiêu công nhân ở đất nước này ngày nay đang kiếm được mức lương tối thiểu cho phép họ trang trải các nhu cầu cơ bản nhất của họ?

Chúng tôi nhấn mạnh lại rằng là chúng tôi không coi chính sách cách ly xã hội là sai lầm. Thật vậy, đây là biện pháp duy nhất tại thời điểm này có thể ngăn chặn sự lan ra nhanh chóng của virus, điều sẽ dẫn tới tỷ lệ tử vong cao, một biện pháp không được áp dụng kịp thời ở các quốc gia như Ý, Tây Ban Nha hay bây giờ là Hoa Kỳ, nơi virus đang lây lan nhanh chóng như thành phố như New York.

Mà quan trọng ở đây là chỉ ra rằng làm thế nào đại dịch, như nó đang xảy ra ở các quốc gia khác, cuối cùng đã ráng những đòn nặng nề hơn nữa lên những tầng lớp công nhân vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế. Hậu quả kinh tế của coronavirus sẽ không được trả bởi các chủ ngân hàng, nhà công nghiệp, quan chức chính trị hay giai cấp tư sản, mà chính bởi những người lao động, điều chỉ chấm dứt cho đến khi các công nhân đứng lên chống lại hệ thống áp bức và khốn khổ này, và lật ngược tình thế.

Cuộc chiến để đánh bại đại dịch không nên được nhìn nhận theo một cách thức mang tính chính trị, mà gắn bó chặt chẽ đến cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc mà đất nước chúng ta đã trải qua trong nhiều năm. Cuộc chiến này phải gắn liền với cuộc đấu tranh vì quyền lợi và yêu sách của chúng ta, cũng như cuộc chiến chiến lược nhằm hạ bệ toàn bộ trật tự tư bản. Coronavirus chỉ làm trầm trọng thêm những đau khổ cấp tính mà quần chúng lao động phải chịu đựng trong những năm gần đây. Đại dịch là một trường hợp khẩn cấp quốc gia, nhưng thảm họa quốc gia thực sự là chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cải cách, thứ đã không có khả năng khắc phục chủ nghĩa tư bản lạc hậu, suy đồi và ký sinh này. Một tương lai thực sự thịnh vượng cho quần chúng lao động gắn bó chặt chẽ đến việc đập tan hệ thống mục nát này, thứ làm giàu cho một thiểu số nhỏ, với cái giá là sự đói khát và đau khổ của hàng triệu người.

Các biện pháp gần đây nhất của chính phủ

Trong khuôn khổ cách ly xã hội, vào ngày 22 tháng 3, Tổng thống Maduro đã ra sắc lệnh – một lần nữa, vì sự “cấm sa thải” được cho là đã có sắc lệnh -, dừng lao động cho đến tháng 12, một kế hoạch thanh toán đặc biệt cho bảng lương các công ty vừa và nhỏ và đình chỉ thanh toán tiền thuê nhà ở, cả nhà ở và cơ sở thương mại trong sáu tháng.

Cái đầu tiên, cấm sa thải tồn tại trong nước ta chỉ ở lời nói. Sau cuộc cải tổ tiền tệ, trong cuộc họp của hội đồng bộ trưởng nhiệm kỳ 2018 vừa qua được tổ chức vào ngày 28 tháng 12, chính phủ đã ra lệnh cấm sa thải trong hai năm, nghĩa là, nó sẽ có hiệu lực cho đến tháng 12 năm 2020, nhưng tuy nhiên, trong giai đoạn kể từ khi chuyển đổi tiền tệ cho đến ngày hôm nay, chúng ta đã thấy một loạt các vụ sa thải ở các công ty công cộng và tư nhân khác nhau, cũng như chính trong hành chính công, như là một phần của chính sách tấn công phong trào lao động.

Nhiều trong số những vụ sa thải này là độc đoán, vi phạm các quy trình tương ứng theo luật, và trong một số trường hợp, các đồng chí đặt nghi vấn đã bị bắt và bỏ tù, điều mà không bao giờ tuân thủ theo bất cứ quy trình nào. Có rất nhiều ví dụ về điều này, nhưng chúng ta có thể đề cập đến việc đóng cửa nhà máy in và sa thải lượng lớn công nhân trong lĩnh vực ở Caracas, như đã xảy ra gần đây với công ty in Fanarte, đàn áp, sa thải, đi kèm với bắt bớ và truy tố các lãnh đạo công nhân PDVSA như Marcos Savariego de El Palito, lãnh đạo của hiệp hội công nhân Fogade, hay gần đây là vụ án nổi tiếng của các đồng chí Alfredo Chirinos và Aryenis Torrealba.

Vào thời điểm này, khi cuộc đàn áp chống lại những người lao động đấu tranh cho quyền lợi của họ đã gia tăng nghiêm trọng, thậm chí sử dụng tới cả cơ quan đàn áp nhà nước như DISIP (cơ quan tình báo), FAES (lực lượng cảnh sát đặc biệt) hoặc DGCIM (phản gián quân sự), nên nói về cấm sa thải lao động là sự đối lập trắng trợn nhất, nó chỉ được sử dụng nhằm trấn an các bộ phận của Chavismo vẫn giữ mối quan hệ ý thức hệ và tình cảm mạnh mẽ với chính phủ.

Sự thật là trên thực tế, không còn cấm sa thải trong nước, trong hơn một năm.

Các nhà Marxist, các nhà xã hội cách mạng như chúng tôi đòi hỏi một chính sách cấm sa thải, trong đó quyền của giai cấp công nhân thực sự được tôn trọng, và không chỉ bằng lời nói. Tất cả các công ty phải trả lương cho công nhân, trong suốt thời gian cách ly kéo dài và không có một lần sa thải nào. Mạng sống phải được đặt trên lợi nhuận tư bản!

Tương tự như vậy, chủ nhân phải đảm bảo tất cả các biện pháp bảo đảm cần thiết để người lao động có thể thực hiện nhiệm vụ của họ, giảm càng nhiều càng tốt mọi nguy cơ lây nhiễm và khả năng lây lan virus. Các công ty phải cung cấp khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ để tránh lây nhiễm, cũng như các vật liệu cần thiết để làm sạch không gian làm việc thường xuyên, để giữ cho khu vực làm việc được khử trùng.

Việc đình chỉ thanh toán các khoản nợ ngân hàng, tiền thuê nhà và các dịch vụ công cộng chắc chắn là những yếu tố quan trọng, nhưng ít hoặc không có gì sẽ cải thiện điều kiện sống của người lao động Venezuela trong trung và dài hạn, đặc biệt là ở một quốc gia nơi mức lương tối thiểu hàng tháng là khoảng 5 đô la.

Mặt khác, việc thanh toán tiền lương của các công ty nhỏ bởi Nhà nước sẽ chỉ làm gia tăng thâm hụt tài chính vốn đã khổng lồ, mà sau này sẽ được trả bằng cách sử dụng nhiều hơn nữa chính sách thắt lưng buộc bụng với người lao động, như đã được thực hiện với cái gọi là chuyển đổi tiền tệ.

Đúng là giai cấp tiểu tư sản, chủ sở hữu của các doanh nghiệp và công ty nhỏ, cũng bị chi phối và áp bức bởi Tư bản lớn, và dễ bị phá sản hơn trong cuộc khủng hoảng hoặc tê liệt thương mại như đang diễn ra, nguy cơ càng lớn do tình huống cách ly hiện tại. Tuy nhiên, tại sao chúng ta phải trả cho sự hỗ trợ các công ty này? Nếu Nhà nước muốn giúp đỡ các công ty nhỏ trong bối cảnh cách ly, hãy để họ lấy vốn từ các công ty độc quyền lớn của đất nước để trả lương cho các doanh nghiệp nhỏ! Các độc quyền lớn cũng phải được quốc hữu hóa dưới sự kiểm soát của công nhân, để thực hiện kế hoạch sản xuất quốc gia một cách dân chủ, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất to lớn của quần chúng lao động hiện nay.

Hơn nữa, liên quan đến các doanh nghiệp và công ty nhỏ, những người cũng đầu cơ chống lại người dân, chính sách kiểm soát giá cả và kiểm soát tiếp cận ngoại tệ nên được thiết lập lại, dưới sự giám sát của công nhân và các ủy ban phổ biến, hãy để họ phơi bày chúng trước mặt người dân.

Yêu cầu vay IMF

Một trong những biện pháp khác được Tổng thống Maduro công bố, điều mà chúng tôi đã đề cập ở trên, đó là yêu cầu vay 5 tỷ dollar từ IMF. Về điểm này, chúng tôi muốn thực hiện một phân tích riêng, mặc dù chúng tôi sẽ chỉ đề xuất một số ý tưởng để không mở rộng bài viết này quá nhiều.

Chính phủ đã cho thấy một sự thay đổi rõ rệt – mặc dù dần dần – sang cánh hữu kể từ khi Maduro giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 năm 2013. Áp lực của giai cấp tư sản thông qua phá hoại sản xuất và phân phối hàng hóa, cũng như các chiến dịch của chủ nghĩa đế quốc lật đổ chính quyền, cùng với sự suy thoái quan liêu ngày càng rõ rệt của giới lãnh đạo Chavismo, đã ngụ ý cho việc thực hiện các biện pháp ngày càng có lợi cho giai cấp tư sản và tư bản đế quốc, và chống lại lợi ích của công nhân, nông dân và quần chúng bị áp bức.

Ví dụ rõ ràng nhất về điều này là cái gọi là chuyển đổi tiền tệ, trong đó chính phủ áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng tàn bạo, thực tế là cấm các cuộc đàm phán về hợp đồng lao động tập thể, gần như loại bỏ tăng lương, đột nhiên xóa bỏ bảng lương trong hành chính công. Tất cả điều này là để giảm thanh khoản tiền tệ trên thị trường trong khi hợp pháp hóa sự lưu thông của đồng dollar bên cạnh đồng bolivar, và loại bỏ sự kiểm soát trao đổi. Kiểm soát giá đã được gỡ bỏ trên thực tế, mà không có bất kỳ nghị định hay cải cách pháp lý nào đã được đưa ra.

Chà, yêu cầu vay hiện tại đã bị IMF từ chối, và tiếp theo là yêu cầu vay thứ hai, lần này là 1 tỷ đô la, điều này không gì khác hơn là sự tiếp tục của chính sách nói trên, cho thấy sự lãnh đạo của Chavismo đã hoàn toàn suy thoái, đi từ một lực lượng tiến bộ trong cuộc đấu tranh giai cấp, đến một lực lượng phản động, mà ngày nay là một phần của khối giai cấp thống trị trong nước.

 

Mọi người cánh tả, kể cả những tầng lớp ít tiến bộ nhất của quần chúng Bolivar, đều hiểu rõ vai trò lịch sử của IMF là gì, đó là một công cụ tư bản tài chính đế quốc để khai thác các dân tộc của thế giới thứ ba. Có ai có thể thực sự tin rằng IMF giờ đây sẽ đóng một vai trò tiến bộ trong việc đối mặt với tình trạng khẩn cấp quốc gia về đại dịch?

Chỉ cần nhớ lại rằng, vào tháng 11 năm ngoái, trong bài phát biểu bế mạc của mình tại Đại hội chống chủ nghĩa đế quốc lần thứ ba, được tổ chức tại Cuba, Tổng thống Maduro đã nói:

 

"Chính Cuba đã kêu gọi thế giới tranh luận, nghiên cứu và vạch mặt các chính sách thống trị tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế…"

 

Và sau đó, khi đề cập đến các phong trào nổi dậy ở Ecuador và Chile, ông nói tiếp:

 

"Có một cuộc nổi dậy chung của những người chống lại mô hình loại trừ, tư nhân hóa, bần cùng hóa và chủ nghĩa cá nhân của chủ nghĩa tư bản man rợ và phi chính thống của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.”

 

Vậy mà chỉ bốn tháng sau họ lại có ý định bóp méo hiện thực, với lý do khẩn cấp quốc gia do coronavirus. Giờ đây họ muốn biến IMF thành một đồng minh tiềm năng của một quốc gia nửa thuộc địa như Venezuela, với lịch sử bị áp bức bởi đế quốc châu u và Bắc Mỹ. Đây rõ ràng là một sự thật đáng phẫn nộ, là một sự xúc phạm đến di sản của đồng chí Chávez, và nó khiến cho các nhà cách mạng trung thực xuất thân từ hàng ngũ của phong trào Bolivar nhận ra rõ bản chất giai cấp của chính quyền hiện tại là gì – mặc dù tiếp tục vẫn có sự hỗ trợ đáng kể từ các thành phần của quần chúng lao động – chính sách của bạn đối với người lao động và đối với giai cấp tư sản là gì. Nó sẽ lý giải tại sao đây không phải là một chính phủ xã hội chủ nghĩa, và tại sao từ các cơ sở của Chavism dũng cảm và trung thực, và từ các công nhân và phong trào phổ biến, chúng ta phải chiến đấu để xây dựng lại một sự thay thế mang tính cách mạng cho Venezuela.

Cuộc đấu tranh của các khu phố, cộng đồng và các tổ chức phổ biến để tổ chức cách lý đầy đủ trong cộng đồng, cố gắng duy trì hoạt động của một số dịch vụ xã hội như phân phối hộp thực phẩm hoặc sản xuất mặt nạ tự chế để bảo vệ chúng ta khỏi virus hoặc các công đoàn và các tổ chức của công nhân ngày nay đang đấu tranh cho các điều kiện làm việc đầy đủ và an toàn trước nguy cơ lây nhiễm, cuộc đấu tranh đó không bao giờ có thể tách rời khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, và, như Marx giải thích, cuộc đấu tranh giai cấp trên hết là một cuộc chiến chính trị.

Các phong trào công nhân phổ biến và cách mạng, mà ngày nay đi đầu trong các cộng đồng trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta không thể quên rằng việc xây dựng một tổ chức chính trị cách mạng, dựa trên một chương trình xã hội chủ nghĩa, mang lại cho đất nước một sự thay thế mang tính cách mạng đối với sự lãnh đạo hiện nay trong phong trào Bolivar, thứ đã trở thành một thế lực phản động và tư sản, điều này là một nhiệm vụ cấp bách.

Khi thời hạn cách ly kết thúc và đời sống xã hội của đất nước trở lại " bình thường", một sự bình thường khá khắc nghiệt và bất thường trong những năm gần đây, hơn nữa, chúng ta vẫn phải tiếp tục nỗ lực xây dựng một lực lượng cách mạng độc lập của nhân dân lao động. Chúng ta không thể quên dù trong giây lát mục tiêu cơ bản này cho quần chúng lao động.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận