ABC về Chủ nghĩa Cộng sản – (Chương II)

Chương II – Sự phát triển của trật tự xã hội tư bản

§14 Mâu thuẫn giữa nền sản xuất hàng hóa nhỏ và nền đại sản xuất

Các nhà máy lớn với hơn mười ngàn công nhân cùng các máy móc khổng lồ không phải lúc nào cũng tồn tại. Chúng chỉ xuất hiện và được phát triển dựa trên sự tích luỹ tư bản ở một mức độ nhất định từ của cải tàn dư của sản xuất thủ công và công nghiệp quy mô nhỏ đã bị phá sản. Để hiểu được vì sao lại có điều này, trước tiên chúng ta cần nhớ lại rằng dưới chế độ tư hữu và nền kinh tế sản xuất hàng hoá thì những người bán hàng luôn gặp phải một khó khăn không thể tránh khỏi: Cạnh tranh. Ai sẽ là người chiến thắng và vượt qua khó khăn này? Đó phải là người biết cách thu hút người mua về phía mình, tránh khỏi tay của những kẻ cạnh tranh khác. Và điều cốt lõi nhất cho việc thu hút người mua chính là bán hàng hoá với giá cả thấp hơn mức trung bình. Ai có thể làm điều này? Đây là câu hỏi đầu tiên chúng ta cần phải trả lời. Rõ ràng những nhà đại sản xuất có thể bán hàng rẻ hơn với những nhà sản xuất nhỏ hoặc những thợ thủ công độc lập vì họ cũng có thể mua hàng rẻ hơn. Về khía cạnh này, đại sản xuất có rất nhiều lợi thế. Trên hết, đại sản xuất có lợi thế đó là các doanh nhân sở hữu nhiều tư bản có thể lắp đặt nhiều máy móc tốt hơn, có thể sản xuất ra nhiều công cụ và thiết bị nhìn chung là tốt hơn. Các thợ thủ công độc lập hoặc các chủ sản xuất nhỏ rất khó để có thể bắt kịp về khoản này; anh ta không thể tuỳ ý sử dụng nhà máy điện; anh ta không dám nghĩ đến việc lắp đặt các máy móc tốt hơn và lớn hơn; anh ta không có đủ tiềm lực tài chính để mua chúng. Và anh ta càng không thể theo đuổi những máy móc hiện đại nhất. Hệ quả là quy mô càng lớn thì kĩ thuật càng tinh vi, lao động càng được tiết kiệm và chi phí sản xuất càng thấp.

 

Trong các nhà máy lớn ở Hoa Kỳ và Đức còn có các phòng thí nghiệm khoa học, nơi mà các kĩ thuật và phương pháp cải tiến sản xuất liên tục được khám phá. Nhờ vậy mà khoa học luôn được gắn liền với công nghiệp. Các phát minh tìm ra ở các phòng thí nghiệm đó được giữ bí mật bởi tập đoàn sở hữu và chỉ được phép mang lại lợi nhuận cho chính tập đoàn đó mà thôi. Đối với nền sản xuất nhỏ hoặc nền sản xuất thủ công, một công nhân thường tự mình thực hiện gần hết các khâu sản xuất. Đối với nền sản xuất bằng máy móc nơi có rất nhiều công nhân được thuê thì một công nhân chỉ chịu trách nhiệm đối với một khâu sản xuất duy nhất, người công nhân thứ hai chịu trách nhiệm cho khâu sản xuất thứ hai, người thứ ba chỉ làm khâu thứ ba và cứ tuần tự như vậy. Bằng cách này, dưới hệ thống được biết đến với cái tên “phân chia lao động”, công việc được hoàn thành nhanh chóng. Những tiến bộ này thực sự có lợi đến mức nào đã được nghiên cứu bởi một số viện nghiên cứu tại Hoa Kỳ năm 1898. Kết quả nghiên cứu như thế này. Quy trình sản xuất 10 cái cày. Với lao động bằng tay: 2 công nhân, thực hiện 11 khâu sản xuất khác nhau, làm việc trong 1,180 giờ và nhận được $54. Với lao động máy móc: 52 công nhân, thực hiện 97 khâu sản xuất (càng nhiều nhân công thì các khâu sản xuất càng nhiều và chi tiết hơn), làm việc trong 37 giờ 28 phút và nhận được $7.90. (Ta biết rằng thời gian lao động ít hơn rất nhiều và chi phí lao động do đó cũng thấp hơn rất nhiều). Quy trình sản xuất 100 cái đồng hồ. Với lao động bằng tay: 14 công nhân, 453 khâu sản xuất, 341,866 giờ, $80.82. Với lao động bằng máy móc: 10 công nhân, 1088 khâu sản xuất, 8343 giờ, $1.80. Quy trình sản xuất 500 yards vải. Với lao động bằng tay: 3 công nhân, 19 khâu, 7,534 giờ, $135.6. Lao động bằng máy móc: 252 công nhân, 43 khâu, 84 giờ, $6.81. Nhiều ví dụ tương tự khác đã được đưa ra. Hơn nữa, các công xưởng nhỏ và lao động bằng tay thường không thể đảm nhiệm những lĩnh vực sản xuất mà buộc phải cần đến các kỹ thuật máy móc rất phát triển. Chẳng hạn như việc sản xuất động cơ bọc sắt thép cho đầu máy xe lửa, khai thác than…

Nền đại sản xuất đã ảnh hưởng đến kinh tế trong mọi lĩnh vực: trong xây dựng, máy móc, sản xuất vật liệu thô, thiết bị chiếu sáng và sưởi ấm, chi phí lao động, xử lý sản phẩm thải… Thực tế, cứ giả sử có một ngàn công xưởng nhỏ và có một nhà máy lớn sản xuất số lượng hàng hoá bằng các công xưởng nhỏ gộp lại. Rõ ràng là việc xây dựng một nhà máy lớn sẽ dễ hơn xây một ngàn công xưởng nhỏ, các nguyên vật liệu thô cho công xưởng nhỏ sẽ bị lãng phí hơn rất nhiều, việc chiếu sáng và sưởi ấm trong nhà máy lớn cũng dễ dàng hơn; nhà máy có lợi thế trong việc quản lý nói chung, lau dọn, sửa chữa… Tóm lại, việc vận hành nhà máy lớn sẽ được tiết kiệm hơn ở mọi khía cạnh trong kinh tế là điều không cần bàn cãi. 

Trong việc trao đổi nguyên liệu cần thiết cho sản xuất thì tư bản quy mô lớn cũng có lợi thế. Người mua số lượng lớn có thể mua với giá rẻ hơn và hàng hoá cũng chất lượng hơn; hơn thế nữa những ông chủ của các nhà máy lớn hiểu biết về thị trường hơn, biết rõ hơn ở đâu có thể mua với giá rẻ. Cũng ở những khía cạnh đấy, các tập đoàn nhỏ luôn gặp phải bất lợi khi gia nhập vào thị trường với tư cách là người bán. Không những các nhà đại sản xuất biết rõ hơn ở đâu có thể mua nguyên liệu với giá rẻ (anh ta có các nhà khảo sát thị trường cho việc này; anh ta vận hành doanh nghiệp trong thị trường trao đổi nơi có các tin tức về nhiều loại hàng hoá được cập nhật thường xuyên; anh ta có các mối quan hệ làm ăn trên khắp thế giới), hơn thế anh ta có đủ tiềm lực tài chính để chờ đợi. Chẳng hạn nếu giá cả hàng hoá của anh ta đang quá thấp, anh ta có thể giam hàng trong kho để làm cho giá cả tăng lên. Những người sản xuất nhỏ không thể làm được điều này. Anh ta phải sống cầm hơi. Ngay khi vừa bán được hàng hoá, anh ta phải sử dụng luôn số tiền đó để tiêu; anh ta không có quỹ dư. Vì lý do này mà anh ta luôn bị ép giá nhưng nếu không bán thì sẽ chết đói. Rõ ràng đây là một bất lợi rất lớn. 

Không cần phải bàn thêm rằng đại sản xuất còn có lợi thế khác trong vấn đề tín dụng. Nếu một doanh nhân tầm cỡ đang cần tiền nhanh chóng, anh ta luôn có được nó theo đúng nguyện vọng. Các ngân hàng luôn cho các tập đoàn có tiếng vay với mức lãi thấp cạnh tranh. Nhưng hầu như chẳng ai cấp tín dụng cho các nhà sản xuất nhỏ. Kể cả khi có vay được thì anh ta cũng phải chịu mức lãi quá đáng. Do đó các nhà sản xuất nhỏ dễ bị rơi vào tay của những kẻ cho vay nặng lãi. 

Tất cả những lợi thế gắn chặt với các tập đoàn sản xuất lớn giải thích một quy tắc bất di bất dịch là vì sao sản xuất nhỏ luôn bị đè bẹp trong xã hội tư bản. Đại tư bản nghiền nát những người sản xuất nhỏ, cướp đi khách hàng và làm anh ta phá sản phải rơi xuống giai cấp vô sản hoặc ăn xin. Trong một số trường hợp các ông chủ nhỏ vẫn bám trụ được với cuộc sống. Anh ta chiến đấu trong tuyệt vọng, đích thân làm việc và bắt tất cả công nhân cùng người nhà lao động bằng mọi sức lực, nhưng đến cuối cùng anh ta cũng bị ép buộc phải từ bỏ những gì đã có cho các nhà đại tư sản. Trong một số trường hợp khác, những người tưởng như độc lập làm chủ lại phụ thuộc vào đại tư bản, làm việc cho nó và mọi hành động đều phải có được sự cho phép của nó. Các nhà sản xuất nhỏ thường xuyên rơi vào lưới của những kẻ cho vay. Sự độc lập chỉ là bề ngoài, anh ta thật sự phải làm việc vì những kẻ này. Hoặc là anh ta bị phụ thuộc vào những công ty đầu tư mua hàng hoá của mình. Trong các trường hợp khác anh ta phụ thuộc vào cửa hàng đang làm việc. Ở trường hợp cuối này mặc dù trông có vẻ độc lập nhưng anh ta đã thực sự trở thành người làm thuê cho các nhà tư bản sở hữu những cửa hàng lớn hơn. Các nhà tư bản có thể cung cấp cho anh ta nguyên liệu và đôi khi là cả công cụ; ở Nga nhiều người lao động công nghiệp tại nhà đang ở vị thế này. Trong trường hợp đó, những người làm việc tại nhà trở thành tùy tùng của tư bản. Một hình thức khác của sự phụ thuộc tư bản là các công xưởng sửa chữa nhỏ tụ hợp xung quanh những doanh nghiệp lớn và chúng cũng chỉ như những chiếc đinh trên tường các tòa nhà. Sự độc lập của họ chỉ là giả tạo. Đôi khi ta cũng có thể bắt gặp các ông chủ nhỏ, thợ thủ công độc lập, lao động tại gia, tiểu thương hoặc tiểu tư sản khi bị đuổi khỏi một lĩnh vực sản xuất hoặc giao thương thì chuyển sang những lĩnh vực khác mà đại tư bản vẫn chưa mạnh. Trong các trường hợp đó, những người bị phá sản bằng cách này mà lại trở thành tiểu thương, bán hàng rong và những nghề tương tự. Như vậy xu hướng là đại tư bản đang từng bước thay thế sản xuất nhỏ ở khắp mọi nơi. Các tập đoàn khổng lồ xuất hiện và thuê hàng ngàn thậm chí hàng chục ngàn công nhân. Đại tư bản trở thành thứ thống trị thế giới. Những người chủ có lao động dần biến mất, vị trí của anh ta đã bị thay thế bởi đại tư bản.

Ta xét các công nhân lao động tại nhà như một ví dụ về sự đi xuống của sản xuất nhỏ tại Nga. Một số trong họ như những người may quần áo lông hoặc đan sọt thì tự làm việc bằng nguyên liệu của riêng và bán cho bất cứ ai muốn mua. Qua thời gian, những công nhân tại gia bắt đầu làm việc cho một nhà tư bản cụ thể; đây là điều đã xảy ra đối với những người làm mũ, đồ chơi, bàn chải, vv… ở Moscow. Bước tiếp theo, những lao động này nhận nguyên liệu từ người thuê họ và trở thành nô lệ sở hữu của những người này (ví dụ như những thợ khóa ở Pavlovsk và Burmakin). Cuối cùng những công nhân tại gia được trả lương cho công đoạn của họ (những thợ làm móng ở Tver, thợ làm giày ở Kimry, thợ làm thảm ở Markieff, thợ mài dao ở Pavlovo). Tương tự những thợ dệt khung cửi cũng bị nô dịch. Tại Anh, hệ thống sản xuất nhỏ đang tiêu tan được đặt biệt danh là hệ thống đổ mồ hôi vì những điều kiện ghê tởm phổ biến. Ở Đức trong quãng từ 1882 đến 1895, số các tập đoàn nhỏ đã giảm đi 8.6 phần trăm; số tập đoàn trung bình vừa (có từ 6 đến 50 công nhân làm thuê) tăng lên 64.1 phần trăm còn số tập đoàn lớn tăng đến 90 phần trăm. Kể từ 1895, một lượng đáng kể các tập đoàn cỡ vừa đã bị đè bẹp. Ở Nga, sự áp đảo của hệ thống nhà máy đối với công nghiệp tại nhà đang nhanh hơn trung bình. Công nghiệp dệt là một trong những nhánh sản xuất quan trọng nhất ở Nga. Nếu ta so sánh sự thay đổi trong công nghiệp dệt bông, nếu ta so sánh số công nhân nhà máy với số làm việc tại nhà, ta có thể đánh giá hệ thống nhà máy đang thay thế công nghiệp tại nhà nhanh như thế nào. Sau đây là số liệu:

Năm

Số công nhân nhà máy

Số công nhân tại nhà

1866

94,566

66,178

1879

162,691

50,152

1894-95

242,051

20,475

Vào năm 1866, cứ 100 công nhân làm nghề dệt ở các nhà máy thì có 70 thợ dệt làm việc ở nhà; vào năm 1894-1895, cứ 100 công nhân nhà máy thì chỉ có 8 người làm việc tại nhà. Ở Nga sự phát triển của sản xuất quy mô lớn trở nên nhanh chóng một cách phi thường vì tư bản ngoại quốc điều hành trực tiếp các tổ chức của nó. Cho đến năm 1902, các tập đoàn lớn đã thuê gần nửa (40 phần trăm) số công nhân công nghiệp ở Nga.

Vào năm 1903 ở vùng Nga thuộc châu Âu, các nhà máy có hơn 100 công nhân làm thuê chiếm 17 phần trăm tổng số nhà máy và công xưởng còn số công nhân ở các nhà máy lớn này chiếm đến 76,7 phần trăm tổng số công nhân.

Sự áp đảo của đại sản xuất trên toàn thế giới gây ra vô số đau khổ cho những người sản xuất nhỏ. Đôi khi có thể cả một nghề biến mất hoàn toàn và cả vùng đất bị sụt giảm dân số (ví dụ như những thợ dệt Silesia ở Đức, thợ dệt ở Ấn Độ, vv…)

(B) Cạnh tranh giữa sản xuất nhỏ và đại sản xuất trong nông nghiệp. Cuộc cạnh tranh giữa sản xuất nhỏ và đại sản xuất trong công nghiệp cũng đang diễn ra trong nông nghiệp dưới thời kỳ chủ nghĩa tư bản. Các địa chủ (những người sở hữu đất đai) cũng có vị thế giống nhà tư bản điều hành nhà máy; những nông dân giàu tham lam và cho vay nặng lãi; nông dân trung lưu; nông dân nghèo phải chấp nhận làm việc cho địa chủ hoặc nông dân giàu; và cả những lao động nông nghiệp thuê-ta có thể so sánh chuỗi nông nghiệp này với chuỗi công nghiệp gồm các nhà đại tư sản, tiểu tư sản, lao động tại nhà, lao động thuê. Ở nông thôn cũng như ở thành thị, sở hữu nhiều của cải luôn có lợi thế so với sở hữu ít.

Những phương pháp tối tân luôn dễ dàng để sử dụng trên các cánh đồng lớn. Máy móc nông nghiệp (máy cày điện hoặc hơi nước, máy gặt, máy cắt và bó, máy khoan, máy tuốt, máy tuốt hơi nước…) luôn nằm ngoài tầm với của các nông dân nhỏ. Những thợ thủ công độc lập không dám nghĩ đến việc lắp đặt máy móc đắt tiền trong các công xưởng nhỏ bé của mình vì anh ta không có tiền để mua và cũng không thể vận hành máy móc hiệu quả nếu có mua được. Tương tự như thế, các nông dân không thể mua máy cày hơi nước mà nếu có tiền để mua thì chúng cũng chẳng có ích gì. Những máy móc hiện đại kiểu vậy vì được phát minh cho mục đích lợi nhuận nên cần những cánh đồng bao la, đối với những miếng đất nhỏ chỉ có vài luống cày thì chúng trở thành vô dụng.

Sự vận hành máy móc và công cụ hiệu quả còn tùy thuộc vào diện tích đất canh tác. Để ngựa kéo cày đạt năng suất tối đa thì cần 30 héc-ta đất, đối với bộ gồm máy khoan, máy gặt và máy tuốt thì cần 70 héc-ta; với máy tuốt hơi nước thì con số đó là 250 héc-ta còn máy cày hơi nước thì cần khoảng 1000 héc-ta. Gần đây các máy móc chạy bằng điện cũng bắt đầu được dùng trong nông nghiệp; với các loại này thì bắt buộc phải có trang trại quy mô lớn.  

Như một quy luật, chỉ có canh tác quy mô lớn thì những việc như đào thuỷ lợi, tát cạn ao, lắp hệ thống thoát nước ruộng (đặt các ống nung trong ruộng để dẫn một lượng lớn nước), xây đường sắt nhỏ, vv… mới trở nên thực tiễn. Trong nông nghiệp cũng giống trong công nghiệp sản xuất, khi làm việc quy mô lớn ta luôn tiết kiệm được công cụ máy móc, nguyên liệu, sức lao động, xăng và ánh sáng, vv…

Đối với canh tác quy mô lớn, sẽ có ít đất thừa trên mỗi đơn vị desyatina giữa các cánh đồng hơn, ít hàng rào cây, hàng rào gỗ và mương hơn; ít hạt giống bị rơi vào các chỗ đất thừa hơn.

Hơn thế nữa, chủ các trang trại lớn phát hiện ra việc thuê các chuyên gia nông nghiệp rất đáng giá và anh ta có thể canh tác đất đai của mình thông qua các phương pháp khoa học.

Những vấn đề diễn ra trong công nghiệp như trao đổi và tín dụng cũng đang diễn ra trong nông nghiệp. Các nông dân quy mô lớn có thể tiếp cận thị trường tốt hơn, anh ta có thể chờ đợi cơ hội tốt hơn, có thể mua mọi thứ cần thiết rẻ hơn và bán với giá cao hơn. Những người cạnh tranh ở quy mô nhỏ thì chẳng có gì ngoại trừ việc anh ta đang phải chật vật với những mong muốn của mình. Nền nông nghiệp quy mô nhỏ chỉ tồn tại được trong trạng thái nửa chết đói nhờ lao động không ngừng nghỉ kết hợp với những nhu cầu ít ỏi của bản thân. Nó không thể tồn tại độc lập dưới sự thống trị của tư bản. Nó ngày càng phải hứng chịu những thuế khóa nặng nề hơn. Nó bị nghiền nát bởi gánh nặng mà nhà nước tư sản đặt lên vai. Hãy nhớ lại những điều mà chế độ thuế của Nga hoàng đã tuyên bố với các nông dân ‘Cứ bán hết những gì các bay có, miễn là chúng bay đóng thuế’.

Nhìn chung có thể nhận định rằng sản xuất nhỏ trong nông nghiệp tồn tại dai dẳng hơn sản xuất nhỏ trong công nghiệp sản xuất. Tuy các thợ thủ công và các nhà sản xuất nhỏ ở thành phố đang phá sản nhanh hơn bao giờ hết nhưng ở nông thôn khắp thế giới thì nông dân vẫn còn tồn tại khá mãnh liệt. Tuy vậy thì sự bần cùng hoá của quần chúng ở nông thôn cũng đang trở nên nhanh chóng hơn, chỉ là nó khó nhận ra hơn so với các thành phố: Đôi khi nếu xét về khía cạnh diện tích đất đai thì có vẻ các tập đoàn nông nghiệp vẫn còn nhỏ nhưng thực tế thì quy mô của chúng lại đang mở rộng vì rất nhiều tư bản đã được đổ vào đây và nó cũng thuê một lượng công nhân đáng kể; điều này áp dụng ngay cho thị trường ruộng đất ở các vùng lân cận thành phố. Mặt khác ngay cả những người sở hữu trang trại nhỏ chẳng qua cũng là công nhân làm thuê, đôi khi họ làm thuê cho các trang trại lân cận, đôi khi họ đi gặt mùa ở nơi khác và một số thời gian họ làm việc ở thành phố. Những gì đang xảy ra với các thợ thủ công và lao động tại gia cũng đang ập đến với những nông dân ở khắp nơi. Một số rất ít trong họ trở thành các ‘kulaks’ (những người bán rượu, cho vay nặng lãi hoặc nông dân thành công với những gì họ sở hữu). Một số thì chật vật để duy trì cơ nghiệp. Phần còn lại hoàn toàn phá sản, phải bán hết bò và ngựa rồi trở thành trắng tay; cuối cùng đất đai thuộc về kẻ khác và họ buộc phải chuyển lên thành thị hoặc làm lao động nông nghiệp thuê để sống. Những người trắng tay trở thành công nhân làm thuê trong khi những nông dân giàu có thì thuê công nhân làm việc và trở thành địa chủ hoặc tư sản.

Như vậy cả trong nông nghiệp thì một lượng rất lớn đất đai, công cụ, máy móc, gia súc, ngựa, vv… đều chuyển về tay của một nhóm nhỏ các tư sản địa chủ, hàng triệu công nhân làm thuê cùng với hàng triệu nông dân phụ thuộc vào những người này.

Ở Hoa Kỳ nơi có hệ thống tư bản phát triển hoàn thiện hơn những đất nước khác, có những điền trang khổng lồ vận hành như các nhà máy. Giống như các nhà máy chỉ sản xuất một loại sản phẩm, các nông trường này cũng vậy. Nhiều cánh đồng bao la chỉ được dùng để trồng mỗi cây dâu, hoặc các vườn cây ăn quả lớn, trang trại gia cầm khổng lồ, đất chăn nuôi gia súc bát ngát; tất cả đều được vận hành bằng máy móc. Một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp tập trung về tay một nhóm thiểu số. Bằng cách này đã xuất hiện những ông hoàng chăn nuôi gà (nhà tư bản ít nhiều nắm trong tay việc nuôi gà) hoặc sản xuất trứng, vv…

§15 Vị thế phụ thuộc của người vô sản; đạo quân dự bị công nghiệp; lao động phụ nữ và trẻ em

Dưới chủ nghĩa tư bản, đại đa số dân chúng nhanh chóng bị biến thành những công nhân làm thuê. Các thợ thủ công, lao động tại gia, nông dân, thương nhân và tiểu tư sản bị phá sản-ngắn gọi lại là những người bị ném chìm xuống nước, những người nhanh chóng bị hạ thấp bởi tư bản quy mô lớn, rơi xuống hàng ngũ giai cấp vô sản. Sự giàu có càng liên tục tập trung và chuyển về tay của một nhóm thiểu số các nhà tư bản thì càng có nhiều số đông người trở thành nô lệ làm thuê của các nhà tư bản này.

Vì sự sa sút của tầng lớp trung lưu mà số lượng công nhân lúc nào cũng vượt quá nhu cầu của tư bản. Vì lý do này mà những người công nhân bị trói chặt bởi chủ nghĩa tư bản. Các công nhân buộc phải làm việc cho các nhà tư bản. Nếu anh ta từ chối, ông chủ luôn có thể tìm hàng trăm người khác thay thế cho anh ta.

Nhưng sự lệ thuộc vào tư bản này còn có nguyên nhân khác bên cạnh sự sa sút của các tầng lớp mới và cũ trong xã hội. Sự thống trị của tư bản đối với công nhân được củng cố mạnh mẽ bằng cách tư bản liên tục đuổi công nhân thừa ra đường và biến họ thành kẻ dự bị cho sức lao động. Điều này xảy đến như thế nào? Câu trả lời như sau. Ta đã thấy rằng mọi chủ nhà máy đều toan tính làm thế nào có thể giảm giá trị của sản xuất. Đó là lý do vì sao hắn ta không ngừng lắp đặt máy móc mới. Nhưng máy móc thường thay thế cho lao động, biến một phần công nhân trở nên thừa thãi. Sự xuất hiện của máy móc mới báo hiệu rằng một số công nhân sẽ bị sa thải. Trong số những người làm thuê ở nhà máy từ trước đến nay, một lượng nhất định sẽ bị đuổi việc. Tuy nhiên vì máy móc mới liên tục được lắp đặt ở một nhánh của sản xuất hoặc lĩnh vực khác, rõ ràng tình trạng thất nghiệp luôn phải xuất hiện trong chủ nghĩa tư bản. Nhà tư bản không quan tâm đến việc cung cấp việc làm hay của cải cho tất cả, hắn ta chỉ có mục đích là giữ cho lợi nhuận luôn tăng. Hiển nhiên hắn ta sẽ sa thải bất cứ công nhân nào không thể tạo ra nhiều lợi nhuận cho hắn như trước.

Trong cuộc sống, ta có thể thấy ở mỗi đất nước tư bản một lượng công nhân thất nghiệp khổng lồ ở mỗi thành phố lớn. Trong tập đoàn những người thất nghiệp này chúng tôi bắt gặp những công nhân Trung Quốc và Nhật Bản, những nông dân phá sản đến từ những vùng đất tận cùng của thế giới đang cố gắng tìm việc; chúng tôi gặp những thanh niên trẻ, những cựu bảo vệ cửa hàng và những nhà cựu thủ công. Chúng tôi cũng gặp những công nhân gia công kim loại, những người làm nghề in ấn, công nhân dệt may và cùng với đó là những người đã làm việc ở nhà máy trong nhiều năm rồi bị đá ra ngoài đường vì máy móc mới xuất hiện. Tất cả bọn họ hợp thành một nguồn dự bị cung cấp sức lao động cho tư bản, hình thức mà Marx đặt tên là ‘đội quân lao động dự bị’. Vì có sự tồn tại của đội quân này và vì sự thất nghiệp luôn thường trực trong xã hội mà sự phụ thuộc và phục tùng của giai cấp lao động ngày càng tăng. Với sự giúp sức của máy móc hiện đại, tư bản ngày càng có thể chiếm đoạt nhiều giá trị hơn từ một số công nhân trong khi những công nhân dư thừa khác bị sa thải. Nhưng những công nhân bị đẩy ra đường đó đã lại trở thành một công cụ thiết chế của nhà tư bản, một chiếc roi mà hắn ta sử dụng để kiểm soát những người công nhân còn lại đang làm việc.

Đạo quân dự bị công nghiệp là ví dụ minh hoạ cho những người hoàn toàn phải chịu đựng sự đối xử tàn bạo, bần cùng, chết đói, cái chết và cả tội phạm. Những người không có việc làm trong nhiều năm bắt đầu nghiện rượu và trở thành những kẻ lười biếng hoặc ăn xin… Ở các thành phố lớn – London, New York, Hamburg, Berlin, Paris – có rất nhiều góc trong thành phố là nơi tụ tập của những người không có việc làm. Nếu ta quan tâm đến cả Moscow thì chợ Hitrol là một ví dụ nổi bật tương tự. Ở những nơi này ta không còn gặp giai cấp vô sản mà thay vào đó là một tầng lớp người mới gồm những người đã quên mất cách làm việc. Sản phẩm này của xã hội tư bản được biết đến với cái giai cấp vô sản bần cùng.

Sự xuất hiện của máy móc hiện đại cũng dẫn đến việc lao động của phụ nữ và trẻ em được thuê vì rẻ hơn và do đó tạo ra nhiều lợi nhuận hơn cho nhà tư bản. Ở trong xã hội trước khi có máy móc, công việc sản xuất đòi hỏi phải có những kỹ năng đặc biệt và hầu hết những người tham gia đều từng phải trải qua một quãng thời gian học việc dài. Giờ thì một số máy móc thậm chí có thể để cho trẻ em điều khiển vì những gì cần làm chỉ là di chuyển tay chân cho đến khi sự mệt nhọc xâm chiếm toàn bộ thân thể. Đây là lý do mà lao động của phụ nữ và trẻ em lại được sử dụng rộng rãi hơn sau khi máy móc được phát minh. Họ ít phản kháng lại sự áp bức của tư bản hơn so với những người lao động nam. Họ vâng lời hơn, dễ bị doạ nạt hơn, sẵn sàng tin lời những thầy tu và chấp nhận những gì chính quyền nói với họ. Vì điều này mà các chủ nhà máy thường thay thế công nhân nam bởi công nhân nữ và ép những đứa trẻ biến máu của chúng thành đồng tiền vàng lợi nhuận cho hắn.

Vào năm 1913, số lượng công nhân nữ của tất cả các ngành nghề (tức là không chỉ có công nhân làm bằng tay thủ công) như sau: Pháp, 6,800,000; Đức, 9,400,000; Áo-Hung, 8,200,000; Ý, 5,700,000; Bỉ, 930,000; Hoa Kỳ, 8,000,000; Anh và xứ Wales, 6,000,000. Ở Nga, số công nhân nữ liên tục tăng lên. Vào năm 1900 lực lượng công nhân nữ đã chiếm đến 25 phần trăm tổng số công nhân trong các nhà máy; năm 1908 là 31 phần trăm; năm 1912 là 45 phần trăm. Ở một số lĩnh vực của sản xuất, số phụ nữ thậm chí còn áp đảo so với nam giới. Chẳng hạn ở ngành may mặc vào năm 1912, trong số 870,000 công nhân làm việc thì có 453,000 người là phụ nữ, chiếm 52 phần trăm và hơn quá nửa. Trong quãng thời gian chiến tranh, số công nhân nữ còn tăng lên gấp bội.

Đối với lao động của trẻ em, dù đã bị cấm nhưng nó vẫn trở nên rất phổ biến ở nhiều nơi. Ở các nước có tư bản hiện đại phát triển như Hoa Kỳ, ta có thể bắt gặp lao động trẻ em ở khắp mọi nơi.

Điều này đã khiến cho các gia đình vô sản tan vỡ. Nếu người mẹ và đôi khi là cả đứa con phải tham gia vào nhà máy thì còn gì là cuộc sống gia đình?

Khi một người phụ nữ tham gia nhà máy, cô ta trở thành lao động làm thuê, và cũng giống như đàn ông cô ta bị bào mòn từ ngày này qua ngày khác bởi những sự nghèo khổ mà thất nghiệp mang lại. Giống như đàn ông, cô ta cũng có thể bị đuổi bởi những nhà tư bản, phải gia nhập hàng ngũ của đội quân dự bị cho công nghiệp; cũng giống như đàn ông cô ta có thể phải trải qua sự tha hoá về đạo đức. Đi kèm với điều này chính là tệ mại dâm, khi người phụ nữ phải bán cơ thể mình cho những kẻ đầu tiên trên phố. Không có gì để ăn, không có việc làm, bị săn lùng ở khắp mọi nơi, và nếu có việc làm đi chăng nữa thì đồng lương cũng ít ỏi đến mức buộc phải bán thân để kiếm kế sinh nhai. Sau một thời gian, hình thức trao đổi mới này trở thành thói quen phổ biến. Điều đó đã sinh ra những gái điếm chuyên nghiệp.  

Ở các thành phố lớn, có thể bắt gặp một lượng rất lớn các cô gái điếm. Ở các thành phố như Hamburg hay London thì số người bất hạnh này có thể lên đến hàng chục ngàn. Tư bản sử dụng họ như một nguồn lợi nhuận và làm giàu, tổ chức hàng loạt nhà thổ để kinh doanh gái điếm. Các cuộc trao đổi nô lệ da trắng xuất hiện rộng rãi trên toàn thế giới. Các thị trấn của Argentina từng là trung tâm của các cuộc giao thương này. Một hình thức cụ thể đáng ghê tởm là mại dâm trẻ em, thứ đang hưng thịnh ở khắp các thành phố châu Âu và châu Mỹ.

Trong một xã hội tư bản, song hành cùng những máy móc ngày càng hiện đại hơn, những nhà máy được xây dựng khổng lồ hơn và khối lượng hàng hoá khổng lồ hơn là sự gia tăng áp bức liên tục của tư bản, đạo quân dự bị cho công nghiệp ngày càng trở nên tha hoá bần cùng còn giai cấp lao động ngày càng phụ thuộc vào những kẻ đang lợi dụng họ.

Nếu chế độ tư hữu không tồn tại, nếu mọi thứ đều là sở hữu chung thì một trạng thái khác hoàn toàn sẽ xuất hiện và phổ biến. Con người sẽ rút ngắn độ dài ngày lao động, để dành được sức lực, tối ưu hóa công việc nặng nhọc và được tận hưởng rất nhiều thời gian rảnh. Khi nhà tư bản cho ra đời máy móc, mối bận tâm của hắn ta chỉ là lợi nhuận; hắn ta không thèm bận tâm đến việc rút ngắn ngày lao động vì điều này chỉ gây bất lợi cho tham vọng của hắn. Máy móc nhà tư bản sử dụng không phải để giải phóng con người nhưng lại là để nô dịch họ. Với chủ nghĩa tư bản phát triển, tỉ lệ tư bản được tiêu dùng vào máy móc, các tòa nhà khổng lồ, lò sưởi lớn, vv… tăng lên chưa từng thấy. Trong khi đó lượng tư bản để dành vào việc trả lương lao động lại liên tục giảm đi. Ở thời kỳ bình minh, khi lao động thủ công bằng tay vẫn còn phổ biến thì chi phí cho khung cửi và bàn đạp là rất ít, hầu hết chi phí tư bản để dành cho việc trả lương lao động. Giờ thì ngược lại, phần lớn tiền của được cống hiến vào các toà nhà và máy móc. Kết quả là nhu cầu nhân lực không thể bắt kịp với số lượng người vô sản tăng lên, cũng không đủ để thu nhận dòng người bị tư bản làm cho phá sản. Sự tiến bộ kĩ thuật dưới thời chủ nghĩa tư bản càng vô cùng sống động hơn thì tư bản càng đàn áp giai cấp lao động tàn ác hơn vì ngày càng khó để tìm việc còn đời sống thì gian nan hơn.

§16 Sự vô chính phủ trong sản xuất; cạnh tranh và khủng hoảng

Sự khốn khổ của giai cấp lao động liên tục tăng lên đồng thời với quá trình phát triển của các kỹ thuật sản xuất. Dưới chủ nghĩa tư bản, quá trình này thay vì mang lại lợi ích cho tất cả thì chỉ mang lại lợi nhuận tăng thêm cho tư bản, còn lại nó đem đến thất nghiệp và phá sản tới nhiều công nhân. Đây là các lý do thêm vào cho sự khốn khổ đang dâng trào.

Ta đã học được rằng xã hội tư bản được xây dựng rất tệ. Chế độ tư hữu thống trị tất cả, ngoài ra chẳng có một đường lối cụ thể nào hết. Mỗi chủ nhà máy tự vận hành doanh nghiệp của hắn ta độc lập với những người khác. Hắn ta đấu tranh, cạnh tranh với các đối thủ của mình để giành lấy người mua.

Câu hỏi nảy sinh bây giờ là liệu sự cạnh tranh này sẽ trở nên yếu đi hay khốc liệt hơn khi chủ nghĩa tư bản phát triển.

Mới đầu thoáng qua, có vẻ như sự cạnh tranh này sẽ yếu đi. Trong thực tiễn, số lượng nhà tư bản ngày càng giảm liên tục với tình trạng cá lớn nuốt cá bé. Trong khi ngày xưa có mười ngàn doanh nhân giành giật với nhau và cuộc cạnh tranh tràn đầy sự căm thù thì ngày nay số kẻ cạnh tranh đã bớt đi và có thể suy luận rằng sự thù địch cũng giảm bớt đi. Nhưng đây lại không phải những gì xảy ra trong thực tế. Điều thực sự xảy ra là trường hợp ngược lại. Đúng là số kẻ cạnh tranh đã trở nên ít đi. Nhưng mỗi kẻ trong số đó lại trở nên mạnh hơn rất nhiều so với những cuộc cạnh tranh ở thời kỳ sớm hơn. Cuộc đấu tranh giữa chúng không những không giảm đi mà còn khốc liệt hơn, không những không hoà nhã hơn mà còn bạo lực hơn. Nếu trên toàn bộ thế giới chỉ có một số tên tư sản thống trị thì các chính phủ tư bản sẽ chiến đấu chống lại nhau. Đây chính là điều đã đến sau cùng. Ở thời điểm hiện tại cuộc cạnh tranh diễn ra giữa nhiều nhóm tư sản, giữa các đất nước của chúng. Hơn nữa chúng chiến đấu chống lại nhau không chỉ bằng cạnh tranh giá cả mà còn bằng các phương tiện vũ trang. Do đó chỉ có thể nói sự cạnh tranh dần biến mất trong quá trình chủ nghĩa tư bản phát triển khi đang nói về số lượng, ở các khía cạnh khác nó đang trở nên hung tợn và huỷ diệt hơn.

Một hiện tượng nữa cần phải nghiên cứu là sự xuất hiện của cái theo thuật ngữ được gọi là khủng hoảng. Các cuộc khủng hoảng này là như thế nào? Bản chất tự nhiên của chúng ra sao? Vấn đề có thể được diễn đạt lại như sau. Vào một ngày đẹp trời nào đó bỗng dưng có một tình trạng xảy ra là rất nhiều loại hàng hoá đã bị sản xuất quá mức cần thiết. Giá cả giảm, nhưng lượng hàng hoá tồn đọng không thể bị xoá đi. Các trung tâm mua sắm bị chất đầy đủ thể loại hàng hoá bởi chúng không bán được và thiếu người mua. Không cần phải nói, có hàng loạt các công nhân bị đói nhưng họ chỉ nhận được một lượng tiền công ít ỏi và họ không thể mua thứ gì bên ngoài những thứ thông thường họ có thể mua. Đó là lúc tai ương phải xảy đến. Ở một số lĩnh vực cụ thể của công nghiệp thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sụp đổ đầu tiên và bị đóng cửa, tiếp theo là sự thất bại của các tập đoàn lớn. Nhưng nhánh sản xuất này lại ảnh hưởng đến hàng hóa mua từ nhánh sản xuất khác, đến lượt nhánh thứ hai lại ảnh hưởng đến hàng hóa mua từ nhánh thứ ba. Ví dụ, ngành dệt may mua vải từ ngành chế tạo vải; ngành này lại mua sợi từ ngành dệt sợi và cứ tiếp tục như thế. Ngành may mặc thất bại nên ngành làm vải không có khách hàng. Giờ ngành làm vải cũng thất bại và sự thất bại ấy tác động trực tiếp đến các công ty cung cấp sợi dệt cho họ. Nhà máy và công xưởng khắp nơi đóng cửa, hàng chục ngàn công nhân bị đuổi ra ngoài đường, thất nghiệp gia tăng đến một tỷ lệ vô tiền khoáng hậu, đời sống công nhân trở nên cùng cực hơn. Nhưng vẫn còn rất nhiều hàng hoá tồn đọng. Các trung tâm thương mại không còn chỗ để chứa chúng. Đây là điều liên tục diễn ra trước chiến tranh. Nền công nghiệp hưng thịnh, các doanh nghiệp sản xuất hoạt động với cường độ rất lớn. Đột nhiên có sự cố xảy ra và theo ngay sau đó là sự khốn khổ và thất nghiệp còn doanh nghiệp thì bế tắc. Sau một thời gian mọi thứ dần khôi phục trở lại, một thời kỳ mới bắt đầu với quá nhiều hoạt động và rồi lại dẫn đến một cuộc sụp đổ mới. Vòng tuần hoàn này cứ lặp đi lặp lại như vậy.

Làm thế nào ta có thể giải thích được tình trạng phi lý này khi mà con người trở nên bần cùng ngay giữa đỉnh cao của giàu có?

Câu hỏi này không dễ để trả lời. Nhưng ta nhất định phải đưa ra câu trả lời cho nó.

Ta đã biết rằng trong xã hội tư bản có một khuyếm khuyết về sản xuất, gọi là sự vô chính phủ. Mọi chủ nhà máy, doanh nhân đều sản xuất vì riêng bản thân hắn ta, vì mục đích riêng của hắn và mọi rủi ro là của riêng hắn. Kết quả tự nhiên của hoàn cảnh này là sớm hay muộn cũng sẽ có quá nhiều hàng hóa được sản xuất – sự dư thừa sản xuất. Khi công việc sản xuất tạo ra của cải nhưng không phải hàng hoá thì việc sản xuất không ảnh hưởng đến thị trường và dư thừa sản xuất không phải mối hiểm hoạ. Nhưng trong nền sản xuất hàng hoá thì mọi thứ đi ngược lại. Mọi nhà sản xuất để có thể mua những nguyên liệu cần thiết cho việc tái sản xuất thì trước tiên phải bán được sản phẩm của mình. Nếu ở một nơi nào đó có sự bế tắc của cơ chế đang vận hành vì sự vô chính phủ trong sản xuất thì vấn đề nhanh chóng xâm nhập từ nhánh sản xuất này đến nhánh sản xuất khác và sau cùng tạo ra một khủng hoảng toàn diện.

Các cuộc khủng hoảng này có ảnh hưởng rất tồi tệ. Một khối lượng hàng hoá lớn bị tiêu huỷ. Tàn dư của sản xuất nhỏ bị quét sạch như một chiếc chổi sắt vừa quét qua. Ngay cả các tập đoàn lớn cũng thường xuyên thất bại.

Hầu hết gánh nặng của các cuộc khủng hoảng này đều đặt lên vai của giai cấp lao động.

Một số nhà máy đồng thời đóng cửa, số khác thì giảm quy mô sản xuất chỉ làm việc bán thời gian, một số khác nữa thì đóng cửa tạm thời. Lượng người thất nghiệp ngày càng lớn. Đội quân dự bị cho công nghiệp ngày càng tăng. Đồng thời có sự gia tăng nghèo đói và áp bức đối với giai cấp vô sản. Trong suốt những cuộc khủng hoảng này, đời sống của giai cấp lao động vốn đã tồi tệ nhất trong lịch sử nay còn trở nên trầm trọng hơn.

Ta thử xem xét ví dụ lấy từ dữ liệu của cuộc khủng hoảng 1907-1910 tác động lên cả châu Âu lẫn Hoa Kỳ, và thực tế ảnh hưởng đến toàn bộ thế giới tư bản. Ở Hoa Kỳ, số lượng thành viên công đoàn thất nghiệp tăng như sau: Tháng 6, 1907, 8.1 phần trăm; Tháng mười, 18.5 phần trăm; Tháng Mười Một, 22 phần trăm; Tháng Mười Hai, 32.7 phần trăm (trong lĩnh vực xây dựng, 42 phần trăm; trong lĩnh vực may mặc, 43.6 phần trăm; giữa các công nhân ngành thuốc lá, 55 phần trăm). Đương nhiên là tổng số người thất nghiệp tính cả các công nhân không có tổ chức vẫn còn lớn hơn. Ở Anh, tỷ lệ thất nghiệp trong mùa hè năm 1907 là từ 3.4 đến 4 phần trăm; trong tháng Mười Một tăng lên 5 phần trăm; trong tháng Mười Hai tăng lên 6.1 phần trăm; trong tháng Sáu năm 1908 nó đã đạt đến 8.2 phần trăm. Ở Đức, trong tháng Một năm 1908 tỷ lệ thất nghiệp đã gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các điều kiện xã hội như vậy có thể quan sát thấy ở cả các nước khác.

Ở khía cạnh về sự sụt giảm trong sản xuất, ta có thể đề cập đến việc khối lượng sản xuất gang ở Hoa Kỳ đã giảm từ 26,000,000 tấn trong năm 1907 xuống còn 16,000,000 trong năm 1908.

Trong thời gian khủng hoảng, giá cả của hàng hoá bị giảm. Những ông trùm tư bản với khao khát tiếp tục đẻ ra lợi nhuận đã không ngần ngại làm suy giảm chất lượng sản xuất. Những người trồng cà phê ở Brazil đã nhấn chìm một lượng cà phê không thể đong đếm xuống dưới nước nhằm giữ cho giá cả tăng. Ở thời điểm hiện tại cả thế giới đang khốn khổ vì nạn đói và sự ngưng trệ sản xuất hàng hoá, kết quả của cuộc chiến tư bản. Tất cả những thứ này là con đẻ của chủ nghĩa tư bản, thứ đã ra trát lệnh cho cuộc chiến tàn khốc này. Vào thời kỳ hòa bình, chủ nghĩa tư bản bị choáng ngợp bởi sản phẩm dư thừa, tuy nhiên điều này không hề mang lại lợi ích cho người công nhân. Trong túi của họ vẫn trống rỗng. Sự dư thừa không đem lại gì cho người công nhân ngoại trừ thất nghiệp và tất cả những thứ xấu xa đi kèm. 

§17 Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và giai cấp. Sự lớn mạnh của cuộc đấu tranh giai cấp. 

Ta đã thấy rằng xã hội tư bản bị ảnh hưởng bởi hai mâu thuẫn nền tảng, hai khiếm khuyết cơ bản. Đầu tiên là sự vô chính phủ, nó thiếu đi tính tổ chức. Thứ hai là nó được hình thành từ hai giai cấp thù địch sống chung cùng nhau. Ta cũng đã thấy rằng chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì sự hỗn loạn của sản xuất, được thể hiện ở việc cạnh tranh, dẫn đến sự gia tăng xung đột, xáo trộn và sụp đổ. Sự tan rã của xã hội đang ngày càng trở nên trầm trọng và còn lâu mới biến mất. Tất cả những điều này sinh ra từ việc xã hội đã bị phân chia thành hai nửa, hai giai cấp. Với việc chủ nghĩa tư bản phát triển, sự tách biệt và bất hoà giữa hai giai cấp cũng phát triển theo. Một mặt đối với giai cấp tư sản thì những kẻ giàu có nhất càng trở nên giàu có, mặt khác đối với giai cấp bị thống trị thì sự nghèo khổ, thù hận và bất hạnh ngày càng lớn. Đội quân dự bị cho công nghiệp đã mang đến những con người tha hoá bị đối xử tàn tệ, bị nhấn chìm đến tận cùng bởi nghèo đói. Nhưng ngay cả những người có việc làm cũng bị phân biệt sâu sắc từ những nhà tư bản bởi phong cách sống của họ. Sự đối lập giữa giai cấp vô sản và tư sản ngày càng trầm trọng. Trước đây từng có một số các nhà tiểu tư sản, những người có mối quan hệ gần gũi với những người công nhân và có cuộc sống tốt hơn họ một chút. Nhưng mọi thứ ngày nay đã rất khác. Các vị chúa của tư bản có một cuộc sống mà ngày xưa không ai dám mơ tưởng. Đúng là đời sống công nhân có tiến bộ cùng với sự giàu lên của các nhà tư bản. Nhìn chung vào đầu thế kỷ 20, mức lương đã tăng lên một chút. Nhưng cũng trong thời gian này, lợi nhuận tư sản còn phát triển gấp bội lần. Ngày nay đã có một hố sâu giữa việc lao động cật lực và tầng lớp tư sản. nhà tư bản bây giờ đi tiên phong trong một phong cách sống khác hoàn toàn các xã hội trước đây; hắn ta chẳng sản xuất gì hết. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển, vị thế quan trọng của một nhóm nhỏ những kẻ tư sản vô cùng giàu có càng được củng cố và hố ngăn khoảng cách giữa những vị vua không ngai này với hàng triệu nối tiếp hàng triệu người vô sản bị nô dịch càng được đào sâu.

Chúng tôi đã nói rằng lương của người công nhân về tổng thể tuy có tăng, nhưng lợi nhuận còn tăng gấp bội và khoảng cách giữa hai giai cấp cứ thế trở nên trầm trọng. Tuy nhiên kể từ đầu thế kỷ 20 thì lương không những tăng mà còn giảm, trong khi lợi nhuận tăng chưa từng có trong lịch sử. Vì vậy trong những năm gần đây sự bất bình đẳng xã hội đã tăng một cách chóng vánh.

Một điều hoàn toàn hiển nhiên là khi bất bình đẳng xã hội cứ gia tăng như vậy thì sớm hay muộn cũng sẽ có sự đụng độ giữa những người công nhân và các nhà tư bản. Nếu sự phân hoá giữa hai giai cấp đã biến mất, nếu điều kiện sống của người công nhân trở nên gần giống với những nhà tư bản thì đương nhiên chúng ta sẽ có ‘một thời đại yên bình trên trái đất và con người cùng chung sống hoà thuận’. Đáng tiếc thay, điều thật sự diễn ra là trong một xã hội tư bản thì người công nhân làm việc cật lực ngày qua ngày cuối cùng chỉ để bị bỏ xa bởi những nhà tư bản thay vì bắt kịp với họ. Kết quả không thể tránh khỏi của việc này là cuộc đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản đang ngày càng lộ ra.

Các nhà lý thuyết tư sản đã đưa ra những phản bác cho quan điểm này. Họ muốn chứng minh rằng trong xã hội tư bản thì điều kiện sống của giai cấp lao động liên tục được phát triển. Các nhà xã hội chủ nghĩa cánh hữu cũng có luận điệu tương tự. Các tác giả của cả hai trường phái này tranh luận rằng người công nhân có thể ngày càng trở nên giàu có và có thể phấn đấu trở thành những nhà tư bản. Những kỳ vọng đó hoàn toàn là xuyên tạc và lừa dối. Trong thực tế, điều kiện sống của công nhân so sánh với các nhà tư bản đang ngày càng trở nên tệ hơn. Sau đây là một ví dụ từ Hoa Kỳ, một đất nước có nền tư bản phát triển mạnh nhất. Nếu ta so sánh sức mua (tức là lượng tư liệu tái tạo sức lao động mà người công nhân có thể mua) từ năm 1890-99 theo mốc tiêu chuẩn là 100 thì sức mua của các năm như sau: 1890, 98.6; 1895, 100.6; 1900, 103.0; 1905, 101.4; 1907, 101.5. Điều này cho thấy đời sống tiêu chuẩn của công nhân về cơ bản là không có sự tiến triển. Lượng thức ăn, quần áo… mua bởi những công nhân bình thường chỉ tăng không quá 3% so với các năm trước, đây là lượng tăng tối đa của sức mua từ lương của anh ta. Nhưng cũng trong thời gian đó, các triệu phú Mỹ, các ông chủ công nghiệp đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ, lượng giá trị thặng dư mà họ chiếm đoạt đã tăng đến mức không thể đo đếm được. Về các mặt đời sống, sự xa hoa và tài sản của các nhà tư bản, rõ ràng là nó đã tăng lên rất nhiều.

Cuộc chiến giai cấp sinh ra từ sự xung đột lợi ích giữa giai cấp tư sản và vô sản. Những lợi ích này là không thể hoà giải cũng như chó sói và cừu.

Các nhà tư bản đã tìm thấy lợi ích từ việc ép công nhân phải làm việc nhiều nhất trong khi trả công cho họ ít nhất có thể, còn công nhân tìm lợi ích từ việc làm ít nhất có thể và nhận lương nhiều nhất có thể. Do đó ngay từ thời kỳ bình minh khi tầng lớp lao động xuất hiện thì đã có các cuộc đấu tranh về tiền lương và giảm giờ làm.

Những cuộc đấu tranh này chưa bao giờ ngắt quãng hay giảm đi. Chúng cũng không hề bị giới hạn chỉ đấu tranh trong phạm vi đòi hỏi sự tiến bộ ít ỏi về lương. Ở đâu có hệ thống tư bản phát triển, ở đó những người lao động đều cảm thấy cần phải tự tay chấm dứt chủ nghĩa tư bản. Những người công nhân bắt đầu xem xét làm thế nào để thay thế cái hệ thống ghê tởm này bởi một hệ thống công bằng và hoà thuận hơn dựa trên lao động. Đó chính là khởi nguồn của các phong trào cộng sản của giai cấp lao động.

Trong những cuộc đấu tranh của mình, các công nhân đã phải nếm trải rất nhiều thất bại. Nhưng chủ nghĩa tư bản đã mang trong lòng nó một chiến thắng cuối cùng của giai cấp vô sản. Tại sao? Bởi vì sự phát triển của chủ nghĩa tư bản kéo theo sự vô sản hoá của đại đa số quần chúng trong xã hội. Sự thống trị của tư bản ở quy mô lớn tạo ra sự phá sản của các thợ thủ công độc lập, các tiểu thương và nông dân. Ở mỗi giai đoạn phát triển của tư bản, giai cấp vô sản ngày càng đông. Nó giống như con quái vật nhiều đầu Hydra trong thần thoại, cắt một cái đầu và mười cái khác sẽ mọc ra. Khi giới tư sản đàn áp sự nổi dậy của giai cấp lao động, điều đó đã tăng thêm sức mạnh của hệ thống tư bản. Nhưng sự phát triển của hệ thống tư bản đã phá huỷ hàng triệu nông dân và chủ doanh nghiệp, vứt họ quỳ dưới chân các nhà tư bản. Chính quá trình cụ thể này đã làm gia tăng số lượng người vô sản, những kẻ thù của giai cấp tư sản. Nhưng sự gia tăng trong sức mạnh của giai cấp lao động không phải chỉ nằm ở số lượng. Thêm vào cùng yếu tố đó là việc giai cấp lao động trở nên gắn kết. Vì sao chuyện này lại xảy ra? Bởi vì cùng với sự lớn lên của chủ nghĩa tư bản là sự phát triển số lượng của các nhà máy lớn. Bên trong những bức tường của các nhà máy này là nơi tập trung của hàng ngàn công nhân, đôi khi lên đến tới hàng chục ngàn. Các công nhân này lao động kề vai sát cánh cùng nhau. Họ nhận ra cách mà các ông chủ tư sản đang lợi dụng họ. Họ hiểu một sự thật rằng với mỗi công nhân thì người đồng nghiệp cũng là bạn và là đồng chí. Trong quá trình lao động, những người vô sản vốn đã đoàn kết trong nhà máy học được cách đoàn kết các lực lượng với nhau. Họ trở nên sẵn sàng hơn trong việc cùng nhau đưa ra quyết định. Đó là lý do vì sao cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản lại không chỉ có sự gia tăng của số lượng công nhân mà còn có sự gia tăng đoàn kết của giai cấp lao động. 

Các nhà máy khổng lồ càng được mở rộng quy mô nhanh hơn thì chủ nghĩa tư bản càng phát triển nhanh hơn và cùng với đó là những thợ thủ công, lao động tại gia và nông dân cũng phá sản nhanh chóng hơn. Tương tự là các đô thị khổng lồ với hàng triệu cư dân cũng phình to hơn. Cuối cùng trong mỗi thành phố lớn đều có một lượng người không thể đếm được tập trung trong một khu vực sống rất hạn chế, phần lớn là giai cấp vô sản của nhà máy. Các khối người này sống trong những khu vực tồi tệ mù mịt khói, trong khi một số ít của tầng lớp làm chủ, những kẻ sở hữu mọi thứ, sống trong những biệt thự sang trọng. Số người hợp thành nhóm nhỏ này dần trở nên ít ỏi. Những người công nhân thì không ngừng gia tăng về số lượng và tính đoàn kết cũng mạnh hơn bao giờ hết. 

Dưới những điều kiện như vậy, sự gia tăng cường độ không thể tránh khỏi của những cuộc đấu tranh sẽ không thể thất bại trong một quá trình lâu dài và dẫn đến chiến thắng của giai cấp lao động. Sớm hay muộn, bất chấp những mưu mẹo của giới tư sản thì những người công nhân sẽ tham gia vào những cuộc đụng độ bạo lực với giới làm chủ, sẽ truất ngôi chúng, sẽ phá bỏ chính quyền bóc lột của chúng và sẽ tự tạo cho họ một trật tự mới, một trật tự cộng sản dựa trên lao động. Về khía cạnh này, chủ nghĩa tư bản cùng sự lớn mạnh của nó đã không thể tránh khỏi việc dẫn đến cuộc cách mạng cộng sản của những người vô sản. 

Cuộc đấu tranh giai cấp của vô sản chống lại tư sản đã diễn ra dưới nhiều hình thức. Ba tổ chức dẫn đầu của giai cấp lao động đã sinh ra trong cuộc đấu tranh này. Đầu tiên chúng ta có công đoàn, tập hợp những công nhân dựa trên nghề nghiệp. Tiếp theo ta có công xã, tổ chức chủ yếu quan tâm tới vấn đề phân chia tư liệu vì mục đích của họ là giải phóng công nhân khỏi những kẻ hoà giải trung gian và thương nhân. Cuối cùng ta có các đảng chính trị của giai cấp lao động (đảng xã hội, xã hội dân chủ và cộng sản) với cương lĩnh nhằm lãnh đạo giai cấp lao động trong việc đấu tranh về quyền lực chính trị. Cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp càng trở nên dữ dội hơn thì các thành phần phong trào của giai cấp công nhân càng cần phải tập trung dưới một mục đích duy nhất: lật đổ nhà nước tư sản. Các lãnh đạo của các phong trào giai cấp công nhân, những người đã nắm bắt được tình hình thực tiễn, luôn một mực khẳng định rằng thực sự cần có liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức của giai cấp công nhân. Chẳng hạn, họ chỉ ra sự cần thiết về tính đồng bộ trong hành động giữa các công đoàn và các đảng chính trị của giai cấp vô sản; họ khẳng định rằng công đoàn không thể giữ vị trí trung lập (tức là không thể thờ ơ với các vấn đề chính trị). Theo như họ nói thì công đoàn phải kề vai sát cánh cùng với các đảng chính trị của giai cấp lao động.

Gần đây, các phong trào công nhân đã có một số hình thức mới. Hình thức quan trọng nhất trong số này là sự thành lập hội đồng các đại biểu của công nhân (Xô viết). Chúng tôi sẽ còn nhắc đi nhắc lại đến điều này xuyên suốt cuốn sách.

Như vậy từ những nghiên cứu về sự phát triển của hệ thống chủ nghĩa tư bản, ta có thể tự tin suy luận ra khẳng định sau: Số lượng nhà tư bản trở nên ít đi, nhưng những người này trở nên giàu có và mạnh hơn; số lượng công nhân ngày càng tăng và cùng với đó là sự đoàn kết của giai cấp lao động trở nên mạnh mẽ hơn, dù không ở cùng mức độ; sự đối lập giữa công nhân và nhà tư bản trở nên lớn hơn bao giờ hết. Tất yếu của sự phát triển của giai cấp tư sản là sẽ dẫn đến cuộc đụng độ giữa hai giai cấp, tức là nó dẫn đến cách mạng cộng sản.

§18 Sự tích luỹ và tập trung tư bản như những nhân tố dẫn đến chủ nghĩa cộng sản 

Chủ nghĩa tư bản, như ta thấy, đã tự đào hố chôn cho chính nó. Bởi vì nó đã tạo ra những con người sẽ chôn nó, những người vô sản. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển thì nó càng tạo ra nhiều kẻ thù và càng khiến họ đoàn kết hơn để chống lại chính nó. Nhưng nó không chỉ nuôi dưỡng kẻ thù của chính mình. Nó còn tạo ra nền tảng cho một lực lượng sản xuất mới, một phương thức sản xuất bình đẳng và cộng sản. Làm thế nào mà chủ nghĩa tư bản có thể làm được như vậy? Chúng tôi sẽ đưa ra câu trả lời ngắn gọn dưới đây.

Như ta đã thấy (xem qua hoặc đọc lại §11 ‘Tư bản’) rằng tư bản ngày càng phát triển về số lượng. nhà tư bản thêm vào tư bản của hắn ta một lượng giá trị thặng dư mà hắn chiếm đoạt được từ tầng lớp lao động. Bằng cách đó, tư bản ngày càng lớn hơn. Nhưng nếu tư bản trở nên phát triển về số lượng thì cũng có nghĩa là quy mô sản xuất phải lớn lên cùng. Sự gia tăng tư bản, sự gia tăng lượng của cải nắm giữ bởi một nhóm thiểu số người, được gọi là sự tích luỹ tư bản.

Ta cũng đã thấy (tham khảo §14 Mâu thuẫn giữa đại sản xuất và sản xuất nhỏ’) rằng sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đi kèm với sự phá huỷ của các nền sản xuất nhỏ và trung bình, các nhà sản xuất và thương nhân nhỏ và trung bình đều bị phá sản chứ chưa nói đến những thợ thủ công độc lập; ta cũng đã thấy rằng đại tư sản nhanh chóng chiếm đoạt toàn bộ của cải tàn dư đó. Tư bản trước đây được sở hữu bởi những người sản xuất nhỏ và vừa thì nay đã trượt khỏi tầm tay của họ và rơi vào tay của những kẻ giàu có thèm khát bằng nhiều con đường khác nhau. Tư bản sở hữu bởi những nhà đại tư sản không ngừng tăng lên từ việc chiếm đoạt tư bản của những nhà tư bản yếu hơn. Lượng tư bản trước đây được phân chia giữa nhiều người thì nay đã tập trung về tay của một người. Bây giờ lượng tư bản của những nhà tư bản yếu thế bị phá sản đã trở thành chiến lợi phẩm của kẻ chiến thắng. Sự tích luỹ của lượng tư bản từng bị phân tán được gọi là tập trung tư bản.

Sự tích luỹ và tập trung tư bản, sự tích lũy của tư bản trong tay một số ít người chưa suy ra ngay rằng sản xuất cũng bị tích lũy và tập trung bởi một số ít người. Ta giả sử rằng một nhà tư bản đã sử dụng lượng giá trị thặng dư tích lũy để mua một nhà máy nhỏ từ tay đồng nghiệp và hắn ta vẫn để nhà máy vận hành theo con đường cũ. Lúc này đã bắt đầu có sự tích luỹ nhưng không hề thay đổi về mặt sản xuất. Tuy nhiên thì mọi thứ lại thường đi theo một hướng khác. Trong thực tiễn, nhà tư bản (vì lợi nhuận của hắn ta) thường tái cơ cấu và mở rộng quy mô sản xuất, tức là mở rộng quy mô nhà máy. Kết quả của việc này không đơn thuần là sự mở rộng của tư bản mà còn là sự mở rộng của sản xuất. Sản xuất được thực hiện trên quy mô rất lớn, vận hành một lượng lớn máy móc và tập trung hàng ngàn công nhân. Lúc này khoảng vài chục nhà máy khổng lồ có thể cung cấp hàng hoá cho cả một đất nước. Điều tất yếu là những người công nhân đang sản xuất cho cả xã hội, theo thuật ngữ thì lao động đã trở nên xã hội hoá. Nhưng quyền kiểm soát và lợi nhuận vẫn nằm trong tay các nhà tư bản.

Những sự tích luỹ và tập trung sản xuất như vậy đã thực sự tạo ra một con đường mới cho việc hợp tác sản xuất (cộng sản) sau khi cách mạng vô sản diễn ra.

Nếu sự tập trung sản xuất không diễn ra, cho dù giai cấp vô sản có nắm được quyền lực thì việc sản xuất được thực hiện bởi hàng trăm nghìn công xưởng nhỏ, mỗi nơi có không quá 2-3 công nhân cũng sẽ khiến việc sản xuất xã hội không thể ra đời. Chủ nghĩa tư bản càng phát triển mạnh thì sự tập trung sản xuất càng phát triển mạnh và những người vô sản cũng dễ dàng kiểm soát việc sản xuất hơn sau khi họ đã giành chiến thắng. 

NHƯ VẬY CHỦ NGHĨA TƯ BẢN KHÔNG CHỈ ĐƠN THUẦN TẠO RA KẺ THÙ CỦA CHÍNH NÓ, ĐEM ĐẾN CÁCH MẠNG CỘNG SẢN, MÀ CÒN MANG ĐẾN NHỮNG NỀN TẢNG KINH TẾ CHO SỰ XUẤT HIỆN CỦA TRẬT TỰ XÃ HỘI CỘNG SẢN.


Mục lục

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận