Làm thế nào mà người giàu kiếm được tiền từ nỗi đau đại dịch

Vào đầu năm 2020, hàng triệu người lao động theo ngày ở Ấn Độ đã mất việc chỉ trong một đêm khi chính phủ Modi tuyên bố đóng cửa toàn quốc một cách vội vã. Có rất ít khoản phúc lợi đã được cung cấp và nhiều người trong số họ đã buộc phải tham gia vào các đoàn lữ hành, đi bộ hàng trăm km từ thành phố về quê của họ, không có bất kỳ phương tiện bảo vệ cá nhân nào để tránh khỏi nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Trong những tuần và tháng tiếp theo, tình trạng lây nhiễm tăng vọt đã khiến cho hàng chục nghìn người nghèo nhất Ấn Độ mất mạng.

Ở New York, tháng 10 năm 2020, các giáo viên trường công trở lại lớp học sau kỳ nghỉ hè với kỳ vọng về các điều kiện làm việc an toàn, người ta đã hứa về điều đó. Nhưng thực tế khác xa với hứa hẹn, mỗi lớp chỉ được cung cấp một lọ sát khuẩn tay và ít khẩu trang, thậm chí nhiều trường học do đóng cửa quá lâu nên trần bị dột và phân chuột vương đầy trên các tầng và trong bàn làm việc.

Tại Singapore, tháng 4 năm 2020, một làn sóng COVID-19 đã quét qua các khu ký túc chật cứng người lao động nhập cư. Chúng đã bị khóa ngay lập tức để ngăn sự lây lan của virus ra phần còn lại của thành phố. Với những người lao động này, những người đã buộc phải làm như nô lệ để xây dựng lên những tòa nhà chọc trời khổng lồ, những kiến trúc của tương lai, thành phố mộng mơ của chủ nghĩa tân tự do đã nhanh chóng trở thành cơn ác mộng đối với họ. Người khỏe mạnh với người bị bệnh phải cùng chia sẻ với nhau một không gian chật chội, kết quả virus đã lây lan như cháy rừng, lên tới 1.000 trường hợp mỗi ngày.

Đó chỉ là một vài ví dụ về nỗi đau khổ, tương lai không chắc chắn và đứt đoạn mà đại dịch đã mang lại cho hàng tỷ người nghèo và tầng lớp lao động trên khắp thế giới.

Một phân tích trên tờ Washington Post về tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng ở Mỹ, được xuất bản vào tháng 9, chỉ rõ ra rằng cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra “sự bất bình đẳng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ hiện đại.” Các tác giả viết: “Các hộ càng nghèo thì càng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn từ các cuộc suy thoái”, “tuy nhiên điều này hiện đang diễn ra ở quy mô tồi tệ nhất trong các thế hệ.” Trên toàn cầu, hơn 400 triệu người mất việc làm trong năm nay và nghiên cứu của Đại học Liên Hợp Quốc đã chỉ ra rằng sắp tới hơn nửa tỷ người có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói.

Tuy nhiên, ở phía bên kia của sự phân chia giai cấp, các tỷ phú, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, dược phẩm và bán lẻ, đã trở nên giàu có hơn đáng kể kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.

Một báo cáo của Oxfam hồi tháng 9, với tiêu đề Quyền lực, Lợi nhuận và Đại dịch, ước tính rằng tài sản của 25 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng 255 tỷ USD chỉ tính riêng từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, trong khi khối tài sản của khoảng 650 tỷ phú Hoa Kỳ ước tính đã tăng thêm 792 tỷ USD chỉ tính riêng từ tháng Ba đến tháng Tám.

Trong khi người lao động thường bị bỏ mặc để tự trang trải cuộc sống hoặc chỉ được ném cho một gói phúc lợi tạm thời, các tập đoàn lớn đã được hưởng lợi từ hàng nghìn tỷ dollar tiền cứu trợ của chính phủ. Trong nhiều ví dụ, tập đoàn hóa chất khổng lồ của Đức BASF, điều hành một số nhà máy ở Anh, đã được chính phủ Anh cho vay một gói khẩn cấp trị giá 1 tỷ bảng Anh bất chấp nó vừa mới công khai một kế hoạch phân chia 2,75 bảng Anh để trả cổ tức cho cổ đông.

Nhiều công ty khác đã sử dụng đại dịch này làm vỏ bọc cho việc sa thải hàng loạt, cắt giảm lương, v.v.. trong khi lợi nhuận và cổ tức của những kẻ đứng đầu không mảy may sứt mẻ. Một ví dụ được đề cập trong báo cáo là của nhà bán lẻ quần áo Kohl’s của Mỹ, công ty đã trả 105 triệu USD cổ tức cho các cổ đông trong khi từ chối thanh toán các đơn hàng trị giá 150 triệu USD mà nó đã đặt từ các nhà sản xuất ở Bangladesh và Hàn Quốc, bất chấp phần lớn công việc đã được hoàn thành.

Quyết định của công ty khiến hàng nghìn công nhân may mặc vốn đã rất nghèo khó mất trắng lương. Một công nhân Bangladesh, một phụ nữ trẻ, đang mang thai, người mới bị mất việc tại một nhà máy cung cấp cho Kohl’s vào tháng Tư, nói với Guardian rằng: “Tôi đã mất trắng tiền lương, tiền bồi thường hay quyền lợi mà tôi đáng được hưởng sau sáu năm làm việc ở đó. Nhà máy cho chúng tôi biết là các hãng đã hủy hoặc đình chỉ các đơn hàng bất chấp hàng đã sẵn sàng được giao. Dẫu lương rất thấp tôi đã dành tất cả năng lượng của mình để làm ra quần áo. Nhờ chúng mà các nhà sản xuất và hãng thời trang có thể thu về lợi nhuận, nhưng  khi chúng tôi đang đau khổ chẳng ai đoái hoài đến.”

Báo cáo của Oxfam là một bản cáo trạng trong đó nêu rõ sự bất bình đẳng do tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 là sự phản ánh của bất bình đẳng mang tính hệ thống của chủ nghĩa tư bản toàn cầu. “Sự khác biệt về tác động kinh tế từ COVID-19 không phải là ngẫu nhiên”, nó lập luận. “Đó là hệ quả của một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cho những người giàu có, đồng thời chiết xuất giá trị từ nhiều người còn lại. Đại dịch không tạo ra những bất công về kinh tế, chủng tộc và giới tính; nó chỉ bộc lộ và khuếch đại chúng.”

Báo cáo trình bày tất cả những gì là sai trái với chủ nghĩa tư bản mà các nhà xã hội chủ nghĩa từ lâu đã trình bày. Đó là một hệ thống phân chia giai cấp tàn bạo được cai trị bởi những cá nhân thu được nhiều lợi nhuận nhất có thể trong thời gian ngắn nhất có thể. Giai cấp tư sản thống trị sử dụng quyền lực kinh tế và vị thế của họ trong xã hội để đảm bảo sự đối xử có lợi từ nhà nước, theo đó là hàng nghìn tỷ USD dành cho các gói cứu trợ cho các công ty, và đảm bảo người lao động và người nghèo là người phải gánh thay những tác động kinh tế và sức khỏe từ cuộc khủng hoảng.

Những bất bình đẳng quái dị mà ngày nay chúng ta thấy nhan nhản – những khoản tiền không thể tưởng tượng được chảy đến những người vốn đã siêu giàu, trong khi đau khổ và cái chết gây ra cho những người ở phía bên kia của sự phân chia giai cấp — sẽ còn tiếp tục cho đến chừng nào một hệ thống đặt lợi nhuận lên trên tính mạng con người còn tồn tại.

Tyler Ray, báo Cờ đỏ, ngày 26 tháng 11 năm 2020

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận