Tái cơ cấu tiền tệ ở Cuba, việc này có ý nghĩa gì?

Vào ngày 12 tháng 10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế & Kế hoạch Cuba, Alejandro Gil Fernández đã xuất hiện trên chương trình truyền hình Mesa Redonda (Bàn tròn) để nói về chiến lược “thúc đẩy kinh tế và vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên bởi COVID-19”, với phần trung tâm của nó là “tái cơ cấu tiền tệ”, thứ đã tạo ra rất nhiều tin đồn và sự hoài nghi ở Cuba trong những tháng gần đây.

Như một sự tình cờ lịch sử, buổi truyền hình Bàn tròn này vừa đúng dịp kỷ niệm 60 năm ngày thông qua Luật 890 về “quốc hữu hóa thông qua cưỡng bách tịch thu tất cả các hãng công nghiệp và thương mại” và Luật 891 về quốc hữu hóa ngân hàng, ngày 13 tháng 10 năm 1960; Luật cải cách đô thị nhằm tịch thu nhà của các đại địa chủ và giao chúng cho người thuê nhà, ngày 14 tháng 10 năm 1960. Với việc các luật này được thông qua, chủ nghĩa tư bản trên thực tế đã bị quét sạch ở Cuba và trên cơ sở đó mà quyền sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất cùng tất cả những thành tựu của cách mạng Cuba trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở, giải phóng dân tộc, v.v… vẫn tồn tại được cho đến ngày nay dẫu đã suy yếu.

Những biện pháp đang được đề xuất hiện nay là gì, tại sao lại là lúc này, và chúng có tác động như thế nào đến nền tảng vật chất mà cuộc cách mạng Cuba dựa trên?

Các biện pháp của cái được gọi là “tái cơ cầu tiền tệ” ở Cuba đi xa hơn nhiều là sự thống nhất tiền tệ. Ở Cuba không những có các loại tiền tệ khác nhau được lưu hành (đồng peso Cuba (CUP ), đồng peso chuyển đổi (CUC) và các loại tiền tệ được tự do chuyển đổi MLC) mà còn có một số tỷ giá hối đoái, do vậy điều này còn chứa đựng ý đồ sâu xa hơn.

Trước tiên, những gì đang được đề xuất là loại bỏ đồng CUC và tái lập đồng CUP làm đồng tiền trung tâm của nền kinh tế. Nếu chỉ có một tỷ giá hối đoái thì đây sẽ là một hoạt động tương đối đơn giản: rút một loại tiền tệ ra khỏi lưu thông và thay thế nó bằng một loại tiền khác. Nhưng vấn đề là sự chênh lệch của tỷ giá hối đoái. Trong khu vực quốc doanh, 1 CUC tương đương với 1 CUP và theo đó là 1 đô la. Đối với khu vực tư nhân, tỷ giá hối đoái là 24 hoặc 25 CUP ăn 1 CUC. Tỷ giá hối đoái chênh lệch như vậy, cùng với những nguyên nhân khác, làm cho đồng tiền quốc gia bị định giá quá cao trong khu vực công và do đó làm cho xuất khẩu đắt hơn, trong khi nhập khẩu thì rẻ hơn. Thống nhất tiền tệ thì đồng thời tỷ giá hối đoái cũng được thống nhất, điều sẽ đồng nghĩa với việc đồng CUP bị mất giá mạnh so với ngoại tệ. Mục đích của việc này là khuyến khích xuất khẩu thay vì nhập khẩu, và bằng cách này cố gắng thu hút ngoại tệ vào nền kinh tế quốc dân. Điều mà chắc chắn sẽ khiến giá cả tăng lên đối với người tiêu dùng. Để giảm bớt tác động của đợt tăng giá này, mức tăng lương chung dự kiến sẽ là gấp 4,9 lần mức hiện tại.

Là một phần của các biện pháp thúc đẩy xuất khẩu, hơn 100 hợp đồng xuất khẩu đã được các công ty tư nhân của Cuba ký kết. Mặc dù các hợp đồng này là thông qua các công ty nhà nước nhưng thực sự là các biện pháp này sẽ làm suy yếu độc quyền nhà nước về ngoại thương, vốn là một trong những phòng tuyến cho nền kinh tế kế hoạch hóa Nhà nước.

Ngoài ra, một điều rất nguy hiểm nữa là các biện pháp được đề xuất còn bao gồm việc loại bỏ những gì được mô tả là “trợ cấp quá mức và tiền thưởng quá mức”. Trên thực tế, điều này có nghĩa là tiến tới việc bãi bỏ nguyên tắc phổ biến của trợ cấp xã hội và để cho những trợ cấp này chỉ dành cho những người “thực sự cần chúng”. Đó là sự ngầm thừa nhận về gia tăng phân hóa xã hội trên hòn đảo trong những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi thực hiện các biện pháp trong khung Đường lối Đại hội VI Đảng cộng sản Cuba vào năm 2011, nhằm xóa bỏ việc làm trong khu vực nhà nước và thúc đẩy việc tự kinh doanh.

Các biện pháp “tái cơ cấu” cũng thúc đẩy tiền lương khích lệ, điều này sẽ liên quan đến khả năng thu được ngoại tệ của các công ty nhà nước khác nhau. Chiến lược này, được cho là cần thiết để khuyến khích lao động trên cơ sở tăng lương, điều sẽ thực sự có tác dụng làm sắc nét hơn sự phân hóa xã hội. Có những công ty do lĩnh vực hoạt động của mình mà sẽ có vị thế tốt hơn để xuất khẩu sản phẩm của họ, người lao động ở đó sẽ được hưởng lợi, trong khi có những công ty không thể xuất khẩu và người lao động sẽ chỉ nhận được mức lương cơ bản mà không được ưu đãi. Hơn nữa, những công ty không tạo ra lợi nhuận sau một thời gian kém thích ứng sẽ bị đóng cửa.

Điều này hướng cùng một hướng với nỗ lực tăng năng suất thông qua đòn roi của thị trường tư bản chủ nghĩa: nếu một công ty không có lãi, nó sẽ bị đóng cửa; nếu một công ty có lãi, lợi nhuận được chia sẻ. Quyền tự chủ doanh nghiệp được tăng lên, tự do hóa hơn nữa việc kinh doanh tự do, khuyến khích hình thành các doanh nghiệp vừa và nhỏ kể cả ở khu vực nhà nước cũng như tư nhân, … Một khía cạnh khác tương tự là nghị quyết 115 của Bộ Kế hoạch (áp dụng từ năm 2021), trong đó tuyên bố rằng các chủ thể kinh tế sẽ có quyền tự chủ lớn hơn trong việc quản lý ngoại tệ do xuất khẩu, bán ngoại tệ, bán hàng hóa cho các công ty trong Đặc khu Mariel, v.v… Mặc dù chính phủ sẽ giữ lại một phần số ngoại tệ được tạo ra này, phần lớn (từ 80 đến 100% tùy từng trường hợp) sẽ được giữ lại bởi công ty, thuộc sở hữu nhà nước hoặc từ khu vực “ngoài quốc doanh” (tức là tư nhân). Nhà nước từ bỏ vai trò trung tâm trong việc phân bổ ngoại tệ. Điều này là nghiêm trọng vì nó có nghĩa là dollar hóa một phần nền kinh tế, tăng cường sự phân hóa nội bộ giữa các công ty khác nhau theo lĩnh vực hoạt động của họ và hơn nữa là theo đó làm giảm tỷ lệ ngoại tệ dành cho nhà nước để thực hiện kế hoạch hóa tập trung dựa trên lợi ích của đa số.

Nhìn chung, tất cả các biện pháp kinh tế này đều hướng tới một hướng rõ ràng: kế hoạch hóa ít hơn và thị trường tự do hơn nữa. Ngôn ngữ chính thức đôi khi cố gắng để che đậy sự thật này. Ví dụ, vào tháng 7 năm nay, khi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch trình bày Chiến lược Kinh tế – Xã hội của Cuba, ông đã nói rằng một trong những đường lối chung của nó là “duy trì kế hoạch”, “đó là một thế mạnh của hệ thống của chúng ta”, nhưng sau đó ông còn nói thêm: “Điều đó không có nghĩa là phân bổ nguồn lực một cách tập trung. Chúng tôi đang thực hiện các bước để phân cấp quản lý việc phân bổ các nguồn lực.” (Xem: Chiến lược Kinh tế-Xã hội của Cuba trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19) Đó là nói một đằng làm một nẻo. Thực sự để thấy rõ hơn, bạn cũng phải đọc một dòng khái quát khác, ẩn sâu hơn một chút: “sự điều tiết của thị trường, chủ yếu bằng phương pháp gián tiếp.” Nói cách khác, điều đang được xem xét rõ ràng là sự thoái trào của kế hoạch hóa và sự tiến bộ của thị trường trong các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, trong đó có sự phân bổ nguồn lực, lưu thông tiền tệ, v.v. Vì vậy, những biện pháp này là một bước thụt lùi và làm xói mòn cơ sở vật chất đã làm nền tảng cho những thành tựu của cách mạng Cuba.

Đó không chỉ là sự lùi bước về cơ sở vật chất của cuộc cách mạng mà còn là những bước tiến xa hơn của một quá trình đã phát triển nhiều năm với sự thụt lùi về ý thức, trong đó phát huy các giải pháp riêng lẻ, ưu tiên “tính hiệu quả” thông qua cạnh tranh hơn là thông qua các giải pháp tập thể, hợp tác, kiểm soát xã hội với sự tham gia tích cực và có ý thức của giai cấp công nhân được tổ chức nhằm giải quyết các vấn đề.

Hiển nhiên, ai cũng có thể hiểu được rằng nền kinh tế Cuba (và cả cuộc cách mạng) đang phải đối mặt với một loạt những trở ngại rất quan trọng và những trở ngại này hạn chế những câu trả lời có thể đưa ra. Những trở ngại này phần nào ở cơ cấu và cũng đã trở nên trầm trọng hơn bởi bối cảnh gần đây.

Những yếu tố cơ bản của cuộc khủng hoảng kinh tế ở Cuba

Hãy bắt đầu với những vấn đề trước mắt hơn. Nền kinh tế Cuba đã rơi vào tình trạng rất phức tạp ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bắt đầu với ba lý do. Một mặt, việc Trump lên nắm quyền ở Hoa Kỳ vào năm 2016 đồng nghĩa với việc đảo ngược một loạt các biện pháp đã được thực hiện bởi chính quyền Obama, dẫu lệnh cấm vận vẫn chưa được dỡ bỏ, chúng vẫn có lợi cho nền kinh tế Cuba (làm cho chính sách kiều hối và du lịch linh hoạt hơn, v.v.). Không chỉ vậy, Trump, trong nỗ lực nhằm duy trì phiếu bầu từ người Latinh ở Florida, đã tăng cường gây hấn chống lại Cuba bằng cách kích hoạt Chương III của Đạo luật Helms-Burton cho phép hạch sách các công ty giao dịch với các công ty Cuba sử dụng tài sản được quốc hữu hóa bởi cuộc cách mạng.

Như một đồng chí Cuba người đã xem xét bản thảo đầu tiên của bài báo này đã chỉ ra, “các cuộc tấn công của chính quyền Trump không chỉ giới hạn ở việc đảo ngược các biện pháp của Obama và kích hoạt Chương III. Dường như chính quyền đã thực hiện nhiều nhất có thể các biện pháp để thắt chặt sự phong tỏa và nỗ lực bóp nghẹt tàn bạo các nguồn thu nhập của nền kinh tế Cuba. Cuộc đàn áp đối với mọi giao dịch và hoạt động tài chính quốc tế ở Cuba diễn ra rất tàn bạo. Hầu như hàng tháng, và trong thời gian gần đây, hầu như mỗi tuần, đều có các biện pháp trừng phạt và biện pháp mới nhằm thắt chặt phong tỏa đối với Cuba.” Theo báo cáo mà Cuba đã trình bày trước LHQ vào tháng 7 năm 2020: “Từ tháng 4 năm 2019 đến tháng 3 năm 2020, cuộc phong tỏa đã gây ra thiệt hại lên tới 5,57 tỷ đô la cho Cuba. Con số này tăng khoảng 1,2 tỷ đô la so với giai đoạn trước. Lần đầu tiên, tổng số thiệt hại do chính sách này gây ra trong một năm vượt quá mốc năm tỷ đô la, điều này cho thấy mức độ tăng cường của cuộc phong tỏa ở giai đoạn này.”

Cú đánh thứ hai đối với nền kinh tế Cuba trong những năm gần đây là việc chấm dứt hợp đồng cử bác sĩ Cuba tới Brazil sau khi Bolsonaro lên nắm quyền vào cuối năm 2018. Cần phải nói thêm rằng biện pháp tương tự cũng đã được thực hiện ở Bolivia sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái Ngoài ra, một chiến dịch không ngừng và có hệ thống đã được Hoa Kỳ thực hiện nhằm chống lại sự hợp tác y tế của Cuba, gây áp lực nên các chính phủ trên thế giới nhằm buộc họ không thuê bác sĩ Cuba.* Mà đây vốn là một trong những nguồn thu nhập chính của đất nước.

Thứ ba là hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế tàn khốc ở Venezuela bắt đầu từ năm 2014 và dường như chưa có hồi kết. Điều này đã hạn chế nghiêm trọng các quan hệ kinh tế vốn rất thuận lợi đã được thiết lập trước đó, về xuất khẩu dịch vụ và nhập khẩu dầu với giá ưu đãi.

Sự xuất hiện của Covid-19 và theo đó là cuộc khủng hoảng toàn cầu của chủ nghĩa tư bản, đã làm cho tình hình kinh tế Cuba càng trở nên tồi tệ hơn. Trước hết, do tác động của chính đại dịch ở Cuba, với sự tê liệt hoạt động sản xuất ảnh hưởng tới hàng trăm nghìn công nhân trong khu vực nhà nước, những người vẫn tiếp tục nhận lương của mình. Điều này phải cộng thêm chi phí cho các biện pháp phòng dịch, xét nghiệm PCR, … Thứ hai, Covid-19 đã làm tê liệt hoàn toàn ngành du lịch trong hơn sáu tháng qua, dẫn đến doanh thu giảm. Ngoài ra phải kể đến sự sụt giảm lượng kiều hối mà kiều dân Cuba gửi về nước do họ cũng chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu. Không chỉ vậy, kiều hối cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt mà Hoa Kỳ áp dụng, điều đã dẫn đến ngừng hoạt động gửi tiền đến đảo qua Western Union kể từ ngày 23 tháng 11, đó là ví dụ.*

Tiếp tới, sự sụp đổ của hoạt động kinh tế thế giới do cuộc khủng hoảng tư bản, đã khiến giá Niken mà Cuba xuất khẩu hiện đã giảm xuống 15.000 USD / tấn từ 17.000 USD / tấn một năm về trước. Đừng quên rằng giá niken là 28.000 đô la vào năm 2011 và đã đạt đỉnh 50.000 đô la vào năm 2007 trước cuộc đại suy thoái.

Không phải tất cả các tác động quốc tế đến Cuba đều là tiêu cực. Giá dầu mà Cuba nhập khẩu đã giảm đáng kể, từ 100 đô la / thùng trong giai đoạn 2010-2014 xuống 60 đô la / thùng vào năm ngoái, và giờ còn có 37 đô la. Mặt khác, đại dịch đã cho phép Cuba tạm thời tìm được thêm đối tác để xuất khẩu các dịch vụ y tế. Nhưng hai yếu tố tích cực này còn lâu mới có thể cân bằng lại được với tác động tiêu cực từ những cú đánh khác. Không những thế, Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực với lời đe dọa về các lệnh trừng phạt và trả đũa lên các chính phủ và các công ty từ nước thứ ba để họ không bán dầu cho Cuba nữa.

Điều này trên thực tế chính xác là một cơn bão đối với nền kinh tế Cuba, tuy nhiên bất chấp những khó khăn nó vẫn sống sót. Trên thực tế, cần phải thấy rằng cuộc cách mạng Cuba không những đã sống sót mà trong những tháng gần đây nó đã đối mặt với đại dịch một cách mẫu mực, bất chấp khó khăn kinh tế. Điều này chỉ có thể thực hiện được là do sự tồn tại của một chế độ kinh tế xã hội không bị chi phối bởi lợi ích của tư bản tư nhân.

Những yếu tố cấu thành nền kinh tế Cuba

Nhưng cần phải nói rằng ngay cả khi tìm ra được giải pháp cho tất cả những khó khăn tạm thời này, thì những cái yếu kém trong nền kinh tế Cuba vẫn sẽ tồn tại. Thứ nhất, sự phụ thuộc vào thị trường thế giới, mà trong đó Cuba được coi là một nền kinh tế yếu và phụ thuộc, và thứ hai là sức nặng khó lòng lay chuyển của bộ máy quan liêu trong việc điều hành nền kinh tế kế hoạch.

Vấn đề đầu tiên được đặt ra là cuộc cách mạng Cuba diễn ra ở một nước tư bản lạc hậu chịu sự thống trị của chủ nghĩa đế quốc. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cần được bắt đầu trên cơ sở của những lực lượng sản xuất tiên tiến nhất của chủ nghĩa tư bản. Nhưng Cuba vào năm 1959 chỉ là một quốc gia có nền kinh tế dựa trên xuất khẩu nguyên liệu thô (chủ yếu là đường) và do đó hoàn toàn chịu sự chi phối từ thị trường thế giới, mà trong đó nó bị áp đặt với những điều kiện hoàn toàn bất bình đẳng. Các công ty và các thành phần kinh tế chính của đất nước nằm trong tay các nhóm lợi ích từ Hoa Kỳ cùng với một giai cấp tư sản dân tộc yếu đuối, bị trói tay chân và lệ thuộc vào người láng giềng phía bắc.

Cuộc cách mạng Cuba, bắt đầu với một chương trình dân tộc – dân chủ tiên tiến mà câu hỏi về chủ nghĩa tư bản lúc đầu chưa được đặt ra một cách rõ ràng; đỉnh cao của nó là việc tịch thu tài sản của đế quốc cũng như giai cấp tư sản “dân tộc”. Đây là ý nghĩa của những luật mà chúng tôi đã đề cập ở đầu bài viết này.

Có thể nói, chỉ chưa đầy hai năm sau khi nắm quyền cách mạng Cu Ba đã hoàn thành chương trình Moncada, một chương trình dân tộc – dân chủ và chống đế quốc, và trong quá trình đó, nó đã xóa bỏ quyền tư hữu các phương tiện sản xuất bằng cách chiếm đoạt của giai cấp tư sản, cả Cu Ba và đế quốc. Để hoàn thành chương trình của mình Cách mạng Cuba không thể có bất kỳ cách nào khác.

Bằng cách này, một trong những nguyên lý của chiến lược cách mạng thường trực đã được chứng minh trên thực tế: trong thời đại của chủ nghĩa đế quốc, ở các nước tư bản lạc hậu, giai cấp tư sản không có khả năng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ nào của cách mạng dân tộc dân chủ. Chúng chỉ có thể được hoàn thành bằng cách vượt qua những giới hạn chật hẹp của chủ nghĩa tư bản.

Tuy nhiên, lý thuyết về cuộc cách mạng thường trực còn có một phần khác. Những nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể hoàn thành ở một nước, và càng không thể hoàn thành ở một nước lạc hậu nơi chủ nghĩa đế quốc thống trị. Việc trưng thu tư bản ở một nước phải là bước mở đầu cho sự lan rộng của cuộc cách mạng sang các nước khác, và cuối cùng là cuộc cách mạng thế giới.

Theo một cách nào đó, chính lịch sử kinh tế của cuộc cách mạng ở Cuba đã xác nhận cho luận điểm còn lại này. Hai giai đoạn mà nền kinh tế Cuba có bước phát triển quan trọng nhất là thời kỳ kết nối với Liên Xô (đặc biệt từ 1971 đến 1986) và ở đỉnh cao của cuộc cách mạng Bolivar (từ 2002 đến 2013). Sự liên kết của cách mạng Cuba với Liên Xô có một tác động tiêu cực nhìn từ quan điểm là nó đã kết thúc một thời kỳ hào hùng (những năm 1960) khi Cuba đấu tranh chống lại bọn phản động “chung sống hòa bình” và tìm cách mở rộng cuộc cách mạng, thách thức tầm nhìn máy móc và quan liêu về “chủ nghĩa Mác” v.v… Đối với bộ máy quan liêu Liên Xô, đây là một mối đe dọa, và việc tăng cường các mối quan hệ kinh tế đi kèm với sự áp đặt cứng nhắc của mô hình quan liêu Stalinít vào trong tất cả các khía cạnh: từ giáo dục, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, cho đến đời sống chính trị và cả chính sách đối ngoại. 

Cũng từ quan điểm kinh tế, đã có những hậu quả tiêu cực. Những ý tưởng của Che Guevara về sự cần thiết phải công nghiệp hóa Cuba và phát triển giai cấp công nhân của nó đã bị vứt xó, và hòn đảo tiếp tục phụ thuộc vào việc xuất khẩu đường. Tuy nhiên, về mặt tiền tệ thuần túy, mối quan hệ này có lợi cho Cuba, nước này đã bán sản phẩm thu hoạch cho Liên Xô và các nước Đông Âu với giá cao hơn giá trên thị trường thế giới và mua các sản phẩm chế tạo từ họ với giá thấp hơn thị trường thế giới.

Mối quan hệ của Cuba với cuộc cách mạng Bolivar (dẫu thực tế là nó chưa bao giờ đoạn tuyệt với chủ nghĩa tư bản) cũng rất thuận lợi cho hòn đảo này. Chắc chắn là như vậy từ quan điểm kinh tế, nhưng cũng đúng như vậy từ quan điểm chính trị, từ Venezuela một làn gió tươi mới của lòng nhiệt huyết cách mạng đang thổi tới.

Một khía cạnh khác mang tính hệ thống gây hạn chế cho sự phát triển kinh tế của Cuba là sự tồn tại của bộ máy quan liêu. Trong những tháng gần đây, ở Cuba đã có nhiều cuộc thảo luận về sự cần thiết phải “giải phóng lực lượng sản xuất” để họ phát huy hết tiềm năng của mình. Nhưng nhìn chung, ý nghĩa của điều này là chấm dứt kế hoạch hóa nền kinh tế từ nhà nước, và giải phóng thị trường như một cơ chế thống trị.

Trên thực tế, không phải kế hoạch hóa từ nhà nước đã kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất mà là kế hoạch hóa kinh tế quan liêu. Ở Cuba, về lý thuyết người lao động là chủ sở hữu tư liệu sản xuất, nhưng trong thực tế họ không có cảm giác là vậy. Ở một mức độ mà không có cơ cấu thực sự cho sự kiểm soát và quản lý của công nhân đối với sự vận hành nền kinh tế, những người công nhân cảm thấy xa lạ với nó. Trong nền kinh tế tư bản (“thị trường”), ở một mức độ nào đó, có những cơ chế kiểm soát tự động. Nếu một công ty không hiệu quả (tức là, nếu nó không áp dụng các cơ chế tiên tiến nhất để phát triển năng suất lao động) thì nó sẽ bị các đối thủ cạnh tranh loại bỏ. Trong nền kinh tế kế hoạch, cơ chế duy nhất có thể thực hiện vai trò kiểm soát chất lượng, hiệu quả kinh tế, là sự quản lý của chính người công nhân với nền kinh tế. Nếu điều đó không tồn tại, thì sự lãng phí, thói chây ì và quan liêu sẽ tràn lan. Trên thực tế, theo một cách nào đó, các biện pháp được đề xuất hiện nay và đã được thảo luận trong nhiều năm ở Cuba thừa nhận tiền đề này bằng cách tập trung vào vấn đề ưu đãi cho người lao động.

Tóm lại, hai yếu tố tác động tiêu cực đến nền kinh tế Cuba là sự cô lập và quan liêu. Trên thực tế, bộ máy quan liêu chính lại phản ánh sự cô lập của cuộc cách mạng ở một nước lạc hậu.

Làm thế nào để nền kinh tế Cuba đối mặt được với cuộc khủng hoảng?

Nếu chúng ta bắt đầu từ những tiền đề này, kết luận là rõ ràng. Các vấn đề mang tính hệ thống của nền kinh tế Cuba có thể được khắc phục thông qua cuộc cách mạng thế giới và nền dân chủ của công nhân. Câu hỏi đầu tiên tự nó trả lời cho nó. Nếu cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi ở một hoặc một số quốc gia trong lục địa Châu Mỹ (Ecuador, Bolivia, Venezuela, Chile, v.v.), điều đó sẽ ngay lập tức đặt cuộc cách mạng Cuba vào một vị thế tốt hơn, cả trên quan điểm thuần là trao đổi kinh tế hay từ quan điểm chính trị về tinh thần cách mạng. Và hẳn nhiên, một cuộc cách mạng ở Hoa Kỳ sẽ có ý nghĩa quyết định hơn nữa trong việc thay đổi cục diện của cuộc cách mạng Cuba.

Tất nhiên, cuộc cách mạng ở các nước khác không phụ thuộc vào cuộc cách mạng Cuba, hay ít nhất là không phụ thuộc hoàn toàn. Tuy nhiên, cuộc cách mạng Cuba có một uy tín chính trị to lớn và hoạt động như một ngọn hải đăng mạnh mẽ trên khắp lục địa và còn xa hơn thế nữa. Do vậy nó có thể đóng một vai trò quan trọng. Nhưng muốn vậy, trước hết cần phải có cuộc thảo luận kỹ lưỡng về chính trị quốc tế ở Cuba trên quan điểm cách mạng và xã hội chủ nghĩa, chứ không phải từ quan điểm địa chính trị hạn chế và phản động. Mặc dù ở Cuba có những không gian nơi mà tình hình thế giới được thảo luận theo quan điểm cộng sản đích thực, nhưng đây không phải là ngôn ngữ chủ đạo trong các bài diễn văn chính thức hay giới truyền thông. Nhìn chung, diễn ngôn công khai chỉ ngang tầm với chính trị cải cách ở các nước khác; sự thái quá của chủ nghĩa tư bản bị chỉ trích (trong nhiều trường hợp, từ “chủ nghĩa tân tự do” đã được sử dụng), nhưng từ một góc độ mà người ta cho rằng các giải pháp trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản là khả thi. Ngay cả ở đỉnh cao của cuộc cách mạng Bolivar ở Venezuela với những vấn đề nhức nhối mà nó đặt ra, chẳng hạn như phong trào kiểm soát của công nhân, chúng cũng chưa bao giờ được thảo luận sâu ở Cuba.

Mặt khác, nền dân chủ của công nhân là động lực hữu hiệu nhất để tăng năng suất lao động. Nếu người công nhân cảm thấy một cách hữu hình rằng tư liệu sản xuất thuộc về họ, quyền lãnh đạo đất nước nằm trong tay họ, thì họ sẽ quan tâm đến việc làm cho nó hoạt động có hiệu quả. Đó là bài học kinh nghiệm về sự kiểm soát của người lao động ở Venezuela hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Những gì có giá trị đối với một nhà máy thì có giá trị đối với sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế.

Đối với những vấn đề ngắn hạn, có thể phải nhượng bộ một phần cho thị trường, cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu sản phẩm để thu được ngoại tệ cần thiết. Rốt cuộc, NEP của Lenin trong những năm 1920 chỉ là: một loạt những nhượng bộ và thoái lui. Sự khác biệt là Lenin đã trình bày chính sách đó một cách trung thực như nó vẫn là: nhượng bộ và thoái lui. Các đòn bẩy trung tâm của nền kinh tế vẫn nằm trong tay nhà nước, và độc quyền ngoại thương được coi là yếu tố then chốt để bảo vệ quyền sở hữu nhà nước đối với tư liệu sản xuất. Và đồng thời, những người Bolshevik trong những năm 1920 cũng đang theo đuổi chính sách kiên định với cách mạng quốc tế, xây dựng Quốc tế Cộng sản, can thiệp vào các cuộc cách mạng chính trị ở Đức, Ý, Pháp, v.v.

Tuy nhiên, ở Cuba ngày càng có nhiều nhượng bộ trước thị trường, độc quyền nhà nước về ngoại thương và kế hoạch hoá bị suy yếu. Những nhượng bộ này làm gia tăng sự phân hóa xã hội và củng cố sự tự tin của các phần tử tư sản và tiểu tư sản và họ bắt đầu bộc lộ lợi ích chính trị của mình chống lại lợi ích của sở hữu nhà nước. Nhưng những nhượng bộ này đã được trình bày không phải như vậy mà như thể giải pháp cho con đường phía trước. Thay vì cảnh báo về mối nguy hiểm mà chúng gây ra, chúng được trình bày như một liều thuốc chữa bách bệnh và là cách để “giải phóng lực lượng sản xuất”, để “xây dựng một chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững”.

Trong bài phát biểu tại Mesa Redonda, Bộ trưởng Alejandro Gil nhấn mạnh rằng “liệu pháp sốc sẽ không được áp dụng và sẽ luôn có sự chăm sóc và ưu tiên cho những người dễ bị tổn thương nhất.” Mối quan tâm đó là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, vấn đề là các lực lượng thị trường một khi được giải phóng có logic của riêng chúng. Những công cuộc chinh phục của cách mạng Cuba là dựa trên quốc hữu hóa tư liệu sản xuất, nếu điều này bị suy yếu và cuối cùng chấm dứt, thì các cuộc chinh phục sẽ không thể được đảm bảo. Do đó con đường này không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những người vạch ra nó.

Nền kinh tế Cuba đang ở trong tình thế rất khó khăn, không ai phủ nhận điều đó. Hiện trạng là không bền vững. Đúng vậy và chỉ có hai cách khả thi để thoát khỏi vũng lầy. Một là dẫn đến sự thống trị của thị trường tư bản hai là trên con đường cách mạng thế giới và nền dân chủ của công nhân.

Rõ ràng là ở Cuba nhiều chiến binh và cán bộ cộng sản đang phản kháng lại việc áp dụng các biện pháp thị trường. Một dấu hiệu rõ ràng về điều này là cuộc tranh luận về cải cách hiến pháp (xem: Cuba: Các mối đe dọa của Trump, cải cách hiến pháp và tình hình kinh tế). Dự thảo được đề xuất ban đầu đã loại bỏ nhiều điều liên quan đến chủ nghĩa xã hội và mục tiêu hoàn thành chủ nghĩa cộng sản của cuộc cách mạng Cuba. Văn bản cuối cùng được đưa vào biểu quyết đã khôi phục nhiều biểu thức lúc đầu đã bị xóa bỏ. Nguyên nhân là gì? Là sự phản kháng to lớn mà các đề xuất này đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân và lực lượng dân quân của Đảng Cộng sản.

Một dấu hiệu khác cho sự phản đối lại các biện pháp “thị trường” này là sự xuất hiện của một bài báo trên tờ Granma có tựa đề “Điều tốt lành tân tự do của các cố vấn sốt sắng” vào tháng 5 năm nay. Bài báo đã cảnh báo nghiêm khắc chống lại việc thúc đẩy các công ty tư nhân vừa và nhỏ và con đường của Trung Quốc hoặc Việt Nam như là một giải pháp cho các vấn đề kinh tế mà cách mạng đang đối mặt. Tuy nhiên, nó cũng không đưa ra bất kỳ giải pháp thay thế rõ ràng nào. Điều thú vị là trong phản hồi của mình đối với bài báo nói trên của Granma, thật trớ trêu thay, nhà kinh tế học người Cuba Pedro Monreal lại khuyến nghị rằng những người phản đối các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ “tốt hơn nên đến thẳng “các giải đấu lớn” bằng cách xem Trotsky và Phe đối lập cánh tả năm 1926.” (Éramos pocos y parió Catana: ¿una oposición de izquierda en Cuba?). Monreal là một nhà kinh tế học ủng hộ tư bản, người đã nhiều lần nói rõ rằng “chiến lược kinh tế ở Cuba nên tập trung vào việc thay thế kế hoạch hóa tập trung.”

Monreal đã không sai lầm khi nhận định phe Cánh tả với một chính sách có lợi cho việc tăng cường phát triển công nghiệp, kế hoạch hóa và đối lập với những nhượng bộ cho các phần tử tư sản, ở nông thôn và thành thị, vốn đang bắt đầu phát triển như một mối đe dọa đối với sự tồn tại của quyền lực Xô Viết. Chương trình của phe Cánh tả kết hợp sự phê phán chính sách kinh tế với sự bảo vệ chế độ dân chủ trong đảng và nhà nước và tấn công vào các phương pháp kiểm duyệt ý kiến ​​quan liêu. Chúng ta biết câu chuyện đó đã kết thúc như thế nào, bộ máy quan liêu của chế độ Stalin đã đàn áp tất cả những người chống đối, khai trừ họ ra khỏi đảng và sau đó loại bỏ họ về mặt vật lý. Tất nhiên, cũng chính bộ máy quan liêu Stalinít đó, khi hệ thống kế hoạch hóa quan liêu bước vào giai đoạn đình trệ những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trở nên hăng hái trở thành chủ nhân của những tư liệu sản xuất được đánh cướp từ tài sản nhà nước. Sự phục hồi của chủ nghĩa tư bản ở Liên Xô và các nước phương Đông, được dẫn dắt bởi chính bộ máy quan liêu của chế độ Stalinít đó, đồng nghĩa với sự sụt giảm đáng sợ về mức sống và sự sụp đổ của nền kinh tế.

Cách mạng Cuba đang ở một ngã ba đường quan trọng. Nhiều biện pháp đề xuất đã được thảo luận cách đây 10 năm (xem: Đại hội Đảng cộng sản Cuba phê chuẩn các chủ trương kinh tế – kiểm soát của công nhân và quốc tế xã hội chủ nghĩa vắng mặt trong cuộc thảo luận). Một số đã bắt đầu được áp dụng dẫu mới một phần. Kết quả có thể nhìn thấy rõ ràng. Sự gia tăng của sự phân hóa xã hội, sự lớn mạnh của tầng lớp tiểu tư sản với quyền lợi riêng của nó. Những gì hiện đang được đề xuất là sự tiến tới một cách dứt khoát hơn nữa trên con đường này.

Điều quan trọng là phải mở ra một cuộc tranh luận nghiêm túc về nó và để những người cộng sản can thiệp vào nó một cách dứt khoát. Giải pháp không phải là thoái lui trước thị trường, làm suy yếu và pha loãng quyền sở hữu nhà nước về tư liệu sản xuất, vốn đã 60 năm nay mà phải tiến tới chủ nghĩa quốc tế cách mạng và nền dân chủ công nhân.

Jorge Martín, IMT, 23 tháng 11 năm 2020

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận