Cuộc tấn công ở Conflans và sự giả hiệu của “đoàn kết dân tộc”

Révolution, 21 tháng 10 năm 2020


Vụ sát hại thầy giáo Samuel Paty hôm thứ Sáu tuần trước đã gây nên làn sóng phẫn nộ trên khắp nước Pháp. Đây là lần đầu tiên một cuộc tấn công như vậy nhắm vào một giáo viên. Các giáo viên khu vực công đang trong tình trạng sốc, kinh tởm, sợ hãi và tức giận.

 

Chúng tôi lên án tội ác đáng khinh bỉ này mà không chút dè dặt. Như tất cả các cuộc tấn công tương tự hậu quả của chúng luôn hoàn toàn là phản động. Để hiểu điều này, bạn chỉ cần lắng nghe những chính trị gia và nhà báo, những người mà kể từ thứ sáu rồi đã tham gia một cách đáng ghê tởm vào việc khai thác chính trị từ thảm kịch này. Trong một loạt những tuyên truyền phân biệt chủng tộc, kẻ thì kêu gọi “đấu tranh chống lại người nhập cư”, kẻ thì chất vấn về quyền của người tị nạn, kẻ lại đòi cấm đeo mạng che mặt, đòi trừng phạt học sinh trung học và phổ thông phạm phải tội “tấn công chủ nghĩa thế tục”, bao gồm cả cha mẹ họ, thậm chí đòi trục xuất toàn bộ gia đình khỏi đất nước – và cứ thế, mỗi kẻ trong số họ cố gắng vượt qua kẻ kia để tỏ ra là mình cứng rắn nhất về vấn đề này. Cũng chính những kẻ đó mới đây còn xúc phạm người giáo viên, gọi họ là kẻ “lười biếng” và “ham đặc quyền”, nay đã đột nhiên tôn vinh họ như thể những trụ cột anh hùng của nền Cộng hòa. Đồng thời với đó, một phần của phe đối lập cánh tả – đặc biệt là France Insoumise của Mélenchon – đang bị cáo buộc là “chủ nghĩa cánh tả Hồi giáo” (Islamo-leftism), hoặc thậm chí là “đồng phạm” với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.

 

Cánh tả và phong trào công đoàn không được thụ động trước lối tuyên truyền này cũng như các biện pháp mà chính phủ công bố hay chuẩn bị. Như mọi khi, cái gọi là "đoàn kết dân tộc" là một cái bẫy chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị Pháp, kẻ thực sự phải gánh chịu một phần lớn trách nhiệm cho các vụ khủng bố thường xuyên trên đất nước. Phong trào lao động phải nhấn mạnh và tố cáo trách nhiệm này, một cách rõ ràng trên nhiều cấp độ.

 

Nhưng trước khi làm thế hẳn chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Tại sao cảnh sát lại không bảo vệ được Samuel Paty? Các cơ quan nhà nước, bao gồm cả cơ quan tình báo quốc gia, đã biết về những đe dọa và cả các video nhắm vào anh ta. Đặc biệt, trong khi chúng ta không biết chính xác Abdelhakim Sefrioui đã đóng vai trò gì trong cái chết của Paty, chúng ta biết rằng anh ta trước đó đã gặp hiệu trưởng của Collège Bois-d'Aulne để phàn nàn về Paty, và một video trực tuyến trong đó Paty bị đánh chỉ vài ngày trước khi bị ám sát. Tên của Sefrioui cũng xuất hiện trên cơ sở dữ liệu của FSPRT (Hồ sơ cảnh báo phòng chống khủng bố cực đoan) và được gắn cờ là một mối đe dọa nghiêm trọng. Điều này là chưa đủ để đặt Paty trong sự bảo vệ của cảnh sát? Câu hỏi này đã bị né tránh bởi tất cả những ai, trên phương tiện truyền thông, thích khai thác tội ác này cho mục đích tuyên truyền chống lại tất cả người Hồi giáo, “không có sự kết hợp, giữa người Hồi giáo và khủng bố” – Họ nói thế đấy trước khi đắm mình trong nó.

 

Cuộc tấn công chính trị chống lại người Hồi giáo này, đã kéo dài trong nhiều năm, nhằm chia rẽ giai cấp công nhân và chuyển hướng sự chú ý khỏi những kẻ thực sự phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản, tình trạng thất nghiệp và khốn khổ mà nó tạo ra. Nhưng cuộc tấn công này cũng là một trong những yếu tố đã nuôi dưỡng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Đó là một vòng luẩn quẩn: với mỗi cuộc tấn công (và ngay cả khi không có cuộc tấn công), những kẻ phản động đủ mọi thể loại lại tuyên truyền chống lại toàn bộ người Hồi giáo. Đồng thời, tuyên truyền này và cả các cuộc tấn công của nhà nước vào tự do tín ngưỡng (ví dụ như thông qua lệnh cấm đeo mạng che mặt), là nguyên liệu lý tưởng cho công cuộc tuyên truyền của các chiến binh theo chủ nghĩa cực đoan. Do đó mà nó còn lâu mới đóng góp vào “cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cực đoan”, ngược lại, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông trong cuộc chiến chống lại người Hồi giáo chỉ góp phần củng cố nó, cung cấp cho nó những người ủng hộ mới và những ứng cử viên cho “sự tử vì đạo”.

 

Tất nhiên có những yếu tố khác đã nuôi dưỡng, và vẫn đang nuôi dưỡng khối u phản động là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trước hết là tội ác của chủ nghĩa đế quốc – đặc biệt là chủ nghĩa đế quốc Pháp – ở Trung Đông và châu Phi. Các hiệp sĩ truyền thông trong “cuộc đấu tranh chống cực đoan hóa” không bao giờ nói một lời về những tội ác này, vì những lý do hiển nhiên: hầu hết họ ủng hộ các cuộc can thiệp của đế quốc Pháp ở Afghanistan, Libya, Iraq, Syria và Sahel. Tuy nhiên, những can thiệp này, giống như của chủ nghĩa đế quốc Mỹ và Anh, đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển của các tổ chức cực đoan, bao gồm cả al-Qaeda và IS. Các tổ chức này đã phát triển mạnh mẽ trong sự hỗn loạn đẫm máu mà chính các nước đế quốc đã gieo rắc ở các nước đa số theo đạo Hồi. Trên khắp thế giới, hình ảnh của những cuộc chiến tranh đế quốc này đã gây ra sự phẫn nộ cháy bỏng trong vô số những người Hồi giáo và đẩy một số người trong số họ vào vòng tay của những người theo chủ nghĩa cực đoan. Ở Sahel, nơi mà chủ nghĩa đế quốc Pháp hiện đang tiến hành cái gọi là “cuộc chiến chống khủng bố”, trên thực tế đó chỉ là một cuộc chiến tranh để bảo vệ lợi ích của các tập đoàn đa quốc gia của Pháp – sẽ chỉ phục vụ để tăng cường thêm hàng ngũ của những kẻ khủng bố.

 

Năm 2013, theo bước chân của Mỹ, chủ nghĩa đế quốc Pháp đã ủng hộ cái gọi là phiến quân ôn hòa đang chiến đấu chống lại chế độ Bashar al-Assad ở Syria. Bây giờ ai cũng biết rằng những kẻ “nổi loạn” này chẳng “ôn hòa” hơn chút nào kẻ đã sát hại Samuel Paty. Chủ nghĩa đế quốc Pháp đã hỗ trợ, cả tài chính và quân sự, cho các lực lượng dân quân cực đoan đã chúng gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Syria, tất cả đều được sự đồng thuận bởi đa số các chính trị gia, những người hiện đang yêu cầu các biện pháp “cực kỳ kiên quyết” chống lại bất kỳ ai bị nghi ngờ là có “dấu hiệu cực đoan hóa” dù nhỏ nhất, kể cả học sinh phổ thông và trung học! Thói đạo đức giả và sự lố bịch của họ thật không có giới hạn.

 

Cuối cùng, để hoàn thành bức tranh này, chúng ta nên nhớ lại rằng chủ nghĩa đế quốc Pháp duy trì mối quan hệ tuyệt vời cả về chính trị, kinh tế và quân sự với các chế độ phản động như Ả Rập Xê-út và Qatar, vốn tài trợ rất nhiều cho các tổ chức cực đoan. Nhưng điều cốt yếu, từ quan điểm của chính phủ Macron (cũng như những người tiền nhiệm), là những lợi ích cơ bản của chủ nghĩa đế quốc Pháp. Nói cách khác: “Cút mau, chẳng có gì để xem ở đây cả!”

 

Những can thiệp của chủ nghĩa đế quốc ở Trung Đông và Châu Phi; sự ủng hộ trực tiếp cũng như gián tiếp của chủ nghĩa đế quốc cho các các tổ chức cực đoan; tuyên truyền thường trực chống lại người Hồi giáo; nhiều những hình thức phân biệt đối xử chống lại họ, những người cũng phải gánh chịu đầy đủ nỗi khổ sở, thất nghiệp và sự quấy rối từ cảnh sát: đây là những yếu tố chính thành mạch nguồn nuôi dưỡng chủ nghĩa cực đoan ở Pháp. Nói cách khác, ngày nay cũng như trong quá khứ, khủng bố là một trong những triệu chứng khủng khiếp của một hệ thống thối rữa, bệnh hoạn đang kéo nhân loại vào một ngõ cụt đẫm máu. Sự man rợ của chủ nghĩa cực đoan chỉ là mặt trái đồng tiền của sự man rợ của chủ nghĩa đế quốc và tư bản. Đây là điều mà các nhà lãnh đạo của phong trào cánh tả và công đoàn phải giải thích, thay vì lao vào cái gọi là “đoàn kết dân tộc” với các đảng cánh hữu, mà bản thân họ phải chịu một phần trách nhiệm về khối u chủ nghĩa cực đoan.

 

Thay vì bám vào chủ nghĩa tư bản, nếu như các nhà lãnh đạo của phong trào lao động trình bày một chương trình và quan điểm mang tính cách mạng, thì điều này hẳn sẽ tạo ra sự nhiệt tình trong nhiều thanh niên và công nhân Hồi giáo, bao gồm cả những người hiện đang tỏ ra quan tâm đến những luận điệu của chủ nghĩa cực đoan. Sẽ có nhiều người quay lưng lại với bọn phản động, tham gia đấu tranh chống áp bức, chống đế quốc, chống bóc lột và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ có thắng lợi của cuộc đấu tranh này mới có thể chấm dứt chủ nghĩa cực đoan, cũng như với tất cả những tai họa khác mà nhờ cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản đang không ngừng trở nên trầm trọng hơn.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận