kinh tế nền tảng ở Việt Nam – Một cái nhìn thoáng qua

Chỉ trong một thập kỷ qua, việc làm trên nền tảng kỹ thuật số đã gia tăng đáng kể khắp toàn cầu. Các nền tảng này kết nối mọi người với nhau, từ nhà sản xuất, công ty tới người vận chuyển và tiêu dùng, v.v.. Từ năm 2015, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã nghiên cứu các nền tảng lao động kỹ thuật số nhằm tìm hiểu tác động của hình thức tổ chức việc làm mới này đối với người lao động và việc làm nói chung. Vào tháng 9 năm 2022, ILO đã công bố một nghiên cứu [1] cho thấy những người lao động trong các hình thức việc làm mới này đã và đang phải đối mặt với những thách thức đặc biệt so với các mô hình việc làm truyền thống, bao gồm cả điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội, đồng thời lưu ý rằng các tiêu chuẩn quốc tế về quyền tự do lập hội và thương lượng tập thể áp dụng cho tất cả người lao động bất kể họ thuộc tầng lớp nào.



Các công ty hoạt động trong nền kinh tế nền tảng cung cấp các hình thức việc làm mới thường nằm ngoài khuôn khổ pháp lý truyền thống – còn được gọi là việc làm linh hoạt hay việc làm bấp bênh – và qua đó một mô hình lao động mới mang đặc thù của nền kinh tế Gig đã ra đời. Kể từ khi Grab đặt chân đến Việt Nam vào năm 2014 với những cuộc chiến giành thị phần khốc liệt, cho đến nay các lĩnh vực của kinh tế nền tảng đã được nắm độc quyền bởi chỉ vài ba nền tảng. Ở lĩnh vực mua sắm trực tuyến vị trí thống trị là Shopee và Lazada [2], các nền tảng này tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa giữa các nhà bán lẻ và khách hàng, sau đó thuê nhân công để hoàn thành việc nhập kho và giao hàng bằng chuyển phát nhanh. Ở lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn với quy mô thị trường ước đạt 1,1 tỷ USD trong năm 2022, Grab đứng đầu với 45%, kế đến là Shopee Food (41%) Hãng Baemin (12%) và Gojek (2%). Ở lĩnh vực gọi xe công nghệ, Grab chiếm đến 60% thị phần xe 2 bánh và 66% thị phần oto, Be chiếm 18% thị phần xe 2 bánh và 22% thị phần oto, Gojek (19%); 17 doanh nghiệp còn lại chia nhau chỉ vài %. [3]

Trong giai đoạn đầu, các doanh nghiệp lớn này không yêu cầu nhiều lao động hoặc vật tư đầu vào. Thông thường, những người sáng lập và một số lập trình viên đã tạo mã và sau đó bắt đầu quảng cáo các dịch vụ trực tuyến của họ. Ví dụ như ứng dụng MyTeksi, tiền thân của Grab, được ra đời bởi 2 cựu sinh viên Harvard là Anthony Tan và Tan Hooi Ling. Với vốn đầu tư ban đầu, các công ty đã tạo ra các thuật toán cho nền tảng để phù hợp với những người dùng khác nhau hiệu quả hơn. Khi nền tảng tích lũy dữ liệu, nó phát triển từ nhà cung cấp thông tin thành nhà cung cấp dịch vụ và ký hợp đồng với nhiều công nhân hơn. 

Để thu hút nhiều lao động hơn các công ty này đưa ra đơn giá và mức trợ cấp hấp dẫn. Mức thu nhập ban đầu này thường vượt quá thu nhập trung bình của công nhân nhà máy, cộng thêm giờ làm việc linh hoạt và nhiều thời gian rảnh rỗi hơn so với trên dây chuyền lắp ráp. Nhưng khi điều kiện thay đổi, chỉ một vài nền tảng nắm độc quyền thị trường cùng với sự hoàn thiện của các thuật toán kiểm soát quá trình lao động, người lao động ngày càng mất đi vị thế và cả mức độ tự do. Khoảng thời gian được phép hoàn thành một nhiệm vụ được giao đã ngắn hơn, trong khi thu nhập trên mỗi nhiệm vụ cũng giảm xuống, vì vậy tổng thu nhập tiếp tục giảm. Trong khi đó, bất chấp tốc độ và quy mô phát triển của kinh tế nền tảng, mối quan hệ lao động và việc làm giữa các nền tảng và người lao động vẫn tiếp tục là vùng xám pháp lý, khó nắm bắt. 

Người lao động đã nhiều lần nói lên tiếng nói bất bình và nỗ lực đưa ra yêu sách thông qua hành động tập thể hoặc phản đối cá nhân. Tháng 11/2018, anh Nguyễn Văn.H, một cựu tài xế Grab đã kiện hãng ra tòa vì bị khóa app vô lý. Tuy nhiên, trải qua 3 năm với nhiều lần tạm hoãn, vụ xét xử cuối cùng đã không đi đến đầu, người khởi kiện thì mệt mỏi. [4]

Các hành động tập thể dường như khả quan khi buộc hãng phải nhượng bộ phần nào. Cụ thể, tháng 1/2018, nhiều tài xế Grab ngừng việc tập thể và tập trung trước văn phòng Grab ở Hà Nội để phản đối việc hãng này đơn phương nâng mức chiết khấu. Đến giữa 2019, các tài xế GrabBike lại đình công trước văn phòng Grab ở thành phố Hồ Chí Minh để phản đối việc Grab tăng mức phí sử dụng ứng dụng, lấy cớ thu thuế hộ. Đầu tháng 12 năm 2020, hàng trăm tài xế Grab lại tắt app và tập trung trước trụ sở của Grab ở Hà Nội để phản đối hãng tăng giá cước.[5] Tuy nhiên việc thiếu tổ chức và khả năng thương lượng khiến cho những nhượng bộ này không có đảm bảo lâu dài. Hết lần này đến lần khác, Grab rút lui để rồi tìm cách tăng cước, giảm tỷ lệ % chia cho tài xế dưới những hình thức khác nhau, như lần gần đây nhất là thu phí nắng nóng vào tháng 7/2022 hay phụ phí tết nguyên đán vào tháng 2/2023. 

Trong khi đó, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn hợp pháp duy nhất trong nước, đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi các quy định và chính sách pháp luật về kinh tế nền tảng, đảm bảo quyền lợi cho người lao động, nhưng đến nay vùng xám pháp lý vẫn tiếp tục tồn tại một cách nhức nhối.

Với tất cả những điều trên một cái nhìn sâu sắc hơn vào vấn đề này ở Việt Nam là cần thiết.

——————————————————–

Nguồn:

[1] https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/—ed_norm/—relconf/documents/meetingdocument/wcms_855048.pdf

[2] https://vneconomy.vn/techconnect/top-10-san-thuong-mai-dien-tu-pho-bien-tren-mang-xa-hoi-sendo-the-cho-media-mart.htm

[3] https://thanhnien.vn/thi-truong-noi-roi-vao-tay-ong-lon-ngoai-goi-xe-cong-nghe-nuoc-ngoai-cam-cai-1851505152.htm

[4] https://www.baogiaothong.vn/vu-tai-xe-kien-grab-sau-3-nam-tai-xe-tung-bang-chung-moi-d501964.html

[5] https://vietnamnet.vn/ruc-pho-mu-vang-ao-xanh-xe-om-cong-nghe-dinh-cong-doi-quyen-loi-695592.html

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận