Tóm tắt tư bản – Chương III

*Mục lục:

 

Chương I. Hàng hóa và tiền

1. Bản thân hàng hóa

2. Quá trình trao đổi hàng hóa

3. Tiền, hay sự lưu thông hàng hóa

Chương II. Sự chuyển hóa tiền thành tư bản

1. Công thức chung cho Tư bản

2. Những mâu thuẫn trong công thức chung

3. Mua bán sức lao động

Chương III. Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối

1. Quá trình lao động và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư

2. Tư bản bất biến và khả biến

3. Tỷ lệ giá trị thặng dư

4. Ngày làm việc

5. Tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư

Chương IV. Sản xuất giá trị thặng dư tương đối

1. Khái niệm giá trị thặng dư tương đối

2. Hợp tác

3. Phân công lao động và sản xuất

4. Máy móc và công nghiệp hiện đại



Chương III. Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối

 

1. QUÁ TRÌNH LAO ĐỘNG VÀ QUÁ TRÌNH SẢN XUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

 

 Người mua sức lao động tiêu thụ nó bằng cách buộc người bán làm việc. Sức lao động để sản xuất hàng hóa này thoạt đầu mang giá trị sử dụng, và thuộc tính này độc lập với mối quan hệ cụ thể giữa nhà tư bản và người lao động …. Quá trình lao động có thể được mô tả là như thế. (Tr.141-49 [177-85])

 

Quá trình lao động, trên cơ sở tư bản chủ nghĩa, có hai đặc điểm:

 

(1) Người lao động làm việc dưới sự kiểm soát của nhà tư bản.

(2) Sản phẩm là tài sản của nhà tư bản, vì quá trình lao động lúc này chỉ là quá trình giữa hai thứ mà nhà tư bản mua được: sức lao động và tư liệu sản xuất. (Tr.150 [184-85])

 

 Nhưng nhà tư bản không chỉ muốn giá trị sử dụng được sản xuất ra vì lợi ích của mình mà còn là kho lưu trữ của giá trị trao đổi, và đặc biệt là giá trị thặng dư. Trong điều kiện này, lao động – nơi mà hàng hoá là sự thống nhất giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi – trở thành chỗ thống nhất cho quá trình sản xuất và quá trình tạo ra giá trị. (Tr.151 [186])

 

 Do đó, ta sẽ xem xét lượng lao động được vật hóa trong sản phẩm.

 

 Ví dụ sợi chẳng hạn. Cứ cho là cần 10 pao bông để tạo ra nó, giá là 10 shilling, và các dụng cụ lao động – mà sự hao mòn là không thể tránh khỏi trong quá trình kéo sợi, ở đây được biểu thị ngắn gọn như là trục se sợi – giá 2 shilling. Do đó ta có giá trị tư liệu sản xuất là 12 shilling trong sản phẩm – tức là:

 

(1) sản phẩm đã trở thành giá trị sử dụng trong thực tế, trong trường hợp này là sợi; và,

(2) chỉ thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội mới được thể hiện trong các công cụ lao động này.

 

 Bao nhiêu đã được thêm vào nó bằng lao động kéo sợi?

 

 Quá trình lao động ở đây được nhìn từ một góc độ hoàn toàn khác. Trong giá trị của sản phẩm, lao động của người trồng bông, của người thợ se sợi, v.v.. và của người quay, là có thể so sánh được, những bộ phận tương đương về phẩm chất về tổng quát, con người, giá trị cần thiết để tạo ra lao động, và do đó chỉ có thể phân biệt được về mặt định tính, và bởi thế mà có thể so sánh định lượng theo độ dài thời gian, giả định rằng đó là thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội, vì chỉ thời gian này mới tạo ra giá trị.

 

 Giả sử giá trị sức lao động của một ngày là 3 shilling, và nó đại diện cho 6 giờ lao động, tức là 1 2/3 pao. sợi được tạo ra mỗi giờ, do đó trong 6 giờ: 10 pao sợi từ 10 pao bông (như trên); sau đó 3 shilling giá trị đã được thêm vào trong 6 giờ, và giá trị của sản phẩm là 15 shilling (10 + 2 + 3 shilling), hoặc một shilling rưỡi cho mỗi pao sợi.

 

 Nhưng trong trường hợp này không có giá trị thặng dư. Điều đó không có ích gì cho nhà tư bản. (bọn kinh tế tầm thường lừa dối, tr.157 [190])

 

 Chúng tôi giả định rằng giá trị sức lao động của một ngày là 3 shilling, bởi vì 1/2 ngày làm việc, hay 6 giờ, được tích hợp trong đó. Dẫu thực tế là chỉ cần 1/2 ngày làm việc để người công nhân duy trì cuộc sống trong 24 giờ điều đó tuyệt nhiên không ngăn anh ta làm việc cả ngày. Giá trị sức lao động và giá trị nó tạo ra là hai đại lượng khác nhau. Đặc tính hữu ích của nó chỉ là một điều kiện cần (conditio sine qua non); mà điều kiện đủ là giá trị sử dụng đặc biệt của sức lao động, thứ là nguồn gốc cho giá trị trao đổi nhiều hơn chính nó. (Tr.159 [193])

 

 Do đó, người lao động làm việc 12 giờ, quay 20 pao bông trị giá 20 shilling, trục se sợi hao mòn 4 shilling, chi phí lao động của anh ta là 3 shilling: tổng cộng là 27 shilling. Nhưng, trong sản phẩm lại thể hiện: lao động trong bốn ngày để tạo trục se sợi và bông, và lao động một ngày đối với người quay, trong cả năm ngày là 6 shilling, tổng giá trị sản phẩm là 30 shilling. Chúng ta có giá trị thặng dư là 3 shilling: tiền đã được chuyển thành tư bản. (Tr.160 [194]) Tất cả các điều kiện của bài toán đều được đáp ứng. (Chi tiết tr.160 [194])

 

 Với tư cách là một quá trình tạo ra giá trị, quá trình lao động trở thành một quá trình sản xuất giá trị thặng dư ngay khi nó được kéo dài quá cái mức mà nó đơn thuần mang lại một giá trị tương đương cho giá trị sức lao động đã được trả. Quá trình tạo ra giá trị khác với quá trình lao động giản đơn ở chỗ quá trình lao động giản đơn chỉ lưu ý tới chất lượng trong khi quá trình tạo ra giá trị còn bao hàm thời gian lao động cần thiết về mặt xã hội. (Tr.161 [195], chi tiết tr.162 [196])

 

 Với tư cách là một sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình tạo ra giá trị, quá trình sản xuất là sản xuất ra hàng hóa; với tư cách là sự thống nhất giữa quá trình lao động và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư, nó là quá trình sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. (Tr.163 [197])

 

 Lao động phức tạp được giảm xuống thành lao động giản đơn. (Tr.163-65 [197-98])

 

2. TƯ BẢN BẤT BIẾN VÀ KHẢ BIẾN

 

 Quá trình lao động làm tăng thêm giá trị mới cho đối tượng lao động – nhưng đồng thời, nó chuyển giá trị của đối tượng lao động sang sản phẩm, và do đó bảo toàn nó bằng cách chỉ bổ sung thêm giá trị mới. Kết quả kép này đạt được theo cách sau: đặc tính hữu ích về chất đặc biệt của lao động là chuyển giá trị sử dụng này thành giá trị sử dụng khác và do đó bảo toàn giá trị; Tuy nhiên, việc tạo ra giá trị, cái đặc tính tổng quát trừu tượng về chất của lao động lại làm tăng thêm giá trị. (Tr.166 [199])

 

 Ví dụ – để năng suất của lao động kéo sợi nhân lên gấp sáu lần. Với tư cách lao động (định tính) hữu ích, nó bảo toàn trong cùng thời gian gấp sáu lần như số công cụ lao động. Nhưng nó chỉ tăng thêm giá trị mới giống như trước đây – tức là trong mỗi pound sợi, chỉ có 1/6 giá trị mới được thêm vào so với trước đó. Với tư cách lao động tạo ra giá trị, nó hoàn thành không nhiều hơn trước. (Tr.167 [201]) Ngược lại, nếu năng suất lao động kéo sợi không đổi, nhưng giá trị của công cụ lao động tăng lên. (Tr.168 [201])

 

 Các công cụ lao động chỉ chuyển giao cho sản phẩm giá trị mà chúng đã tự đánh mất đi. (Tr.169 [203]) Có chút khác nhau tùy trường hợp. Than đá, dầu, v.v., được tiêu thụ hoàn toàn – nguyên liệu thô được chuyển sang dạng mới. Dụng cụ, máy móc, v.v., chỉ truyền giá trị một cách chậm rãi và từng phần – và sự hao mòn được tính toán theo kinh nghiệm. (Tr.169-70 [203]) Nhưng công cụ vẫn tiếp tục được bảo toàn trên tổng thể trong quá trình lao động. Do đó, vẫn một công cụ ấy được tính cả thể trong quá trình lao động, dẫu chỉ một phần trong quá trình sản xuất là tạo ra giá trị thặng dư, do đó sự khác biệt giữa hai quá trình này được phản ánh ở đây trong yếu tố vật chất. (Tr.171 [204]) Ngược lại, nguyên liệu thô, dưới hình thức phế liệu, hoàn toàn đi vào quá trình sản xuất giá trị thặng dư, và chỉ một phần vào quá trình lao động, vì nó xuất hiện trong sản phẩm trừ đi phế liệu. (Tr.171 [205])

 

 Nhưng trong mọi trường hợp, công cụ lao động không thể chuyển giao giá trị trao đổi nhiều hơn giá trị mà nó sở hữu – trong quá trình lao động, nó chỉ đóng vai trò là giá trị sử dụng và do đó, chỉ có thể mang tới giá trị trao đổi mà nó đã sở hữu trước đó. (Tr.172 [205-06])

 

 Việc bảo toàn giá trị này rất có lợi cho nhà tư bản mà không tốn kém gì cho anh ta. (Tr.173,174 [205,207])

 

 Còn nữa, giá trị được bảo tồn chỉ là sự tái xuất, nó đã hiện hữu và chỉ có quá trình lao động mới tạo ra giá trị mới. Nghĩa là, trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, giá trị thặng dư là phần giá trị sản phẩm vượt quá giá trị của các yếu tố được tiêu dùng để tạo ra sản phẩm (tư liệu sản xuất và sức lao động). (Tr.175,176 [208])

 

 Theo đây là sự mô tả các hình thức tồn tại của giá trị ban đầu của tư bản diễn ra khi nó trút bỏ hình thức tiền của nó, để chuyển thành những nhân tố của quá trình lao động:

 

(1) trong việc mua các công cụ lao động;

(2) trong việc mua sức lao động.

 

 Tư bản đầu tư vào công cụ lao động không thay đổi độ lớn giá trị của nó trong quá trình sản xuất. Do đó, chúng ta gọi đó là tư bản BẤT BIẾN.

 

 Phần đầu tư vào sức lao động thay đổi giá trị của chính nó; nó tạo ra:

 

(1) giá trị riêng của chính nó, và

(2) giá trị thặng dư – nó được gọi là tư bản KHẢ BIẾN. (Tr.176 [209])

 

 Tư bản là bất biến chỉ trong mối liên hệ đến quá trình sản xuất nhất định riêng biệt, trong đó nó không thay đổi; nó có thể bao gồm đôi khi nhiều hơn, đôi khi ít hơn công cụ lao động. Công cụ lao động được mua có thể tăng hoặc giảm giá trị, nhưng điều đó vẫn không ảnh hưởng đến mối quan hệ của chúng đối với quá trình sản xuất. (P.177 [210-11]) Tương tự như vậy, tỷ lệ phần trăm trong đó một tư bản nhất định được chia nhỏ thành tư bản bất biến và tư bản khả biến có thể thay đổi, nhưng trong mọi trường hợp nhất định, c vẫn giữ nguyên và v thay đổi. (Tr.178 [211])

 

3. TỶ SUẤT GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

 

C = £ 500 = 410 C +90 V

 

 Khi kết thúc quá trình lao động trong đó v được biến thành sức lao động, ta nhận được 410 C + 90 V + 90 = 590.

 

 Giả sử c gồm 312 nguyên liệu thô, 44 vật liệu phụ, và 54 hao mòn máy móc – tổng cộng là 410.

 

  Giả định giá trị của tất cả các máy móc là 1,054.

 

 Nếu nhập vào tổng thể, chúng ta sẽ nhận được 1,410 cho c trên cả hai vế của phép tính; giá trị thặng dư sẽ vẫn là 90 như trước đây. (Tr.179 [212])

 

 Vì giá trị của c chỉ đơn thuần tái xuất hiện trong sản phẩm, nên giá trị của sản phẩm chúng ta nhận được khác với giá trị được tạo ra trong quá trình đó; do đó, cái sau không phải là c + v + s, mà là v + s. Do đó, độ lớn của c là không quan trọng đối với quá trình tạo ra giá trị thặng dư – tức là, c = 0. (Tr.180 [213]) Điều này cũng diễn ra trong thực tế trong kế toán thương mại – ví dụ, khi tính toán lợi nhuận của một quốc gia từ ngành, nguyên liệu nhập khẩu được khấu trừ. (Tr.181 [215]) Xem thêm Tập III cho tỷ lệ giá trị thặng dư trên tổng tư bản.

 

 Do đó: tỷ suất giá trị thặng dư là s: v, trong trường hợp trên là 90:90 = 100%.

 

 Thời gian lao động mà người lao động tái sản xuất ra giá trị sức lao động của mình – trong tư bản hay các hoàn cảnh khác – là LAO ĐỘNG CẦN THIẾT; những gì vượt ra ngoài điều đó, tạo ra giá trị thặng dư cho nhà tư bản, tức LAO ĐỘNG THẶNG DƯ. (Tr.183,184 [215,217]) Giá trị thặng dư là thặng dư lao động được kết tinh lại, và chỉ hình thức khai thác giống nhau mới phân biệt được các hình thái xã hội khác nhau.

 

 Ví dụ về tính không chính xác của việc bao gồm c – Tr.185-96 [217-29] (Senior)

 

  Tổng lao động cần thiết và lao động thặng dư bằng ngày làm việc.

 

4. NGÀY LÀM VIỆC

 

 

 Thời gian lao động cần thiết là cụ thể. Lao động thặng dư có thể thay đổi – nhưng trong một giới hạn nhất định. Nó không bao giờ có thể giảm xuống con số không bởi như thế thì sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ dừng lại. Nó không bao giờ có thể tăng cao đến 24 giờ vì lý do thể chất, và ngoài ra, giới hạn tối đa luôn bị ảnh hưởng bởi những lý do đạo đức. Nhưng, những giới hạn này rất co giãn. Đòi hỏi kinh tế là ngày làm việc không được dài hơn thời gian hao mòn bình thường của người công nhân. Nhưng bình thường là như thế nào? Một kết quả tự mâu thuẫn (Antinomy)* và chỉ có vũ lực mới có thể quyết định được. Do đó mới có cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân và giai cấp các nhà tư bản cho ngày lao động bình thường. (Tr.198-202 [231-35])

 

 Lao động thặng dư đã có trong các kỷ nguyên xã hội trước. Chừng nào giá trị trao đổi không quan trọng hơn giá trị sử dụng, thì lao động thặng dư còn tương đối nhẹ nhàng – ví dụ, giữa người xưa; chỉ ở nơi sản xuất ra giá trị trao đổi trực tiếp – vàng và bạc -, thặng dư lao động mới khủng khiếp. (P.203 [235]) Tương tự là ở các bang nô lệ của Mỹ cho đến khi xuất hiện sản xuất hàng loạt bông cho xuất khẩu. Hay chế độ lao dịch (hay sưu dịch, công dịch) ví dụ ở Romania cũng thế.

 

 Chế độ lao dịch là phương tiện so sánh tốt nhất với bóc lột tư bản chủ nghĩa, bởi vì cái trước là cố định và cho thấy lao động thặng dư như một thời gian lao động cụ thể bắt buộc – Quy tắc tổ chức ở Wallachia. (Tr.204-06 [235-36])

 

 Các Đạo luật về Nhà máy ở Anh là biểu hiện tiêu cực của lòng tham đối với lao động thặng dư, cũng giống như ở trên là biểu hiện tích cực của nó.

 

 CÁC ĐẠO LUẬT VỀ NHÀ MÁY. Đó là vào năm 1850 – (tr.207 [239]). 10,5 giờ một ngày và 7,5 giờ vào thứ Bảy, tổng là 60 giờ mỗi tuần. Lợi nhuận của bọn chủ xưởng đến thông qua việc lách nó. (Tr.208-11 [240-43])

 

 Sự bóc lột diễn ra trong các ngành không bị hạn chế hoặc chỉ bị hạn chế một phần:

 

– ngành công nghiệp ren (tr.212 [243])

– làm gốm sứ (tr.213 [244])

– làm diêm (tr.214 [246])

– dán tường (tr.214-17 [246-48])

– làm bánh (tr.217-22 [248-51])

– nhân viên đường sắt (tr.223 [253])

– thợ may (tr.223-25 ​​[254-56])

– thợ rèn (tr.226 [256])

– công nhân làm ngày và đêm theo ca:

(a) luyện kim và công nghiệp kim loại

(tr.227-35 [256-63])

 

 Những dữ kiện này minh chứng rằng: tư bản coi người lao động không gì khác hơn là sức lao động, tất cả thời gian họ nắm đều là thời gian lao động như thể đó là tất cả những gì mà một khoảnh khắc có thể làm được, và rằng thời gian sống của sức lao động là điều chẳng đáng màng tới với các nhà tư bản. (Tr.236-38 [264-65]) Nhưng điều này không chống lại lợi ích của nhà tư bản hay sao? Còn việc thay thế những gì bị hao mòn nhanh chóng thì sao? Hoạt động buôn bán nô lệ có tổ chức ở nội địa Hoa Kỳ đã nâng tình trạng nô lệ bị hao mòn nhanh chóng lên thành một nguyên tắc kinh tế, cũng giống như việc cung cấp lao động từ các vùng nông thôn ở châu Âu, v.v… (Tr.239 [267]) (sức lao động được cung cấp bởi chỗ người nghèo). (Tr.240 [267]) Nhà tư bản chỉ nhìn thấy dân số thặng dư liên tục có sẵn và hao mòn nó. Liệu chủng tộc có bị diệt vong – apres moi le deluge (Sau tôi là một cơn hồng thủy*). Tư bản chẳng mảy may lo âu cho sức khỏe hoặc tuổi thọ của người lao động, trừ khi chịu sức ép từ xã hội … và cạnh tranh tự do mang tới cho các quy luật nội tại của sản xuất tư bản chủ nghĩa trong dáng vẻ bề ngoài của những quy luật cưỡng bách sức ảnh hưởng mạnh mẽ đối với mọi cá nhân nhà tư bản. (Tr.243 [270])

 

 Thiết lập ngày lao động bình thường là kết quả của nhiều thế kỷ đấu tranh giữa tư bản và công nhân.

 

 Ban đầu, các luật được ban hành để nhằm nâng cao thời gian làm việc; giờ để hạ thấp nó. (Tr.244 [271])

 

  • Quy chế lao động đầu tiên, năm thứ 23 dưới đời Edward III, năm 1349, được thông qua với lý do rằng bệnh dịch hạch đã tàn phá dân số đến mức mọi người phải làm nhiều việc hơn nữa. Do đó, mức lương tối đa và giới hạn ngày làm việc đã được quy định vào luật.
  • Năm 1496, dưới thời Henry VII, ngày làm việc của những người làm công trên đồng ruộng và tất cả các thợ chế tác liên tục từ 5 giờ sáng đến 7 – 8 giờ tối vào mùa hè – từ tháng 3 đến tháng 9 – với 1 giờ, 1,5 giờ và 0,5 giờ, tất cả là 3 giờ nghỉ. Vào mùa đông, là từ 5 giờ sáng đến tối mịt. Quy chế này không bao giờ được thực thi nghiêm ngặt.
  • Vào thế kỷ XVIII, lao động cả tuần vẫn chưa là khả dụng với nhà tư bản (trừ lao động nông nghiệp). Xem lại những tranh cãi của thời đó. (Tr.248-51 [274-77])

 

 Chỉ với ngành công nghiệp quy mô lớn hiện đại thì điều này mới đạt được và hơn thế nữa; nó phá bỏ một cách vô liêm sỉ nhất mọi giới hạn của sự bóc lột người công nhân. Giai cấp vô sản đã phản kháng lập tức ngay khi nó nhận ra.

 

 Năm đạo luật từ 1802-33 chẳng có ý nghĩa gì, vì không có thanh tra. Chỉ có Đạo luật năm 18833 mới tạo ra một ngày làm việc bình thường trong bốn ngành dệt may: từ 5:30 sáng đến 8:30 tối, trong đó thanh niên từ 13 đến 18 tuổi chỉ được làm việc 12 giờ với 1,5 giờ tạm nghỉ, trẻ em từ 9 đến 13 tuổi chỉ 8 giờ, đồng thời cấm trẻ em và người chưa thành niên làm việc vào ban đêm. (Tr.253-55 [278-80])

 

 Họ đã lách nó bằng chế độ ca kíp và sự lạm dụng. (Tr.256 [281])

 

 Mãi tới Đạo luật năm 1844 phụ nữ ở mọi lứa tuổi mới được đặt trên cơ sở giống như trẻ chưa thành niên. Trẻ em được giới hạn ngày làm việc bình thường trong 6,5 giờ; hệ thống làm ca bị hạn chế. Nhưng mặt khác, từ 8 tuổi trẻ em đã được phép đi làm.

 

 Sau chót, vào năm 1847, dự luật 10 giờ buộc phải được thông qua đối với phụ nữ và trẻ vị thành niên. (Tr.259 [283]) Dẫu các nhà tư bản nỗ lực chống lại nó. (Tr.260-68 [283-92])

 

 Một sai sót trong Đạo luật năm 1847 đã dẫn đến Đạo luật thỏa hiệp năm 1850 (tr.269 [292]), trong đó ấn định ngày làm việc cho người chưa thành niên và phụ nữ là 5 ngày 10,5 giờ và 1 ngày 7,5 giờ, tổng là 60 giờ mỗi tuần và ca làm là từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều. Mặt khác, Đạo luật năm 1847 đã có hiệu lực đối với trẻ em. Ngoại lệ đối với ngành công nghiệp tơ lụa. (Xem tr.270 [293])

 

 Năm 1853, thời gian làm việc của trẻ em cũng giới hạn trong khoảng từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều (Tr.272 [294]) Đạo luật Printworks, vào năm 1845, hầu như không giới hạn thời gian làm việc của trẻ em và phụ nữ, có thể lên tới 16 giờ!

 

 Đạo luật nhà máy được áp dụng cho công việc trong ngành tẩy và nhuộm năm 1860. Ở nhà máy sản xuất ren năm 1861. Ngành Làm gốm và nhiều chi nhánh khác năm 1863 (theo Đạo luật Nhà máy, các hành vi đặc biệt được thông qua cùng năm đó là tẩy trắng vải ngoài trời và làm bánh mì). (Tr.274 [296-97])

 

 Do đó, nền đại công nghiệp, lúc đầu tạo ra nhu cầu hạn chế thời gian làm việc, nhưng về sau mới thấy rằng việc lao động quá sức như thế đã len lỏi dần vào tất cả các ngành khác. (Tr.277 [298]

 

 Tiếp nữa lịch sử cho thấy rằng những người lao động "tự do" bị cô lập không thể tự vệ chống lại nhà tư bản và và phải chịu khuất phục, đặc biệt là trước sự ra đời của lao động phụ nữ và trẻ em, do đó ở đây cuộc đấu tranh giai cấp ngày một phát triển giữa công nhân và nhà tư bản. (Tr.278 [299])

 

 Ở Pháp, luật 12 giờ một ngày cho mọi lứa tuổi và ngành nghề chỉ được thông qua vào năm 1846, (tuy nhiên, xem trang.253 [278], chú thích cuối trang về luật lao động trẻ em của Pháp năm 1841, luật này chỉ thực sự được thi hành vào năm 1853, và chỉ ở Department du Nord.) Ở Bỉ hoàn toàn là "lao động tự do". Ở Mỹ có phong trào 8 giờ. (Tr.279 [301])

 

 Như vậy, người lao động ra khỏi quá trình sản xuất hoàn toàn khác với người lao động khi bước vào. Hợp đồng lao động không phải là hành động đại diện cho tự do; Thời gian mà anh ta được tự do bán sức lao động của mình là thời gian mà anh ta buộc phải bán nó, và chỉ có sự phản đối của quần chúng công nhân mới giúp họ thông qua một đạo luật ngăn công nhân bán, bằng cách giao ước tự nguyện với nhà tư bản, đẩy chính họ và thế hệ con cháu vào kiếp nô lệ và cái chết. Thay cho danh mục đồ sộ về các quyền bất khả xâm phạm của con người là Đại hiến chương của Đạo luật Nhà máy vô cùng khiêm tốn. (Tr.280,281 [302])

 

5. TỶ SUẤT VÀ KHỐI LƯỢNG CỦA GIÁ TRỊ THẶNG DƯ

 

 Cùng với tỷ suất, khối lượng của giá trị thặng dư cũng phải được xét tới. Nếu giá trị hàng ngày của một sức lao động là 3 shilling và tỷ suất giá trị thặng dư là 100% thì khối lượng hàng ngày của nó bằng 3 shilling đối với một người lao động.

 

I. Bởi tư bản khả biến là biểu hiện bằng tiền của giá trị của tất cả các sức lao động được thuê mướn cùng một lúc bởi một nhà tư bản nên khối lượng giá trị thặng dư do chúng tạo ra phải bằng tư bản khả biến nhân với tỷ suất giá trị thặng dư. Cả hai yếu tố có thể khác nhau, do đó phát sinh những kết hợp khác nhau. Khối lượng giá trị thặng dư có thể tăng lên, ngay cả khi tư bản khả biến giảm đi, nếu tỷ lệ này tăng lên – nghĩa là, ngày làm việc đã được kéo dài.. (Tr.282 [303-05])

 

II. Sự gia tăng tỷ suất giá trị thặng dư có giới hạn tuyệt đối của nó ở chỗ nó không bao giờ có thể kéo dài ngày làm việc đến trọn 24 giờ; do đó, tổng giá trị sản xuất hàng ngày của một công nhân không bao giờ có thể bằng giá trị của 24 giờ làm việc. Do đó, để có được khối lượng giá trị thặng dư tương tự, trong những giới hạn này, tư bản khả biến có thể được thay thế bằng việc gia tăng bóc lột sức lao động. Điều này quan trọng đối với việc giải thích những hiện tượng khác nhau phát sinh từ xu hướng mâu thuẫn của tư bản:

 

(1) giảm tư bản khả biến và số lượng công nhân được thuê mướn; và

(2) Tuy vậy, vẫn tạo ra khối lượng giá trị thặng dư lớn nhất có thể. (Pp.283,284 [305-06])

 

III. Khối lượng giá trị và giá trị thặng dư do các tư bản khác nhau tạo ra, với giá trị nhất định và mức độ bóc lột sức lao động cao như nhau, liên hệ trực tiếp với nhau như là đại lượng của các thành phần khả biến của các tư bản này. (Tr.285 [306-07])

 

 Điều này dường như mâu thuẫn với mọi sự thật.

 

 Đối với một xã hội nhất định, và một ngày lao động nhất định, giá trị thặng dư chỉ có thể tăng lên bằng cách tăng số lượng công nhân – tức là dân số; với một số lượng công nhân nhất định, chỉ bằng cách kéo dài ngày làm việc. Tuy nhiên, điều này chỉ quan trọng đối với giá trị thặng dư tuyệt đối.

 

 Giờ đây, hóa ra không phải mọi khoản tiền đều có thể chuyển hóa thành Tư bản – phải tồn tại một điều kiện tối thiểu: giá thành của một sức lao động riêng lẻ và những công cụ lao động cần thiết. Để người ta có thể sống như một công nhân, nhà tư bản cần phải có hai công nhân, với tỷ suất giá trị thặng dư là 50%, và không có gì để tiết kiệm. Dù có tám, anh ta vẫn mới chỉ là một tiểu chủ. Do đó mà ở vào thời Trung cổ, mọi người bị cản trở trong quá trình chuyển đổi từ thợ thủ công thành nhà tư bản do giới hạn về số lượng thợ học việc được thuê bởi một người chủ. Mức tài sản tối thiểu cần thiết để hình thành một nhà tư bản thực sự khác nhau qua các thời kỳ và các ngành kinh doanh khác nhau. (Tr.288 [309])

 

 Tư bản đã phát triển thành kẻ đốc xuất đối với lao động, và đảm bảo sao cho công việc được thực hiện thường xuyên và chuyên sâu. Hơn nữa, nó còn buộc người lao động phải làm nhiều công việc hơn mức cần thiết để nuôi sống họ; và, trong việc bòn rút lao động thặng dư, nó đã vượt hẳn tất cả các hệ thống sản xuất trước đó dựa trực tiếp trên lao động cưỡng ép.

 

 Tư bản đã đoạt lấy lao động với các điều kiện kỹ thuật nhất định mà thoạt đầu không làm thay đổi chúng. Bởi thế, với quá trình sản xuất được coi là quá trình lao động thì người lao động đứng trong mối quan hệ với tư liệu sản xuất không phải như với tư bản mà như là phương tiện để anh ta mở rộng trí hiểu biết của mình. Nhưng, khi nó được coi là quá trình tạo ra giá trị thặng dư thì ngược lại. Tư liệu sản xuất trở thành phương tiện để bòn rút lao động của kẻ khác. Không còn là người lao động sử dụng tư liệu sản xuất nữa mà là tư liệu sản xuất sử dụng người lao động. (Tr.289 [310]) Thay vì bị tiêu thụ bởi anh ta … chúng tiêu thụ anh ấy, như chất lên men cần thiết cho quá trình sống của chính chúng, và quá trình sống của tư bản chỉ bao gồm sự vận động của nó khi giá trị liên tục nhân lên … Sự biến đổi đơn giản của tiền thành tư liệu sản xuất biến cái sau thành quyền sở hữu và quyền đối với lao động và lao động thặng dư của người khác.

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận