• Chưa phân loại

Tóm tắt tư bản – Chương I

*Mục lục:

 

Chương I. Hàng hóa và tiền

1. Bản thân hàng hóa

2. Quá trình trao đổi hàng hóa

3. Tiền, hay sự lưu thông hàng hóa

Chương II. Sự chuyển hóa tiền thành tư bản

1. Công thức chung cho Tư bản

2. Những mâu thuẫn trong công thức chung

3. Mua bán sức lao động

Chương III. Sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối

1. Quá trình lao động và quá trình sản xuất ra giá trị thặng dư

2. Tư bản bất biến và khả biến

3. Tỷ lệ giá trị thặng dư

4. Ngày làm việc

5. Tỷ suất và khối lượng giá trị thặng dư

Chương IV. Sản xuất giá trị thặng dư tương đối

1. Khái niệm giá trị thặng dư tương đối

2. Hợp tác

3. Phân công lao động và sản xuất

4. Máy móc và công nghiệp hiện đại



Chương I. Hàng hóa và tiền

1. BẢN THÂN HÀNG HÓA

 

 Của cải của những xã hội nơi mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chiếm ưu thế bao gồm các hàng hóa. Hàng hóa là một thứ có giá trị sử dụng; cái giá trị vốn tồn tại trong mọi hình thái xã hội, nhưng trong xã hội tư bản, giá trị sử dụng, hơn thế nữa còn là nơi chứa đựng một cách hữu hình giá trị trao đổi.

 

 Giá trị trao đổi bao hàm một phần thứ ba của so sánh (tertium comparationis*) mà qua đó nó được đo lường; đó là lao động, bản chất xã hội chung của các giá trị trao đổi, hay nói cho đúng, thời gian lao động xã hội cần thiết biểu hiện trong chúng.

 

 Cũng giống như hàng hóa là thứ có hai mặt: giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, lao động chứa đựng trong nó hai mặt nhất định:

 

  • Một mặt, như là hoạt động sản xuất xác định: lao động dệt vải, lao động may, v.v… – "lao động có ích";
  • Mặt khác, như là sự hao phí đơn thuần sức lao động của con người, kết tinh của lao động trừu tượng (nói chung).

 

 Cái trước tạo ra giá trị sử dụng, cái sau là giá trị trao đổi; chỉ có lao động thứ hai là có thể so sánh được về mặt lượng (sự khác biệt giữa lao động có kỹ năng với không có kỹ năng, lao động tổng hợp với lao động giản đơn xác nhận cho điều này).

 

 Do đó, bản chất của giá trị trao đổi là lao động trừu tượng và độ lớn của nó chính là thước đo về thời gian của lao động trừu tượng. Giờ thì hãy xem xét hình thức của giá trị trao đổi.

 

(1) x hàng hóa a = y hàng hóa b;

 

 Giá trị của một hàng hoá bên trong giá trị sử dụng của một hàng hoá khác chính là giá trị tương đối của nó. Biểu thức tương đương của hai hàng hóa là dạng đơn giản của giá trị tương đối. Trong phương trình trên, y hàng hóa b là vật ngang giá. Trong đó, x hàng hóa a có được hình thái giá trị của mình trái ngược với dạng tự nhiên của chính nó (hàng hóa), trong khi y hàng hóa b có được, cùng lúc đó, cái thuộc tính trao đổi được trực tiếp, ngay cả ở dạng tự nhiên của nó. Giá trị trao đổi được xác định dựa trên giá trị sử dụng của hàng hóa theo những quan hệ lịch sử xác định. Do đó, hàng hoá không thể thể hiện giá trị trao đổi ở giá trị sử dụng của chính nó mà chỉ thể hiện ở giá trị sử dụng của hàng hoá khác. Chỉ trong phương trình của hai sản phẩm cụ thể của lao động thì tính chất của lao động cụ thể chứa trong cả hai mới rõ là lao động trừu tượng của con người, tức là, một hàng hóa không thể liên hệ mình với sức lao động cụ thể chứa trong bản thân, như thể đơn thuần là hình thức biểu thị cho lao động trừu tượng, mà nó chỉ có thể liên hệ với sức lao động cụ thể chứa đựng trong các loại hàng hóa khác.

 

 Phương trình x hàng hóa a = y hàng hóa b nhất thiết ngụ ý rằng x hàng hóa a cũng có thể được biểu thị bằng các loại hàng hóa khác, do đó:

 

(2) x hàng hóa a = y hàng hóa b = x hàng hóa c = u hàng hóa d = u hàng hóa e = v.v.. và v.v..

 

 Đây là hình thái tương đối mở rộng của giá trị. Ở đây, x hàng hóa a không còn dùng để chỉ một loại hàng hóa nữa, mà dùng để chỉ tất cả các hàng hóa như thể những hình thức phi thường của lao động được biểu thị trong nó. Nhưng, thông qua việc đảo ngược một cách đơn giản, nó lại dẫn tới:

 

(3) dạng đối nghịch thứ hai của giá trị tương đối:

y hàng hóa b = x hàng hóa a

v hàng hóa c = x hàng hóa a

u hàng hóa d = x hàng hóa a

t hàng hóa e = x hàng hóa a

V.v…

 

 Ở đây, các hàng hóa được coi là hình thức tương đối chung của giá trị, trong đó tất cả chúng đều được trừu tượng hóa khỏi giá trị sử dụng của chúng và tương quan với x hàng hóa a như là sự vật hóa của lao động trừu tượng; x hàng hóa a là hình thức chung của thứ tương đương cho tất cả các hàng hóa khác; nó là vật ngang giá phổ biến của chúng; lao động được vật hoá trong nó thể hiện trong chính nó sự hiện thực hoá của lao động trừu tượng, lao động nói chung. Tuy nhiên, bây giờ,

 

(4) mọi hàng hóa trong loạt sản phẩm đều có thể đảm nhận vai trò vật ngang giá phổ biến, nhưng chỉ một trong số chúng có thể làm như vậy tại một thời điểm, vì nếu tất cả hàng hóa là vật ngang giá phổ biến, thì mỗi hàng hóa sẽ loại trừ những hàng hóa khác khỏi vai trò đó.

 

 Dạng 3 không đạt được bởi x hàng hóa a, mà bởi các hàng hóa khác, một cách khách quan. Do đó, một hàng hóa nhất định phải đảm nhận vai trò của nó – trong một thời gian, nó có thể thay đổi – và chỉ bằng cách này, một hàng hóa mới hoàn toàn trở thành hàng hóa. Thứ hàng hóa đặc biệt này, với hình thức tự nhiên của nó, hình thức vật ngang giá chung trở nên rõ ràng, là tiền.

 

 Khó khăn đối với một hàng hóa là, giống như tất cả các phạm trù của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, nó thể hiện mối quan hệ cá nhân dưới lớp vỏ bọc vật chất. Người sản xuất liên hệ các loại lao động khác nhau của họ với nhau như là lao động nói chung của con người bằng cách liên hệ sản phẩm của họ với nhau như là hàng hóa – họ không thể thực hiện được điều đó nếu ở đây không có sự trung gian giữa mọi thứ. Mối quan hệ giữa con người do đó lại xuất hiện như là mối quan hệ giữa đồ vật.

 

 Đối với một xã hội mà sản xuất hàng hóa thịnh hành, thì Cơ đốc giáo, đặc biệt là đạo Tin lành, là tôn giáo phù hợp hơn cả.

 

2. QUÁ TRÌNH TRAO ĐỔI HÀNG HÓA

 

 Một hàng hóa chứng tỏ mình là một hàng hóa trong trao đổi. Chủ sở hữu của hai hàng hóa phải sẵn sàng trao đổi hàng hóa tương ứng của họ và do đó, công nhận nhau như là chủ sở hữu tư nhân. Quan hệ pháp lý này, dưới hình thức là hợp đồng, chỉ là quan hệ của ý chí, phản chiếu mối quan hệ kinh tế. Nội dung của nó do chính mối quan hệ kinh tế định ra. (Tr45 [84])

 

 Một hàng hoá là một thứ có giá trị sử dụng đối với người không sở hữu nó, nhưng không có giá trị sử dụng đối với chính chủ sở hữu của nó. Do đó mới có nhu cầu trao đổi. Nhưng, mọi chủ sở hữu hàng hóa đều muốn trao đổi những giá trị sử dụng cụ thể thứ mà anh ta cần, trong chừng mực này thì việc trao đổi là một quá trình cá biệt. Ở mặt khác, anh ấy muốn bán hàng hóa của mình với tư cách giá trị, thứ ở trong bất kỳ hàng hóa nào, không kể là hàng hoá của anh ta có phải thứ có giá trị sử dụng đối với chủ sở hữu của hàng hoá kia hay không. Ở chừng mực đó, trao đổi đối với anh ta là một quá trình xã hội nói chung. Nhưng, một quá trình không thể đồng thời vừa mang tính cá biệt lại vừa mang tính xã hội nói chung cho tất cả các chủ sở hữu hàng hóa. Mỗi chủ sở hữu hàng hóa đều coi hàng hóa của mình như là vật ngang giá phổ biến, trong khi tất cả các hàng hóa khác là nhiều những vật ngang giá cụ thể với cái của anh ta. Bởi tất cả các chủ sở hữu hàng hóa đều như vậy, nên không có hàng hóa nào là vật ngang giá phổ biến, và do đó, không có hàng hóa nào sở hữu một hình thức ngang giá chung về giá trị, trong đó chúng được coi là giá trị và được so sánh như là độ lớn của giá trị. Do đó, chúng hoàn toàn không đối diện với nhau với tư cách hàng hóa, mà chỉ như là sản phẩm. (Tr.47 [86])

 

 Hàng hóa có thể được liên hệ với nhau như những giá trị và do đó, như những hàng hóa chỉ bằng cách đối diện với một số hàng hóa khác như là một vật ngang giá phổ biến. Nhưng chỉ có hành động xã hội mới có thể làm cho một loại hàng hóa cụ thể trở thành vật ngang giá phổ biến – tiền.

 

 Mâu thuẫn thường trực trong hàng hóa với tư cách là sự thống nhất trực tiếp giữa giá trị sử dụng và giá trị trao đổi, với tư cách là sản phẩm của lao động cá nhân có ích … và với tư cách là sự vật hóa mang tính xã hội trực tiếp của lao động trừu tượng của con người – mâu thuẫn này không có điểm dừng cho đến khi nó dẫn đến nhân bản hàng hóa thành hàng hóa và tiền. (Tr.48 [87])

 

 Bởi tất cả các hàng hóa khác chỉ đơn thuần là vật ngang giá cụ thể của tiền, và tiền là vật ngang giá phổ biến của chúng, nên chúng liên hệ với tiền như là hàng hóa cụ thể đối với hàng hóa phổ biến. (Tr.51 [89]) Quá trình trao đổi mang tới cho hàng hóa lúc mà nó chuyển đổi thành tiền, không phải là giá trị của nó, mà là hình thức giá trị của nó. (Tr.51 [89]) Bái vật giáo (niềm tin vào sức mạnh siêu nhiên của các đồ vật): một hàng hóa dường như không chỉ trở thành tiền vì các hàng hóa khác đều thể hiện giá trị của chúng trong đó, mà chính ngược lại, chúng dường như thể hiện giá trị của mình trong nó bởi vì nó là tiền.

 

3. TIỀN, HOẶC SỰ LƯU THÔNG CỦA HÀNG HÓA

A. Thước đo Giá trị
(Giả định Vàng là Tiền)

 

 Tiền, với tư cách là thước đo của giá trị, là dạng hiện tượng kỳ lạ của thước đo giá trị tồn tại trong hàng hóa – tức là thời gian lao động. Biểu thức đơn giản, tương đối của giá trị của hàng hóa bằng tiền, x hàng hóa a = y tiền, là giá của chúng. (Tr.55 [95])

 

 Giá cả của một hàng hóa, dạng tiền của nó, được biểu thị bằng tiền tưởng tượng; do đó, tiền bạc chỉ là thước đo giá trị một cách lý tưởng. (Tr.57 [95])

 

 Một khi giá trị biến thành giá cả thì, về mặt kỹ thuật, cần phải phát triển thước đo giá trị hơn nữa thành giá cả tiêu chuẩn – tức là, một lượng vàng nhất định mà theo đó các lượng vàng khác nhau lấy làm thước đo. Điều này hoàn toàn khác với thước đo giá trị, thứ mà bản thân phụ thuộc vào giá trị của vàng, trong khi đó thước đo này lại là phi vật chất đối với tiêu chuẩn giá cả. (Tr.59 [97-98])

 

 Một khi giá được biểu thị dưới danh nghĩa thanh toán của vàng, tiền được dùng như là tiền thanh toán.

 

 Nếu giá cả, do biểu thị cho độ lớn giá trị của một hàng hóa, là thứ biểu thị tỷ lệ trao đổi của chính nó với tiền, thì nói đi cũng phải nói lại rằng, sự biểu thị cho tỷ lệ trao đổi của nó với tiền không nhất thiết phải là sự biểu thị cho độ lớn giá trị của chính nó. Giả sử do hoàn cảnh cho phép hoặc tình huống bắt buộc mà phải bán một hàng hóa cao hơn hoặc thấp hơn giá trị của nó, thì những giá bán này không tương ứng với giá trị của nó, nhưng dù sao thì chúng vẫn là giá của hàng hóa, bởi chúng là

 

(1) hình thái giá trị tiền của nó, và (2) biểu thị cho tỷ giá hối đoái của nó với tiền.

 

 Do đó, có khả năng của một sự không tương xứng về lượng giữa giá cả và độ lớn của giá trị dựa trên hình thức giá cả của chính nó. Điều đó không có gì là sự khiếm khuyết của hình thức này, mà ngược lại làm cho nó trở thành hình thức thích hợp với một phương thức sản xuất mà trong đó sự thống trị chỉ có thể áp đặt mình như là một quy luật hành động mù quáng của sự bình thường trong hỗn loạn. Tuy nhiên, hình thức giá cả cũng có thể ẩn chứa một mâu thuẫn về chất, theo đó mà giá cả hoàn toàn không còn là biểu hiện của giá trị …. Lương tâm, danh dự, v.v., có thể… có được hình thái hàng hóa thông qua giá cả của chúng. (Tr.61 [102])

 

 Việc đo lường các giá trị bằng tiền, hình thức giá cả, ẩn chứa sự cần thiết của sự xa lánh. Trong khi sự lý tưởng hóa việc định giá ẩn chứa một thực tế, đó là sự lưu thông.

 

B. Phương tiện lưu thông

B1. Sự biến hóa của hàng hóa

 

 Với hình thái đơn giản: H – T – H nội dung vật chất của nó là H = H. Ở đây, giá trị trao đổi là xa lạ trong khi giá trị sử dụng được nắm bắt.

 

 A. Giai đoạn thứ nhất: H – T = bán hàng, trong đó cần có hai người, và do đó có khả năng thất bại – tức là bán dưới giá trị, hoặc thậm chí dưới giá thành sản xuất, nếu như giá trị xã hội của hàng hóa thay đổi.

 

"Sự phân công lao động biến sản phẩm của lao động thành hàng hóa và do đó làm cho việc biến nó thành tiền trở thành tất yếu."

 

 Đồng thời, nó cũng làm cho sự chuyển hóa này có thành công hay không trở thành sự tình cờ. (Tr.67 [108]) Tuy nhiên, khi xem xét hiện tượng ở dạng thuần túy, H – T giả định rằng người sở hữu tiền (trừ khi anh ta là người sản xuất vàng) trước đây đã nhận được tiền của mình thông qua trao đổi các hàng hóa khác; do đó, ngược lại, nó không chỉ là H – T cho người mua, mà nó còn giả định rằng anh ta đã thực hiện một giao dịch mua bán trước đó, v.v., để chúng ta có một chuỗi mua và bán bất tận.

 

 B. Điều tương tự cũng diễn ra ở giai đoạn thứ hai, T – H – tức là mua, nhưng cũng đồng thời, là bán cho bên kia.

 

 C. Tổng quan của quá trình, do đó, là một sự liền mạch của mua và bán, hay sự lưu thông hàng hóa. Điều này hoàn toàn khác với việc trao đổi trực tiếp sản phẩm; thứ nhất, giới hạn cá nhân và cục bộ của việc trao đổi trực tiếp sản phẩm đã bị phá vỡ, và sự chuyển hóa sức lao động của con người được thực hiện; nhưng mặt khác, ở đây có vẻ như toàn bộ quá trình phụ thuộc vào các quan hệ xã hội tự phát trong quá trình phát triển của chúng và không phụ thuộc vào các tác nhân. (P.72 [112]) Trao đổi giản đơn đã bị dập tắt trong một hành động trao đổi, nơi mà mỗi trao đổi không phải là giá trị sử dụng cho giá trị sử dụng; tiền tiến hành sự lưu thông vô hạn. (Tr73 [112])

 

 Ở đây có một sai lầm giáo điều kinh tế học rằng: Sự lưu thông hàng hóa liên quan tới sự cần thiết của một trạng thái cân bằng giữa mua và bán, bởi vì mọi kẻ mua cũng vừa là người bán và ngược lại, tức là, mọi người bán sẽ tìm thấy kẻ mua cho mình trên thị trường.

 

(1) Mua và bán ở một mặt là hành động không tý khác biệt của hai kẻ ở hai cực đối diện nhau (các cực là hai đầu trục của một hình cầu); ở mặt khác, chúng là hai hành vi trái ngược nhau của một và cùng một người. Do đó, sự đồng nhất giữa mua hay bán ngụ ý rằng hàng hóa là vô dụng trừ khi nó được bán và tương tự như vậy trường hợp này cũng có thể xảy ra.

 

(2) H – T, như một phần của quá trình, cũng như là một quá trình độc lập và có ngụ ý rằng kẻ kiếm được tiền có thể chọn thời điểm mà anh ta lại chuyển số tiền này thành hàng hóa. Anh ấy có thể đợi.

 

 Nội hàm thống nhất của các quá trình độc lập H – T và T – H vận động trong vẻ ngoài đối lập chính bởi tính độc lập của các quá trình này; và một khi các quá trình phụ thuộc lẫn nhau này đạt tới một giới hạn độc lập nhất định thì sự thống nhất giữa chúng xác quyết chính nó trong một cuộc khủng hoảng. Do đó mà khả năng xảy ra về sau đó được đặt ra ở đây.

 

 Là vật trung gian trong lưu thông hàng hoá, tiền tệ là phương tiện lưu thông.

 

B2. Tiền tệ

 

 Tiền là phương tiện cho mỗi hàng hóa riêng lẻ vào và ra khỏi lưu thông; nó luôn tồn tại ở đó. Và do đó, mặc dù lưu thông tiền tệ chỉ đơn thuần là biểu hiện của lưu thông hàng hoá, nhưng sự lưu thông hàng hoá dường như lại là kết quả của lưu thông tiền tệ. Vì tiền luôn nằm trong lĩnh vực lưu thông, câu hỏi được đặt ra là: có bao nhiêu tiền trong đó?

 

 Lượng tiền đang lưu thông được xác định bằng tổng giá cả của hàng hóa (khi giá trị tiền không thay đổi) và cái sau lại được quy định bởi số lượng hàng hóa đang lưu thông. Giả sử rằng số lượng hàng hóa này được cố định thì lượng tiền lưu thông sẽ biến động cùng với sự biến động trong giá cả của hàng hóa. Bây giờ, vì một và cùng một đồng tiền luôn làm trung gian cho một số giao dịch liên tiếp trong một thời gian nhất định, nên trong một khoảng thời gian nhất định, chúng ta có:

 

Tổng giá cả của hàng hóa

 

 

Số lượng tiền hoạt động như phương

—————————————————

 

=

tiện lưu thông

Số lần chuyển dịch được thực hiện bởi một phần tiền

 

 

(Tr. 80 [120])

 

 Do đó, tiền giấy có thể thay thế cho tiền vàng nếu nó được ném vào một hệ thống lưu thông đã bão hòa.

 

 Bởi sự lưu hành tiền tệ chỉ là sự phản chiếu quá trình lưu thông hàng hoá nên tính mau lẹ của lưu thông phản chiếu sự thay đổi trong hình thái của hàng hoá, sự trì trệ của nó, sự phân hoá giữa mua và bán, sự trì trệ của chuyển hoá xã hội. Tất nhiên, không thể được nhận ra được nguồn gốc của sự trì trệ này từ bản thân sự lưu thông, thứ vốn dĩ chỉ biểu lộ được sự có mặt của hiện tượng đó mà thôi. Lũ tầm thường thì cho đó là do không đủ phương tiện lưu thông. (Tr81 [121])

 

 Do đó:

(1) Nếu giá cả hàng hóa không đổi, lượng tiền lưu thông tăng lên khi lượng hàng hóa lưu thông tăng lên hoặc quá trình lưu thông tiền tệ sẽ bị chậm lại; và sụt giảm nếu ngược lại.

(2) Với sự gia tăng chung của giá cả hàng hóa, lượng tiền lưu thông không đổi nếu số lượng hàng hóa giảm hoặc tốc độ lưu thông tăng theo cùng một tỷ lệ.

(3) Với sự sụt giảm chung của giá cả hàng hóa thì diễn ra điều trái ngược với điều (2).

 

 Nhìn chung là có một hình thức cân bằng khá ổn định mà từ đó những sai lệch đáng kể hầu như chỉ có thể xảy ra do kết quả của các cuộc khủng hoảng.

 

B3. Đồng tiền. Biểu tượng của giá trị

 

 Tiêu chuẩn về giá cả được ấn định bởi nhà nước, cũng giống như mệnh giá của một miếng vàng cụ thể – đồng tiền, và việc định cỡ nó. Trên thị trường thế giới, những bộ cánh của riêng mỗi quốc gia dân tộc lần nữa được rũ bỏ (không tính đến Thuế đúc tiền ở đây), theo đó đồng xu và vàng thỏi chỉ khác nhau về hình thức. Nhưng dẫu bị mòn đi trong quá trình lưu thông thì đồng xu, tức vàng, với tư cách là phương tiện lưu thông, khác biệt vàng với tư cách là tiêu chuẩn của giá cả. Đồng xu ngày càng trở thành một thứ tượng trưng cho hàm lượng chính thức của nó.

 

 Bằng cách này, mở ra khả năng tiềm ẩn cho sự thay thế tiền kim loại bằng các  những vật làm tin hoặc vật tượng trưng. Bởi thế:

 

(1) Tiền đúc nhỏ bằng đồng hay bạc, những vật làm tin, bị ngăn trở để thiết lập vị trí thường trực thay thế cho tiền vàng thật bởi sự hạn chế về số lượng mà chúng được hợp pháp hóa.

 Hàm lượng kim loại của chúng được xác định hoàn toàn tùy ý theo luật định, và do đó với chức năng là tiền đúc chúng trở nên độc lập với giá trị của chúng. Từ đó, có thể tiến thêm một bước nữa đối với các vật tượng tượng chẳng có giá trị gì:

 

(2) tiền giấy – tức là tiền giấy do nhà nước phát hành, lưu hành bắt buộc. (Tiền tín dụng chưa được thảo luận ở đây.)

 

 Chừng nào mà tiền giấy này trên thực tế được lưu hành thay cho tiền vàng, nó vẫn phải tuân theo các quy luật về lưu thông tiền tệ. Chỉ có cái tỷ lệ mà trong đó giấy được thay thế cho vàng mới có thể là đối tượng cho một quy luật đặc biệt, đó là: việc phát hành tiền giấy bị giới hạn ở số lượng vàng mà nó đại diện thực sự có trong lưu thông. Mức độ bão hòa của lưu thông thường dao động, nhưng ở mọi nơi kinh nghiệm đã xác quyết rằng có một mức tối thiểu mà nó không bao giờ giảm xuống dưới mức đó. Mức tối thiểu này có thể ban hành được. Nếu phát hành nhiều hơn mức tối thiểu đó, một phần sẽ trở nên thừa thãi ngay khi mức độ bão hòa hạ xuống mức tối thiểu. Trong trường hợp đó, tổng lượng tiền giấy trong thế giới hàng hóa vẫn chỉ là đại diện cho số lượng vàng được cố định bởi các quy luật nội tại của thế giới đó và cũng chỉ có thể đại diện cho chừng đó mà thôi. Vì vậy, nếu số lượng tiền giấy gấp đôi lượng vàng có thể hấp thụ được thì mỗi tờ tiền giấy sẽ bị giảm giá còn một nửa so với giá trị danh nghĩa của nó. Ngay cả nếu như vàng thay đổi trong chức năng của nó như là thước đo cho giá cả, giá trị trong chính nó. (Tr89 [128])

 
C. Tiền

 

C1. Tích trữ

 

 Ngay thuở mới manh nha thì lưu thông hàng hoá đã phát sinh nhu cầu cũng như ham muốn đến say mê để nắm giữ nhanh chóng thành quả của H – T: tiền. Từ một khâu trung gian cho sự thay đổi của vật chất, sự thay đổi về hình thức này trở thành cái kết cho chính nó. Tiền hóa đá thành một thứ để tích trữ; người bán hàng hóa trở thành kẻ tích trữ tiền. (Tr91 [130])

 

 Hình thức này đúng là đã chiếm ưu thế trong thời kỳ đầu của lưu thông hàng hóa. Châu Á. Với sự phát triển hơn nữa của lưu thông hàng hóa, mỗi người sản xuất hàng hóa phải đảm bảo cho mình những mối liên kết (nexus rerum), tiền thế chấp xã hội. Do đó, những khoản tích trữ chồng chất thêm ở khắp mọi nơi. Lưu thông hàng hoá phát triển làm tăng thêm sức mạnh của đồng tiền, một dạng hoàn toàn mang tính xã hội của của cải, luôn sẵn sàng để được sử dụng. (Tr.92 [131]) Sự thôi thúc để tích trữ, một cách tự nhiên, là vô hạn. Xét về mặt chất lượng hay về hình thức của nó thì tiền làm gì có giới hạn – nó là đại diện phổ biến cho mọi của cải vật chất – vì nó có thể chuyển đổi trực tiếp thành bất kỳ hàng hóa nào. Tuy nhiên, về mặt định lượng, mọi khoản tiền thực tế đều có giới hạn – và do đó, chỉ có hiệu quả hạn chế như là một phương tiện để mua hàng. Sự mâu thuẫn này luôn khiến cho người tích trữ quay trở lại, hết lần này đến lần khác, việc tích trữ như giã tràng xe cát. (Trong bài thì Engels dùng thần thoại Hy Lạp về Sisyphus làm phép ẩn dụ)

 

 Bên cạnh đó, sự tích tụ của vàng và bạc dưới dạng miếng tạo ra cả một thị trường mới cho những kim loại này và một nguồn tiền tiềm ẩn.

 

 Tích trữ đóng vai trò như một ống dẫn cung cấp hoặc rút tiền khỏi lưu thông theo sự biến động liên tục về mức độ bão hòa của lưu thông. (Tr95 [134])

 

 C2. Phương tiện thanh toán

 

 Cùng với sự phát triển của lưu thông hàng hoá, những điều kiện mới đã xuất hiện: sự chuyển nhượng một loại hàng hoá có thể tách rời về thời điểm với việc nhận tiền từ việc bán nó. Hàng hóa đòi hỏi những khoảng thời gian khác nhau để sản xuất ra chúng; chúng được sản xuất trong các mùa khác nhau; một số phải được gửi đến các thị trường xa xôi, v.v… Do đó, A có thể bán trước cho B, người mua có khả năng thanh toán. Thực tiễn đã quy định các điều kiện thanh toán theo cách này: A trở thành chủ nợ, B là con nợ: tiền trở thành phương tiện cho thanh toán. Do đó, mối quan hệ giữa chủ nợ và con nợ đã trở nên đối kháng hơn. (Điều này cũng có thể xảy ra độc lập với lưu thông hàng hóa – ví dụ, trong thời cổ đại và thời Trung cổ.) (Tr .97 [135])

 

Trong mối quan hệ này, tiền có chức năng:

 

(1) Như là thước đo giá trị để xác định giá của hàng hóa được bán;

(2) Như là một phương tiện lý tưởng để mua hàng.

 

 Trong tích trữ, tiền bị rút khỏi lưu thông; nhưng ở đây, là một phương tiện thanh toán, tiền lại đi vào lưu thông, nhưng đó là chỉ sau khi hàng hóa đã rời khỏi đó. Khoản nợ mà người mua mắc nợ kẻ bán buộc phải được trả, hoặc anh ta sẽ bị đem ra đấu giá. Vì vậy, tiền bạc lúc này tự nó trở thành mục đích của việc mua bán thông qua một nhu cầu xã hội phát sinh từ những mối quan hệ của chính quá trình lưu thông. (Tr.97-98 [136])

 

 Sự không đồng thời của việc mua và bán làm phát sinh chức năng của tiền như là một phương tiện của thanh toán, đồng thời mang lại một cơ cấu kinh tế cho các phương tiện lưu thông, các khoản thanh toán được tập trung tại một nơi nhất định. Sự chuyển khoản (chuyển tiền bằng hối phiếu từ tài khoản của chính mình sang tài khoản khác) đã có ở Lyons vào thời Trung cổ – một loại hình cơ quan thanh toán bù trừ, nơi chỉ số dư ròng của các yêu cầu tương ứng được thanh toán. (Tr98 [137])

 

 Chỉ trong chừng mực mà các khoản thanh toán cân bằng với nhau, chỉ như thế tiền mới có chức năng lý tưởng như thế thì chức năng tiền kế toán hoặc thước đo giá trị. Trong chừng mực mà thanh toán trên thực tế phải được thực hiện, nó không xuất hiện như một phương tiện lưu thông, chỉ như hình thức triệt tiêu và trung gian cho quá trình trao đổi chất, mà còn như là sự cá nhân hóa của lao động xã hội, như là thực thể độc lập của giá trị trao đổi, như là hàng hóa hoàn toàn. Mâu thuẫn rõ ràng này bùng phát trong một giai đoạn của cuộc khủng hoảng sản xuất và thương mại mà người ta gọi là khủng hoảng tiền tệ. Nó chỉ xảy ra ở nơi mà chuỗi thanh toán đang tiến triển và một hệ thống nhân tạo để giải quyết chúng đã được phát triển đầy đủ. Với những xáo trộn chung của cơ chế này, bất kể nguồn gốc của chúng là gì, tiền thay đổi đột ngột và ngay lập tức từ hình dạng đơn thuần là tiền ý niệm thành tiền kim loại; hàng hóa thông thường không còn có thể thay thế nó. (Tr99 [138])

 

 Tiền tín dụng bắt nguồn từ chức năng của tiền như là phương tiện thanh toán;  các văn tự nợ, đến lượt mình cũng lưu thông khi các khoản nợ chuyển từ người này qua người khác. Với hệ thống tín dụng, chức năng của tiền như một phương tiện thanh toán một lần nữa được mở rộng; trong tư cách đó, tiền có được các hình thức tồn tại của riêng nó, trong tư cách đó nó chiếm lĩnh lĩnh vực giao dịch thương mại quy mô lớn, trong khi tiền xu chủ yếu được chuyển tới lĩnh vực thương mại bán lẻ. (Tr101 [139-40])

 

 Ở một giai đoạn và mức độ nhất định của sản xuất hàng hóa, chức năng của tiền tệ như là một phương tiện thanh toán lan rộng ra ngoài phạm vi của lưu thông hàng hóa; nó trở thành hàng hóa phổ biến cho các khế ước. Tiền thuê nhà, thuế và những thứ tương tự được chuyển từ thanh toán bằng hiện vật thành thanh toán bằng tiền. Ở Pháp dưới thời Louis XIV. (Boisguillebert và Vauban); mặt khác, ở Châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, v.v. (P.102 [140-41])

 

 Sự phát triển của tiền thành phương tiện thanh toán đòi hỏi phải tích lũy tiền trước ngày đáo hạn. Việc tích trữ, như một hình thức phân biệt sự giàu có, đã biến mất một khi xã hội phát triển hơn nữa, và xuất hiện trở lại như một quỹ dự trữ cho phương tiện thanh toán. (Tr103 [142])

 

C3. Tiền phổ biến

 

 Trong thương mại thế giới, các dạng tiền xu địa phương – tiền đúc nhỏ và tiền giấy – bị loại bỏ và chỉ có dạng thỏi của tiền mới có giá trị như là tiền phổ biến. Chỉ trên thị trường thế giới, tiền mới có chức năng đầy đủ như là một hàng hoá mà hình thái vật chất của nó đồng thời là hiện thân xã hội tức thời của con người trong lao động trừu tượng. Phương thức tồn tại của nó trở nên tương xứng với khái niệm về nó. (Tr.103-04 [142]; chi tiết tr.105 [145])

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận