PHỤ NỮ TRONG ĐẢNG BÁO ĐEN

Tác giả: Leela Yellessety

(Bài viết được trích từ mục phỏng vấn có tên “Women in the Black Panther Party: A roundtable”, được đăng trên số 111 của tạp chí International Socialist Review, phát hành vào năm 2018. Phần được lược dịch dưới đây là phần mở đầu của cuộc phỏng vấn, được viết bởi Leela Yellessety. Mọi hình ảnh ở dưới đều được người biên dịch thêm vào với mục đích minh hoạ.)


Kathleen Cleaver (giữa) đứng cùng với Bobby Seale (phải), người đồng sáng lập đảng Báo đen.
Ảnh: Howard Bingham.

Vào tháng hai năm 1970, bí thư phụ trách truyền thông của đảng Báo đen Kathleen Cleaver được một phóng viên của tờ Washington Post hỏi ý kiến của cô về vai trò của phụ nữ trong cách mạng.  Cleaver trả lời rằng: “Tại sao không ai hỏi vai trò của đàn ông trong cách mạng là gì?”

Đối với nhiều người, cứ nhắc đến đảng Báo đen là họ sẽ nghĩ tới những người đàn ông da đen, mặc áo khoác da, đầu đội mũ nồi và tay cầm súng. Tuy nhiên, theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi chủ tịch Đảng Bobby Seale vào năm 1969, hơn 60% đảng viên là phụ nữ. Những thành viên này đóng vai trò chủ chốt trong mọi khía cạnh của đảng, và một số người còn giữ những chức vụ lãnh đạo quan trọng. Công lao của những người phụ nữ này thường xuyên bị các nhà sử học và các phương tiện thông tin đại chúng bỏ qua.

Dù vậy, nghiên cứu gần đây đã dần sáng tỏ vai trò của phụ nữ trong đảng Báo đen nói riêng và phong trào đấu tranh của người da đen nói chung. Trải nghiệm của những nữ đảng viên trong đảng Báo đen là một cơ hội học tập vô cùng quý giá đối với các nhà hoạt động đương đại, từ đấu tranh cho quyền người da màu, tham gia vào phong trào #metoo, đến cả những ai muốn khám phá khái niệm “giao thoa” để hiểu thêm về sự áp bức dựa trên cơ sở chủng tộc, giai cấp và giới tính.

Đảng Báo đen được sinh ra trong khi cả thế giới đang trỗi dậy. Trên lãnh thổ nước Mỹ, việc đấu tranh chống lại phân biệt chủng tộc đã mở ra cánh cửa cho hệ tư tưởng cấp tiến ùa vào. Đi theo những tư tưởng này là những cái nhìn tiến bộ hơn về chiến tranh, chủ nghĩa đế quốc, áp bức phụ nữ và cộng đồng LGBT, cho tới cả bất bình đẳng giai cấp và chủ nghĩa tư bản.  Vào cuối những năm 60, hàng triệu thanh niên Mỹ tin rằng đất nước mình cần có một cuộc cách mạng. Hàng ngàn người trong số này đã trực tiếp tham gia vào những tổ chức cách mạng, trong đó có đảng Báo đen.

Sáu thành viên đảng Báo đen, trong đó bao gồm Delores Henderson, Joyce Lee, Mary Ann Carlton, Joyce Means and Paula Hill, tập trung để biểu tình tại Oakland, California vào năm 1968. Ảnh: Pirkle Jones Foundation.

Cương lĩnh Mười điều của đảng Báo đen đã vạch ra những mục tiêu như là giải phóng và quyền được cung cấp việc làm, nhà ở, giáo dục và quyền tự quyết. Trong thời kỳ đầu thì đảng chú tâm đặc biệt vào điều 7: đấu tranh chống lại bạo lực cảnh sát. Bằng cách sử dụng quyền mà Hiến pháp Mỹ đã trao cho họ, đảng Báo đen đã kiên quyết sử dụng súng đạn để bảo vệ cộng đồng người da đen khỏi lực lượng cảnh sát.

Theo như các nhân chứng thì nữ đảng viên đầu tiên của đảng Báo đen là Tarika Lewis, có biệt danh là Matilaba. Lewis là học sinh tại trường cấp ba Oakland Technical High School, và là người hoạt động chính trị sôi nổi. Bà là một trong những học sinh đầu tiên kêu gọi mở chương trình học về lịch sử người da đen tại trường mình. Khi 16 tuổi, Lewis bước vào văn phòng của đảng và nói: “Cương lĩnh và mấy thứ khác của mọi người có vẻ hay đấy. Tôi cũng đồng tình với mấy cái đó. Liệu tôi có tham gia được không, vì tôi chẳng thấy chị em nào ở đây cả”. Khi Bobby Seale đồng tình, Lewis ngay lập tức hỏi: “Mọi người có khẩu súng nào cho tôi không?” Câu trả lời cũng là có.

Lewis nhanh chóng đảm nhiệm vô số chức vụ lãnh đạo khác nhau, như là giảng dạy ở các lớp tập huấn, làm chủ tọa trong các buổi học tập, và đóng góp cho tờ báo đảng. Là lãnh đạo chi hội, Lewis nhớ rằng không phải lúc nào các thành viên nam cũng tôn trọng bà. Tuy nhiên, “cứ mỗi lần đàn ông nói rằng ‘Bà là con gái, tôi nghe bà làm gì’ thì tôi sẽ mời họ ra trường bắn, và sẽ bắn chuẩn hơn họ.”

Đảng Báo đen ngay từ ban đầu đã có chính sách bình đẳng giới, khác hẳn với những nhóm cánh tả thời đó. Assata Shakur cho rằng bà tham gia đảng Báo đen vì các tổ chức dân tộc da đen khác thường có chính sách về giới không phù hợp với bà:

Đảng Báo đen là tổ chức tiến bộ nhất lúc đó, và hình tượng người phụ nữ trong tài liệu tuyên truyền của họ. . . cũng tích cực hơn cả. . . Lúc đấy thì những tổ chức khác thường phân biệt nam nữ một cách cực đoan . . . Mọi thứ đều bị cực đoan hoá bởi cái công cuộc tìm lại cái khí chất nam nhi . . . cho dù nó cũng là hành động tự hại . . . Đối với tôi thì tham gia đảng Báo đen là lựa chọn phù hợp nhất.

JoAnne Chesimard, hay còn được gọi là Assata Shakur, bị cảnh sát dẫn về nhà tù hạt Middlesex để chờ xét xử vụ giết viên cảnh sát Werner Foerster. Bà được coi là “linh hồn” của Quân đội Giải phóng Da đen (Black Liberation Army), và là phụ nữ đầu tiên lọt vào danh sách truy nã mức cao nhất của FBI. Ảnh: Getty Images.

Lý do giải thích cho hiện tượng này có thể được tìm thấy trong báo cáo Moynihan, được viết năm 1965. Báo cáo có tên “The Negro Family: The Case for National Action” (Da đình da màu: Sự cần thiết của hành động cấp quốc gia) cho rằng nguyên nhân đằng những vấn đề mà cộng đồng da màu phải đối mặt là khái niệm gọi là “mạng lưới bệnh lý”. Cụ thể, báo cáo này cho rằng đàn ông da đen không thể làm tốt được vai trò của mình trong một xã hội gia trưởng, từ đó dẫn đến một cấu trúc “mẫu quyền”, hay là những hộ gia đình được quản lý bởi phụ nữ.

Một số luận điểm trong báo cáo Moynihan được thể hiện trong ghi chép của một số lãnh đạo nam của đảng. Tuy nhiên, theo họ thì nguyên nhân của sự khổ sở không phải là do “mạng lưới bệnh lý”, mà là hậu quả của một xã hội phân biệt chủng tộc. Dù là gì đi nữa thì những đảng viên này thường muốn khôi phục lại tính nam nhi của mình bằng cách tham gia đảng. Nhưng chính điều này lại khiến phụ nữ trong đảng bị thiệt thòi.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho thái độ trọng nam khinh nữ trong hàng ngũ lãnh đạo đảng chính là Eldridge Cleaver, người lên chức bộ trưởng bộ thông tin vào năm 1967. Cleaver, người từng có tiền án hiếp dâm, cho rằng việc hiếp dâm phụ nữ da trắng là hành động cách mạng, và ông ta bảo rằng sẽ rèn luyện hành vi cách mạng này bằng cách thực hành nó trên phụ nữ da đen. Cleaver chưa bao giờ tự bác bỏ những quan điểm này, kể cả khi ông ta đã tham gia đảng.

Kathleen và Eldridge Cleaver, cùng với đứa con mới sinh của mình tại Algiers, Algeria vào năm 1969. Ảnh: Abayomi Azikiwe.

Thời kỳ đầu thì những thành viên nữ được gọi là “Báo cái”, và đảng có hẳn hệ thống cấp bậc và cơ cấu tổ chức riêng cho thành viên nữ. Những hệ thống này về sau đã bị loại bỏ. Trong chiến dịch tranh cử năm 1968 với đảng Hoà bình và Tự do thì Eldridge Cleaver còn rêu rao khái niệm “quyền lực âm đạo”, và cho rằng phụ nữ không nên làm tình với những ai không bầu cho đảng.

Những ví dụ trên và vô vàn các ví dụ khác thường được dùng làm minh chứng rằng đảng Báo đen là đảng trọng nam khinh nữ. Tuy nhiên, nhận định trên lại bỏ quên bối cảnh xã hội bao trùm hoạt động của đảng, cũng như là những tiến bộ về bình đẳng giới mà đảng đã đạt được chỉ trong vài năm ngắn ngủi. Kathleen Cleaver đã chỉ ra rằng:

Điều đặc biệt nhất về mối quan hệ giữa các giới trong đảng Báo đen là nó không hề phản ánh lại quan hệ giới của xã hội thời đó. Lúc đó, thế giới vô cùng ghét phụ nữ và vô cùng độc đoán. Chính vì vậy nên chúng tôi mới đứng dậy chống lại nó. Việc phụ nữ bị hành hạ, đánh đập và bỏ quên không phải là lỗi của đảng Báo đen, mà nó là điều đang diễn ra trên khắp thế giới vào giai đoạn đó. Điều khác biệt ở đây là đảng Báo đen đã trao phụ nữ quyền lực để họ có thể chống lại những bất công này.

Đằng sau khẳng định trên là một số diễn biến lịch sử. Trong thời kỳ đầu của đảng, chiến dịch theo dõi và càn quét bạo lực của cảnh sát và FBI đã khiến nhiều lãnh đạo nam bị bỏ tù hoặc hi sinh. Những thành viên nữ thường là những người đứng lên và thế chỗ họ. Tuy nhiên, các nữ đảng viên này cũng không thể tránh được sự đàn áp của chính phủ. Vào tháng năm, năm 1969, Ericka Huggins và hầu hết lãnh đạo của chi hội New Haven (thuộc bang Connecticut) đã bị bắt với tội danh giết người. Có 8 bị cáo thì 5 người là phụ nữ, và 3 người trong số đó đang mang thai. Những đảng viên bị giam cầm đã cùng tập hợp với tù nhân khác và đòi quyền được điều trị y tế tốt hơn.

Áp phích đòi quyền tự do cho Erica Huggins được thiết kế bởi chi hội Connecticut của đảng Báo đen. Ảnh:  Swann Auction Galleries.

Sự việc này đã khiến những lãnh đạo cao cấp nhất của đảng Báo đen phải lên tiếng. Và một trong những người đã làm điều này chính là Eldridge Cleaver. Trong một thông cáo trong tờ báo đảng, ông đã ghi:

Các chị em, và đặc biệt là các anh em của tôi, đây chính là bài học và ví dụ điển hình về nỗi đau mà phụ nữ trong đảng phải đối mặt trong quá trình chúng ta đấu tranh. Nỗi khổ sở trong tù ngục của đồng chí Ericka nên là một lời khiển trách nghiêm trọng cho tất cả những hành vi trọng nam khinh nữ trong đảng ta. . . Chúng ta phải nhận ra rằng phụ nữ làm cách mạng giỏi không kém gì nam, và phụ nữ có địa vị bình đẳng. . . Đạo đức cách mạng yêu cầu chúng ta phải trừng phạt thật nghiêm khắc tất cả những ai có hành vi trọng nam khinh nữ.

Theo sau đó là những phát ngôn tương tự của Huey Newton và Bobby Seale. Trong đó thì cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chống lại mọi hành vi áp bức, và cả việc tạo dựng mặt trận thống nhất với các phong trào giải phóng phụ nữ và người đồng tính.

Những “dự án sinh tồn” của đảng, nổi tiếng nhất là chương trình bữa sáng miễn phí cho trẻ em, cũng đã cho phép phụ nữ đứng lên vị trí lãnh đạo cao nhất trong đảng và trong cả cộng đồng của họ. Mặc dù những dự án sinh tồn này đã thu hút rất nhiều phụ nữ đến với đảng nhưng chúng chưa bao giờ được coi là việc của đàn bà. Đảng yêu cầu những đồng chí nam phải đóng góp, và họ đúng là đã đóng góp rất nhiều vào tất cả những dự án trên. Bằng cách này thì những đồng chí nam đã xoá mờ những định kiến về giới tính trong đảng và trong cả những cộng đồng mà họ đang phục vụ.

Đảng viên Charles Bursey phục vụ đồ ăn sáng miễn phí cho trẻ em tại nhà thờ giáo hội giám nhiệm St. Augustine vào năm 1970. Ảnh: University of California, Santa Cruz.

Dù vậy nhưng phụ nữ vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức và vận hành những dự án trên, và điều này làm được là do năng lực vượt trội của họ. Nguyên đảng viên Báo đen Malika Adams đã chỉ ra:

Phụ nữ gần như là những người vận hành đảng Báo đen. Tôi không biết tại sao mọi người lại nghĩ nó là đảng của đàn ông. Vì những dự án chúng tôi làm thì toàn là những thế mạnh của phụ nữ, như là cho trẻ em ăn, chăm sóc người ốm,…

Hơn nữa, các thành viên nữ của đảng còn đề xuất ra những lý thuyết và hành động thực tiễn liên quan đến các vấn đề như chủng tộc, giới tính và giai cấp. Những ý tưởng này cũng đã trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách của đảng. Đảng Báo đen đôi khi cũng phối hợp cùng với các hội phụ nữ khác. Tuy nhiên, phụ nữ trong đảng Báo đen nhấn mạnh rằng hiện tượng phân biệt giới tính ảnh hưởng tới phụ nữ da đen theo một cách khác hẳn so với phụ nữ da trắng, đặc biệt là những người phụ nữ da trắng trung lưu thường đứng đầu những hội phụ nữ này.

Lý giải cho điều này thì phụ nữ của đảng Báo đen cho rằng: dù một số thành viên nam cũng chưa bỏ được định kiến, nhưng tất cả đảng viên đều hợp sức chống lại phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản. Trong một buổi phỏng vấn được đăng tải trên tờ báo đảng The Black Panther, một số thành viên nữ cho rằng những hành vi trọng nam khinh nữ trong nội bộ đảng phải được giải quyết.

Một số người coi những mâu thuẫn giữa nam và nữ như là một trong những mâu thuẫn chính trong xã hội tư bản, và vì vậy nên họ biến hoá cái mâu thuẫn này . . trở thành một mối thù địch. Thực chất thì đó không phải là sự thật. Đây là mâu thuẫn giữa những con người với nhau chứ không phải là mâu thuẫn giữa hai kẻ thù.

Những phụ nữ thuộc đảng Báo đen đã đóng vai trò rất tích cực trong việc chống lại những hành vi phân biệt giới tính, được thực hiện thông qua tờ báo đảng và cả việc tổ chức các hoạt động hàng ngày. Bộ trưởng bộ văn hoá của đảng Emory Douglass hồi tưởng lại những đóng góp này trong cuộc phỏng vấn năm 2015  với tờ Socialist Worker:

Chúng tôi phải đối mặt với những người có định kiến bằng cách mở những lớp giáo dục chính trị. Hơn nữa, những đồng chí không muốn làm việc cùng với phụ nữ hoặc dùng ngôn từ không phù hợp, nói chung là thực hiện những hành vi làm suy đồi đạo đức đảng, thì phải được chỉnh đốn vì các chị em yêu cầu vậy. Nếu các anh em có các hành vi như vậy thì họ bắt buộc phải nhận lệnh từ các chị, và phải học cách tôn trọng họ như các đồng chí.

Chủ tịch đảng Báo đen Elaine Brown đang phát biểu. Ảnh: elainebrown.com.

Khi đảng phát triển mạnh tại Oakland thì phụ nữ ngày càng thống trị bộ máy lãnh đạo của đảng. Vào năm 1974 thì Elaine Brown (ảnh) trở thành chủ tịch đảng và đã bộ nhiệm một số phụ nữ vào uỷ ban trung ương. Những người phụ nữ này còn có đóng góp vô cùng lớn vào một số chương trình cộng đồng, như là việc thành lập Trường cộng đồng Oakland. Ngôi trường này về sau đã trở thành hình mẫu cho phương thức “giáo dục giải phóng”.

Phụ nữ cũng đã thúc đẩy đảng đề cập đến vấn đề sinh sản và gia đình. Phong cách sống cộng đồng của hầu hết các đảng viên đã cho họ cơ hội để thử nghiệm một mô hình gia đình mới, khác hẳn với gia đình hạt nhân truyền thống. Trong mô hình mới này thì mọi thành viên của cộng đồng đều phải tham gia vào việc nấu ăn, dọn dẹp và nuôi nấng con trẻ của mình lẫn của các thành viên khác.

Vào năm 1972 thì Audrea Jones đã viết một bức thư trình bày ý kiến, trong đó gợi ý rằng cả đàn ông và phụ nữ nên tham gia vào các lớp giáo dục về các biện pháp tránh thai được đảng tổ chức. Jones cho rằng nếu chỉ để phụ nữ chịu trách nhiệm cho việc tránh thai thì sẽ là “cổ hủ và không tiến bộ”.

Thật không may là các tổ chức cách mạng bắt đầu rơi vào giai đoạn suy thoái vào đúng thời kỳ phụ nữ bắt đầu đảm nhận các chức vụ quan trọng,và vào đúng lúc họ đang bắt đầu chống lại kỳ thị giới tính và các định kiến về giới tính. Chính đảng Báo đen cũng trong tình trạng suy giảm quyền lực, dẫn đến sụp đổ hoàn toàn dưới sức nặng của sự đàn áp của chính phủ và mâu thuẫn nội bộ.

Dù tồn tại không lâu nhưng đảng Báo đen đã đóng vai trò là một nguồn cảm hứng quan trọng và là một bài học đắt giá cho các nhà hoạt động thời nay. Trên trang web rs21, Shanice McBean đã viết:

Việc phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong các phong trào đấu tranh chống lại bạo lực cảnh sát và khẳng định quyền sống người da đen chính là. . . minh chứng hùng hồn cho sức mạnh của những phong trào này. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại kỳ thị giới tính phải là cuộc chiến lâu dài, và ta phải chủ động chiến đấu, nếu không thì nó sẽ thất bại. . . . Để đoàn kết trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng là áp bức bóc lột thì ta phải vượt qua một chặng đường bẩn thỉu, đầy chông gai và đầy gian khổ. Lịch sử của đảng Báo đen là minh chứng cho điều này. Ta không thể đạt được đoàn kết bằng cách lờ đi những mối quan hệ xã hội đang chia rẽ mọi người. Thay vào đó, ta phải đối diện nó một cách ngay thẳng. Phong trào của chúng ta không thể sạch bóng uẩn khúc được. Những người phụ nữ trong đảng Báo đen đã đóng vai trò chủ chốt trong việc phát triển khung sườn cho một đảng không còn kỳ thị giới tính. Họ làm được điều này bằng cách cùng lúc vừa phê bình tư tưởng kỳ thị của các thành viên nam, lại vừa đứng kề vai sát cánh họ để đoàn kết chống lại cảnh sát.


Vũ Trọng Hiếu dịch

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận