BÁNH MÌ VÀ HOA HỒNG – Một lịch sử đấu tranh.

Đối với bất cứ ai quan tâm tới vấn đề người lao động thì có một bộ phim nhất thiết họ không nên bỏ qua, đó là Bánh mì và Hoa hồng của nhà làm phim Ken Loach, người đã làm khá nhiều phim về người lao động. Bộ phim được ra mắt vào năm 2000 lấy một bối cảnh khá đặc biệt. Đó là cuộc đấu tranh để thành lập công đoàn cho những người dọn vệ sinh Mỹ La tinh ở Los Angeles.


Trong khi sự áp bức và phân biệt chủng tộc chống lại người lao động da đen Hoa Kỳ đã là một điều khá rõ ràng đối với chúng ta, chúng ta còn biết rất ít về điều tương tự đối những người Mỹ la tinh ở Hoa Kỳ, đặc biệt là người nhập cư bất hợp pháp. Chúng ta biết rằng chính phủ Hoa Kỳ, bất kể đảng phái nào nắm quyền, luôn duy trì một chính sách khắc nghiệt chống lại người nhập cư bất hợp pháp từ Mỹ la tinh. Và chúng ta cũng biết rằng, ở đầu kia là những người di cư nghèo khổ sẵn sàng mạo hiểm cả mạng sống để vào được nước Mỹ. Nhưng ngoài ra chúng ta còn biết điều gì khác?

Để hình dung vấn đề ta có thể ví von thế này, nếu như có một ngày nào đó biên giới Mexico – Hoa Kỳ được khoá chặt đến mức không ai còn có thể vượt biên trái phép được nữa thì ngày đó nhiều thành phố như Los Angeles sẽ vắng bóng những người vệ sinh, làm vườn, rửa xe, giúp việc, nhân viên quán bar…, ở Michigan những trang trại sẽ vắng bóng những người thu hái. Maya, nữ chính của bộ phim, đã tâm sự một cách đầy mỉa mai: “Những kẻ vô lại đó, chúng ta cho họ ăn, chùi đít cho họ, chuẩn bị mọi thứ, chăm sóc con cái họ vậy mà họ thậm chí không thèm liếc qua chúng ta một cái!” Theo các số liệu chính thức thì ‘chúng ta’ ở đây là một con số lên tới chục triệu. Rosa, chị gái Maya, đã phải làm việc 16h một ngày với đồng lương chết đói, không phúc lợi, không bảo hiểm xã hội, thậm chí không hợp đồng lao động khiến cho cô có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào. Đó là những điều kiện làm việc mà hầu hết công dân Mỹ chính thức sẽ không chấp nhận, nhưng cô ấy chấp nhận. Bởi vì cô ấy là người nhập cư bất hợp pháp, thường xuyên bị đe dọa trục xuất, bởi vì cô ấy có một mẹ già và em gái bên kia biên giới cần được chu cấp, 2 đứa trẻ và một người chồng ốm đau. Nếu cô ấy chống lại các ông chủ cô ấy sẽ mất việc và ai sẽ chăm lo cho họ?

Rosa đã phản bội lại em gái mình và bạn bè mình khi tố cáo nỗ lực tổ chức công đoàn của họ với người quản lý,  nhưng ai có thể trách cô ấy? Cô ấy đã từng phải làm điếm để nuôi gia đình, và cũng bằng cách đó để Maya có được việc. Cô ấy đã gào vào mặt Maya khi bị trách cứ vì sự phản bội, “Tôi đã làm điếm cả đời, tôi mệt mỏi rồi!” (Chết tiệt, tôi đã khóc rất nhiều khi xem đi xem lại phân cảnh đó).

Trường hợp của Rosa chắc chắn không phải là một ngoại lệ. Những người thuê Rosa và Maya có biết họ là lao động nhập cư bất hợp pháp không? Người giám sát chắc chắn biết, cấp trên của hắn ta có lẽ biết nhưng, tất cả họ chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là cung cấp các dịch vụ vệ sinh cho ban quản lý tòa nhà với mức giá rẻ nhất có thể. Đó là cách mà nền kinh tế bóc lột này hoạt động, khai thác những người lao động nhập cư bất hợp pháp, những người không có quyền và dễ bị đe doạ.

Nói như vậy đủ để thấy rằng việc tổ chức công đoàn trong bối cảnh này thực sự gian nan. Khi công nhân bắt đầu tổ chức họ đã liên tục bị đe dọa bởi Perez, người giám sát, và thậm chí đã bị sa thải hàng loạt khi cuộc đấu tranh leo thang. Trong khi đó, nhà nước và cảnh sát đứng về các ông chủ, thậm chí công đoàn. Sam, người tổ chức công đoàn, đã phải chiến đấu không chỉ với các ông chủ mà còn cả cấp trên quan liêu, người muốn anh giới hạn các hành động vì sợ những rắc rối pháp luật và tiêu tốn ngân quỹ. Anh đã phải tổ chức công nhân không chỉ bằng rượu và âm nhạc mà còn bằng các hành động ngày một leo thang, từ biểu tình trên đường phố, gây rối, phá hoại và cuối cùng là chặn lối vào tòa nhà, hành động đã kết thúc với việc họ bị cảnh sát bắt giữ hàng loạt.

“Không ai tặng bạn hoa hồng miễn phí, bạn có biết khi nào bạn sẽ nhận được nó không? Đó là khi bạn ngừng cầu xin và tổ chức. Gắn mình với một phong trào mạnh mẽ hơn để đối đầu với những công ty hùng mạnh đang kiểm soát cuộc sống của chúng ta!”, đó là điều mà Sam đã nói. Và cuối cùng các ông chủ cũng đã phải nhượng bộ, nhận trở lại những người đã bị sa thải, cung cấp phúc lợi và bảo hiểm y tế cho người lao động. Chiến thắng đã cận kề nhưng đây không phải là một Happy ending, Maya bị trục xuất vì liên quan đến một vụ trộm cắp khi cố gắng giúp đỡ bạn mình khỏi vuột mất cơ hội học đại học. Phải chăng đó là một lời nhắc nhở của nhà làm phim? Chừng nào Nhà nước và tư liệu sản xuất còn nằm trong tay các nhà tư bản thì sớm muộn mọi nhượng bộ mà giai cấp công nhân giành được lúc này sẽ có thể bị các nhà tư bản đoạt lại sau đó.

Thực sự là mỉa mai khi viên cảnh sát nói về lòng nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ đối với Maya, họ chỉ trục xuất cô ấy thay vì ném cô ấy vào tù vài năm. Đó là cái chính phủ đã phớt lờ việc các ông chủ khai thác bóc lột người lao động nhập cư bất hợp pháp nhưng sẵn sàng ném họ vào tay những kẻ buôn người tàn bạo bằng đe dọa trục xuất. Tại sao họ phải liều mình để đến Hoa Kỳ nếu không phải vì đất nước của họ đang chìm trong nghèo đói bởi những khoản nợ của IMF, được cai trị bởi những kẻ tham nhũng, độc tài, dưới sự bảo trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ. Và bất cứ chính phủ Nam Mỹ nào muốn mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân mình với chi phí là lợi nhuận của các tập đoàn Hoa Kỳ, họ sẽ bị lật đổ. Mọi chính sách của nhà nước tư bản, dù đối nội hay đối ngoại, xét tới cùng là để phục vụ cho giai cấp thống trị.

Vậy đấu tranh cho cải cách liệu có vô nghĩa? Là những người Marxist, chúng tôi hiểu rằng nếu không có cuộc đấu tranh mỗi ngày để cải thiện điều kiện sống và làm việc cho người lao động thì sẽ không thể có cuộc đấu tranh để thay đổi xã hội. Chính nhờ cuộc đấu tranh này, thông qua những chiến thắng cũng như thất bại, người lao động mới rút ra kinh nghiệm cho chính mình và nâng cao ý thức. Đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh của những lực lượng sống, đó là cách mà Maya và các đồng chí của cô đã trưởng thành.

“Bánh mì và hoa hồng”, đó cũng là tên bài hát được lấy cảm hứng từ cuộc đình công của công nhân dệt ở Lawrence, Massachusetts vào năm 1912, nơi 1 vạn công nhân, chủ yếu là phụ nữ, đã đứng lên để chiến đấu chống lại mức lương chết đói, chiến đấu cho phẩm giá làm người. Đó là tinh thần chiến đấu mà bộ phim muốn truyền tải cũng là tinh thần sống mãi trong mỗi cuộc đấu tranh của quần chúng lao động!


Auroral, ngày 06 tháng 02 năm 2022


Link phim: https://www.youtube.com/watch?v=iOhsAmqjQG0

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận